Chọi gà (theo cách gọi của người miền Bắc) hay đá gà (theo cách gọi của người miền Nam), từ lâu đã trở thành một “thú chơi dân gian tao nhã”, vừa có tính tiêu khiển, khuyến khích chăn nuôi, lại vừa biểu hiện cho tinh thần thượng võ trong dân gian vào mùa lễ hội, đặc biệt là những ngày Tết đến Xuân về.
|
Nhiều làng nổi tiếng chơi gà chọi như Đình Bảng, Thổ Hà, Yên Phụ (Bắc Ninh) hay một số nơi khác ở cả 3 miền Trung, Nam, Bắc đều có. Thú chơi chọi gà đòi hỏi một sự kỳ công lớn của người nuôi - từ việc chọn gà giống phải là gà chọi "nhà nòi", lựa chọn kỹ gà bố, gà mẹ, rồi đến khi trứng nở ra gà con lại được lựa từ dáng vẻ chân, mỏ, mình, đầu...
Lịch sử trò chơi chọi gà
Chọi gà được cho là du nhập vào Việt Nam từ thời Lý, trở thành thú vui của các bậc vương tôn quý tộc. Nhưng thú vui đó dần lan truyền ra dân gian, đến đời nhà Trần thì phát triển vô cùng mạnh mẽ, làm say mê mọi tầng lớp trong xã hội. Chẳng thế mà Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn khi ra chiếu “Dụ chư tỳ tướng hịch văn” (Hịch tướng sĩ) vào cuối năm Giáp Thân (1284) đã kêu gọi tướng sĩ ba quân đừng vì ham mê thú chơi này (đá gà) mà mất đi tinh thần đoàn kết giữa dân quân trong lúc nguy cơ giặc Mông đang đe dọa – “Thoát hữu Mông Thát chi khấu lai/ Hùng kê chi cư bất túc dĩ xuyên lỗ giáp.” (Một khi giặc Mông đến nơi, thì cựa con gà nòi không thể đâm thủng áo-giáp của giặc).
Tương truyền trong dân gian, Nguyễn Lữ (em của vua Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc và Quang Trung Hoàng đế Nguyễn Huệ nhà Tây Sơn) là một “sư kê” (danh xưng dành cho những người nuôi và huấn luyện gà chọi nhiều kinh nghiệm) sành sỏi bậc nhất. Ông có thú sưu tập gà, đặc biệt các giống gà được chọn đều rất nổi tiếng và được tuyển lọc kỹ lưỡng. Những giống gà đó theo một số sư kê ở Bình Định thì vẫn còn lưu truyền tới ngày nay. Có lẽ do ham mê chọi gà, lại sẵn tinh thần thượng võ mà với cách quan sát các thế đá của nhiều loại gà khác nhau, ông đã sáng tạo ra bài võ “Hùng kê quyền” nổi tiếng xưa nay, tức là dùng đòn thế hiểm của gà đá để lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều.
Nhân vật nổi tiếng dân gian Trạng Quỳnh cũng từng mượn trò chơi này để mỉa mai lũ hoạn quan nhũng loạn trong phủ Chúa Trịnh. Lũ hoạn quan thù ghét Trạng từ lâu, mà chọi chữ chọi thơ với Trạng thì chẳng khác gì “lấy trứng chọi đá”, bèn bày ra trò chọi gà. Nào ngờ Trạng Quỳnh lại mang gà thiến đi đấu với loài gà nòi thiện chiến của lũ nịnh thần; khi gà Trạng thua, lại dở trò “khóc gà” nhằm đả kích bọn hoạn quan, nịnh thần bất tài vô dụng lại hay bày trò.
Trò chơi chọi gà được minh họa trong tư liệu, sách vở nói về phong tục tạp quán ngày Tết, lễ hội
|
Thú chơi dân gian hấp dẫn
Chọi gà là thú chơi dân gian từng thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Nhưng việc chăm sóc, chọn lọc, nuôi dưỡng, huấn luyện gà thì là cả một quá trình rất công phu. Trong chiều sâu tâm tưởng của nhiều người, trò chơi chọi gà có thể vừa mang tính giải trí, vừa là một hình thức nuôi dưỡng tinh thần thượng võ, chất keo gắn kết tinh thần cộng đồng đã từng có trong các hội làng xưa.
Tuy chỉ là một “thú vui tiêu khiển”, nhưng không phải vì thế mà người chơi gà chọi lại lơ là việc lựa chọn, chăm sóc cho những “chiến tướng” của mình. Theo kinh nghiệm dân gian, gà cha thế nào thì gà con thế nấy, phải kiếm giống gà tốt, gà “nòi” mà trong đàn chỉ có 1 đến 2 con thôi. Tuy nhiên, một số vùng lại lựa con theo mẹ vì người ta quan niệm “chó giống cha, gà giống mẹ” để tìm được giống gà như ý. Từ xa xưa, trong dân gian đã lan truyền “chiêu” lựa gà nòi chuẩn: “Đầu công, mình cốc, mắt ốc, chân chì, cánh võ trai, quản ngắn, chẳng thua ai”. Theo những sư kê, chẳng bao giờ họ ưa những con gà đầu to, cổ nhỏ và mềm, còn mỏ lại thô. Gà phải có mống (mào) cao vểnh sang trái, màu đỏ tươi vì loại này nhanh nhẹn, đá dai, lại rất khỏe. Cựa gà là phần quan trọng nhất vì nó chẳng khác gì vũ khí của tướng quân khi lâm trận, cựa gà chọi thì “Cựa sắc đá hay, cựa tày đá kém”. “Cựa nhật nguyệt” là loại cựa mà đầu có một điểm đen và trắng, chỉ có ở “thần kê”, may mắn lắm mới có thể tìm được.
Chọi gà là thú chơi dân gian thu hút đông đảo quần chúng tham gia
|
Nam Bộ từng là nơi sôi nổi nhất với thú chơi này. Người ta phải cất công tuyển chọn giống gà hay từ các địa phương như Cao Lãnh, Hóc Môn, Cần Đước, Trà Vinh... để có được những “chiến kê” xuất sắc.
Việc lựa chọn giống gà đã khó, chăm sóc gà cũng yêu cầu một cách tỉ mỉ và cẩn thận. Thức ăn cho gà phải phù hợp với tuổi của gà, nước uống cũng phải tinh khiết. Gà nòi được ăn uống điều độ để tránh bị đói hay bệnh tật. Thường thì gà “chấm niên” (đúng 1 năm) mới được xây xổ tập tành chuẩn bị “tham chiến”. Những con gà đã được xây xổ xong phải được nuôi kỹ hơn nữa, tối cho ngủ mùng để khỏi bị muỗi. Ðến thời điểm, gà phải được cho đá dợt với một con gà khác hoặc để gà khác ngoài giỏ tre nhử trên không để tập đòn, tập thế đá cho gà.
Các trận chọi gà luôn thu hút đông đảo sự chú ý. Hai con gà chọi đỏ gay lừa mổ nhau, đập cánh vào nhau, nhảy lên đá móc vào nách, vào cổ họng, vào ức của đối phương rất quyết liệt, hoặc ghì nhau đè cánh đạp chân như những đấu thủ trên sàn đấu. Có những trận đấu kéo dài hàng tiếng đồng hồ mà không phân biệt thắng thua. Người xem bàn tán, tranh luận sôi nổi, đặc biệt là những ngày Tết Nguyên đán, khiến cho không khí Tết lại càng trở nên rộn rã. Trong quá trình thi đấu, nếu như thấy gà đuối sức, người chơi có thể xin dừng cuộc chơi để tránh gây thương tích cho gà. Thi đấu xong người giành phần thắng sẽ không trao bằng tiền mà sẽ được bên thua đãi một bữa ăn thịnh soạn. Việc thi đấu ở đây đôi khi thắng thua không quan trọng, mà chủ yếu để những người nuôi gà chọi chia sẻ kinh nghiệm, khán giả chứng kiến những pha biểu diễn kịch tính của các chú gà, tạo niềm vui trong dịp Tết đến Xuân về.
Hương Thảo (tổng hợp)