Cinet - Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) và Nhà xuất bản Phụ nữ phối hợp tổ chức lễ ra mắt cuốn sách “Đạm Phương nữ sử - Vấn đề phụ nữ ở nước ta” và giới thiệu tủ sách"Phụ nữ tùng thư - Giới và phát triển" vào 18h ngày 28/2 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền (Hà Nội). Đây cũng là món quà ý nghĩa dành tặng nữ giới nhân dịp 8/3.
Đặc biệt, sự kiện này còn có sự tham
dự của các diễn giả như: Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - Cháu nội của Đạm
Phương nữ sử; TS Bùi Trân Phượng - nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa và
lịch sử phụ nữ Việt Nam; Nhà nghiên cứu văn học Đoàn Ánh Dương - người
tuyển chọn, giới thiệu sách Đạm Phương nữ sử - Vấn đề phụ nữ của nước ta
cùng sự dẫn dắt của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên.
Đạm Phương nữ sử là một phụ nữ học hạnh tinh nhuần, là cháu nội của vua
Minh Mạng. Bà có tài sáng tác văn thơ bằng chữ Hán và tinh thông ngoại
ngữ. Trong cuộc canh tân dân tộc đầu thế kỷ XX, nhận thấy vai trò của
báo chí quốc ngữ, bà đã tham gia tích cực vào các hoạt động báo chí và
đời sống xã hội, bắt đầu từ Nam phong, sau cộng tác với nhiều báo và tạp
chí khác, từ vấn đề phụ nữ mở sang nhiều vấn đề thiết hữu khác. Những
năm giao thời, bà hoạt động sôi nổi nhất trên văn đàn, trở thành nữ kí
giả có bút lực đáng khâm phục trong nữ giới nước nhà, đồng thời bà cũng
là nhà giáo dục, hoạt động tích cực trong phong trào Nữ công học hội,
biên dịch, biên soạn và sáng tác nhiều tác phẩm phục vụ công việc giáo
dục nữ giới, giáo dục gia đình và giáo dục nhi đồng.
Trên cơ sở các sách đã xuất bản về Đạm Phương nữ sử và những tài liệu
quý do gia đình tác giả cung cấp cập nhật, bổ sung, nhà nghiên cứu Đoàn
Ánh Dương đã công phu giới thiệu và tuyển chọn công trình “Đạm Phương nữ
sử: Vấn đề phụ nữ ở nước ta” để nhìn nhận toàn bộ các trước tác của bà
trong sự nghiệp đấu tranh vì nữ quyền.
Cũng trong dịp này, Nhà xuất bản Phụ nữ sẽ giới thiệu Tủ sách Phụ nữ
tùng thư (Tủ sách Giới và Phát triển). Đây là tủ sách công bố các công
trình về vấn đề phụ nữ (the question of women), hướng tới các nhận thức
và thực hành quyền phụ nữ (women’s rights), cũng như đấu tranh cho nữ
quyền (feminism), vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam và sự phát triển bền
vững của đất nước./.
Gia Linh