VnMedia - Bên cạnh những hình ảnh chưa đẹp tại một số lễ hội, vẫn có nhiều nơi được tổ chức một cách bài bản, mang "luồng gió" mới cho mùa lễ hội năm nay. Điển hình như lễ hội tại chùa Ba Vàng, Quảng Ninh.
Chùa Ba Vàng hay còn gọi là Bảo Quang
Tự, được xây dựng năm Ất Dậu 1706, triều Lê Dụ Tông. Trải qua nhiều
thăng trầm, chùa nguyên gốc hiện không còn. Năm 1993 chùa được xây dựng
lại để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo và tín ngưỡng của nhân dân địa
phương.
Hiện nay, chùa Ba Vàng được biết đến với
hai kỷ lục: Ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất Đông Dương và
ngôi chùa có chiếc trống độc mộc bằng gỗ đỏ nguyên khối lớn nhất. Hiện
chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử và văn hoá nghệ
thuật với những di vật được tìm thấy bằng đá, gốm sứ có niên đại từ thế
kỷ XIII, XIV. Phía sau của chùa là nơi thờ các vị tổ sư, cũng là nơi lưu
giữ 10 pho đại sách lưu danh hơn 10 vạn anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho
Tổ quốc.
Chùa Ba Vàng vừa khai hội hôm mùng 8
tháng Giêng âm lịch, thu hút hàng chục ngàn lượt người tới tham quan,
chiêm bái lễ phật. Có thể thấy, trong khi vẫn còn nhiều hình ảnh chưa
đẹp tại một số lễ hội ở các tỉnh, thì lễ hội tại chùa Ba Vàng có khá
nhiều nét đặc biệt, mang lại "luồng gió" mới cho mùa lễ hội năm nay.
Nói về những điểm mới so với mọi năm của
lễ hội chùa Ba Vàng, Đại đức Thích Trúc Thái Minh, Trụ trì chùa Ba Vàng
cho biết, các phật tử, du khách về dự lễ đều được phục vụ cơm chay miễn
phí. Đặc biệt, không có bất kỳ hoạt động kinh doanh buôn bán nào trong
lễ hội...
Nhiều du khách tới chùa Ba Vàng đều có
cảm nhận phấn khởi, thư thái khi đi dự lễ hội, không phải chứng kiến
cảnh chen lấn, xô đẩy, hay tranh cướp lộc.
Anh Nguyễn Lê, một du khách ở Hà Nội cho
biết, vừa nghỉ Tết xong, anh và gia đình đã đi lễ ở khá nhiều nơi, như
các đền, chùa ở Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Tại Quảng Ninh, anh
Nguyễn Lê đã đi lễ chùa Cái Bầu, đền Cửa Ông, chùa Ba Vàng và điều đáng
nói là tại các đền, chùa này đã khiến anh Lê khá hài lòng về cách tổ
chức và phục vụ.
Ở chùa Ba Vàng, du khách được gửi xe
miễn phí. Nhân viên phục vụ rất lịch sự, nhã nhặn nhưng cũng rất cương
quyết với những xe để không đúng nơi quy định. Đặc biệt, du khách muốn
ăn cơm chay, chỉ cần đăng ký trước để nhà chùa sắp xếp là sẽ được phục
vụ miễn phí. Những chi tiết nhỏ nhất như việc phục vụ túi nylon cho
khách bỏ giày, dép vào khi đi vào chùa cũng đã mang lại niềm vui cho du
khách ngày đầu xuân khi tới đây.
Anh Nguyễn Lê cho biết thêm, ở chùa Ba
Vàng, không có cảnh mua bán, chèo kéo khách đi lễ bái, du xuân. Nơi vệ
sinh công cộng cũng rất sạch sẽ, đây là điều ít thấy ở các lễ hội khác.
Cùng cảm nhận này, chị Phùng Thanh ở Xa
La, Hà Đông (Hà Nội) cho biết, công ty chị vừa tổ chức đi chùa Ba Vàng
đúng ngày khai hội, điều chị thích thú đó là được đi chùa kết hợp du
xuân đúng nghĩa. Bởi, du khách tới chùa rất đông nhưng không có cảnh
chen lấn, lộn nhộn.
"Chùa rất lớn và đẹp. Du xuân kết hợp đi
lễ như vậy tôi thấy đáng đi. Khách đi lễ xin lộc và được phát lộc rất
đông nhưng không có cảnh chen lấn", chị Thanh nói.
Một số hình ảnh chùa Ba Vàng trong ngày khai hội:
Du khách vãn cảnh chùa Ba Vàng. Ảnh: Lê Lưu
Đinh Bách (Ảnh: Lê Lưu, Thanh Tuyền)