Bánh chưng là món bánh cổ truyền không thể thiếu vào dịp Tết Nguyên đán. Trong những năm gần đây, do nhu cầu ngày càng cao của thị trường, bánh chưng đã được người dân làm quanh năm để bán, trong đó có bánh chưng cẩm.
Bà Vi Thị Hồng Lý đang gói bánh chưng cẩm
Để tìm hiểu về món bánh chưng cẩm, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình bà Vi Thị Hồng Lý ở thôn Trường Sơn, xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng. Bà Lý cho biết: Gia đình tôi gói bánh chưng để bán đã được hơn chục năm nay, chủ yếu cung cấp cho thị trường trong huyện. Từ bánh chưng truyền thống, tôi tìm hiểu và làm thêm bánh chưng cẩm. Ý tưởng này xuất phát từ thực tế hằng năm vào dịp Tết thanh minh, các gia đình thường làm xôi cẩm có màu sắc rất đẹp mắt. Ngoài ra, lá cẩm là cây có vị mát, thường được nhiều người dân ưa dùng.
Để làm ra món bánh chưng cẩm dẻo, thơm ngon, nguyên liệu quan trọng nhất là gạo ngon. Theo đó, gia đình bà Lý chọn gạo nếp cái hoa vàng ngon được trồng tại các xã trên địa bàn huyện. Lá cẩm phải non thì cho màu mới đẹp, cây lá cẩm sau khi hái về rửa sạch sẽ được giã cùng gio của rơm nếp, sau đó đun nước nóng lên rồi đổ vào. Tiếp đến dùng nước lá cẩm để ngâm với gạo khoảng 2 tiếng để nước ngấm vào từng hạt gạo.
Bà Lý chia sẻ: Để hạt gạo có màu xanh tím đẹp thì lá cẩm phải được giã tươi cùng gio nếp, nếu đun lên thì khi ngâm gạo sẽ có màu đỏ. Một yếu tố quan trọng giúp bánh ngon là nhân bánh. Nhân bánh sẽ được lựa chọn từ thịt nạc vai hoặc thịt ba chỉ ngon được ngâm gia vị và rắc thêm hạt tiêu tạo vị thơm và cay nhẹ. Tiếp đó người dân sẽ dùng lá rong để gói bánh, bánh phải gói thật chặt tay, mỗi chiếc dài khoảng 28 – 30 cm. Khi luộc cho bánh ngập nước, đun khoảng 9 tiếng thì vớt ra, bánh chưng khi chín có màu xanh tím rất đẹp.
Bánh chưng cẩm khi chín được vớt ra để ráo nước
Hiện nay, trên địa bàn xã, gia đình bà Lý là hộ duy nhất sản xuất bánh chưng cẩm. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, gia đình bà Lý đã quan tâm, xây dựng sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), theo đó, không chỉ chú ý đến nguyên liệu sản xuất mà còn chú trọng đến mẫu mã, bao bì và cách bảo quản sản phẩm. Trên bao bì ghi rõ thông tin sản phẩm, hạn sử dụng và địa chỉ, số điện thoại của gia đình. Ngoài ra, gia đình bà Lý còn chú trọng đến việc tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh để nhiều khách hàng biết đến. Hiện nay, trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất tiêu thụ khoảng 200 đến 300 cái bánh chưng cẩm, thị trường mở rộng đến các tỉnh, thành trong cả nước như: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh…
Dẻo ngon, thơm hương vị lá cẩm, đó là những ấn tượng đầu tiên của du khách khi được thưởng thức món bánh chưng cẩm. Chị Nguyễn Huyền Trang, phường Cộng Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh cho biết: Có dịp đến huyện Hữu Lũng, tôi được thưởng thức món bánh chưng cẩm, ăn dẻo, thơm. Khi ăn không bị nóng như bánh chưng truyền thống, mùi vị khá đặc biệt nên tôi đã mua về làm quà và lưu cả số điện thoại để sau này đặt bánh.
Sản phẩm bánh chưng cẩm khi chín có màu xanh tím đẹp mắt
Ông Nguyễn Phúc Thật, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà cho biết: Với sự nỗ lực không ngừng trong việc gìn giữ và phát triển nghề, nâng cao giá trị sản phẩm, năm 2022, sản phẩm bánh chưng cẩm của gia đình bà Lý đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện nay, bánh chưng cẩm đã trở thành món ăn ưa thích của nhiều người dân trên địa bàn huyện và du khách gần xa. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của gia đình về đảm bảo an toàn thực phẩm trong các khâu làm bánh và quảng bá sản phẩm để món bánh chưng này vươn xa hơn nữa trên thị trường.
Theo Baolangson