Đẻ Đất Đẻ Nước là bộ sử thi đồ sộ của người Mường được lưu truyền và sử dụng cho tới nay trong các dịp may chay, cưới hỏi...
Sử thi bao quát từ khi mở ra đất ra nước, sinh ra con người,
lập nên thủ lĩnh Mường... cho đến khi rước Vua về vùng Đồng chì Tam quan Kẻ chợ,
hoàn thành công cuộc dựng nước của người Mường.
Người Việt (người Kinh) và người Mường được biết là 2 tộc
người có quan hệ nguồn gốc rất gần gũi, nên rõ ràng lịch sử nguồn cội của người
Mường cũng chính là lịch sử tổ tiên người Việt. Thực vậy, các nhân vật, sự kiện
được kể trong suốt sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước hoàn toàn trùng khớp với huyền sử
thời Hùng Vương của người Việt. Đẻ Đất Đẻ Nước không gì khác là sự tích Lên Núi
Xuống Biển của trăm họ người Việt thời Hùng Vương.
Phần 1: Thời Thần thoại
Sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước, bản sưu tầm ở huyện Bá Thước, Thanh
Hóa kể: Ngày xưa dưới đất chưa có đất, trên trời chưa có trời. Đất còn rời rạc,
nước còn bùng nhùng. Có một năm mưa dầm mưa dãi. 50 ngày nước rút, mọc lên một
cây xanh có 90 cành. Những cành trên cùng có ông Thu Tha, bà Thu Thiên. Ông bà
đã tạo ra cây cỏ và các loài tôm cá. Đó là Đẻ Đất. Rồi hạn chín tháng trời, nắng
mười hai năm xác đất. Ông Pồng Pêu (thần nước) cầu ước mưa. Mưa dầm dề, mưa rào
rào. Đó là Đẻ Nước.
Trên đất trũng mọc lên một Cây Si cao tới tận trời. Sâu Hốc
sâu Giang đục hết lõi cây. Cây đổ, 1919 cành Si thành 1919 đất mường. Đó là Đẻ
Mường. Cây Si còn hóa ra Mụ Dạ Dần. Mụ Dạ Dần đẻ ra Cun Bướm Bạc, Cun Bướm Bờ.
Cun Bướm Bạc và Cun Bướm Bờ lấy các nàng tiên trời đẻ được 10 con. Con út là Trống
Chim Tùng, Mái Chim Tót. Chim này đẻ trứng Chiếng. Trứng vuông nở thành người,
trong đó có ông Dịt Dàng, Đá Cài, Lang Cun Cần và nàng Vạ Hai Kịt. Đó là Đẻ Người.
Thủa ấy có ông Cuông Minh Vàng Rậm, có nàng Ả Sấm Trời đúc
ra 9 chín mặt trời, 12 mặt trăng. Nắng gay gắt. Họ nhà Ngao thần Nỏ Ná bắn rơi
8 mặt trời, 11 mặt trăng. Ông Thu Tha, bà Thu Thiên truyền làm năm tháng. Mỗi
năm có 12 tháng, mỗi tháng có 30 ngày. Có năm đầy năm vơi, có tháng no tháng
thiếu...
Quan niệm về khai sinh vũ trụ của người Mường hoàn toàn
trùng với của người Kinh. Câu mở đầu trong Thiên Nam ngữ lục, cuốn "sử thi
Nôm" từ thế kỷ 17 ghi:
Nhớ từ Thái cực sinh ra
Trên trời dưới đất giữa hòa nhân gian.
Câu đối ở chính điện thờ Kinh Dương Vương ở Á Lữ, Thuận
Thành, Bắc Ninh:
Thái cực nhất nguyên thiên địa thủy
Viêm Giao Bàn Cổ đế vương tiên.
Ông Bàn Cổ trên đất Viêm Giao đã dùng rìu bổ vỡ khối hỗn
mang Thái cực ban đầu mở ra trời – đất. Ông Bàn Cổ với chiếc rìu sáng thế khổng
lồ tương ứng với Mụ Dạ Dần và Cây Si trong sử thi Mường. 4 hình tượng Bướm Bạc,
Bướm Bờ, Chim Tùng, Chim Tót là 4 tượng trong Thái cực đồ: Thái Âm, Thiếu Âm,
Thái Dương, Thiếu Dương. Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ
tượng biến hóa vô cùng. Thái cực đồ với Tứ tượng chính là quả trứng Chiếng hình
vuông đã biến hóa vô cùng mà Đẻ Người.
Người đúc ra Mặt trời là Phục Hy, vị thần hướng Đông (hướng
mặt trời mọc), được sử thi Mường gọi là Cuông Minh Vàng Rậm. Chữ Cuông Minh
nghĩa là Quang Minh, chỉ vị thần tạo ra ánh sáng. Người đúc ra Mặt trăng là
Nàng Ả Sấm Trời, tương ứng với Nữ Oa. Cặp thần thoại Phục Hy – Nữ Oa trong quan
niệm xưa gắn với Âm Dương (Mặt trăng – Mặt trời) và Tứ tượng. Trong dân gian
người Việt thì Phục Hy - Nữ Oa được gọi là Ông Đùng - Bà Đà.
Hùng Vương Thánh Tổ Tổ Ngọc phả, phần Lịch kỷ họ Hùng chép
rõ về thời kỳ thần thoại:
“Xét như tiếng đức Tiền hoàng đế thời Thái cổ, từ kỷ Tam
Hoàng Ngũ Đế đến nay, theo nguyên mệnh của xuân thu, bao gồm thời mở mang hồng
hoang trước trời đất. Trời ban đầu mở vào Giáp Tí. Đất tụ mang ở Ất Sửu. Vận
người sinh ở Giáp Dần. Vạn vật ra đời ở gian Ất Mão. Từ thời Bàn Cổ, Thái cực
sinh Lưỡng Nghi, là Thiên Địa. Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, là Thái âm, Thái dương,
Thiếu âm, Thiếu dương. Tứ tượng biến hóa thành nhiều hình trạng.
Thời Hỗn Mang còn chưa biết đạo trời đất khởi đầu thế nào, đến
Âm dương biến làm Tam tài, vị quân thủ dẫn đường dần dần mở ra phong khí, dần dần
có văn minh, làm rõ ràng các giáo lý trị dân. Trời xuất hiện nhiều bậc đại
thánh. Cha trời Mẹ đất là Thiên tử xuất hiện đầu tiên. Sau đến các vật ở vạn nước
được yên định, nhận trọng trách lớn như thế sao.
Thiên Hoàng nối Bàn Cổ mà trị ở ngôi Thiên tử, nắm quyền chế
độ, mới chế ra Can chi. Mười can là Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ Canh, Tân,
Nhâm, Quý. Mười hai chi là Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Vị, Thân, Dậu, Tuất,
Hợi. Lấy đó để định thời gian, giúp nhân dân biết phương hướng. Cứ mỗi đời có bậc
quân vương lại tất có sự sáng chế của quân vương đó. Các vua sau từ đó noi theo
trăm đời không lay. Lấy việc giải quyết cho dân làm khó. Lấy sự an định làm
nguy. Xem hiền mà sửa mình.
Địa Hoàng định hai thời phân làm ngày đêm, lấy ba mươi ngày
làm một tháng, mười hai tháng làm một năm. Gộp những sai lệch mà bày ra nhuận,
cuối cùng thì phục hồi lại thời gian như ban đầu, lấy thời khí theo đó. Các anh
em của người cứ một vạn tám ngàn năm là chúa tể thiên hạ các phương, sáng chế lập
ra pháp luật, ban bố vạn đời. Khiến cho hậu thế đều biết được chỗ sáng tối,
tháng năm như thế”.
Thiên Hoàng, Địa Hoàng hay Cha Trời, Mẹ Đất tương ứng với bà
Thu Thiên, ông Thu Tha trong sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước, là những người đã tạo ra
năm tháng cho hậu thế biết phân thời gian. Họ nhà Ngao bắn rơi Mặt trăng Mặt trời
tương ứng với truyền thuyết Vua Nghiêu (Ngao – Hữu Ngu) đã sai thần tiễn thủ Hậu
Nghệ bắn hạ Mặt trời, cân bằng lại Thái cực, tạo nên một vũ trụ yên ổn, phân định
trời đất, ngày đêm.
Có thể thấy quan niệm lịch sử Hùng Vương hoàn toàn trùng với
giai đoạn mở đầu của sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước, từ việc Mụ Dạ Dần – Bàn Cổ mở trời
đất, sinh Thái cực, Thái cực sinh vạn vật, đến việc Cha Trời Mẹ Đất phân chia
thời gian, giữ yên vũ trụ.
Bài Ngã Ba Hạc phú của Tiến sĩ thời Lê là Nguyễn Bá Lân diễn
tả thời thần thoại:
Vũ trụ mơ màng,
Càn khôn xếch xác.
Vua Bàn Cổ khai lò tạo hoá, hồng mông đà phơi phới hơi xuân,
Họ Hữu Ngu khơi mạch sơn hà, cương giới vẫn rành rành dấu tạc.
(Còn tiếp)
Núi Cột Cờ Mường Bi, Tân Lạc, Hòa Bình là di chỉ khảo cổ nền Văn hóa Hòa Bình, quê hương của sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước.
Nghi môn đền Á Lữ nhìn từ bên ngoài.
Nghi môn đền Á Lữ nhìn từ bên trong.
Đôi câu đối về Thái cực và Bàn Cổ ở đền Á Lữ.
Nguồn: Công dân &Khuyến học