Những người đàn ông dân tộc Pà Thẻn (ở Hà Giang) chân trần nhảy trên đống lửa nhưng không thấy đau đớn hay bị bỏng.
Hàng năm vào ngày 16/10 (âm lịch), đồng bào dân tộc Pà Thẻn ở xã Tân Bắc (Tân Quang, Hà Giang) thường tổ chức lễ hội Nhảy lửa sau khi thu hoạch mùa màng. Đối với người Pà Thẻn, lửa tượng trưng cho thần linh, mang đến hạnh phúc ấm no. Đây là một lễ hội độc đáo, sơ khai và huyền bí.
Lễ vật để dâng cúng thần linh gồm: một con gà trống, một bát gạo, hương, rượu, tiền giấy… Thầy cúng thắp nến và bày lễ vật lên mâm, thắp ba nén hương cắm trên bàn, thắp ba nén hương khác cắm dưới đất bên cạnh ghế ngồi. Sau đó, thầy ngồi vào ghế, một tay vừa gõ que tre vào đàn Pàn dơ, một tay vừa lắc vòng Pà sán tầu, thân người rung bần bật theo từng nhịp gõ, miệng đọc bài cúng đầu tiên nói lên lý do tổ chức Lễ hội Nhảy lửa bằng tiếng Pà Thẻn
Trong khi thầy kêu cầu, người dân Pà Thẻn và các khách tham quan sẽ cùng chơi trò kéo gậy, 5-6 người cố hết sức kéo cây gậy chạm đất, bên cạnh là đống lửa hồng bốc cao.
Thiếu nữ Pà Thẻn say sưa trong điệu múa truyền thống để cổ vũ cho những chàng trai tham gia nhảy lửa.
Thời gian cúng có thể lên đến 2-3 tiếng, khi đó cơ thể của các chàng trai bắt đầu rung lên, ánh mắt khác lạ, đầu lắc đi, lắc lại...
Những chàng trai như được nhập đồng và thi nhau nhảy vào đám than hồng bằng chân trần tạo nên khung cảnh ma mị, bí ẩn và đẹp mắt.
Họ vẫy vùng trong ánh lửa hồng rực trước sự reo hò, khích lệ của người xem như không hề cảm thấy sức nóng. Trong lúc đó, thầy cúng vẫn không ngừng gõ đàn và đọc bài cúng như hòa vào nhịp nhẩy của các chàng trai. Việc nhảy lửa cứ thế diễn ra đến khi đống than tàn.
Kết thúc lễ hội những chàng trai tham gia nhảy sẽ làm lễ trước ban thờ thần linh. Điều lạ nhất là họ không thấy đau đớn hay bị bỏng. Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn đã có lịch sử lâu đời và được gìn giữ, duy trì qua nhiều thế hệ.
Hoàng Hải Thịnh