Nghi thức rước "của quý" trong lễ hội Ná Nhèm vừa thu hút sự tò mò, vừa làm cho nhiều người ngại ngùng.
Rằm tháng Giêng hằng năm, người dân ở xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn lại tổ chức lễ hội Ná Nhèm (tiếng Tày có nghĩa là "mặt nhọ") để cầu an, cầu mùa màng tươi tốt đầu năm mới. Trước đây, lễ hội được tổ chức 3 năm một lần vào, sau đó phục dựng vào năm 2012, duy trì mỗi năm và được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2015. Điều đặc biệt là lễ vật mô phỏng "của quý" của cánh đàn ông, đôi khi khiến du khách ngượng chín mặt.
Tàng thinh (sinh khí thực nam) và Mặt nguyệt (sinh khí thực nữ). Ảnh: Hồng Vân.
Tương truyền, xưa kia họ Mạc chạy trốn đến vùng đất này phải đổi thành họ Hoàng và Bế để tránh họa tru di, truy sát của Lê Trịnh. Vì thế hơn 150 trai tráng của 6 thôn trong cửa đình Làng Mỏ được chọn tham gia lễ hội đều thực hiện nghi lễ bôi nhọ lên mặt theo tục lệ "giấu mặt đổi họ", có nghĩa "để không ai biết là con cháu họ Mạc".
Lễ vật cúng tế được chuẩn bị kỹ lưỡng trước đó rất lâu gồm ống nước tiên lấy từ giếng Mỏ Vằn, cây thiên tuế, cây ngô, lúa, khoai sọ và cây bông vải, trong đó quan trọng nhất là Tàng thinh - Mặt nguyệt, hai sinh thực khí thể hiện sự sinh sôi nảy nở để cung tiến vua. Đặc biệt Tàng thinh trước đây chỉ là khúc gỗ đẽo tượng trưng cho sinh thực khí nam thì càng ngày càng làm công phu, tạo hình chi tiết thu hút sự chú ý của người xem. Cuối ngày, những lễ vật này sẽ được đem ra đốt.
Lễ hội được tổ chức từ rạng sáng đến tối với nhiều nghi thức lễ tế, cúng rước long ngai, bài vị thần từ đình Làng Mỏ lên miếu Xa Vùn. Bên cạnh đó còn mô phỏng lại cảnh luyện binh, đánh giặc, đấu gươm của các binh sĩ thời xưa. Trò chơi dân gian như đánh đu, các bà then múa trầu truyền thống... khiến du khách thích thú.
Tàng thinh và Mặt nguyệt được làm mới mỗi năm. Ảnh: Hồng Vân.
Theo Ngôi sao