Sau khi tìm hiểu thấy con côn trùng này rất hiếm mà có giá trị kinh tế cao, anh Nguyễn Đức Thuần (32 tuổi, ở xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) đã đầu tư gần chục chiếc bể, mỗi tháng anh kiếm hàng chục triệu từ bán con giống.
Tiết lộ bí quyết nuôi cà cuống
Thăm trại nuôi cà cuống của chàng trai 9x tại xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư vào thời điểm này con cà cuống đang trong giai đoạn ngủ đông, tuy nhiên với gần chục chiếc bể, hiện tại anh Thuần đang có hơn 200 cặp giống, nhiều người hỏi mua nhưng nguồn cung vẫn chưa kịp.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Thuần cho biết, dự án nuôi cà cuống của anh bắt đầu từ hơn 1 năm nay, sau khi thấy một người bạn nuôi cà cuống rất lạ, anh đã tìm hiểu thì được biết, loài côn trùng đặc biệt này hiện trở thành món ăn đặc sản "hiếm có khó tìm".
Đây cũng chính là loại côn trùng từ ngày còn nhỏ từng nhìn thấy nhiều ở ruộng đồng, mương nước hay ao bèo. Tuy nhiên, hơn chục năm nay, anh Thuần không thấy loài côn trùng này xuất hiện như trước. Sẵn có một chút vốn mới đi lao động ở Hàn Quốc về, chàng trai này học hỏi qua người bạn rồi quyết định đầu tư vốn để khởi nghiệp với loài côn trùng ít người biết đến này.
Anh Thuần chia sẻ về cách nuôi con cà cuống
Nhận biết con đực và cái (bùng vàng là con cái)
Con đực thường bé hơn
"Lúc đầu, tôi sắm chiếc bể bạt, mua 20 con bố mẹ về nuôi thử. Chưa hiểu gì về cách chăm sóc nên số con giống này chết gần hết. Quyết chinh phục bằng được loài côn trùng kỳ lạ này, mình tiếp tục bỏ tiền mua thêm giống về nuôi, tiếp tục có con chết nhưng vẫn quyết theo" - anh Thuần kể.
Hồi mới đầu, anh Thuần nuôi thử nghiệm trong chiếc bể bạt ngay tại nhà mình nên ngày nào cũng có mặt bên cạnh, có hôm đến 4 giờ sáng vẫn chưa đi ngủ, cuối cùng anh Thuần cũng hiểu rõ được tập tính của loài côn trùng ngày sống dưới nước, tối lên cạn, có thể bay như bướm và thức ăn của chúng rất đa dạng và dễ mua.
"Cà cuống rất dễ nuôi nhưng cũng rất khó nếu như không để ý. Để nuôi sống, cho cà cuống sinh sản được, nước bể nuôi phải sạch sẽ. Thức ăn cho chúng là tôm cá nhỏ, dế, nòng nọc, châu chấu còn sống. Các loại thức ăn này cần thả vào sống chung cùng bể nuôi cà cuống. Cà cuống sẽ giết chết con mồi sau đó dùng vòi (miệng) hút hết thịt bên trong, để lại phần vỏ xác bên ngoài" - anh Thuần cho biết thêm, người nuôi cũng cần chú ý thời tiết, nóng thì phải thả bèo vào, lạnh cũng cần giữ nhiệt cho nguồn nước.
Thức ăn của cà cuống là các bọ, dế..
Những con cá nhỏ sẽ bị cà cuống hút
Mùa hè nóng thì phải có bèo
Theo ông chủ 9X, cà cuống cái sau khi giao phối với con đực sẽ đẻ ra bọc trứng (như trứng ốc bươu vàng) có màu trắng ngà bám vào thành bể hoặc bèo nổi trên mặt nước. Sau 5 - 7 ngày trứng nở ra ấu trùng. Ấu trùng qua 5 lần lột xác trong khoảng 45 ngày sẽ trở thành cà cuống trưởng thành.
Tuy nhiên, khó nhất là quá trình nhân giống, vì việc ấp nở trứng và nuôi ấu trùng rất khó. Giai đoạn này, để trứng nở được, nhiệt độ, độ ẩm phải đảm bảo, hay khi ấu trùng còn nhỏ, lượng thức ăn cung cấp phải phù hợp, nguồn nước phải sạch sẽ, không được để nhiễm thuốc sâu, đục một chút không sao.
"Chỉ một quãng thời gian ngắn mùa Đông, còn lại cà cuống sinh sản mạnh, mạnh nhất là vào tháng 3 đến tháng 10 dương lịch. Loài này sinh sản nhanh, số lượng nhiều, vòng đời của mỗi cá thể khoảng hơn một năm. Trong quá trình đó, con cái đẻ được khoảng 5 lứa. Chúng không có bệnh tật gì nên khi nuôi không gặp nhiều khó khăn" - anh Thuần nói.
Khi bắt đầu nuôi thử, người nuôi chưa cần đầu tư bể kiên cố ngay mà có thể tận dụng thùng xốp, nuôi trong bạt để tiết kiệm chi phí.
"Quan trọng nhất là kiểm soát, đảm bảo nguồn nước luôn sạch, tránh xa hoàn toàn thuốc trừ sâu, đảm bảo độ thoáng mát ở môi trường nuôi. Các bể con giống, bể nuôi thương phẩm, bể lấy trứng phân tách rõ ràng để tránh việc cà cuống phá hủy trứng lẫn nhau" - Anh Thuần nói.
Cà cuống có giá trị rất cao
Thu nhập hấp dẫn
Sau những ngày nuôi thử và "chơi" ở nhà riêng, anh Thuần xây gần chục bể xi măng ở khu trại chăn nuôi của gia đình, chủ yếu là cà cuống giống.
Theo anh Thuần, mỗi ổ trứng có giá 200.000 đồng. Với 200 cặp cà cuống đẻ trứng, anh thu về khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Chưa kể, anh Thuần còn cung cấp cà cuống giống, giá bán từ 200 - 250.000 đồng/cặp sinh sản tùy thời điểm, cà cuống thương phẩm, giá từ 50.000- 70.000 đồng/con. Điều đặc biệt của loài côn trùng này là con cà cuống đực có 2 bọc tinh dầu thơm mùi quế, được nhiều khách hàng ưa chuộng.
"Theo tôi được biết, từ xa xưa, cà cuống đã là món ăn truyền thống vì thịt và trứng loài này chứa nhiều protein, lipid và các vitamin. Tinh dầu cà cuống nhẹ hơn nước, thoang thoảng mùi đặc biệt giống như mùi quế. Đó là lí do cà cuống đực tuy nhỏ hơn nhưng giá bán thường cao gấp đôi con cái" - anh Thuần nói.
Anh Thuần thông tin thêm, thời điểm này con giống đang ngủ đông, tuy ít người mua nhưng vẫn thường xuyên thiếu hàng để xuất ra thị trường, nhất là cà cuống thương phẩm. Thu nhập chủ yếu của anh hiện nay là từ việc bán trứng và con giống. "Sau khi trừ hết chi phí, lợi nhuận trên mỗi con cà cuống là 50%. Bình quân mỗi tháng tôi thu về khoảng 20 triệu đồng. Riêng đối với con cái thì chỉ nên ăn khi nó có buồng trứng trong bụng, rất ngậy và thơm ngon, con đực thì luôn có hai bọc tinh dầu, nướng hoặc hấp nó lên rồi cắt ra cho vào mắm, tuyệt vời" - anh Thuần phấn khởi.
Nước tuần hoàn
Bể có nắp đậy
Gần chục bể trong một khoảng đất không cần phải rộng
Cà cuống có thể được chế biến làm thức ăn cho người
Theo sử sách thì từ 200 năm trước Công nguyên, cà cuống đã được xếp vào loại sơn hào hải vị của người Việt để cống nạp cho Trung Hoa với tên gọi con
Ở Á châu, cà cuống thường được dùng toàn cơ thể làm thức ăn, từ Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar qua Trung Hoa, Singapore, Indonesia. Người Trung Quốc ăn cà cuống theo kiểu luộc thêm một chút muối ở Quảng Châu, hoặc xào trong dầu mè ở Bắc Kinh. Ở Singapo cà cuống là một món ăn được ưa chuộng. Người Thái Lan gọi cà cuống là mangda. Họ trộn nhuyễn toàn cơ thể, có khi vứt bỏ mắt, cánh và những bộ phận xơ cứng, với hành, kiệu, ớt, đường, thêm vào nước chanh, nước mắm thành một thứ bột nhão gọi là nam prik mangda để ăn với cơm hay rau.
Tại miền Bắc Việt Nam, cà cuống được loại chân, cánh, đuôi phụ rồi hấp cách thủy trong một cái chõ hay nướng trên lò than để ăn. Cũng có khi người chế biến để nguyên con đem thái nhỏ rồi xào mỡ để ăn ngay hay ướp muối để tích trữ. Cà cuống cái không có bọng tinh dầu thơm nên thường người ta chỉ ăn trứng; hoặc rang, chiên lẫn cà cuống cái với cà cuống đực thành món chiên cà cuống.
Gia vị cho món ăn
Bọng tinh dầu ở gáy cà cuống đực, thoang thoảng mùi hương quế rất khó tả, là gia vị quý giá được pha chế vào nước mắm, không thể thiếu trong các món ăn truyền thống như bún chả, bún thang, chả cá, bánh cuốn, nhân bánh chưng và chính nó làm cho các món ăn nói trên có hương vị nổi tiếng của nghệ thuật ẩm thực Hà Nội truyền thống.
Nếu có ít cà cuống, thường người ta thường hấp hoặc nướng chín cà cuống để tinh dầu lan tỏa toàn thân. Sau đó băm nhỏ hoặc để nguyên con và cho vào lọ nước mắm ngon, khi sử dụng thì lấy ra vài giọt để pha vào một số món ăn; pha vào nước mắm dùng cho bún chả, bánh cuốn; chế vào nước dùng của bún thang; và pha vào mắm tôm khi ăn chả cá. Cũng không hiếm khi nước mắm cà cuống được gia thêm vào giò lụa, nhân bánh chưng.
Tinh dầu cà cuống đã được làm nhân tạo tại Thái Lan, nhưng hương vị thua xa cà cuống thiên nhiên.