Trong 2 ngày mùng 9, 10 tháng Giêng, xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao tổ chức lễ hội “Rước vua về làng vui Xuân” (hay còn gọi là lễ cầu Đình) tại Đình Cả, xã Tiên Kiên. Lễ hội gắn với tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng thứ 16, 17, 18 là Hùng Tạo Vương, Hùng Nghi Vương và Hùng Duệ Vương.
Lễ hội được tổ chức với hai phần chính gồm phần lễ rước kiệu
từ Đình Cả ra bãi rước cổ truyền và phần hội với các trò chơi dân gian như bóng
chuyền, cờ tướng.
Nghi thức tế lễ được thực hiện trang nghiêm, thành kính
Tương truyền rằng vùng đất Tiên Kiên là nơi Vua Hùng thường
đi du ngoạn và luyện tập binh sĩ, nơi đây có nhiều gò, đồi san sát, thuận lợi
cho việc cất giấu lương thực, vũ khí, luyện quân. Nhân dân đã lập đền thờ các
Vua Hùng và sau này xây dựng đình làng thờ vọng các Vua Hùng và thần núi, gọi
là Đình Cả.
Đình Cả đã được các triều vua Lê – Nguyễn phong sắc cho làng
thờ phụng cùng với nghi lễ thờ tự, tế lễ tại đình. Ngoài Đình Cả thờ các Vua
Hùng, ở Tiên Kiên còn có các dấu tích liên quan như: Miếu Giã – là nơi nhà vua
và quân sĩ đi tập trận trở về nghỉ ngơi, nơi vua ban các chiếu chỉ mới về quân
sự; Ao Giang dùng để tắm ngựa và quân sĩ rửa chân tay; Chùa Quan Mạc là thao
trường quốc gia luyện tập quân sự; giếng Vua In – nơi vua tôi cùng uống chung
dòng nước mát, được nhân dân địa phương lưu truyền gìn giữ sạch sẽ từ nghìn đời
nay.
Theo truyền thống hằng năm, cứ đến dịp mồng 10 tháng Chạp,
các cụ lại triệu tập các vãi để bàn vấn đề tổ chức lễ năm sau là đại tiệc hay
sái lễ. Nếu là sái lễ thì chỉ cầu tại Đình, còn nếu là đại tiệc thì tổ chức lễ
rước.
Mọi công việc chuẩn bị cho lễ rước kiệu được thực hiện xong
từ chiều mùng 8 tháng Giêng, đến sáng mùng 9 ra bãi rước đón vua về làng bản ăn
Tết với nhân dân. Khi rước đến bãi hạ kiệu xuống, mọi người trải chiếu ra khắp
đỉnh gò và tổ chức tế, hát xoan, hát hội, chờ đến khi gió thổi cờ bay mới rước
về Đình Cả.
Các lễ vật để ra đình làm lễ bao gồm thủ lợn, bánh chưng,
bánh giầy do dân làng Tam Giáp, nay là xóm Phường, xóm Lum, xóm Cầu Nhân, xóm
Đuổng, xóm Ma Gồ chuẩn bị. Thủ lợn phải cạo hết lông, rửa sạch ráy tai, mắt
không được mở; bánh chưng được làm từ gạo nếp cái hoa vàng, lá dong để gói bánh
là lá dong xanh, dây buộc bánh phải là dây giang chẻ bỏ cật và bỏ lòng, bánh
chưng của các xóm dâng ra đình là bánh chưng vuông, giữa bánh có nhân đỗ và thịt
lợn.
Mỗi xóm dâng ra đình 3 chiếc bánh dày to, nặng khoảng 3 kg,
được giã từ loại gạo ngon, dẻo, khi thổi xôi và giã bánh giầy phải là nam thanh
nữ tú, giã 3 quả, giã bằng chày tre non, khi bắt bánh phải chọn người trong sạch.
Ngoài thủ lợn, bánh chưng, bánh giầy, các xóm chuẩn bị lễ
còn có rượu, muối, hoa quả, bánh kẹo. Từ sáng mồng 8 tháng Giêng mở cửa đình
đón tiếp nhân dân đến thắp hương thờ cúng các Vua Hùng, buổi chiều cùng ngày
các cụ làm lễ chồng kiệu, vệ sinh, quét dọn, lau chùi đồ thờ tự và bài trí xung
quanh.
Tổ chức rước kiệu từ Đình Cả Tiên Kiên vào bãi rước cổ truyền
cách Đình Cả 600m về phía Đông và cách Đền Hùng 1 km
Trong dịp diễn ra lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa thể
dục thể thao sôi nổi như cờ tướng, chọi gà, bóng chuyền, đẩy gậy, kéo co… thu
hút đông đảo dân làng, cả con em quê hương đang công tác ở mọi miền đất nước và
du khách thập phương cùng về tham gia.
Lễ hội dân gian Đình Cả được tổ chức theo phong tục cổ truyền
của nhân dân địa phương, gắn với tín ngưỡng thờ các Vua Hùng. Đây là nét đẹp
văn hóa tâm linh hướng về nguồn cội của dân tộc Việt Nam.
Vũ Tuân
Nguồn: Cổng thông tin Điện tử Phú Thọ