Những hình ảnh lễ hội Quán Giá cách đây một thế kỷ hiện còn lưu giữ được, cho thấy có khá nhiều nét tương đồng giữa lễ hội ở làng Giá Lụa xưa và lễ hội ngày nay.
Xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội xưa là làng Cổ Sở và có tên nôm là làng Giá Lụa. Xưa kia Cổ Sở đã được lưu danh sử sách với người tướng tài Lý Phục Man, người có công giúp vua Lý Nam Đế lập nên nhà nước Vạn Xuân độc lập.
Theo Thần Tích tại Quán Giá, Thái úy Lý Phục Man nổi tiếng là người giỏi võ nghệ, có tài thuần trị được voi. Là một trung thần có nhiều công lao, nên khi mất, ông được nhân dân nhiều nơi tôn thờ làm Thành hoàng làng.
Ngôi đình Quán Giá, thường gọi là Quán Giá ở xã Yên Sở là nơi thờ vợ chồng Thái úy Lý Phục Man. Hiện tại, trong đình Giá còn 5 tấm bia soạn vào thế kỷ XVII, XVIII, đầu thế kỷ XIX, viết về việc trùng tu lại đền, ca ngợi sự nghiệp của Lý Phục Man. Quán Giá được nhà nước công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1991.
Lễ hội Quán Giá vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm từ xưa đã nổi tiếng khắp vùng, được dân gian ca ngợi là "Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy…" hoặc "Nhớ ngày mồng bảy tháng ba/Trở về hội Giá, trở ra hội Thầy".
Có lẽ chính vì sự nổi tiếng này nên lễ hội Quán Giá hồi đầu thế kỷ XX đã thu hút những nhà nhiếp ảnh người Pháp khi họ đến Việt Nam. Đặc biệt, những bức ảnh lễ hội Quán Giá cách đây một thế kỷ do các nhà nhiếp ảnh người Pháp và một số trí thức quê ở làng ảnh Lai Xá (cũng ở huyện Hoài Đức) chụp, hiện còn lưu giữ được cho thấy có khá nhiều nét tương đồng giữa lễ hội xưa và lễ hội nay.
Tư liệu ảnh trong bài được khai thác từ Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, thư viện số Gallica thuộc Thư viện Quốc gia Pháp và Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội), đồng thời có sử dụng một số ảnh mới chụp ở những góc máy tương tự của tác giả Nguyễn Quân.
Toàn cảnh lễ rước Giá xã Yên Sở. Góc chụp từ sân Quán Giá ra cổng Tam Quan những năm 1920 - 1929. Đi đầu là đội ngũ “lão hạ”, “lão trung” mặc trang phục áo the, đầu đội mũ nón lá, tay cầm hoa roi
Góc chụp nhìn từ sân Quán Giá ra khu Tam Quan. Ảnh do Tiến sỹ Nguyễn Văn Huyên chụp năm 1937. Ảnh đăng trong bài “Góp phần nghiên cứu về một vị thành hoàng làng Lý Phục Man” trên tập san của Trường Viễn Đông bác cổ năm 1938
Hội rước Giá ngày 10/3 Ất Mùi 2015. Góc chụp đám rước từ sân ra cổng Tam Quan khi đám rước kiệu về đến Quán Giá. Ảnh Nguyễn Quân
Góc chụp Quán Giá từ cổng Tam Quan ra ngoài trong một lễ hội khoảng năm 1920-1929. Đoàn rước lễ đang đi qua 2 cột đồng trụ trước khi tiến vào khu thờ chính. Khi xưa còn nghèo khó, các cụ trong ban lễ rước đều đi chân trần. Thời điểm này xã Yên Sở thuộc tổng Dương Liễu, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông. Hội Giá là lễ hội chung của 3 xã Yên Sở, Đắc Sở và Yên Thái
Lễ rước Giá với đội ngũ “lão trung” mặc áo the đội khăn xếp, vác trượng và cờ thần đi trước kiệu. Ảnh do Tiến sỹ Nguyễn Văn Huyên chụp năm 1937
Lễ rước Giá năm 2015 với góc chụp gần giống góc chụp của Tiến sỹ Nguyễn Văn Huyên năm 1937. Phía trước kiệu Đức thánh Giá là đội trẻ em múa xênh tiền, hai bên là đội Nghiềm quân cầm trượng, cờ thần và đội quân A la ré trẻ em dẹp đường. Ảnh: Nguyễn Quân
Các lão niên làng Yên Sở mặc trang phục ngày lễ cầm hoa roi đội mũ cói sơn đứng trên sân Quán Giá. Ảnh do tác giả người Pháp chụp những năm 1920-1929
Cận cảnh một bô lão trong lễ tế tại Hội Giá những năm 1920-1929. Ảnh lưu tại Viện Viễn Đông Bác cổ
Trâu bò là vật phẩm lễ chính trong Lễ hội ngày 10/3 làng Yên Sở xưa
Lễ rước Giá trên đường đi. Phía trước kiệu chính là những tráng niên đội mũ cói rộng vành, mặc áo the và cầm hoa roi. Hai bên là đội Nghiềm quân mặc áo the khăn xếp, mang trường trượng và cờ thần. Trước kia khi còn đình Không xà, đám rước của làng Yên Sở diễn ra từ Quán Giá đến Đình Không xà. Trong những năm chiến tranh chống Pháp, đình không xà đã bị thiêu rụi. Hiện nay, lễ rước của xã Yên Sở diễn ra từ Quán Giá đến nơi Văn chỉ. Ảnh: Tiến sỹ Nguyễn Văn Huyên
Lễ rước Giá trên đê tả Đáy năm 2015
Đoàn rước của xã Đắc Sở đi trên đê, xuống xối đá đi vào lễ tại Quán Giá. Ảnh: Tiến sỹ Nguyễn Văn Huyên chụp năm 1937
Lễ rước của xã Yên Sở đi xuống xối đá đê tả Đáy năm 2015
Nguyễn Quân - T.Toàn
Nguồn: Công Luận