BÌNH THUẬNRừng keo lá tràm chịu hạn bắt đầu nở rộ, nhuộm vàng rực các đồi cát ven biển Phan Thiết trong dịp Tết dương lịch.
Cuối tháng 12, rừng keo lá tràm hai bên cung đường du lịch Phan Thiết nối ra Hòa Phú rực vàng. Cả một vùng đồi cát kề trung tâm du lịch Hàm Tiến – Mũi Né như thay áo mới, sắc hoa phủ vàng báo hiệu mùa xuân đang về. Từ chân đồi đi lên, những cây tràm lớn ven con đường mòn đã nở bung, hoa vàng phủ từ gốc đến ngọn. Từng nhành hoa nặng trĩu đong đưa trong gió, tỏa mùi hương dịu dàng.
Hoa tràm nở vàng rực ở dọc đường ven biển Mũi Né. Ảnh: Việt Quốc
Dịp này, người dân Phan Thiết cũng như du khách không bỏ lỡ cơ hội đến đây chiêm ngưỡng, chụp hình kỷ niệm. Ngày 29/12, chị Thu Ba cùng nhóm bạn bốn người từ phường Phú Thủy, chạy xe máy ra rừng tràm đang nở hoa cách nhà hơn 10 km. Các chị chọn những cây nở rộ nhất, đứng cạnh bên, tạo dáng chụp ảnh đăng lên mạng xã hội khoe với bạn bè muôn phương. "Năm nào chị em tôi cũng ra đây chơi khi hoa tràm bắt đầu bung nở, rừng hoa đẹp choáng ngợp không thể bỏ lỡ", chị Ba cho biết.
Một số bạn trẻ cũng đến rừng hoa tràm này để xả hơi cuối tuần. "Cảnh sắc mùa hoa quá tuyệt vời, ra đây tâm hồn em cảm thấy thư thái hẳn", La Thị Hiền, 18 tuổi, một bạn trẻ đến từ thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, nói.
Nhóm của chị Thu Ba chơi ở rừng keo lá tràm, ngày 19/12. Ảnh: Việt Quốc
Ông Võ Xuân Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bình Thuận cho biết: "Rừng hoa tràm vàng năm nay khoe sắc đúng dịp nghỉ Tết dương lịch sẽ trở thành điểm check-in lý tưởng cho du khách đến Bình Thuận trong đợt này".
Các doanh nghiệp du lịch địa phương cũng tận dụng thời điểm này để giới thiệu về nét đẹp hoang sơ của vùng biển địa phương, làm phong phú thêm chuyến đi của du khách. Một số tour nay có thêm hành trình chụp ảnh rừng hoa tràm vàng dọc cung đường ven Phan Thiết và Hòa Thắng - Hòa Phú.
Một khu đồi cát ven biển Hàm Tiến - Mũi Né rực vàng hoa tràm. Ảnh: Việt Quốc.
Khoảng 15 năm trước, keo lá tràm chịu hạn được người dân địa phương trồng dọc các đồi cát ven biển từ Phan Thiết ra Phan Rí để giữ đất, chống sa mạc hóa, khai thác thân gỗ bán cho các xưởng làm giấy. Sau đó, hạt giống phân tán lên cả những vùng đất hoang hóa tạo nên những rừng keo tự nhiên mang đặc trưng của miền biển Bình Thuận không nơi nào có được.
Cây tràm của địa phương là loại keo lá tràm chịu hạn trên vùng đồi cát bán sa mạc ven biển. Mỗi năm cây ra hoa một lần vào cuối tháng 12 kéo dài đến đầu năm dương lịch. Loài keo chịu hạn này có thân nhỏ, lá nhọn hơn so với loài keo lá tràm thường thấy ở các địa phương khác. Đến mùa hoa, mỗi nách lá đều có một bông dài khoảng 4-7 cm như đuôi sóc. Hơn nửa tháng sau, hoa mới tàn.
Việt Quốc