Hàng năm tại đền Du Yến có nhiều ngày Lễ hội theo xuân, thu nhị kỳ trong đó có ba ngày lễ chính. Đó là các ngày hội quân diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng, ngày sinh thần diễn ra vào 15 tháng Hai và ngày mất của thần diễn ra vào ngày 10 tháng Giêng.
Đền Du Yến tọa lạc tại
địa phận xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba. Ngôi đền nằm trên một quả đồi cao
chừng hai chục mét so với mặt ruộng, gọi là đồi Bạch Hổ. Phía trước đền là sông
Hồng, phía sau thế đất tựa chiếc yên ngựa nối với gò Sơn Ngọc, bao quanh là hồ
sen. Cạnh đó là đồi Bá Nang và đồi Phượng Hoàng chầu vào, tạo nên thế tả thanh
long, hữu bạch hổ. Theo các nhà phong thủy thì đó là thế đất của bậc đế vương.
Ngôi đền tương truyền có từ những năm đầu của thế kỷ thứ nhất,
xưa kia có thể chỉ là một ngôi miếu nhỏ, thờ Ngọc Loan công chúa, một nữ tướng
tài ba đã có công giúp Hai Bà Trưng đánh quân xâm lược. Ngôi đền được công nhận
là di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1993. Năm 2003, đền Du Yến được trùng tu lại
bao gồm tòa tiền tế 5 gian, tòa hậu cung 3 gian như hiện nay. Trong đền còn giữ
được nhiều hiện vật quý như: Các pho tượng được tạc bằng gỗ, ngai thờ, kiệu bát
cống, đồ chấp kích, bát bửu...
Theo gia phả dòng họ Nguyễn ghi lại, tên thật của bà là Nguyễn
Thị Hạnh (còn có tên là Hạnh Nương), sinh ngày 15 tháng 2 âm lịch, khoảng năm
11 sau công nguyên. Đời Lê, bà được vua
Lê Cảnh Hưng phong làm Quốc Mẫu Đại Vương, ghi vào lễ tiết quốc khánh thờ chung
của cả nước.
Bốn chữ này được sơn son thếp vàng trên bức hoành phi chính
giữa gian thờ. Theo cuốn “Ngọc Loan công chúa ngọc phả cổ lục” do Hàn lâm viện
Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính biên soạn vào tháng 10 năm Hồng Phúc thứ nhất
(1572), thì bà được phong làm “Trưởng lĩnh tiền quân”, nhân vật thứ ba sau Hai
Bà Trưng.
Một góc đền Du Yến
Theo Ngọc Phả còn lưu truyền tại đền có ghi lại tiểu sử của
bà như sau: Xưa kia ở vùng Thao Giang, tại trang Bổng Châu (nay là thôn Tiên
Châu, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) có một gia đình họ Nguyễn sống
hiền từ phúc hậu và chịu khó làm ăn nên có uy tín lớn trong vùng. Nhờ phúc trời
phù hộ, ông bà đã sinh hạ được một người con gái đặt tên là Hạnh Nương.
Ngay từ nhỏ Hạnh Nương đã luôn được cha mẹ chăm sóc chu đáo
nuôi dạy nên người. Bà là người con gái thông minh kỳ lạ, nhan sắc tuyệt trần,
tính tình hiền dịu nết na, ham học văn chương, say mê võ nghệ.
Trai tài trong làng nhiều người ướm hỏi nhưng bà đều từ chối
không muốn vương bụi trần để giữ mình trong sạch. Bà đã dựng cờ tụ nghĩa, ngày
đêm luyện tập cung kiếm, xa gần nức tiếng gọi là nữ thần giáng thế.
Bấy giờ vào những năm 40 sau công nguyên, giặc Đông Hán đứng
đầu là Thái thú Tô Định ngang nhiên bạo ngược đem quân sang chiếm nước ta. Khi
Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa ở Mê Linh, bà đã chọn 92 nghĩa binh từ trang Bổng
Châu về cùng với Hai Bà Trưng. Thấy Hạnh Nương thông minh tài sắc văn võ song
toàn, lại cầm quân đánh đâu thắng đấy nên Hai Bà Trưng đã tặng phong cho bà là
Ngọc Loan công chúa.
Sau khi đánh tan giặc Tô Định, nữ tướng Nguyễn Thị Hạnh trở
về thăm quê hương, chính tại nơi đây bà đã mở yến tiệc khao quân, ban thưởng
cho dân làng. Hội mừng công được mở trên một mỏm đất hình con hổ trắng đang nằm
uống nước bên bờ sông Thao. Nơi đây về sau dân làng lập đền thờ gọi là hành
cung Du Yến (ngày nay là đền Du Yến xã Chí Tiên).
Hàng năm tại đền Du Yến có nhiều ngày Lễ hội theo xuân, thu
nhị kỳ trong đó có ba ngày lễ chính. Đó là các ngày hội quân diễn ra vào ngày
15 tháng Giêng, ngày sinh thần diễn ra vào 15 tháng Hai và ngày mất của thần diễn
ra vào ngày 10 tháng Giêng.
Trong số ba ngày lễ đó, có thể nói ngày 15 tháng Giêng Âm lịch
là ngày Lễ hội được tổ chức long trọng nhất. Tương truyền, đây là ngày mà Hạnh
Nương tuyển chọn trai tráng trong trang Bổng Châu, tập hợp binh sỹ, mở tiệc
khao quân để khích lệ quân sỹ,tế cáo trời
đất, rồi kéo quân về yết kiến Hai Bà Trưng.
Lễ rước kiệu tại Đền Du Yến
Lễ hội Đền Du Yến vào dịp 15 tháng Giêng bao gồm phần lễ và
phần hội. Điểm nổi bật nhất của phần lễ là sự xuất hiện của đội múa Tiên. Tương
truyền rằng vào ngày Mẫu ra đời ngoài bãi dâu Thao Giang có tiên sa giáng trần
múa hát như ngày hội, nên ngày tế Mẫu bắt buộc phải có đội múa tiên bao gồm các
cô gái từ khoảng 15 đến 16 tuổi, chưa có chồng, múa những điệu múa bay bổng đẹp
như tiên phục vụ tế lễ. Nghi thức này hiện nay đã được phục dựng và có đôi chút
điều chỉnh cho phù hợp với không gian lễ hội. Sau đó đến phần rước kiệu, đi đầu
là đội cờ, tiếp đến là phường bát âm, sau đến đội bát biểu, múa sư tử, tiếp đến
là múa tiên rồi đến lễ rước kiệu.
Phần Lễ tại đền Du Yến
Phần hội là không gian văn hóa đặc sắc với các trò chơi dân
gian truyền thống: cờ tướng, kéo co, chọi gà… kết hợp với các hoạt động văn
hóa, văn nghệ, thể dục thể thao như hội thi tiếng hát dân ca, hội thi giã bánh
giày, thi đấu các môn thể dục thể thao…
Lễ hội đền Du Yến là một trong những lễ hội được tổ chức
long trọng nhất của huyện Thanh Ba. Cứ mỗi dịp xuân về, người dân xã Chí Tiên
và các du khách gần xa lại nô nức cùng nhau trẩy hội đền Du Yến cầu mong cho
mưa thuận gió hòa, gia đình êm ấm và cũng răn dạy cháu con về truyền thống “uống
nước nhớ nguồn”, về đạo lý cha ông.
Tài liệu tham khảo:
Sổ tay Hướng dẫn thuyết minh du lịch Phú Thọ do Trung tâm
TTXT Du lịch Phú Thọ biên tập
Sách “Ngọc Loan công
chúa ngọc phả cổ lục” do Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính biên soạn
Phương Thảo - Trung
tâm TTXT Du lịch