HÀ LAN - Từ cơn sốt đến khủng hoảng kinh tế, tulip đã trải qua nhiều thăng trầm để trở thành quốc hoa của đất nước cối xay gió.
Hoa tulip là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Hà Lan. Ngoài cái tên "đất nước của cối xay gió", Hà Lan cũng được gọi là "đất nước hoa tulip".
Xuất xứ không từ Hà Lan
Tên tulip được cho là có nguồn gốc từ "tülbent", nghĩa là khăn xếp trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Người ta tin rằng hoa tulip du nhập vào châu Âu từ Constantinople, kinh đô của đế quốc Ottoman, vào những năm 1550. Đại sứ Áo Ogier de Busbecq đã nhìn thấy những bông hoa tulip trong vườn của Suleyman Đại đế của đế quốc Ottoman. Một lượng lớn củ giống đã được gửi đến Vườn thảo dược Vienna, do nhà thực vật học Carolus Clusius quản lý. Khi Clusius được mời làm người quản lý vườn bách thảo tại Đại học Leiden ở Hà Lan, ông đã mang theo một số củ tulip giống và trồng vào năm 1593. Hoa tulip nở lần đầu ở Hà Lan vào 1594.
Tuy nhiên, loài hoa ngoại lai này không có khởi đầu thuận lợi ở Hà Lan. Trong mùa đông đầu tiên, hơn 100 củ giống đã bị chuột ăn, và phải mất nhiều năm để phát triển những củ giống mới. Clusius không bán hoa tulip được trồng với độ khó như vậy. Ông chia sẻ kết quả chọn lọc với những người thợ làm việc tại các Tòa án Hoàng gia của châu Âu. Hoa tulip tại vườn của Clusius rất hiếm và điều này đã khiến những tên trộm đột nhập vài lần. Từ 1596 đến 1598, hơn 100 củ giống đã bị đánh cắp từ vườn của Clusius. Sau cái chết của ông vào 1609, những bông hoa kỳ lạ bắt đầu xuất hiện trên thị trường và tạo nên cơn sốt tulip tại Hà Lan (Tulip Mania).
Thiếu nữ mặc trang phục truyền thống của Hà Lan thu hoạch tulip. Tulip là một loài thực vật dạng củ thuộc họ hoa huệ, nở hoa vào mùa xuân. Hoa tulip có hình dạng giống chiếc ly. Ảnh: East News
Cơn sốt hoa tulip
Hoa tulip từng được sử dụng như một loại tiền tệ. Ban đầu, người Hà Lan bằng lòng trao đổi hạt và củ giống. Nhưng khi củ tulip được ưa chuộng hơn, giá bán và nhu cầu mua tăng vọt. Giá hoa tulip tăng mỗi ngày và loài hoa này bắt đầu xuất hiện tại các khu vườn hoàng gia. Hoa tulip trở thành biểu tượng của địa vị và sự thịnh vượng, quý tộc thời ấy.
Cơn sốt hoa lên đến đỉnh điểm vào tháng 12/1636 khi giá của chúng tăng gấp 20 lần so với tháng 10 cùng năm. Người dân Hà Lan truyền tai nhau câu chuyện về một thủy thủ người Anh phải vào tù chỉ vì ăn một củ "hành tây". Anh chàng tội nghiệp lấy trộm củ từ khu vườn của một người lạ, nhầm lẫn đó là hành tây bình thường mà không biết rằng nó là củ tulip giống. Củ "hành tây" đó có tương đương chi phí cho khẩu phần ăn mỗi năm của toàn bộ thủy thủ đoàn thời ấy.
Semper Augutus, một loài tulip nhiễm virus, là giống hoa đắt nhất trong cơn sốt tulip. Trong ảnh là tranh của Johannes Boschaert. Ảnh: Garden and Cottage
Đắt đỏ nhất thời ấy là Semper Augustus, một loại tulip pha màu đỏ và trắng do nhiễm virus từ rệp, có củ giống trị giá tới 3.000 florin tuỳ kích cỡ (tương đương 430.000 USD ngày nay). Dân buôn hoa từng liệt kê danh sách hàng hóa có thể đổi được một bông tulip Semper Augustus: 8 con lợn con, 12 con cừu được vỗ béo, 24 tấn lúa mì, 48 tấn lúa mạch đen, 2 thùng rượu, 4 thùng bia, 2 tấn bơ, 500 kg phô mai, một chiếc giường với cả nệm và khăn trải giường, một chiếc cốc bạc, một bộ quần áo và cả một con tàu.
Sự bùng nổ này cuối cùng đã dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế vào đầu năm 1637, khi giá trị của hoa tulip đột ngột tụt dốc, khiến vô số nhà đầu tư, thương nhân và nông dân phá sản.
Phục hồi và trở thành quốc hoa
Từ bài học về cơn sốt hoa tulip, người Hà Lan đã rút ra kinh nghiệm. Thị trường đã sống sót qua giai đoạn hỗn loạn và việc giao thương hoa tulip cuối cùng cũng ổn định, bất chấp những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng khó bù đắp.
Sau khi tulip có giá cả phải chăng hơn, chúng bắt đầu được trồng ở quy mô công nghiệp. Đến năm 1844, khoảng 5.000 giống đã được lai tạo. Khí hậu của Hà Lan lại hoàn toàn phù hợp với loài hoa có nguồn gốc châu Á này. Hiện nay ở Hà Lan có 22.500 ha đất được dùng để trồng tulip, trong đó 3 tỷ bông hoa được trồng: 2/3 số đó được xuất khẩu và 1/3 tiêu thụ nội địa. Nếu tất cả những bông hoa này được trồng cách nhau 10 cm thì chúng sẽ quay quanh xích đạo 7 lần.
Ngày nay, củ giống tulip được bày bán ở khắp đất nước cối xay gió. Paula, nhân viên bán hàng trong một cửa hàng tại thủ đô Amsterdam cho biết, đến 6/10 khách đến cửa hàng để mua tulip: "Đây là một loại hoa có giá cả hợp lý. Với 3-5 euro, bạn có thể mua một bó gồm 10 bông. Giá của chúng không thay đổi theo mùa. Ví dụ, chúng ta mua hoa hồng cho những dịp lãng mạn hoặc ngày lễ, còn tulip thì được mua mọi lúc, không vì lý do gì", Paula chia sẻ.
Greta Hopma, 60 tuổi, một cư dân thành phố Groningen chia sẻ bà thường nghe người nước ngoài nói rằng Hà Lan có bầu trời xám xịt và hoa tulip giúp bù đắp lại những sắc màu tươi sáng. Bà phủ nhận điều này và khẳng định ở Hà Lan trời nắng nhiều hơn lúc âm u.
"Hoa tulip là loài hoa của mùa xuân, luôn đem lại cảm giác tươi vui, thích hợp cho mọi lứa tuổi và các sự kiện quan trọng. Chúng nhỏ, hương thơm dễ chịu, không có gai, không cần chăm sóc đặc biệt. Tulip đơn giản, "chào đón và thân thiện", giống như người Hà Lan chúng tôi", bà nói.
Cối xay gió và hoa tulip là 2 biểu tượng của Hà Lan. Ảnh: Olena Z/Shutterstock
Những tên gọi đặc biệt
Tulip chiếm một vị trí đặc biệt tại Hà Lan. Đối với người dân ở nước này, điều vinh dự là khi một giống tulip mới lai tạo được đặt theo tên mình. Một số công dân Hà Lan đã nhận được điều này là cầu thủ bóng đá Danny Blind, phi hành gia Andre Kuipers... Thậm chí Hà Lan còn đặt tên tulip theo Audrey Hepburn vì những cống hiến to lớn của minh tinh Hollywood cho UNICEF, hay Aishwarya Rai Bachchan để tôn vinh vẻ đẹp của Hoa hậu Thế giới 1994 này.
Đặc biệt, ngày 4/10/2010 cựu Thủ tướng Hà Lan Jan Peter Balkenende đã trao tặng dòng hoa tulip mang tên Thăng Long - Hà Nội cho người dân thủ đô nhân dịp Đại lễ 1000 năm. Dòng hoa này do các nhà sinh học Hà Lan nhân giống, phối giữa màu đỏ và vàng đặc trưng trong quốc kỳ của Việt Nam và đăng ký tên quốc tế chính thức.
Trung Nghĩa (Tổng hợp)