Cải lương là loại hình sân khấu kịch hát dân tộc ra đời vào đầu thế kỷ 20. Nguồn gốc của Cải lương là những bài hát lý, ca nhạc tài tử ở miền Tây Nam Bộ. Từ những hình thức ca nhạc thính phòng, tiến tới các diễn xướng, vừa hát, vừa biểu diễn bằng động tác để minh hoạ, gọi là ca ra bộ. Ca ra bộ là cây cầu nối giữa đàn hát thính phòng và sân khấu hát kịch cải lương sau này.
Khi mới ra đời, Cải lương gắn với những người dân Nam Bộ. Do đặc điểm phát âm ngọt ngào nên giọng Nam Bộ ca cải lương rất "mùi mẫn". Dần dần cải lương phát triển rộng ra cả nước.
Cũng như các nghệ thuật kịch hát dân tộc khác, cải lương bao gồm múa, hát, âm nhạc (không kể kịch bản tích trò). Dàn nhạc cải lương không dùng bộ gõ như Tuồng, Chèo mà đàn ghi ta phím lõm và đàn nguyệt là hai nhạc cụ chủ đạo.
Mặc dù sinh sau nhưng sân khấu cải lương nhanh chóng tạo cho mình khối lượng kịch mục phong phú. Nhiều vở diễn được các tác giả cho ra đời đã nhanh chóng được công chúng đón nhận:
Lục Vân Tiên, Lưu Bình - Dương Lễ, sau này chuyển từ đề tài lịch sử, xã hội mở ra các vở diễn chuyển thể từ tiểu thuyết lãng mạn đương thời có nhiều tình tiết ly kỳ, hoặc các lớp "Nhảy cửa sổ đấu dao găm"...
Sân khấu cải lương hình thành, đáp ứng thị hiếu của công chúng đô thị và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Mặc dù còn trẻ tuổi nhưng nghệ thuật cải lương có một sức sống kỳ diệu nhiều khi muốn lấn át cả hai loại hình kịch hát dân tộc đàn anh. Trong tiến trình hoàn thiện và pháp triển, cải lương đã trải qua những thể nghiệm đổi mới về âm nhạc và một bộ môn sân khấu được công chúng mến mộ.