Đình Cậy là di tích lịch sử thuộc thôn Cậy, xã Long Xuyên, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, thờ phụng thành hoàng của làng là Bảo Phúc Đại Vương, danh tướng triều đại Hùng Vương thứ 18. Lễ hội Đình Cậy là di sản văn hóa lịch sử có ý nghĩa quan trọng của tín ngưỡng Hùng Vương.
Cụm di tích gồm đình, nghè và chùa Cậy đang từng bước được
tu bổ tôn tạo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo và tín ngưỡng của nhân dân địa
phương.
1. Khái quát di tích
Đình Cậy là một trong những di tích lịch sử thuộc thôn Cậy,
xã Long Xuyên, huyện Bình Giang. Ngược dòng lịch sử, vào thời Hậu Lê, thôn Cậy
gồm hai thôn Hương Gián và Kệ Gián thuộc huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn
Hải Dương. Sang thời Nguyễn hai thôn đổi thành hai xã thuộc hai tổng khác nhau:
xã Hương Gián thuộc tổng Lý Đỏ, xã Kệ Gián thuộc tổng Bằng Giã, huyện Năng An,
phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Sau ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, các xã
Hương Gián, Kệ Gián đổi thành thôn hợp nhất với các thôn Hợp Lễ và Bất Đoạt
thành xã Tứ Xuyên. Tháng 8/1948, thôn Bá Thuỷ từ xã Cộng Hoà, huyện Gia Lộc được
sáp nhập vào xã Tứ Xuyên; xã Tứ Xuyên được đổi thành xã Long Xuyên. Hai thôn
Hương Gián, Kệ Gián được sáp nhập thành thôn Hương Kệ Gián hay còn gọi là thôn
Cậy
Cũng như các ngôi đình khác, đình Cậy được xây dựng để tôn
thờ vị thành hoàng của làng là Bảo Phúc Đại Vương. Theo bảng thần tích bằng chữ
Hán hiện còn được lưu giữ tại đình do Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào
năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) cho biết: Vào thời Hùng Vương thứ 18 có hai vợ
chồng là Nguyễn Đức và Đào Thị biết nghề làm thuốc đến trú tại Hương Gián trang
và Kệ Gián trang.
Ngày 10 tháng 2 năm Giáp Thìn (?), ông bà sinh được người
con trai tướng mạo khác thường. Lên 5 tuổi đã thông minh lễ phép, nghe là biết,
nói là hiểu. Ông bà cho đây là phúc trời ban nên đặt tên là Phúc. Năm 16 tuổi
cha mẹ qua đời, ngài chôn cất cho cha mẹ và chịu tang trong 3 năm. Khi ngài
tròn 19 tuổi thì đúng vào thời kỳ nhà Thục nổi dậy chống lại nhà nước Văn Lang
của vua Hùng.
Vua Hùng Duệ Vương hạ chiếu xuống các châu, quận để tìm người
tài giỏi ra giúp nước. Sau khi mãn tang cha mẹ, cậu thanh niên Phúc đã lên kinh
ứng tuyển và đắc tuyển. Khi vào yết kiến nhà vua, cậu ứng đối lưu loát, vua
Hùng Duệ Vương rất ưng ý liền phong cho Phúc Công làm Hữu đạo Đại Tướng Quân
cùng với Tản Viên Sơn Thánh là Tả đạo Đại tướng quân. Ông liền kéo quân về luyện
tập binh mã chờ có lệnh là kéo quân đi đánh quân Thục.
Khi có lệnh của triều đình, Phúc Công cùng với Tản Viên Sơn
Thánh kéo quân đi đến xứ Sóc Sơn, quận Võ Linh, đạo Kinh Bắc là nơi nhà Thục
đóng quân. Quân của Phúc Công bị quân Thục vây trùng trùng, điệp điệp trong suốt
14 - 15 ngày. Quân tiếp viện của triều đình chưa kịp đến, quân sỹ của Phúc Công
hết cả lương ăn, nước uống. Ông động viên quân sỹ quyết chí một lòng.
Quả nhiên trong một trận quyết chiến, quân của Phúc Công đã
phá được vòng vây của hàng nghìn quân Thục. Quân Thục đại bại, đất nước trở lại
thanh bình, triều đình mở tiệc ăn mừng, phong thưởng cho các tướng sỹ. Phúc
Công được vua ban cho được hưởng thực ấp ở đạo Hải Dương.
Ngài bái tạ nhà vua rồi trở về quê chiêu dân, lập ấp và
trông coi phần mộ cha mẹ. Ngày 23 tháng 9 năm (?) ngài qua đời. Vua Hùng Duệ
Vương vô cùng thương tiếc cử người về quê làm lễ mai táng và ban sắc phong cho
Phúc Công là Phúc thần nhất vị Bảo Phúc Đại Vương.
Các đời vua sau này đều có sắc phong, do chiến tranh loạn lạc
nên nhiều đạo sắc bị mất mát. Hiện nay tại di tích còn lưu giữ 7 đạo sắc được
phong tặng vào các đời vua: Tự Đức thứ 7 (1854), Tự Đức thứ 11 (1858), Tự Đức
thứ 33 (1880), Đồng Khánh thứ 2 (1887), Duy Tân thứ 3 (1909) và hai đạo sắc được
phong tặng vào năm Khải Định thứ 9 (1924).
Để tưởng nhớ đến công lao của Phúc Công, nhân dân hai làng
Hương Gián, Kệ Gián đã tôn ngài lên làm thành hoàng, xây nghè và đình thờ. Trước
cách mạng tháng Tám năm 1945, hai làng Hương Gián và Kệ Gián mỗi thôn có 1 ngôi
đình cùng thờ Bảo Phúc Đại Vương. Hai ngôi đình cùng toạ lạc trên một khu đất
và cùng có kiểu dáng kiến trúc giống nhau.
Đình Kệ Gián được kiến trúc theo kiểu chữ Tam (?) quay hướng
tây - nam gồm 3 toà: Đại bái 5 gian, trung đình 3 gian và hậu cung 3 gian. Hai
bên có 2 dãy giải vũ, mỗi dãy 10 gian. Toàn bộ phần gỗ được làm bằng gỗ lim, bốn
góc mái được làm theo kiểu đao dĩ, trên nóc đình đắp lưỡng long chầu nguyệt,
mái lợp ngói mũi truyền thống.
Đình làng Hương Gián quay hướng đông, kiểu cách cũng giống
như đình Kệ Gián nhưng kích thước nhỏ hơn. Cả hai ngôi đình có 3 pho tượng: 1
pho thời Lê, 2 pho thời Nguyễn. Đình Kệ 2 pho, đình Hương 1 pho. Năm 1947 thực
hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến ta đã cho giải hạ cả hai ngôi đình để
không cho địch có chỗ đóng quân.
Ngoài hai ngôi đình, hai làng Hương Gián và Kệ Gián còn có
chung 1 ngôi nghè. Vị trí của nghè cách vị trí 2 ngôi đình khoảng 500m về phía
đông nam. Ngôi nghè được xây dựng vào năm nào đến nay chưa rõ, chỉ biết rằng
nghè được xây dựng trước đình. Kiến trúc nghè hình chữ Đinh (J) tiền tế 3 gian
và 2 gian hậu cung. Năm 1947, ngôi nghè cũng bị giải hạ để tiêu thổ kháng chiến.
Khoảng năm 1950, để có nơi sinh hoạt tín ngưỡng, địa phương đã cho khôi phục lại
ngôi nghè trên nền đất cũ.
Ngôi nghè có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J), tiền tế 3 gian và
một gian hậu cung. Vào những năm 60 của thế kỷ XX nhà nước cho mở con đường
giao thông liên huyện chạy sát trước cửa nghè. Để không làm ảnh hưởng đến giao
thông, năm 1988 nhân dân địa phương chuyển vị trí ngôi nghè tiến về phía trước
khoảng 50m tức vị trí ngôi nghè hiện nay. Trừ pho tượng Bảo Phúc đại vương được
tạc từ khi còn ngôi nghè cũ và một sập thờ chân quỳ dạ cá được làm vào thời
Nguyễn. Những đồ thờ tự còn lại hầu hết được làm mới, ngay phía sau nghè Cậy
trước đây có một ngôi chùa "Vĩnh Bảo Tự" khá đồ sộ tổng số gồm 51
gian với hàng trăm pho tượng. Năm 1947, cùng với hai ngôi đình và ngôi nghè,
ngôi chùa cũng bị giải hạ để tiêu thổ kháng chiến.
Hiện nay khu vực chùa cũ (là hội trường UBND xã Long Xuyên)
còn một bia đá cao 2m, rộng 1m, dày 0,35m được tạc vào năm Vĩnh Thịnh thứ 15
(1719). Năm 1988, ngôi chùa mới cũng được xây dựng lại bên cạnh ngôi nghè. Ngôi
chùa mới hình chữ Đinh (J) gồm tiền đường 5 gian và 2 gian hậu cung.
Sau khi di tích được xếp hạng cấp Quốc gia vào năm 1994, với
tấm lòng trân trọng di sản văn hoá của cha ông; trong hai năm 1996 - 1997 chính
quyền và nhân dân địa phương đã đóng góp hàng trăm triệu đồng, hàng nghìn ngày
công khôi phục ngôi đình mới khang trang ngay đúng vị trí của hai ngôi đình cũ.
Ngôi đình mới được xây dựng theo hình chữ đinh (J) gồm đại bái 5 gian và 2 gian
hậu cung. Toàn bộ hệ thống cột và các vì đều được làm bằng chất liệu bê tông
sơn giả gỗ, hoành, rui bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi truyền thống. Bốn đao góc
đắp rồng chầu phượng mớm, bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt.
Năm 1998 - 1999 tiếp tục khôi phục 5 gian giải vũ bên trái,
chất liệu bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi. Cụm di tích gồm đình, nghè và chùa Cậy
đang từng bước được tu bổ tôn tạo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo và tín ngưỡng
của nhân dân địa phương.
2. Lễ hội
Để tưởng nhớ đến công lao của Bảo Phúc Đại vương, hàng năm
vào dịp tháng 2 và tháng 9 (âm lịch) nhân dân địa phương lại mở lễ hội kỷ niệm
ngày sinh và ngày mất của Thành hoàng.
Trong hai kỳ lễ hội, thì lễ hội vào tháng 2, kỷ niệm ngày
sinh của Thành hoàng là lễ hội chính. Dưới thời phong kiến, lễ hội tại đình Cậy
được duy trì đến năm 1946 thì dừng lại do ảnh hưởng của cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp, đình và nghè bị tiêu thổ để phục vụ kháng chiến. Đến năm 1997 lễ
hội đình Cậy được khôi phục trở lại và dần dần đi vào nề nếp.
Để chuẩn bị cho lễ hội ngày sinh của Thành hoàng vào tháng
2, một số công việc phục vụ lễ hội đã được chuẩn bị từ tháng 9 năm trước. Hàng
năm cứ vào dịp 22/9 (âm lịch) nhân ngày hoá của Thành hoàng, dân làng Cậy lại
làm xôi mới và mở hội tế lễ tại đình làng.
Trước đó vài tháng, mỗi thôn cử ra 2 người, mỗi người được
giao cấy 3 sào ruộng làng và nuôi lợn để phục vụ cho buổi lễ. Những người được
phân công cấy ruộng làng có trách nhiệm nộp cho làng 1 tạ lợn và 12 khuôn xôi
to. Căn cứ vào số xuất đinh của làng. Xôi và thịt lợn sau khi cúng lễ xong được
phân chia theo xuất đinh như sau: Xôi chia đều cứ 10 xuất đinh được chia 1
khuôn.
Thịt lợn phải để riêng thủ, chân giò và phần cổ (gọi là thịt
khoanh bí) để chia cho các vị chức sắc trong làng. Số thịt còn lại cũng được
chia đều theo xuất đinh. Sau khi tế lễ xong dân làng điểm lại toàn bộ số nam
thanh niên trong làng vừa tròn 18 tuổi.
Căn cứ vào qui mô của lễ hội tháng 2 năm sau, dân làng chọn
trong số nam thanh niên vừa tròn 18 tuổi ra 1 số người (công việc này được gọi
là cắt phù giá). Những nam thanh niên được cắt phù giá phải là người khoẻ mạnh,
nhanh nhẹn, chưa có vợ và phải có đạo đức tốt mới được làng chọn vào khiêng
thánh. Trong lễ hội ngày 22 tháng 9 chỉ tổ chức tế lễ tại đình, không tổ chức
rước.
Những nam thanh niên trong làng đến tuổi 18 ngoài việc được
cắt phù giá, trong năm đó còn phải lần lượt thay nhau làm cỗ lễ tại đình sau đó
khao dân làng gọi là “cỗ cân”. Mỗi cỗ “cân” gồm có 12 phẩm oản (khuôn oản) 1
con gà trống từ 1kg trở lên và 1 chai rượu nửa lít.
Để làm “cỗ cân” người thanh niên phải ra chợ chọn mua 1 con
gà trống có dáng đẹp từ nhiều tháng trước về nuôi, khi nuôi phải cho gà ăn sạch
sẽ, khi làm thịt phải hết sức cẩn thận. Những thanh niên đến lượt làm “lễ cân”
lễ thánh và khao làng, sau khi làm lễ xong báo cho ông mõ vào nhà đội lễ ra
đình. Trước khi đội lễ ra đình, ông mõ kiểm tra rất kỹ càng, nếu cỗ không đủ
tiêu chuẩn, bắt làm lại.
Tiếp theo lễ kỷ niệm ngày thánh hóa 22 tháng 9, đến ngày 2
tháng chạp dân làng lại tổ chức ngày "khánh hạ thần tịch" (ăn mừng
chiến thắng). Trong ngày này, dân làng làm lễ ra đình; Sau khi tế lễ xong, làng
đưa thẻ cho những gia đình có con em chính thức được chọn làm phù giá.
Những thanh niên được làng chọn làm phù giá nếu đi làm ăn xa
ở các địa phương khác gia đình phải gọi về. Sau khi được phát thẻ, số thanh
niên này, trong cuộc sống hàng ngày phải hết sức giữ gìn, kiêng khem. Nếu ai bị
dân làng phát hiện chơi bời, không đứng đắn sẽ bị rút thẻ, không cho làm phù
giá lễ hội năm sau.
Lễ hội chính tại đình làng Hương Gián và Kệ Gián xưa được tổ
chức từ ngày 10 đến 16 tháng 2 (âm lịch). Đây là dịp lễ hội để kỷ niệm ngày
sinh của Thành hoàng Bảo Phúc Đại vương. Diễn biến của lễ hội như sau:
Ngày 10 tháng 2: Mở cửa đình, bao sái đồ thờ, chồng kiệu, dọn
dẹp đường làng, ngõ xóm để chuẩn bị cho lễ hội. Dưới thời phong kiến, đường
làng ngõ xóm hầu hết là đường đất. Do trâu, bò đi lại tạo thành rất nhiều ổ gà.
Vào tháng 2 gặp mưa xuân nên lầy lội.
Dân làng Hương Gián và Kệ Gián có nhiều hộ làm nghề hàng xáo
xay xát thóc gạo. Chuẩn bị vào hội, làng phải cử người san đường cho bằng phẳng,
Lý trưởng đi vận động các hộ làm hàng xáo ủng hộ trấu để rải đường, để đoàn rước
đi cho đỡ trơn.
Ngày 11 tháng 2: Buổi sáng tế thần, buổi chiều rước tập ngơi
từ đình ra nghè. Đoàn rước xưa kia gồm có: 2 kiệu thánh, 1 kiệu lục lộ (rước sắc),
4 kiệu long đình. Đoàn rước đi thành một hàng, thôn Kệ Gián đi trước, thôn
Hương Gián đi sau (anh đi trước, em đi sau) đi hai bên là những người mang chấp
kích, bát bửu.
Đi bên cạnh đoàn rước của hai thôn là hai ông tổng cờ. Hai
ông tổng cờ do dân làng cử ra, phải là người khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, có trách
nhiệm quán xuyến và điều hành đoàn rước đi đúng đội hình, đảm bảo đúng thời
gian quy định. Đoàn rước cứ 2 bước tiến 1 bước lùi, nên mặc dù đoạn đường từ
đình ra nghè rất ngắn (khoảng 2000m) đoàn rước ra đến nghè là vừa tối.
Sau khi đoàn rước ra đến nghè, hai tượng Thành hoàng và đồ
rước được để tại nghè “khâm trực” một đêm để sáng ngày 12 hai thôn tổ chức tế
công đồng tại nghè.
Ngày 12 tháng 2: hai thôn tổ chức tế công đồng tại nghè, mỗi
thôn có một đội tế riêng. Những người được chọn vào đội tế phải là những người
có chức sắc trong làng, thấp nhất từ chức phó lý trở lên và phải có tuổi từ 45
- 50. Một số người giàu có đã bỏ tiền ra mua chức sắc để được vào đội tế.
Trước đây ai được làng cử vào đội tế là một vinh dự lớn, họ
phải tự bỏ tiền ra mua sắm quần áo tế, mũ tế... Khi tế có hai ông quan viên đứng
trong đội tế, nếu thấy ai trong khi tế có thái độ không nghiêm túc sẽ sai mõ cắm
thẻ vào cổ áo. Nếu ai bị cắm thẻ sau đó phải làm lễ ra đình xin lỗi dân làng.
Sau khi tế tại nghè xong, buổi chiều lại tổ chức rước từ nghè về đình. Thành phần
và thứ tự đoàn rước cũng giống như lúc đi, khoảng 16 giờ đoàn rước về tới đình.
Buổi tối ngày 12 tổ chức hát chèo tại sân đình. Các gánh hát
chèo khi thấy làng tổ chức lễ hội thường cử người đến xin biểu diễn; thường thì
mỗi làng mời một gánh hát chèo. Khi ông bầu của gánh hát đến xin biểu diễn,
làng báo trước cho biết tên húy của Thành hoàng là Phúc do đó trong khi hát phải
kiêng tên húy.
Trong khi diễn, nếu vô tình có đào, kép nào phạm vào tên húy
của Thành hoàng sẽ bị làng nổi trống đuổi luôn, không cho diễn tiếp.
Ngày 13, buổi sáng làm các công việc chuẩn bị, buổi chiều tế
công đồng, từng thôn tế riêng, thôn nào tế tại đình của thôn đó, buổi tối tiếp
tục hát chèo.
Ngày 14, buổi sáng nhân dân hai thôn tiếp tục ra lễ tại đình
và nghè tối hát chèo.
Ngày 15, dân làng tiếp tục ra lễ tại đình và nghè; xem các
trò chơi dân gian như chọi gà, tổ tôm điếm, đi cầu thùm... Trong ngày 15 có tục
lệ là những người làm ăn khá giả, có năm là lý trưởng, có năm là phó lý thậm
chí cụ từ... xin được mời gánh hát nhà tơ về diễn phục vụ dân làng đồng thời
làm cỗ mời quan viên, các cụ cao tuổi trong làng và họ hàng thụ lộc. Người bỏ
tiền ra mời gánh hát nhà tơ về hát vinh dự được ngồi cầm chầu. Các gánh hát
chèo và hát nhà tơ về phục vụ lễ hội thường được làng trả tiền công theo thẻ.
Người ngồi cầm chầu tay cầm dùi trống, đến đoạn nào đào, kép hát hay người cầm
chầu đánh “chát” vào tang trống, cứ mỗi lần như vậy người của gánh hát lại nhặt
một chiếc thẻ bỏ vào chiếc thau đồng. Cuối buổi hát làng căn cứ vào số thẻ nhiều
hay ít để làm cơ sở trả tiền công cho gánh hát.
Ngày 16, buổi sáng tiếp tục lễ tại đình; buổi chiều lễ tạ,
sau đó đóng cửa đình, cất đồ thờ kết thúc lễ hội.
Ngoài hai kỳ lễ hội vào tháng 2 kỷ niệm ngày sinh và tháng 9
kỷ niệm ngày mất của Thành hoàng; dưới thời phong kiến ở hai làng Hương Gián và
Kệ Gián còn tổ chức hội thi bơi chải vào ngày mồng 9 tháng 3 (âm lịch). Hội thi
bơi chải bắt nguồn từ truyền thuyết: sau khi đánh thắng nhà Thục, Vua Hùng
Vương thứ 18 đã lấy ngày 10 tháng 3 là ngày giỗ tổ.
Vào ngày đó tất cả các Lạc hầu, Lạc tướng trị vì ở các địa
phương đều phải trở về kinh đô Phong Châu (Vĩnh Phúc) để dự lễ. Bảo Phúc Đại
vương là một tướng của vua Hùng lúc này đóng quân ở Hương Gián, Kệ Gián cũng
lên đường về kinh dự lễ. Ngày mồng 9 tháng 3 dân làng mở hội đua thuyền để tiễn
đưa ngài.
Từ đó về sau, hàng năm cứ vào ngày mồng 9 tháng 3 dân hai
làng Hương Gián, Kệ Gián lại tổ chức lễ hội thi bơi chải để tưởng nhớ đến sự kiện
lịch sử đó. Trước đây đội hình đua thuyền được tổ chức theo các xóm;
Hai thôn có 6 xóm được tổ chức thành 6 thuyền đua. Mỗi thuyền
đua có 18 người là nam giới mặc đồng phục, không hạn chế tuổi tác bao gồm một
người cầm mõ, một người cầm lái, 1 người cầm cờ, một người tát nước, một người
thổi tù và và 13 tay chèo (một người chèo mũi); hai bên mạn thuyền mỗi bên 6
tay chèo.
Do kinh tế khó khăn nên các xóm không tự đóng hoặc mua sắm
được thuyền, mỗi năm đến kỳ lễ hội các xóm phải đi thuê thuyền đua của nơi
khác, chủ yếu thuê của làng Quát (xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc). Đường bơi dài
khoảng 1.500 m.
Điểm xuất phát từ cây đa Đống ếch (cách cầu Cậy hiện nay khoảng
500m về phía đông), ngược theo sông Kẻ Sặt về phía tây đến hết địa giới làng Cậy,
các thuyền bơi 3 vòng. Đội của xóm nào giành giải nhất được làng thưởng cho một
tối hát chèo. Các xóm khác không đạt được giải phải đi xem nhờ, việc treo giải
như vậy đã tạo không khí ganh đua giữa các xóm quyết tâm đoạt giải trong các kỳ
thi bơi chải.
Xét thấy lễ hội thi bơi chải vào ngày mồng 10 tháng 3, cách lễ
hội kỷ niệm ngày sinh từ mồng 10 đến 16 tháng 2 vừa tròn 1 tháng; chỉ trong
vòng một tháng làng phải tổ chức hai lễ hội rất vất vả và tốn kém.
Từ khi di tích đình Cậy được xếp hạng cấp quốc gia, lễ hội tại
đình Cậy được phục hồi đến nay; chính quyền và nhân dân làng Cậy đã xây dựng
quy chế tổ chức lễ hội; thống nhất lồng ghép lễ hội thi bơi chải vào lễ hội kỷ
niệm ngày sinh mồng 10 tháng 2 và hai năm mới tổ chức thi bơi chải một lần.
Trong 6 ngày diễn ra lễ hội, hội thi bơi chải được diễn ra vào chiều ngày 13
tháng 2. Về thủ tục, độ dài đường bơi cơ bản vẫn như xưa; chỉ có khác là hiện
nay ngoài 6 đội bơi nam, làng còn tổ chức được 3 đội bơi nữ.
Hiện nay do đời sống kinh tế khá giả các xóm đều tự mua sắm
hoặc đóng được thuyền và trang phục cho đoàn đua không phải đi thuê của nơi
khác. Hình thức treo giải hiện nay được tính bằng tiền. Nguồn kinh phí để trao
giải do các doanh nghiệp hoặc do các nhà hảo tâm tài trợ.
Ai tài trợ giải nào khi kết thúc cuộc thi được Ban tổ chức mời
lên trao giải đó. Đồng thời với việc ghép hội thi bơi chải vào lễ hội mồng 10
tháng 2, trong nội dung lễ hội cũng có một số đổi mới.
Để chuẩn bị cho lễ hội, UBND xã Long Xuyên ra Quyết định
thành lập Ban tổ chức lễ hội cấp xã do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng
ban. Đại diện lãnh đạo các đoàn thể của xã như: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh
niên, hội Phụ nữ và ông Trưởng thôn Cậy làm Phó ban.
Thôn Cậy cũng thành lập Ban tổ chức lễ hội của thôn do ông
Trưởng thôn làm Trưởng ban, Bí thư Chi bộ và lãnh đạo các đoàn thể của thôn làm
uỷ viên. Ban tổ chức lễ hội của thôn có trách nhiệm duy trì lễ hội từ đầu đến
cuối. Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và đã thành thông lệ, vào sáng ngày 11
tháng 2, mở đầu lễ hội Ban tổ chức lễ hội của xã và thôn Cậy ra đình làm lễ
dâng hương, sau đó ra thắp hương tại nghĩa trang liệt sỹ.
Cũng như lễ hội dưới thời phong kiến, lễ hội chính tại đình
Cậy hiện nay vẫn được duy trì 6 ngày, từ 10 tháng 2 đến 16 tháng 2 âm lịch hàng
năm. Diễn biến của lễ hội như sau:
Sáng 10 tháng 2 mở cửa đình, bao sái đồ thờ, chồng kiệu vào
làm các bước chuẩn bị cho lễ hội.
Sáng 11 tháng 2, Ban tổ chức làm lễ dâng hương tại đình, sau
đó ra thắp hương tại nghĩa trang liệt sỹ của xã. Ngoài ra, buổi sáng còn tổ chức
tế thần tại đình, buổi chiều rước tập ngơi từ đình ra nghè. Toàn bộ đồ rước được
để tại nghè một đêm để hôm sau tế công đồng.
Do ngày nay hai thôn Hương Gián và Kệ Gián sát nhập thành
làng Cậy nên thành phần đoàn rước cũng có nhiều thay đổi: Đi đầu đoàn rước là đội
múa lân, tiếp theo đến đội mang cờ thần và cờ Tổ quốc, tiếp theo nữa đến đoàn
các cháu học sinh, đội nhạc của hội Cựu chiến binh, sau đó đến đoàn rước kiệu
thánh, kiệu lục lộ, kiệu long đình... Thành phần những người khiêng kiệu không
phải lựa chọn qua tục cắt phù giá như trước kia mà giao cho các đoàn thể (chủ yếu
là Đoàn thanh niên) và các xóm lựa chọn.
Thành phần các đội tế cũng thay đổi, các thành viên đội tế
do hội Phụ lão của xã cử ra, từ 50 tuổi trở lên không có tang cha, mẹ, vợ (trước
kia kiêng 3 năm, nay chỉ kiêng 1 năm). Trước đây, chỉ có đội tế nam, nay có cả
đội tế nữ. Ngày nay, do cơ chế thị trường, con em làng Cậy nhiều người đi làm
ăn buôn bán xa, không có dịp về quê dự lễ hội. Do đó, số lượng người tham gia
đoàn rước chỉ bằng một nửa thời Phong kiến.
Ngày 12 tháng 2, buổi sáng tổ chức tế công đồng tại nghè, buổi
chiều rước Thánh từ nghè về đình. Buổi tối tổ chức hát chèo tại sân đình.
Ngày 13 tháng 2, buổi sáng chuẩn bị, buổi chiều tổ chức thi
bơi chải. Buổi tối tiếp tục có hát chèo tại sân đình.
Ngày 14 tháng 2, ban ngày nhân dân trong thôn tiếp tục ra lễ
tại đình và nghè. Buổi chiều tổ chức tế nữ tại đình. Buổi tối tiếp tục hát
chèo.
Ngày 15 tháng 2, nhân dân tiếp tục ra lễ tại đình và nghè, tổ
chức các trò chơi dân gian như: Chọi gà, đi cầu thùm...
Ngày 16 tháng 2, buổi chiều tổ chức lễ tạ, đóng cửa đình, cất
đồ thờ. Kết thúc lễ hội.
Lễ hội đình Cậy, xã Long Xuyên, là một trong những lễ hội
tiêu biểu của huyện Bình Giang và tỉnh Hải Dương. Bên cạnh, những phong tục
như: Tế, lễ, rước kiệu... Lễ hội còn bảo lưu được nhiều loại hình văn hóa dân
gian như: Hát chéo, bơi chải... Tuy vậy, lễ hội hiện nay vẫn được duy trì trong
thời gian 6 ngày là quá dài, làm ảnh hưởng đến lao động sản xuất của nhân dân địa
phương.
Việc địa phương lồng ghép Hội thi bơi chải (mồng 10 tháng 3)
vào lễ hội truyền thống hàng năm (từ 10 - 16 tháng 2) là hoàn toàn phù hợp. Chủ
trương xã hội hóa trong một số hoạt động tại lễ hội (thi bơi chải) cũng là một
sáng tạo của địa phương.
Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên Hội thi bơi chải
cứ 2 năm tổ chức một lần. Nguyện vọng của đông đảo nhân dân địa phương, mong muốn
mỗi năm tổ chức thi bơi chải một lần. Nguyện vọng trên, rất mong được các cấp
chính quyền và các cơ quan văn hóa của xã Long Xuyên, huyện Bình Giang quan
tâm.
Đặng Đình Thể