Ngày 10.2, phường Tân Hưng (TP Hải Dương) tổ chức Lễ hội truyền thống Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia - đình Liễu Tràng.
Người dân dâng hương tại đình Liễu Tràng (TP Hải Dương). Ảnh: Mai Hương
Lễ hội truyền thống Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia - đình Liễu Tràng (phường Tân Hưng, TP Hải Dương) được tổ chức nhằm tưởng nhớ, tôn vinh công lao Thám hoa Lương Như Hộc - ông tổ của nghề in Việt Nam. Tại lễ hội, những người con Liễu Tràng xa quê trở về để dâng hương, cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng.
Lễ hội không chỉ là dịp để người dân làng Liễu Tràng thể hiện lòng kính trọng và biết ơn Thám hoa Lương Như Hộc, mà còn là cơ hội để giáo dục cho các thế hệ trẻ về lịch sử quê hương, đất nước.
Là một trong những người con xa quê trở về làng dự lễ hội, ông Nguyễn Ngọc Tuyển cho biết: "Tôi vô cùng tự hào khi là người con của quê hương Liễu Tràng. Lễ hội là dịp thể hiện sâu sắc về tinh thần đoàn kết của người dân nơi đây. Đây là cơ hội để những người con xa quê như chúng tôi được trở về dâng hương, tưởng nhớ đến Thám hoa Lương Như Hộc".
Những người con xa quê trở về dự Lễ hội truyền thống Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia - đình Liễu Tràng. Ảnh: Mai Hương
Theo tài liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, Thám hoa Lương Như Hộc người làng Hồng Lục (nay là khu Thanh Liễu, phường Tân Hưng, TP Hải Dương). Dưới triều vua Lê Thái Tông, vào khoa thi năm Nhâm Tuất (1442), ông đã thi đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cùng với Nguyễn Trực, Nguyễn Như Đổ và Ngô Sĩ Liên.
Sau khi thi đỗ, Thám hoa Lương Như Hộc đã trải giữ nhiều chức vụ khác nhau như An phủ phó sứ lộ Quốc Oai Hạ, Trung thư lệnh Bí thư giám học sinh, Tả Thị lang rồi Thị Lang bộ Lễ…
Trong sự nghiệp làm quan, ông từng hai lần đi sứ sang nhà Minh theo mệnh lệnh của triều đình vào các năm 1443 và 1459. Nhờ đó, Thám hoa Lương Như Hộc đã học hỏi được kỹ thuật khắc in mộc bản Trung Hoa và về truyền dạy lại cho nhân dân.
Khai mạc Lễ hội truyền thống Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia - đình Liễu Tràng. Ảnh: Mai Hương
Đình Liễu Tràng (TP Hải Dương) nguyên được xây dựng từ thời Lê, xung quanh xây tường bao, có cột đồng trụ, nhiều cây cổ thụ, phong cảnh nên thơ. Đến năm 1917 đình được trùng tu theo kiến trúc thời Nguyễn. Sau đó nhiều hạng mục công trình đã bị tàn phá trong kháng chiến chống Pháp.
Hiện nay, sau nhiều lần trùng tu, kiến trúc còn lại, đình kết cấu theo kiểu chữ Đinh gồm tiền tế và hậu cung, tất cả có 7 gian. Tòa tiền tế 5 gian kiểu lòng thuyền tứ trụ, đấu sen, bức cốn và xà đinh chạm kênh bong Long cuốn thủy, Long mã và hoa văn hình sóng nước.
Đặc biệt tại gian trung tâm còn tấm cửa võng sơn son thếp vàng, chạm lộng tứ quý, phong cách nghệ thuật thời Nguyễn biểu hiện rõ nét trong các hình họa hoa lá đua chen, với hình rồng tạo bức tranh độc đáo.
Đình Liễu Tràng được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1992.
Mai Hương
Nguồn: Du Lịch/Báo Lao Động