Khi mua vải thiều, bạn thường nghĩ đến việc ăn quả đơn thuần. Song, thực ra có rất nhiều cách chế biến quả vải ngon như dùng làm chè, giải khát thậm chí là cả nấu các món ăn khi được kết hợp với các nguyên liệu khác.
Vải thiều làm giải khát
Ngoài ăn chín, quả vải còn có thể chế biến thành các món chè, sinh tố rất hấp dẫn.
Chè vải thiều rau câu
Nguyên liệu:
500g vải thiều tươi tách hạt
50g bột rau câu, 5g bột hạnh nhân
300ml nước dừa tươi
200g đường cát
Cách làm:
Bước 1:Nấu 150g đường cát để tạo nước, cho trái vải vào rim đường, lửa nhỏ khoảng 20 phút, bắc xuống, để nguội.
Bước 2:Tiếp theo tiến hành hòa tan rau câu với nước dừa tươi, thêm 50g đường còn lại, cho bột hạnh nhân vào, lại đun sôi.
Bước 3:Khi thấy rau câu sánh, nhấc xuống cho vào khuôn, để nguội. Tiếp đến là đặt vào ngăn mát trong tủ lạnh, đợi đông rồi lấy ra cắt hạt lựu. Trộn chung trái vải với rau câu, cho vào tủ lạnh rồi ăn mát vừa.
Khi ăn món chè vải rau câu này, hạnh nhân sẽ giúp rau câu thơm hơn. Nước dừa đã ngọt sẵn nên không cần cho nhiều đường. Nếu thích có thể hêm vào chè nhiều loại trái cây khác tùy ý hoặc một số thách làm sẵn.
Nước vải thiều chanh tươi
Nguyên liệu:
15 – 20 trái vải thiều
1 quả chanh tươi
Nước đun sôi để nguội
Đường (nếu muốn uống ngọt)
Một ít đá lạnh
Cách làm:
Bước 1:Vải bóc vỏ, bỏ hột, lấy phần thịt.
Bước 2:Chanh bổ đôi, vắt lấy nước cốt, loại bỏ hạt.
Bước 3:Cho phần thịt vải cùng với 300ml nước đun sôi để nguôi và nước cốt chanh ở trên vào máy xay sinh tố xay thật nhuyễn. Phía bên trong trái vải thường có phần màng, vị hơi chát nên khi xay xong bạn cho qua lưới lọc loại bỏ bớt phần màng này.
Bước 4:Rót ra ly/cốc, có thể thêm xíu đường nếu bạn muốn uống ngọt, tuy nhiên vải thường ngọt nên mình thường không dùng thêm đường. Món này uống ngon khi để lạnh hoặc khi uống thêm vài viên đá lạnh uống cùng.
Chè hạt sen vải thiều
Nguyên liệu:
200g hạt sen khô, hoặc 400g hạt sen tươi bỏ tâm
400g vải thiều
1 gói 5g bột rau câu dẻo
Sâm dứa
Đường phèn
Vani
Sữa tươi có đường
Đá bào
Cách làm:
Bước 1:Hạt sen rửa sạch để ráo. Vải thiều bóc vỏ lấy cùi, bỏ hạt.
Bước 2:Hòa tan gói rau câu dẻo với 250ml nước và 50g đường, đun sôi rồi cho sâm dứa, sữa tươi vào, khuấy tan đều.
Bước 3:Khi hỗn hợp sôi lại thì tắt bếp, đổ rau câu vào khay, để nguội, cho vào ngăn đông tủ lạnh 30 phút rồi cắt rau câu thành từng miếng nhỏ vừa ăn chia đều vào các ly.
Bước 4:Đun sôi 1 lít nước dùng để nấu chè rồi cho hạt sen vào hầm chín mềm khoảng 20 phút với lửa vừa, vớt hết phần bọt bên trên để nước chè được trong hơn. Lưu ý khi hạt sen đã nhừ mới cho đường phèn vào vì nếu cho vào trước sẽ khiến hạt sen bị sượng.
Bước 5:Tiếp tục cho cùi vải, vani vào, vặn lửa nhỏ vừa, đảo nhẹ nồi chè nữa rồi tắt bếp để nguội. Đun lâu quá sẽ khiến cùi vải mất đi độ giòn ngon đặc trưng.
Bước 6:Cuối cùng múc chè ra ly đã có sẵn rau câu sâm dứa và cho đá bào lên trên là cả nhà có thể thường thức món chè vải thiều bổ dưỡng, ngọt mát.
Vải thiều trong bữa ăn hàng ngày
Quả vải không chỉ dùng làm chè, sinh tố mà còn có thể dùng chế biến món ăn tạo nên sự thú vị, lạ miệng
Canh vải thiều mướp đắng
Nguyên liệu:
10 quả vải thiều tươi
1 quả mướp đắng
2 cánh gà
Gia vị: gừng, bột canh, hạt tiêu, rượu gạo, nước tương, bột ngọt (tùy chọn)
Ngoài cánh gà, bạn có thể thay đổi khẩu vị bằng tôm khô, sườn non, thịt thăn, mọc…
Cách làm:
Bước 1:Cánh gà chặt thành miếng nhỏ ướp với gia vị, hạt tiêu, rượu và một thìa nước tương.
Bước 2:Mướp đắng rửa sạch, bổ đôi theo chiều dọc. Lọc bỏ ruột và hạt rồi cắt thành từng miếng kích thước 5 x 5 cm. Vải thiều bóc vỏ lấy cùi, bỏ hạt.
Bước 3:Gà sau khi ướp gia vị chừng 20 phút, thêm khoảng 600 ml nước, cho lên bếp hầm với lửa nhỏ, mở vung. Thỉnh thoảng vớt bỏ bọt sủi trẳng nổi lên trên. Dùng khoảng 1 lạng gừng đập dập cho vào nồi hầm.
Bước 4:Khi thấy gà đã mềm, lần lượt cho mướp đắng, vải thiều và hầm thêm chừng 2 – 3 phút nữa. Sau đó nêm gia vị cho vừa miệng.
Gà nấu vải
Nguyên liệu:
1kg thịt ức gà hoặc đùi gà
500g cà rốt
300g vải tươi
1 củ hành trắng
Vài tai nấm đông cô khô
5 muỗng canh dầu hào
2 tép tỏi
1 củ hành khô
Muối
Dầu ăn
Bún, mì hoặc bánh mì để ăn kèm
Cách làm:
Bước 1:Băm nhỏ 2 tép tỏi và hành khô. Hành trắng cắt múi cau.
Bước 2:Thịt gà róc xương để riêng, cắt thịt thành miếng vừa ăn.
Bước 3:Cho một nửa phần hành tỏi băm vào gà cùng với dầu hào, ướp khoảng 1 tiếng hoặc để trong tủ lạnh qua đêm.
Bước 4:Cho một chút dầu ăn vào nồi, phi thơm chỗ hành tỏi còn lại rồi cho phần thịt gà vào xào sơ đến khi thịt săn lại. Xúc thịt ra để riêng.
Bước 5:Cho hành trắng vào nồi xào sơ. Thả phần xương gà vào, đổ nước ngập. Vớt bọt thường xuyên và hầm trong khoảng 1 tiếng.
Bước 6:Cà rốt gọt vỏ, tỉa hoa và cắt khúc vừa ăn. Nấm đông cô ngâm nước cho nở mềm. Lột vỏ và bỏ hạt vải. Nếu dùng vải hộp, bạn để riêng phần cái và nước.
Bước 7:Khi nước dùng gà đã trong và ngọt, bạn vớt xương gà ra. Cho vào nồi phần thịt gà đã xào, nấm đông cô và cà rốt. Nếu dùng vải hộp bạn cho nước vải vào cùng. Hầm đến khi thịt gà và cà rốt chín mềm.
Bước 8:Nêm nếm lại nước dùng với muối và đường. Cho vải vào và nấu thêm khoảng 10 phút để vải không bị nát.