Ngày trước, các ca nương thường biểu diễn hát nhà tơ – hát, múa cửa đình trong không gian diễn xướng đình làng. Vì vậy, việc đi tìm nguồn gốc của hát nhà tơ của chúng ta hôm nay phải xuất phát từ những ngôi đình cổ, nơi sinh hoạt cộng đồng của những người bình dân xưa.
Đi tìm nguồn gốc hát nhà tơ
Những ngôi đình mang giá trị lịch sử và văn hóa tâm linh đã được các nhà nghiên cứu tập trung tìm hiểu là đình làng Trà Cổ (Móng Cái), đình Quan Lạn (Vân Đồn), đình làng Vạn Ninh và đình làng Đầm Hà xưa. Từ đó, họ đưa ra nhận định rằng, hát nhà tơ - hát, múa cửa đình ở Quảng Ninh có nguồn gốc từ vùng Thanh - Nghệ. Căn cứ trực tiếp nhất để đưa ra nhận định này là nguồn gốc của dân cư một số xã, phường hiện nay của TP. Móng Cái. Hầu như các tài liệu lịch sử Đảng bộ ở các xã, phường ấy đều khẳng định dân ở đây có nguồn gốc từ Thanh Hóa, do trước đây đi đánh cá tìm vào bờ lấy nước ngọt và tránh bão dần dần định cư ở đây. Các dòng họ được hình thành ở đây đông nhất là họ Phạm, họ Nguyễn, họ Bùi, họ Lê, họ Trần, họ Vũ...
Tương truyền, ngày xưa trai gái trong các khu vực như Trà Cổ, Vạn Ninh, Hải Đông, Dân Tiến, Vĩnh Trung, Vĩnh Thực… thường tổ chức những cuộc hát giao duyên, hát đố, hát đối ở sân đình để làm cầu tìm hiểu nhau thông qua sự tiếp xúc, giao lưu ở làng, rồi sang cả làng bên, xa hơn là sang làng Giang Bình, Vạn Vỹ, Sơn Tâm (huyện Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Khi yêu nhau làm lễ cưới, họ lại có những câu hát đám cưới, hát đưa dâu về nhà chồng. Nghiên cứu di chỉ khảo cổ cho thấy đình thờ Lý Thường Kiệt ở Vạn Ninh nơi tập kết quân đánh Tống thế kỷ thứ XI (1075) và kiểm soát tàu thuyền ra vào thương cảng Vân Đồn cũng là nơi giao lưu văn hóa cổ. Có lẽ, cũng từ đây, loại hình diễn xướng dân gian hát nhà tơ - hát, múa cửa đình đã được đưa sang huyện Phòng Thành (Quảng Tây, Trung Quốc).
Nguồn gốc hát nhà tơ - hát, múa cửa đình ở xã Quan Lạn, Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, cũng được các cụ nghệ nhân kể lại tương tự như ở TP. Móng Cái. Còn ở Đầm Hà, nguồn gốc hát cửa đình còn được dân gian giải thích bằng sự tích: “Ở xã Đầm Hà, có 2 người con gái từ phía trong ra cách đây đã 5 - 6 trăm năm đến dạy cho trai gái trong làng. Khi 2 người con gái ấy mất đi, tại nơi đây đã mọc lên 2 cây đào rất đẹp. Sau đó, người dân trong làng lập miếu thờ và một ngôi đình làng cũng được lập lên giữa làng…”.
Bàn về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tống Khắc Hài cho biết, một số nghệ nhân ở Hải Hà, Vân Đồn học hát từ Đầm Hà nhưng các cụ ở Đầm Hà lại kể cha ông họ học hát từ Vạn Ninh (Móng Cái). Tuy nhiên, ở xã Đầm Hà còn có sự tích miếu Hai cô là hai ca nương từng được dân làng đón từ Nghệ An về dạy dân làng hát nhà tơ - hát, múa cửa đình. Cả ở Đầm Hà và Vạn Ninh đều có những dòng họ gốc Thanh Hoá di cư ra đây từ xưa, mang theo tập tục cúng lễ hát xướng từ Thanh Hoá, rất có thể trong đó có hát nhà tơ - hát cửa đình (?!).
“Mảnh vỡ” đáng quý của Ca trù
Một căn cứ nữa để khẳng định hát nhà tơ - hát, múa cửa đình không phải là một loại hình nội sinh xuất phát từ nội dung của chính những câu hát. Nội dung ấy thường thể hiện nỗi lòng của người lưu dân. Ví dụ, ở Móng Cái bây giờ vẫn còn lưu truyền những câu ca bày tỏ nỗi nhớ cố hương và sự lạ lẫm trước vùng đất mới, kiểu như: “Ai đưa tôi đến chốn này/ Bên kia Trà Cổ, bên này Vạn Ninh”, hay như: “Ở đây vui thú non tiên/ Mò cua bắt ốc lấy tiền nuôi nhau”... Và từ đó, những người dân chài ấy động viên nhau ở lại lập làng. Họ tôn những vị anh hùng, những người có công trạng với quê hương làm thành hoàng và thờ cúng ở đình. Ngày tế lễ nhất thiết phải có nghi lễ trang trọng và có hát múa. Tất cả được khai thác ngay từ các giáo phường dân gian, do đó hát nhà tơ - hát múa cửa đình có nhiều “đất dụng võ” cũng vì như thế.
Như vậy, có thể hiểu hát nhà tơ - hát, múa cửa đình ở Quảng Ninh là một hình thức của hát ca trù, hát ả đào không phải là một loại hình diễn xướng dân gian nội sinh mà được các cư dân miền Trung mang theo cùng với quá trình di dân, lập làng, lập ấp. Nói về điều này, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhận định: “Ở vùng Quảng Ninh đã hình thành và tồn tại một loại hình hát múa dân gian có sắc thái riêng được nhân dân địa phương gọi là hát nhà tơ - hát cửa đình. Loại hình này nằm trong phạm trù hát ca trù nhưng nó có những nét riêng. Có thể coi đây là những mảnh vỡ đáng quý còn lại rất đáng trân trọng”.
(Làng Việt)