QUẢNG BÌNH - Rằm tháng ba hàng năm, người dân huyện Minh Hoá nô nức trẩy hội rằm, tham gia nhiều hoạt động văn hoá, thể thao hấp dẫn.
Hội rằm tháng 3 Minh Hoá là lễ hội truyền thống lâu đời của người địa phương. Trong những năm chiến tranh, hội rằm bị mai một. Năm 1991, hội rằm lần đầu được phục dựng và tổ chức hàng năm cho đến nay. Từ năm 2018, huyện Minh Hoá kết hợp hội rằm với Tuần lễ thể thao văn hoá du lịch nhằm thu hút du khách. Hội rằm mở đầu bằng lễ dâng hương ở thác Bụt, tại xã Yên Hoá, sáng 25/4.
Nghi lễ đơn sơ nhưng diễn ra nghiêm trang tại thác Bụt. Đây là nghi lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa vụ bội thu, cuộc sống yên vui, hoà thuận... Lễ dâng hương tại thác Bụt là một phần quan trọng trong chương trình Tuần lễ thể thao văn hoá du lịch và Hội rằm tháng 3 Minh Hóa.
Bà Trần Thị Cảnh (trái), 74 tuổi, từ Lâm Đồng, cho biết sau 30 năm xa quê, nay mới lần đầu trở lại vào đúng dịp hội rằm. Thắp hương lễ tạ tại thác Bụt xong, bà Cảnh cho biết mình rất phấn khởi khi thấy huyện nhà phát triển mọi mặt, có nhiều ý tưởng mới cho quê hương.
Theo truyền thuyết về thác Bụt, xưa kia có hai anh em lên rừng tìm mật ong, thấy một tượng đá đẹp nên cõng về nhà. Khi đến khu vực này, họ đặt đá xuống suối tắm, khi lên thì không thể nhấc nổi tượng đá để mang về. Từ đó, người dân gọi nơi này là thác Bụt. Gọi là thác Bụt nhưng ở đây không có ngọn thác nào, chỉ có dòng suối mát lành chảy quanh năm. Sau khi lễ ở thác Bụt, nhiều người lội bộ xuống suối rửa tay, ngắm cảnh.
Tối 25/4, Tuần lễ văn hoá thể thao du lịch huyện Minh Hoá và Hội rằm tháng 3 chính thác khai mạc bằng chương trình nghệ thuật "Ân tình Minh Hóa quê tôi", với 2 phần Sắc hương quê mình và Minh Hóa ngày nắng lên.
Năm 2020, lễ hội này không thể tổ chức do ảnh hưởng của Covid-19. Ông Đinh Văn Lĩnh, Phó chủ tịch UBND huyện Minh Hoá kỳ vọng lễ hội là dịp để thu hút khách du lịch đến với địa phương.
Trong khuôn khổ Hội rằm tháng 3, huyện Minh Hoá đón nhận bằng công nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian hò thuốc cá huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình” và bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Căn cứ kháng chiến của vua Hàm Nghi ở Minh Hóa.
Trước đó, từ ngay 21/4, nhiều hoạt động thể thao, văn hoá diễn ra ở Sân vận động huyện Minh Hoá, thu hút hàng nghìn người dân tham gia.
Các hoạt động thể thao gồm bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, đẩy gậy, ném cù, hội đu...
Hội chợ ẩm thực tổ chức với gần 20 gian hàng, đến từ nhiều xã. Lễ hội thu hút nhiều nhiếp ảnh gia tìm về để sáng tác.
Hội chợ bán các sản vật từ núi rừng, do người dân đánh bắt, hái lượm như măng mây rừng, ốc khe, cá mát dưới suối, và nhiều loại quả, gia vị khác lạ, độc đáo...
Một du khách thưởng thức nhộng ong rừng do người dân khai thác. Người địa phương hào sảng, du khách có thể thoải mái hỏi thăm các sản vật, ăn thử dù mua hay không.
Một gian hàng trang trí theo phong cách thân thiện với thiên nhiên.
Nữ du khách đến từ thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) cho các con tìm hiểu về một số loại quả rừng, có thể chế biến làm thức ăn.
Món ốc đá ăn kèm với bồi, đặc sản của người dân Minh Hoá. Bồi là ngô khô được giã mịn cùng với một ít bột sắn đem hấp chín.
Hoàng Táo