Hằng năm, vào ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch, tại đền Thượng, thôn Thượng Yên, xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc thường diễn ra một lễ hội độc đáo có tên gọi là “Lễ hội rước cây bông”.
Lễ hội rước cây bông làng Thượng Yên, xã Đồng Thịnh là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, một lễ hội truyền thống có từ lâu đời nhằm tưởng nhớ công ơn của Thánh Tản Viên với quê hương, đất nước. Lễ hội còn góp phần bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống, tôn vinh đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, tăng cường tình đoàn kết cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, chung tay xây dựng quê hương ấm no, hạnh phúc của dân làng Thượng Yên cũng như Nhân dân xã Đồng Thịnh, Sông Lô và cư dân quanh vùng.
Được hợp thành từ ba làng cổ: Yên Tĩnh, Thiều Xuân và Thượng Yên, xã Đồng Thịnh ngày nay có phía Bắc giáp xã Yên Thạch, phía Nam giáp hai xã Cao Phong và Đức Bác, phía Tây giáp xã Tứ Yên (cùng huyện Sông Lô), phía Đông giáp các xã Xuân Lôi và Văn Quán (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc).
Đất đai tự nhiên của Đồng Thịnh bao gồm những cánh đồng chiêm trũng lầy thụt, những thửa ruộng bậc thang xen kẽ với những gò, đồi thấp và ao, hồ. Làng Thượng Yên xã Đồng Thịnh có tên nôm là Kẻ Nộc. Từ xa xưa đến nay, người dân nơi đây vốn sinh sống bằng nghề nông: cấy lúa nước, trồng dâu, nuôi tằm, kéo kén, xe tơ… Mọi đói no của dân làng hầu như đều phụ thuộc vào thiên nhiên.
Gặp năm mưa thuận gió hòa được mùa no dạ ấm lòng thì cùng nhau nói “nhờ trời”, rủi gặp năm hạn hán, đất đồng nứt nẻ hay nước lũ sông Lô tràn vào ngập trắng đồng thì người người nhà nhà lại phấp phỏng lo âu. Bởi thế, lễ hội rước cây bông là nơi để dân làng kẻ Nộc bày tỏ nguyện ước của cư dân nông nghiệp với cha Trời mẹ Đất, nhằm cầu cho “Trời Đất giao hòa, mùa màng tốt tươi, con người, vạn vật phát triển”.
Lễ hội còn cho thấy sự sáng tạo trong cách thức thực hành văn hóa tín ngưỡng truyền thống của cư dân Việt cổ của người dân Thượng Yên, Đồng Thịnh. Tất cả các chi tiết trong diễn trình thực hành lễ hội rước cây bông đều lột tả ước muốn, khao khát cuộc sống ấm no hạnh phúc, con người và vạn vật nảy nở sinh sôi.
Lễ hội rước cây bông ngày xưa được tổ chức ở đền Thượng, làng Thượng Yên (Đền Thượng thờ Thánh Tản Viên - vị thánh được người dân tôn sùng là vị tổ của nghề nông). Sau nhiều năm bị gián đoạn do hoàn cảnh lịch sử, khi mới khôi phục, lễ hội được tổ chức tại chùa Hoa Nghiêm, làng Thượng Yên. Đến năm 2014, để bảo tồn nguyên vẹn giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội đã được tổ chức ở đền Thượng. Đền Thượng trước đây vốn là ngôi miếu thờ thành hoàng làng Thượng Yên.
Đến năm Minh Mệnh nguyên niên (1820), ngôi miếu được dân làng tôn tạo, xây dựng thành ngôi đền ba gian bằng gỗ. Ngôi đền hiện nay được tôn tạo trên nền móng cũ với khung gỗ, nền lát gạch bát, mái lợp ngói mũi hài. Phía trước đền là khoảng sân rộng thuận tiện cho việc tổ chức lễ hội.
Trước khi diễn ra lễ hội rước cây bông, ban tổ chức lễ hội cùng ban quản lý đền Thượng phải thực hiện đầy đủ các công việc sau:
- Chọn cử đội tế gồm chủ tế và các quan viên tế phải là những người cao tuổi, đức độ, minh mẫn, khỏe mạnh, có uy tín cao trong thôn Thượng Yên, có gia cảnh phong quang, vợ chồng song toàn, con cái đề huề...;
- Chọn cử người tu lễ dâng thánh với lễ vật gồm ván xôi, thủ lợn, hương hoa, phẩm oản, trầu cau, rượu trắng;
- Chọn cử người rước cây bông là những nam thanh, nữ tú chưa vợ, chưa chồng, lễ phép, ngoan ngoãn;
- Chọn cử người tạo cây bông là những người có đức độ, khéo léo, thạo cách chế tác cây bông, được nhân dân trong làng tin cậy… cùng nhau tạo nên ba cây bông, gồm: cây bông lúa, cây bông vải, cây bông đỗ. Tất cả phải được hoàn thiện trước ngày mùng 5 Tết Nguyên đán.
Để tạo nên các cây bông vải, bông lúa; người làm phải chọn được loại tre bánh tẻ (cây tre không non quá cũng không già quá); pha thân tre thành các thanh tre nhỏ có chiều rộng chừng 2cm, dài khoảng 35 - 40cm rồi dùng dao nhỏ sắc bén, mỏng lưỡi, lần lượt, tỉ mỉ, khéo léo “nạo” phần ruột thanh tre thành những túm xơ để tạo hình bông lúa, bông vải (lưu ý phải nạo sao cho khéo để một đầu của sơi xơ tre vẫn bám dính trên thân thanh tre, nhiều sợi xơ tre như vậy sẽ tạo thành chùm bông). Bông để trắng là bông vải, bông nhuộm nước quả dành dành thành màu vàng là bông lúa.
Tiếp đó, là việc tạo tác cây bông đỗ, gồm bông đỗ con và bông đỗ cả.
Lấy mùn cưa trộn nhuyễn với nhựa cây trám. Tiếp đó lấy thân cây tre cắt thành từng đoạn có chiều dài khoảng 10cm, rồi chẻ nhỏ như chân que nhang. Xe tròn những que tre này vào với hỗn hợp mùn cưa - nhựa trám nói trên để tạo bông đỗ con.
Cách tạo bông đỗ cả như sau: làm bằng những đoạn trúc như đầu đũa, một mảnh tre chẻ tua đầu rồi cắm vào những quả đỗ làm thành chùm đỗ. Đặc biệt, bằng những sợi lạt tre, lạt mây dẻo dai và nhuộm màu sặc sỡ, dân thôn Thượng Yên còn khéo léo rút đan, tạo hình các chú chim én, chim chiền chiện, chim sẻ… trang trí trên các cây bông với ý nghĩa mô phỏng hình ảnh những chú chim vốn thân thiết, gắn bó với đồng quê đang bắt sâu bảo vệ mùa màng.
Để tạo các thân trụ cây bông, người dân nơi đây đẵn (chặt, cắt) lấy thân cây chuối hột, bỏ phần ngọn và gốc, chỉ lấy đoạn thân giữa dài khoảng 2 - 3m, đường kính khoảng 25cm dùng làm thân trụ cho mỗi cây bông. Lại dùng ba chiếc cọc tre một đầu vát nhọn cắm vào phần phần gốc trụ chuối tạo thành đế ba chân vững chắc. Trên ngọn thân cây bông được cắm một đoạn tre tạo tác bông tua trông như chiếc thần lệnh côn.
Thân các cây bông được quấn trang trí bằng giấy màu đỏ gọi là cây nõn nường, trên đỉnh cây bông?? cắm một lá cờ thần nhỏ. Xung quanh cây nõn nường cắm dày đặc các “bông lúa”, “bông vải”, “bông đỗ” theo bố cục hình tháp tạo thành ba cây bông rất rực rỡ, đẹp mắt.
Sáng ngày mùng 6 tháng Giêng, các cụ bô lão, những người được làng phân công có mặt tại đền Thượng tiến hành kiểm tra mọi công tác chuẩn bị lễ hội như: số người tham gia, lễ vật dâng thánh, trang phục tế lễ,… rồi đôn đốc vệ sinh, thực hiện nghi thức mộc dục lau rửa long ngai, kiệu rước, đồ thờ tự…
Ông chủ tế tiến hành phong cờ hội, hoàn thành công tác trang trí, khánh tiết, treo băng zôn, cắm cờ hội, thượng cờ Tổ quốc, kỳ đài…
Buổi tối mùng 6 tháng Giêng, dân làng tổ chức giao lưu văn nghệ tại sân đền Thượng, các tiết mục ca múa đều là của nhân dân thôn Thượng Yên giao lưu với các thôn trong xã Đồng Thịnh.
Sang ngày mùng 7 tháng Giêng, làng vào chính hội rước cây bông. Từ 6h30’ sáng, đoàn rước đã tập trung đông đủ tại nhà văn hóa thôn. Các chân kiệu (người rước cây bông, rước lễ) trong trang phục quần trắng áo nâu đỏ, lưng thắt đai đỏ, đầu chít khăn đỏ. Các quan viên tế nam trong trang phục quần trắng, áo xanh, hoa xanh, mũ xanh.
Chủ tế mặc quần đỏ, đi hia đỏ, đội mũ đỏ. Riêng người đọc chúc văn đóng áo the, khăn xếp. Đội quan viên tế nữ trong trang phục tế lễ màu vàng. Đúng 7h, chiêng trống gióng lên 3 hồi báo hiệu lễ rước cây bông làng Thượng Yên, xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô bắt đầu. Đội hình đám rước vào vị trí, đi đầu là đội mang cờ thần, phường bát âm, đội rước bát bửu, kiệu lễ.
Trên kiệu lễ đặt lễ vật gồm 5 loại hoa quả màu sắc theo ngũ hành. Quả màu vàng được đặt ở chính giữa mâm lễ, xung quanh là các loại quả với đủ màu sắc xanh, đỏ, trắng, đen, tượng trưng cho bốn mùa và mang hàm ý “Ngũ sắc tường vân”, nghĩa là “mây ngũ sắc mang lại sự tốt lành”. Tiếp sau kiệu là đội rước cây bông lúa, cây bông vải, cây bông đỗ rồi đến đội tế nam, đội tế nữ. Sau cùng là dân làng cùng du khách xa gần về dự lễ hội. Tiếng chiêng trống gióng giả. Đoàn rước bước khoan thai theo hiệu lệnh người cầm chịch điều khiển bằng trống khẩu.
Trên hành trình rước kiệu thánh về đền, đoàn rước nghỉ ba trạm (chặng), mỗi trạm nghỉ 15 phút. Tại các điểm nghỉ trạm, làng tổ chức múa lân, múa sinh tiền (sênh tiền). Khi đoàn rước về tới đền, chiêng, trống rộn ràng, thúc giục liên hồi. Ba cây bông được rước vào đền, cây bông lúa đặt chính giữa, cây bông vải và cây bông đỗ đặt hai bên, người cầm chịch thực hiện nghi thức đưa dẫn kiệu lễ về chính giữa sân trước cửa đền.
Khoảng 9h, chính lễ bắt đầu, ban tổ chức lễ hội đọc chúc văn, ca ngợi công lao của vị thần Tản Viên Sơn Thánh (mọt trong tứ bất tử theo tín ngưỡng cổ của người Việt), ôn nhớ nguồn gốc, ý nghĩa của lễ hội rước cây bông.
Các cụ bô lão, các đại biểu, nhân dân và du khách về dự lễ hội thành kính làm lễ dâng hương vào đền.
Tiếp theo là lễ tế cây bông. Các dụng cụ phục vụ lễ tế như đẳng tế, cây quán tẩy, bảng chúc, chiếu tế, phường bát âm, lọng, chiêng, trống… đã sẵn sàng. Đội tế lễ gồm 18 người: 2 người điểm tế, 1 chủ tế, 1 vị hành văn, 3 ông bồi tế, 2 ông đi đèn, 1 vị đông xướng, 1 vị tây xướng, 1 vị đông xướng nội, 1vị tây xướng nội, 1 vị đi mâm tửu tôn, 1 người đi hồ rượu, 1 người đi lấy văn, 1 người thượng hương, 1 người lấy mâm ẩm phước.
Sau ngày 15 tháng giêng sau khi các cây bông thắp hương tại đền (từ mùng 7 đến sau ngày rằm) lúc đó BTC lễ hội sẽ hóa ba cây bông.
Kết thúc lễ, tất cả mọi người cùng đổ ra sân đền tham gia và cổ vũ các cuộc thi đấu, giao lưu thể thao như bóng chuyền da, bóng chuyền hơi nam - nữ… hay tham dự các trò chơi dân gian như bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt, kéo co… Không khí lễ hội càng lúc càng thêm sôi nổi, náo nhiệt. Rộn ràng nhất là ở hai sân bóng chuyền hơi nữ và bóng chuyền da nam. Người xem đứng vòng trong vòng ngoài, vai chen vai cổ vũ, hò hét khô cổ, khản giọng cho đội nhà quyết thắng.
Sáng ngày 8 tháng Giêng, làng tiến hành lễ tạ và nghi thức đóng cửa đền, Thêm một mùa lễ hội rước cây bông Đồng Thịnh được kết thúc trong niềm tin tưởng một năm mới nhiều an lành, may mắn, mùa màng bội thu, ấm no, hạnh phúc./.
Đỗ Mạnh Hà