Sáng 23 tháng Chạp, ngày tiễn ông Táo về trời và cũng là dịp trước thềm Xuân Mậu Tuất, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức lễ thướng tiêu (dựng nêu) tại Thế Miếu và điện Long An theo nghi lễ cung đình Huế với đầy đủ lễ cúng, đội nghi trượng, nhạc lễ cung đình...
Ngay sau lễ thướng tiêu là lễ hội “Hương
xưa bánh tết” diễn ra ở nhà Tế Tửu, với nhiều hoạt động văn
hóa: Gói bánh chưng, bánh tét, hò giã
gạo, khai bút đầu xuân, cùng nhiều trò chơi dân
gian và cung đình… nhằm giúp du khách có
cơ hội được trải nghiệm về hương sắc và phong vị tết Huế.
Lễ thướng tiêu là nghi thức truyền thống của người Việt và cũng
là một nghi lễ quan trọng vào đầu năm mới của triều đình nhà
Nguyễn xưa. Theo lệ xưa, hàng năm, cứ đến 23 tháng Chạp, tức ngày
tết ông Công, ông Táo, triều đình nhà Nguyễn
lại tổ chức nghi lễ này bởi ngoài quan niệm tâm linh của dân
gian còn để báo hiệu cho dân chúng biết ngày tết
đã tới.
Lễ thướng tiêu được tiến hành trang
trọng theo nghi thức cung đình Huế.
Cây nêu với cành phan đỏ thắm
tung bay trước Hiển Lâm Các của Thế Miếu báo hiệu Tết đã
đến. Cây nêu to, dài và nặng nên cả đội cấm vệ quân
phải ra sức mới dựng nổi.
Lễ này đã được Trung tâm Bảo tồn
Di tích Cố đô Huế tái hiện lần đầu tiên từ năm 2013, từ
đó trở thành một nghi lễ không thể thiếu của khu Di sản Văn
hóa Thế giới Huế vào mỗi dịp tết đến. Đây cũng là một
hoạt động văn hóa độc đáo, thu hút sự quan tâm của đông
đảo du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến thăm Cố đô
Huế vào dịp tết đến xuân về.