Đền Vua Bà Thủy Tổ (khu Viêm Xá, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) là nơi duy nhất trong 49 làng Quan họ gốc của Bắc Ninh, Bắc Giang thờ vị Thủy tổ Quan họ. Đền được cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1994.
Đền Vua Bà có kiến trúc kiểu chữ Đinh.
Căn cứ tư liệu tại địa phương, Đền Vua Bà vốn được khởi
dựng từ thời Lê, đã qua nhiều lần tôn tạo. Hiện nay, di tích được trùng tu,
tôn tạo với quy mô bề thế, khang trang tố hảo, bố cục gọn gàng chặt chẽ, hoà nhập
với môi trường thiên nhiên xung quanh, công trình của di tích được làm bằng các
chất liệu truyền thống, bền vững mang đậm phong cách của Việt Nam.
Bộ khung gỗ lim, được liên kết bởi các bộ vì, mỗi bộ vì gồm
4 hàng chân cột.
Đền Vua Bà có kết cấu kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 2 tòa:
Đại bái và Hậu cung. Trong đó, tòa Đại bái gồm 3 gian 2 chái bình đầu bít đốc,
mái lợp ngói, trên đỉnh bờ nóc có đắp đôi rồng chầu. Tòa Hậu cung gồm 2
gian chạy ngang cùng hướng với tòa Đại bái, mới được trùng tu năm 2018, là
công trình chào mừng kỷ niệm 10 năm vinh danh Dân ca Quan họ Bắc Ninh
được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân
loại.
Đôi sấu đá từ thế kỷ XVIII.
Đền thờ Vua Bà là nơi duy nhất trong 49 làng Quan họ gốc của
Bắc Ninh, Bắc Giang thờ vị Thủy tổ Quan họ, người sản sinh làn điệu Quan họ và
là người khai dân lập ấp dạy dân làm ăn, dạy dân làng trồng lúa, trồng dâu,
nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải, nghề này ngày nay vẫn còn duy trì và phát triển
thành nghề truyền thống của làng Viêm Xá, bà được phong là Vương mẫu giới
phúc.
Sau này qua nhiều thế kỷ, nhân dân Viêm Xá còn thờ bà ở
trong đình của mình như một vị thần hoàng. Đình Diềm hiện còn giữ được 5 ngai thờ
của 5 vị thần hoàng và sắc phong của 5 vị, trong đó có bà. Bà được phong “Đương
cảnh thành hoàng thiên tử Nhữ Nương nam nữ Nam Hải Đại Vương”.
Trên đỉnh bờ nóc có đắp đôi rồng chầu.
Hàng năm, cứ đến ngày 6,7 tháng Hai, gọi là ngày mùa xuân
chơi hoa của Đức Vua Bà. Ngày 6/2 là ngày sái tảo, làm lễ nhập tịch tại đền, tế
lễ và hát Quan họ tại đền. Ngày 7/2 là ngày chính lễ. Trong ngày chính lễ có rước
và hội đảm bảo phong tục truyền thống, an toàn tiết kiệm. Năm 2014, lễ hội
làng Diềm được nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc
gia.
Các ban thờ.
Kiệu bát cống từ thế kỷ XIX.
Để bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, hàng năm vào ngày 10
tháng Giêng cơ quan chức năng cùng tập trung về đền tổ chức dâng hương, mở đầu
cho Cuộc thi hát quan họ đầu Xuân, được đông đảo quần chúng tham gia. Qua cuộc
thi, Ban tổ chức đã chọn được nhiều nhân tài xuất sắc, đảm bảo duy trì công tác
truyền dạy di sản văn hóa quan họ cho thế hệ mai sau.