Qua chương trình Ngữ văn, Lịch sử trong nhà trường, cũng như qua các công trình nghiên cứu, chúng ta đã được biết đến các tác gia văn học lớn của thế kỷ 19 – 20 như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh... Lần giở Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn và một số tư liệu cổ, công chúng sẽ được tiếp cận thêm các tác gia văn học ở một góc độ khác – sự nghiệp quan trường và cuộc đời của họ. Từ đó, chúng ta có thể hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về tư tưởng quan điểm cũng như tâm tư, tình cảm mà các tác gia đã gửi gắm vào từng tác phẩm.
Nguyễn Trường Tộ người làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, là một trí thức yêu nước, thạo cả Hán học và Tây học. Ông từng viết nhiều bản điều trần yêu cầu triều đình thực thi các biện pháp cụ thể để canh tân và phát triển đất nước, nhưng lại kiên trì đường lối tạm hòa và dựa vào triều đình để tiến hành cải cách, rồi sau mới lấy lại đất đã mất.
Châu bản triều Nguyễn ghi lại việc Nguyễn Trường Tộ trình kế sách đối phó với Pháp và Anh. Các văn bản năm Tự Đức 23 (1870). Đây là những văn bản lần đầu công bố - trong triển lãm trực tuyến “Văn chương muôn màu”.
Nguyễn Quang Bích (1832 – 1891)
Quân vụ đại thần, Thuần trung tướng quân Nguyễn Quang Bích (ảnh sưu tầm)
Nguyễn Quang Bích tên chữ là Hàm Huy, hiệu Ngư Phong, vốn dòng họ Ngô, quê làng Trình Phố, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định cũ (nay là làng Trình Nhất, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Ông làm quan nhà Nguyễn, nhà thơ và là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa chống Pháp tại vùng Tây Bắc. Các văn bản trong Châu bản triều Nguyễn đề cập về sự nghiệp quan trường của ông, lần đầu được đưa ra cống bố.
Nguyễn Khuyến (1835 – 1909)
Sách Đại Nam thực lục chép về việc Tiến sĩ Nguyễn Khuyến 3 lần đỗ đầu
Nguyễn Khuyến tên thật là Nguyễn Thắng, hiệu là Quế Sơn, tự là Miễu Chi. Ông sinh tại quê ngoại là làng Văn Khế, xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Hà Nam (nay thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Ông xuất thân trong gia đình có nhiều người đỗ đạt. Bản thân ông là người đỗ đầu cả kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình nên được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ.
Nguyễn Khuyến được triều đình trọng dụng và trải qua nhiều chức vụ như Đốc học Thanh Hóa, Án sát Nghệ An, Bố chánh Quảng Ngãi, Toản tu Quốc sử quán… Thơ văn phần lớn được ông sáng tác khi đã lui về với làng xóm ruộng vườn. Sống giữa buổi giao thời, khi chủ quyền đất nước mất dần vào tay ngoại bang, ông mượn những vần thơ bình dị để giãi bày tâm tư tình cảm, khi thiết tha sâu lắng, khi trào phúng, sâu cay.
Phan Bội Châu (1867 – 1940)
Ngày 1 tháng 4 nhuận năm Thành Thái 18 (1906), Viện Cơ mật tâu về việc tìm bắt Phan Bội Châu. (Trung tâm Lưu trữ quốc gia I)
Phan Bội Châu sinh tại làng Sa Nam nhưng chính quán là làng Đan Nhiệm (nay là xã Xuân Hòa), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tên cũ của Phan Bội Châu là Phan Văn San, tự Hải Thụ, bút hiệu Sào Nam, Thị Hán, Việt Điểu... Ông là nhà cách mạng lớn của nước ta.
Trong cuộc đời hoạt động, ông có nhiều tác phẩm về tuyên truyền cách mạng. Ông là nhân vật lịch sử được đề cập nhiều trong chương trình Ngữ văn, cũng là một trong số ít nhân vật lịch sử được nhắc đến nhiều trong Châu bản triều Nguyễn. Lần đầu tiên các văn bản Châu bản triều Thành Thái và Duy Tân về việc tìm bắt Phan Bội Châu, xét xử vụ án Phan Bội Châu cùng những người liên quan được công bố.
Phan Châu Trinh (1872 – 1926)
Phan Châu Trinh tự Hy Mã, hiệu Tây Hồ, quê làng Tây Lộc, nay là xã Tiên Hồ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ông là một chí sĩ yêu nước, làm quan một thời gian ngắn rồi bỏ. Sau đó, ông đi gặp hầu hết các sĩ phu yêu nước lúc bấy giờ. Ông khởi xướng, vận động và lãnh đạo phong trào Duy Tân nổi tiếng trong lịch sử. Phong trào cho thấy ông là nhà chính trị cấp tiến, đi trước thời đại. Châu bản triều Duy Tân đề cập việc xét xử vụ án Phan Châu Trinh.
Hồng Nhung
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1