Không chỉ là một lễ hội du xuân đơn thuần, lễ hội chùa Hương còn mang trong mình những nét đẹp về tín ngưỡng tâm linh và văn hóa truyền thống vô cùng ý nghĩa. Mỗi đầu xuân năm mới, chùa Hương lại đón hàng triệu phật tử cùng khách thập phương đến nô nức trẩy hội, vãn cảnh và lễ Phật.
Không giống bất kỳ ngôi chùa nào, chùa Hương là một quần thể hài hòa của nhiều cảnh quan và kiến trúc, bao gồm di tích lịch sử đền chùa, miếu mạo, các hang động tuyệt đẹp và núi non hữu tình.
Đã thành thông lệ từ hàng trăm năm nay, cứ mỗi độ xuân về và hoa mai trên núi Hương Sơn nở thì cũng là lúc phật tử và du khách thập phương nô nức đổ về trẩy hội chùa Hương. Đi lễ hội chùa Hương, du khách không chỉ đến để trẩy hội, đi lễ, dâng nén tâm hương tỏ lòng thành kính mà còn dành thời gian để vãn cảnh chùa và phong thủy hữu tình nơi đây.
Lễ hội chùa Hương – Lễ hội du xuân mang đậm dấu ấn văn hóa
Chùa Hương là cách nói dân gian thường gọi, trên thực tế chùa Hương hay Hương Sơn là tập hợp của cả một quần thể văn hóa – tôn giáo, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, đền thờ thần và những ngôi đình thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm của cụm đền chùa này chính là chùa Hương (hay còn gọi là chùa Trong) nằm trong động Hương Tích.
Hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, trong địa phận huyện Mỹ Đức, cách trung tâm Hà Nội chừng hơn 50km. Lễ hội chùa Hương là lễ hội xuân có tiếng lớn nhất nhì Việt Nam, và hơn cả thế, nó còn trở thành một nét văn hóa mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian – đạo Phật và nền văn hóa nông nghiệp. Lễ hội được tổ chức bắt đầu vào mùng sáu tháng Giêng và kéo dài đến hạ tuần tháng 3 Âm lịch, gần như suốt cả mùa xuân, thu hút hàng triệu khách hành hương từ khắp mọi miền đất nước.
Lễ hội chùa Hương gắn liền với tín ngưỡng dân gian thờ Chúa Ba. Dân gian lưu truyền truyền thuyết rằng, khi xưa, công chúa Diệu Thiện (tục gọi là Chúa Ba, ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm) đã đến vùng núi Hương Sơn tu hành 9 năm. Sau đó người đắc đạo thành Phật đi cứu độ chúng sinh (ngày đó gọi là ngày Phật đản 19 tháng 2 Âm lịch). Đây cũng là vào giữa mùa xuân nên trên núi nên khí trời mát mẻ, cây cỏ tốt tươi, trăm hoa đua nở.
Năm Canh Dần (1770) Chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm cùng quần thần tới đây thắp hương vãn cảnh rồi đề lên vách đá cửa động Hương Tích năm chữ “Nam Thiên Đệ Nhất Động”. Động Hương Tích đã là nơi linh địa, lại thêm được Nhà Chúa ca ngợi nên càng đắc địa lòng người. Có thể nói, Chúa Trịnh Sâm là người đưa vị thế động Hương Tích trở thành một đại danh lam, nột đại di tích và cũng là người đặt nền móng cho sự phát triển lễ hội chùa Hương tới ngày nay.
Từ đó, hàng năm khi mùa xuân đến, du khách 4 phương đến chùa Hương trẩy hội càng đông. Cho tới năm 1896, lễ hội chùa Hương chính thức bắt đầu được tổ chức như một lễ hội thực sự, có quy củ và nghi thức riêng.
Ngày nay, lễ hội chùa Hương không còn chỉ là giá trị của riêng một vùng miền mà trở thành di sản của cả quốc gia, không chỉ là một lễ hội du xuân thông thường mà còn mang ý nghĩa lớn về văn hóa, tín ngưỡng thờ của Bắc Bộ, là nơi bảo tồn và trao quyền văn hóa giữa các thế hệ và góp phần tạo ra sự đa dạng văn hóa của dân tộc.
Phần lễ – lưu giữ nét đẹp tín ngưỡng tôn giáo
Phần lễ thể hiện tín ngưỡng thờ cúng cùng niềm tin về một tổng thể tôn giáo chung ở Việt Nam, sự sùng bái tự nhiên của mỗi Phật tử và du khách về Đạo giáo, Phật giáo và Nho giáo. Phần lễ trong lễ hội chùa Hương bắt đầu với lễ khai sơn (mở cửa rừng) vào mùng 6 tháng Giêng của địa phương. Nghi lễ “mở cửa rừng” trong ngày nay còn hàm chứa ý nghĩa mới – mở cửa chùa – khai lễ.
Phần lễ được thực hiện rất đơn giản. Một ngày trước khi mở hội, tất cả các đền, chùa, đình, miếu đều khói hương nghi ngút, không khí lễ hội bao trùm cả xã Hương Sơn. Lễ dâng hương trong chùa Trong có hương, nến, đen, hoa quả và thức ăn chay. Trong khi thực hiện nghi thức cúng, có hai tăng ni mặc áo cà sa vừa chạy đàn, vừa thực hiện những động tác múa rất dẻo và lạ mắt, khó thấy ở nơi khác. Đồ lễ sau khi dâng đàn mới tiến cúng lên bàn thờ.
Từ ngày khai hội cho đến khi kết thúc, thỉnh thoảng mới có các sư thầy ở các chùa trên đến các chùa, miếu, đền gõ mõ, tụng kinh trong chừng nửa giờ. Tuy nhiên hương khói thì không bao giờ dứt.
Về phần lễ có nghiêng về “thiền” nhưng ở sảnh chùa ngoài lại thờ các vị sơn thần với đủ màu sắc phong phú, đa dạng của đạo giáo. Đền Cửa Vòng là “chân long linh từ” thờ bà chúa Thượng Ngổn – người cai quản cả vùng rừng núi xung quanh với cái tên là “tì nữ tuý Hồng” của sơn thần tối cao. Chùa Bắc Đài, chùa Tuyết Sơn, chùa Cả và đình Quân thờ ngũ hổ và tín ngưỡng cá thần.
Như vậy, phần lễ của lễ hội chùa Hương đã thể hiện toàn thể hệ thống tín ngưỡng, gần như là cả một tổng thể tôn giáo ở Việt Nam; có sự sùng bái tự nhiên, có Đạo, có Phật và có cả Nho.
Phần hội – hài hòa giữa nét đẹp văn hóa và vẻ đẹp nước non
Ngoài phần lễ thành kính, giàu màu sắc tâm linh thì phần hội mang đến những hoạt động văn hóa, lễ hội thú vị, độc đáo. Ngày hội, làng sẽ tổ chức rước lễ và rước văn. Rước lễ là rước thần từ đền ra đình, cờ trống đi trước rồi dàn nhạc bát âm kế sau, trai thanh gái lịch phù kiệu, ông già bà cả thành tâm tiễn thần. Lễ rước văn, người làng dinh kiệu đi tới nhà ông soạn văn tế, rước bản văn ra đền để chủ tế trịnh trọng đọc, điều khiển các bô lão của làng làm lễ tế rước các vị thần làng.
Trong những ngày lễ hội, ở bất cứ chỗ nào như chùa hay sân nhà tổ cũng sẽ đều có các chiếu hát chèo, hát văn, hát xẩm. Đây là một sinh hoạt rất được du khách yêu thích. Hình ảnh những nghệ nhân đang say sưa hát những câu hò, những làn điệu dân ca là một trong những điều in sâu dấu ấn trong lòng du khách thập phương.
Ngày hội chùa Hương còn hội tụ các sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo khác như bơi thuyền, leo núi. Ngồi thuyền để vãn cảnh non tiên cõi Phật là một thú vui tao nhã không thể bỏ qua khi đến lễ hội chùa Hương. Ngồi trên thuyền xuôi dòng suối Yến, du khách sẽ được ngắm hoa súng nhuộm một sắc tím trong mùa xuân và hòa mình vào cảnh nước non hữu tình.
Rời bến đò, du khách bước vào hành trình leo núi để thăm thú hang, động và vãn cảnh chùa chiền. Du khách có thể leo bộ, chinh phục từng bậc thang dẫn đến động Hương Tích kỳ thú. Đứng nơi đây, du khách phóng tầm mắt ra 4 phía để chiêm ngưỡng cảnh núi non trập trùng, hoa mơ nở trắng dưới thung sâu cùng tiếng chim ríu rít, tiếng suối róc rách gần xa.
Bên ngoài cửa động trông như miệng một con rồng khổng lồ đang há rộng, dẫn vào lòng đọng ăn sâu vào trong núi, có thể chứa được đến mấy trăm người. Những nhũ đá, cột đá muôn hình vạn trạng, bên ánh đèn, ánh nến trở nên lấp lánh bảy sắc cầu vồng.
Với vẻ đẹp nức tiếng gần xa, danh thắng chùa Hương được mệnh danh là “kỳ sơn tú thủy” của Việt Nam. Những ai đã đến thăm chùa Hương cũng sẽ đều bị cuốn hút bởi vẻ đẹp trữ tình của phong cảnh và đắm chìm trong không gian thanh tịnh, thoát tục của bầu không khí Phật Giáo.
Trong thời gian qua, lễ hội Chùa Hương vẫn duy trì những nét đẹp truyền thống vốn có cả về không gian và thời gian, vừa đảm bảo yếu tố tâm linh, tín ngưỡng cũng như đáp ứng nhu cầu đi lại, ăn, ở thuận tiện, tạo sức hút ngày càng cao đối với du khách.
Theo Wanderlusttip
Sưu tầm: Ngô Diệp