Thái Nguyên còn nhiều văn bia ở các đình, chùa làng thuộc huyện Phú Bình, Phổ Yên, Đồng Hỷ thời Lê Trung Hưng. Hình thức văn bia đa phần là hình khối mỏng cạnh, trên đỉnh bia hình bán nguyệt trên chạm lưỡng long chầu mặt trời, trang trí tỷ mỷ cầu kỳ. Niên đại sớm có bia chùa Hà Châu (Phú Bình) lập năm 1672.
BIA CHÙA HÀ CHÂU MỘT ÁNG VĂN HAY Ở HUYỆN PHÚ BÌNH
NGUYỄN ĐÌNH HƯNG
Sở Văn hóa - Thông tin
tỉnh Thái Nguyên
Trong số các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được Bảo tàng Thái Nguyên kiểm kê ở xã Hà Châu thuộc huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, điều lưu tâm của các nhà nghiên cứu ở vùng này tại những di tích có nhiều tài liệu, hiện vật Hán Nôm cổ(1). Xin giới thiệu một trong những hiện vật có giá trị là tấm bia cổ ở di tích chùa Hà Châu.
Theo bia cổ của chùa Hà Châu cho biết chùa xưa có tên chữ là Cảm Ứng tự, nhân dân thường gọi là chùa Cả, lúc đó (năm 1672) chùa thuộc xã Hà Nhuyễn, tổng Hà Nhuyễn, huyện Hiệp Hòa, phủ Bắc Hà, đạo Kinh Bắc. Đến năm 1890, thực dân Pháp chia lại địa giới tỉnh Thái Nguyên, chúng cắt tổng Hà Nhuyễn (lúc này đổi là Hà Châu) về huyện Tư Nông, phủ Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Từ đó, nhân dân mới gọi là chùa Hà Châu.
Chùa nằm bên cạnh dòng sông Cầu lịch sử là vùng đất có rất nhiều di tích lịch sử văn hóa. Theo số liệu kiểm kê năm 2002 của Bảo tàng Thái Nguyên cho biết xã Hà Châu hiện nay có 6 di tích trong đó có 4 đình, 2 chùa. Sách Tiểu chí Thái Nguyên của Ê-si-na (viết trước 1945) có chép xã Hà Châu có đền Hạ (nay là đình Đoài) thờ Dương Tự Minh. Điều đặc biệt trong các di tích này còn nhiều di vật, hiện vật quý như bia đá, sắc phong...(2). Chùa Hà Châu là một trong những danh lam, thắng cảnh đẹp trong vùng.
Theo các di vật còn lại như: Bia đá, cột đá thì chùa được xây dựng vào năm 1672 thời Lê Trung Hưng, với quy mô kiến trúc nghệ thuật lớn. Theo văn bia Cảm ứng tự bi đang thờ tại chùa Hà Châu thì trước đây chùa được xây dựng quy mô khá lớn gồm nhà Tiền đường, nhà Thượng điện, 2 hành lang và Gác chuông.
Kết quả xây dựng này là do vợ chồng Cai tổng Nguyễn Văn Trị và Nguyễn Thị Vọng, người địa phương hưng công(3). Trải qua thăng trầm của các thời kỳ lịch sử, chùa Hà Châu đã được nhiều lần tu sửa, đặc biệt sau 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chùa còn một số hiện vật như: 3 bia đá, 40 cột đá, 48 tượng Phật, đồ thờ, chân kê. Hiện nay chùa đã được nhân dân xây dựng khá khang trang trên nền chùa cũ, tuy kiến trúc gọn hơn nhưng vẫn mang phong cách cổ kính của ngôi chùa truyền thống.
Chùa Hà Châu có 3 tấm bia, chúng tôi chọn một trong 3 văn bia có giá trị giới thiệu sau đây. Đây là tấm bia 2 mặt, chúng tôi dịch nghĩa mặt trước:
Bia chùa Cảm Ứng (Cảm Ứng tự bi)(4).
Nước Đại Việt, đạo Kinh Bắc, phủ Bắc Hà, huyện Hiệp Hòa, xã Hà Nhuyễn(5). Cai tổng Nguyễn Văn Trị, tức Hồ Quảng Đức, vợ là Nguyễn Thị Vọng hiệu Từ Minh, hưng công làm nhà hậu đường, gác chuông, hành lang, bèn lập bia đá ghi sự việc này.
Ghi rằng: sở dĩ ghi sự việc này là do ông Trị kể lại sự tích, ông thấy có Phật Tiên hiện lên ở vùng đất này và ông cho đó là Thần. Lấy sự việc đó làm “thông biến vạn hóa”, ông cầu tất ứng, cảm tất thông, thúc giục ông hưng công xây dựng chùa.
Lại nói, đất Hà Nhuyễn là nơi thắng địa, ông cảm ứng xây dựng chùa làm nhà Thượng điện, nhà Thiêu hương, nhà Tiền đường, với số vốn ông đã tích cóp được, ông lại hô hào các Thượng sĩ, Quan viên trên dưới, cùng các thiện nam, tín nữ hiệp đồng tâm lực, hưng tạo làm nhà hậu đường, gác chuông, hành lang hai bên, hoàn thành viên mãn.
(Người đời) bèn ghi lại bài minh vào tấm bia đá về người trượng phu làm việc thiện, để lưu truyền hậu thế cho trăm họ được tỏ tường. Làm việc thiện để được hưởng trăm phúc vật. Việc thiện dù nhỏ không làm, coi như không tích thiện. Làm việc thiện trong gia đình phải được coi trọng hàng đầu. Có người làm việc thiện cũng có thể trở thành người nhân đức. Nhưng ông làm việc thiện do chính tự mình, tất được mọi người tin tưởng, không thể không tuyên dương, ghi vào sử sách lưu truyền mãi mãi.
Lại ghi rằng:
Đất nước biến đổi, thánh thọ ngàn năm, bốn đời, trăm họ còn ca ngợi ngôi chùa Cảm Ứng đẹp nhất trong thiên hạ, sung sướng thay cho huyện Hiệp Hòa !
Đất Hà Nhuyễn có chùa Cảm Ứng, cổ tích lưu truyền, bên phải có núi khuất khúc, bên trái có dòng nước chảy, có núi Huyền Ngọc, đằng trước vồng lên có sông Nguyệt Giang (tức Sông Cầu), là nơi đất lành đã sinh ra nhiều người hiền tài.
Làm việc thiện do chính tự mình, phát bố, hưng công tài vật, làm nhà hậu đường, hai bên hành lang (đúc chuông đồng)(6) cột đá uy nghi đều tốt đẹp, hoàn thành viên mãn làm lễ khai quang khánh thành và mở hội vui mừng(7) (Con đường lớn) người sáng lập có phúc lộc dồi dào, nhà nhà hưng thịnh, bốn biển còn ca ngợi mãi, triều Lê nguyên khai sáng ngàn năm thiên cổ.
Niên hiệu Dương Đức thứ nhất (1672), ngày 23 tháng 12 năm Nhâm Tý. Người soạn văn bia là Giám sinh Quốc tử giám Nguyễn Phi Hiển, người làng.
Mặt sau của tấm bia ghi Các thượng sĩ hội tuỳ công đức (Các bậc thượng sĩ, tuỳ tâm công đức). Nội dung của mặt này ghi họ, tên nhiều hàng quan lại ở nhiều địa phương ngưỡng mộ công đức xây dựng tôn tạo nên ngôi chùa Cảm Ứng.
Về hình thức tấm bia chùa Hà Châu có kích thước 1mx0,80m, bằng đá xanh được mài nhẵn, có nhiều vân mây đẹp, cho đến nay vẫn còn như mới. Chữ được khắc trên bia đa số là chữ Hán, chữ được viết theo kiểu chữ “lệ”, rõ ràng, theo kiểu chữ thời nhà Lê như ta thường gặp trên các sắc phong của các đình làng thế kỷ XVII.
Nét chữ khắc sắc xảo, đẹp. Không thấy chữ khắc bị sai, lỗi. Nội dung toàn văn bia có kiêng huý (tên của nhà vua). Trán của tấm bia hình bán nguyệt được khắc sâu mô típ lưỡng long triều nguyệt. Xung quanh diềm trán bia người nghệ nhân chạm những hạt tròn như những móc câu cong cong.
Con rồng được nghệ nhân khắc họa khá sâu. Rồng có bườm rậm, thể hiện rõ nhất là các đuôi lá mác. Lá mác được chạm ở phần đầu và thân của con rồng nhọn, đâm tua tủa. Phong cách trang trí con rồng này giống như những con rồng ta thường gặp trên các mảng chạm ở các đình làng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII phong cách nghệ thuật này có sự kế thừa của nền nghệ thuật điêu khắc thời nhà Mạc (1552-1592).
Ở giữa trán bia, chạm mặt trời tròn nổi lồi hẳn lên. Kỹ thuật chạm khắc tấm bia này cho thấy nghệ nhân chạm đạt đến trình độ nghệ thuật cao. Diềm bia được trang trí đường diềm hoa dây. Phần sát chân bia người nghệ nhân trang trí đề tài “đôi sóc tranh châu” rất sinh động. Bức chạm thể hiện 2 con sóc đang trong tư thế “động” tranh nhau một hòn ngọc.
Mặt sau tấm bia không trang trí chỉ dành để ghi tên những người ghi công đức trán bia cũng được khắc hàng chữ lớn “Các thượng sĩ hội tuỳ công đức”. Có thể nói, cho tới thời điểm hiện nay thì cả tỉnh Thái Nguyên chưa phát hiện tấm bia nào có “văn hay, chữ tốt” như tấm bia chùa Hà Châu. Tấm bia chùa Hà Châu có giá trị văn hóa nghệ thuật tiêu biểu cho nền nghệ thuật điêu khắc đá thời Lê Trung hưng còn lại ở tỉnh Thái Nguyên (Xem ảnh minh họa).
Qua tấm bia Cảm Ứng tự bi đã phản ánh những thông tin như sau:
1. Về diên cách địa lý và chủ nhân hưng công di tích: Phần mở đầu tâm bia cho biết lúc bấy giờ (thế kỷ XVII) vùng đất này thuộc xã Hà Nhuyễn, tổng Hà Nhuyễn, huyện Hiệp Hòa, phủ Bắc Hà, đạo Kinh Bắc: “Đại Việt quốc, Kinh Bắc đạo, Bắc Hà phủ, Hợp (Hiệp) Hòa huyện, Hà Nhuyễn xã, Cai tổng Nguyễn Văn Trị, Hồ Quảng Đức, thê Nguyễn Thị Vọng, hiệu Từ Minh hưng công hậu đường, gác chuông, hành lang nãi lập thạch bi ký văn sự”.
Thực chất, về đơn vị hành chính cấp đạo thời nhà Lê, trong sử sách ghi năm 1469, vua Lê Thánh Tông định bản đồ của cả nước, chia nước ta thành 12 đạo. Năm 1490, niên hiệu Hồng Đức năm thứ 21 trong bản đồ gọi là xứ Kinh Bắc, sau lại gọi là trấn Kinh Bắc. Do đó, cuối thế kỷ XVII không thể còn tồn tại gọi là đạo Kinh Bắc nữa. Thay vào đó, gọi là xứ Kinh Bắc(8). Vấn đề ở đây, người soạn văn bia đã dùng cách viết theo lối dân gian.
Chúng tôi cũng đã khảo sát một số văn bia thuộc vùng phía Nam sông Cầu thuộc huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên cũng thấy một số văn bia ở các chùa, nghè, đình có ghi đạo Kinh Bắc(9). Thông qua tấm bia cho biết hai vợ chồng Cai tổng (tổng Hà Nhuyễn, huyện Hiệp Hòa, phủ Bắc Hà, đạo Kinh Bắc) lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Trị và vợ là Nguyễn Thị Vọng (đã đi quy ở chùa) có tên hiệu là Từ Minh, hưng công tiền của xây dựng ngôi chùa đầu tiên.
Hai vợ chồng ông Trị là tấm gương ở địa phương về việc làm này, cho nên mới được nhân dân tôn vinh lập bia đá thờ ở chùa. Có thể nói đây là chủ nhân hưng công di tích mà chúng ta thường gặp trong các văn bia ở các di tích ở miền đồng bằng Bắc Bộ trong thời vua Lê chúa Trịnh ở thế kỷ XVII-XVIII.
2. Về quy mô của di tích: Qua tấm bia cũng cho biết về quy mô của ngôi chùa Hà Châu lúc bấy giờ. Ngôi chùa có kiến trúc nội công ngoại quốc công trình bao gồm; nhà tiền đường, thiêu hương, thượng điện, hậu đường và hai bên hành lang. Đặc biệt chùa được làm bằng 40 cột đá - một loại kiến trúc đặc trưng của chùa làng ở địa phương huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên hiện nay. Đây là một công trình kiến trúc tôn giáo lớn, có ý nghĩa tiêu biểu ở địa phương cho nên nhân dân trong vùng thường gọi là chùa Cả.
3. Về mặt niên đại của tấm bia: Dòng lạc khoản khắc ở phần cuối tấm bia chữ được khắc to và sâu hơn, nguyên văn là “Dương Đức nguyên niên, thập nhị nguyệt nhị thập tam nhật” (niên hiệu Lê Dương Đức nguyên niên (1672) ngày 23 tháng 12 lập bia này). Đây là một tấm bia để giá trị nghiên cứu về phong cách nghệ thuật tiêu biểu cuối thời nhà Lê thế kỷ XVII.
Về nội dung của văn bia đã giáo dục con người những điều thiện tín (theo quan niệm của đạo Phật), ca ngợi triều đại nhà Lê khai sáng ra một đất nước vững mạnh. Văn bia cũng ghi lại cảnh đẹp của quê hương với phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, có núi non gọi là Huyền Ngọc sơn và có con sông Cầu (Nguyệt Giang) thơ mộng, một cảnh đẹp nên thơ của quê hương.
Với lời văn trang nhã, bay bổng, ý tứ sâu xa, khuyên con người làm nhiều điều thiện để giúp ích cho đời. Phải có một tình yêu quê hương sâu sắc, có con mắt nhìn thấu đáo và một khả năng thẩm mỹ cao tác giả mới viết lên một áng văn hay như vậy. Kết cấu từng đoạn văn trong văn bia cũng được bố cục chặt chẽ, lôgic, thể hiện trình độ người soạn văn bia là một người có học Đạo.
Qua dòng lạc khoản trong văn bia cho biết người soạn văn bia chính là ông Nguyễn Phi Hiển là Giám sinh trường Quốc tử giám là người địa phương. Cũng trong tấm bia này ở mặt sau trong đó có ghi: “Nhất công đức Quốc tử giám, Giám sinh Nguyễn Phi Hiển, vợ Trần Thị Ngọc, thiếp Hà Thị Trường, con trai Nguyễn Phương...”.
Thông qua tấm bia cho biết dòng họ Nguyễn ở địa phương là một dòng lớn có uy tín, có nhiều người thành đạt. Do đó, qua tấm bia này cũng cho chúng ta nghiên cứu về dòng họ và những nhân vật quan chức ở địa phương. Đây chính là trọng tâm giá trị nội dung của tấm bia.
Bấy lâu nay, khi nói về các di sản văn hóa của tỉnh Thái Nguyên các nhà nghiên cứu chưa mấy lưu tâm đến loại hình di sản văn hóa phi vật thể như loại văn bia này ở trong các di tích lịch sử văn hóa. Nghiên cứu sâu về thể loại này chúng ta càng thấu hiểu từ xa xưa cha ông dân tộc ta đã rất chú ý bảo tồn những giá trị văn hóa, những cái hay, cái đẹp - những giá trị nhân bản của con người.
Chú thích:
(1) Chùa hiện nay
còn 3 bia đá, 1 bia sẽ giới thiệu sau đây và 2 bia hậu dựng năm 1945, 1947.
(2) Ví dụ đình
Đoài thuộc xóm Ngói có 17 sắc phong thời Nguyễn, đình Hà Trạch xóm Trầm Hương
có 1 bia đá 4 mặt thời cảnh Hưng thứ 36 (1775) và nhiều đồ thờ quý, đình Đông
xóm Sỏi có 3 sắc phong, 1 bia đá thời Nguyễn, đình và chùa Hương Trúc có 1 bia
và sắc phong, đồ thờ cuối thời nhà Lê đầu thời nhà Nguyễn...
(3) Theo nội dung
văn bia chùa Hà Châu.
(4) Phiên âm
nguyên văn chữ Hán mặt 1 bia chùa Hà Châu: “Cảm Ứng tự bi”.
“Đại Việt quốc,
Kinh Bắc đạo, Bắc Hà phủ, Hiệp Hòa huyện, Hà Nhuyễn xã, Tổng cai Nguyễn Văn
Trị, Hồ Quảng Đức, thê Nguyễn Thị Vọng hiệu Từ Minh hưng công hậu đường, gác
chuông, hành lang nãi lập thạch bi minh văn sự.
Ký viết:
Ký giả sở dĩ, ký
phu sự tích giả, tự tri hữu Phật, tiên, tiên tri chí linh, linh giả tự chi vi
thần.
Dĩ kỳ tiện, bách
vi nhi thông vạn biến dã, cầu tất ứng, cảm tất thông, tất hữu đãi hưng công chi
nhân. Hồ quyến nãi: Hà Nhuyễn thắng địa, tự hữu Cảm Ứng danh lam, thượng điện,
thiêu hương, tiền đường. Dĩ cựu tích tư hữu hưng công nhất viên tính các Thượng
sĩ, sắc dữ quan viên, thượng hạ cập, thiện nam, tín nữ, hiệp đồng tâm lực hưng
tạo hậu đường, gác chuông, hành lang, lưỡng biên hoàn thành viên mãn.
Nãi ký toàn văn
vu nhất dĩ chiểu hậu chi trượng phu tác thiện nhi giáng chi bách tường vi thiện
nhi hưởng chi bách phúc vật dĩ tiểu thiện nhi bất vi nhược tích thiện, ư gia
nhi nhất nhi chi nội, hữu dư khách hữu thiện ư dĩ nhiên hậu khả dĩ cập nhân, vi
thiện tại ngã, nhiên hậu tín tòng giả chúng lạc thiện bất khả thắng ký tạo
nhiên ký, dĩ vĩnh kỹ truyền.
Ký viết:
Hoàng đồ vạn tại
thánh thọ thiên niên, tứ di mi phục bách tính ca tuyên danh lam thiên hạ đệ
nhất, thừa tuyên tráng tai, Hòa huyện mỹ hỹ!
Hà Nhuyễn tự danh
Cảm Ứng cổ tích lưu truyền, hữu sơn khuất khúc, tả thủy lưu chi huyền Ngọc Sơn,
thác hậu Nguyệt Giang (bão) tiền bảo vi chung địa đa xuất nhân hiền dục kỳ bách
phúc, tư hữu nhất viên phát bố tài vật hưng tác (giá) hậu đường tính các hành
lang lưỡng biên trung (đồng) tệ ngu thạch thất chu nghi (?)... công đức viên
mãn khởi duy chỉ hội diệc hữu xã hoàn khai quang khánh (ký luận hồng đạo chiến
hành) phu lai ứng phúc lộc tự nhiên vạn gia hưng thịnh bách phúc trăn miền...
tứ hải danh tuyên Lê nguyên vĩnh truyền vạn đại quang đán cổ thiên.
Dương Đức nguyên
niên, thập nhị nguyệt nhị thập tam nhật bản xã thịnh sinh Nguyễn Phi Hiển.
(5) Dương Thị
The, Phạm Thị Thoa: Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (thuộc
các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra) Nxb. KHXH, H.1981 thì tổng Hà Nhuyễn là 1 trong 9
tổng thuộc huyện Hiệp Hòa, phủ Bắc Hà, xứ Kinh Bắc, có 7 xã gồm: xã Hà Nhuyễn,
An Nhuyễn, Nga Mi, Hoa Chúc, Đông Dương, Hà Trạch, Bến Chuông. Chữ “Hà Nhuyễn”
các cụ ở địa phương đọc là “Hà Duyên”.
(6) và (7) Chữ bị
mờ khó luận.
(8) Theo: Quốc
sử quán triều Nguyễn (biên soạn); Phan Trọng Điềm phiên dịch, Đào Duy
Anh hiệu đính, Bùi Cán biên tập và chữa bản in; Đại Nam nhất thống chí,
tập 4, tỉnh Bắc Ninh, Nxb. KHXH, H. 1971, tr.50-53.
(9) Bia chùa Đôi
Cao (Đôi Cao tự ký) niên đại Long Đức thứ 2 (1733) xã Tân Hương, huyện
Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Cột đá chùa Tây Phúc: Tây Phúc thiền tự kính
phụng trụ ký niên đại Vĩnh Khánh thứ 2 (1732) làng Vân Trai, xã Tân
Phú, huyện Phổ Yên; bia Nghè Vân Trai Hậu Thần bi ký niên đại
Vĩnh Hựu năm thứ 2 (1736) làng Vân Trai, xã Tân Phú, huyện Phổ Yên. Bia đình
Vân Trai Hậu Thần bi ký niên đại Cảnh Hưng thứ 24 (1764) làng
Vân Trai, xã Tân Phú, huyện Phổ Yên...
Thông báo Hán Nôm học 2005
(tr.287-295)