Mùng 4 Tết hằng năm, người dân xã Đại Đồng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) lại nô nức tham dự lễ hội “Trâu rơm bò rạ” để cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu.
Mồng 4 Tết âm lịch hằng năm, người dân xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc lại nô nức đi xem lễ hội “Trâu rơm bò rạ” để khởi động cho năm mới lao động hăng say. Đây là lễ hội độc đáo, đặc trưng văn hóa lúa nước của cư dân đồng bằng châu thổ Sông Hồng. Tâm điểm của lễ hội là trò trình diễn trâu rơm bò rạ thể hiện mong ước về một năm mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, gia súc không ngừng sinh sôi nảy nở.
Ngay từ tờ mờ sáng, người dân đã chuẩn bị những con “Trâu rơm bò rạ”.
Rơm rạ được chuẩn bị từ mùa gặt năm trước và bện thành trâu, bò vào dịp cuối năm. Trâu rơm, bò rạ này được buộc theo một cái cày đã tháo lưỡi; một người đàn ông đóng vai trâu, bò, một người đàn ông khác cầm cày.
Các cụ cao niên chuẩn bị chỉnh tề cho các trai làng vào vai người đi cày.
"Đây là lần thứ 2 tôi được đảm nhận một nhân vật trong lễ hội, sau 2 năm phải hoãn lễ hội vì dịch Covid-19. Làng năm nay lại tưng bừng lễ hội truyền thống" - Anh Hoàng Minh (làng Đồng Vệ, xã Đại Đồng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) chia sẻ.
Các chàng trai trẻ vào vai các cô gái đi cày cấy.
Múa trình diễn trâu rơm bò rạ là trò trình trong lễ hội đã có từ lâu đời ở xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc - một vùng đất cổ thuộc châu thổ sông Hồng có lịch sử ngàn năm văn hiến.
Những con trâu rơm, bò rạ được người dân hai làng rước đến sân miếu Đại Đồng từ sớm để chuẩn bị cho hội diễn.
Các cụ già và trẻ em cũng có mặt rất sớm để xem hội.
Mỗi nhà có trâu đều được tuyển chọn kỹ lưỡng, gia đình phải “sạch bụi”. Những con trâu tết từ rơm, rạ chính là chiếc áo khoác.
Tương truyền Đinh Thiên Tích - vị tướng có công đánh đuổi giặc Ân thời Hùng Vương thứ 6 đã đem quân về làng Bích Đại mổ trâu ăn mừng. Vị tướng tài của vua Hùng đã dạy con dân nơi đây làm nông nghiệp, chăn gia súc, xây nhà, dệt vải…
Người đi cấy, trâu bò đi cày tưng bừng, vui nhộn.
Tiếng trống, chiêng vang lên, những con trâu do người dân hóa thân đi cày, những chàng trai giả gái tung trấu, gieo mạ, ngư dân đi câu cá, trâu nhỏ nhởn nhơ gặm cỏ, nô đùa trên đồng cỏ.
Lễ hội cũng tái hiện các hoạt động tứ dân chi nghiệp: nông dân, thầy đồ, học trò, thợ mộc, tượng trưng cho 4 tầng lớp: sĩ, nông, công, thương.
Những chú nghé hiếu động húc nhau khiến không khí trở nên vô cùng náo nhiệt.
Nam đóng giả nữ, nữ đóng giả nam tượng trưng cho hình ảnh các thiếu nữ dưới 20 tuổi cắp thúng đi vãi giống khắp cánh đồng, đây cũng được coi là Ngày hội toàn dân xuống đồng.
Lễ hội này được phục dựng lại năm 1996 giữ nguyên những nét cốt lõi của lễ hội xưa.
Hoạt động được tổ chức nhằm trình bày, giới thiệu về nghề canh nông cổ truyền, thể hiện nguyện vọng của người dân cầu sự phù trợ của thần linh cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm không ngừng sinh sôi nảy nở.
Trai giả gái hăng hái gieo mạ cũng là nét độc đáo của lễ hội này.
Những nụ cười vui vẻ cầu mong mưa thuận gió hoà cho mùa màng bội thu.
Theo Toquoc