Chọn điểm đến gần thiên nhiên, vắng khách, chị Tuyết Anh mong con được thỏa đam mê du lịch và học nhiều điều mới sau chuyến phượt.
"Năm nay gia đình con không đón Tết ở Sài Gòn" - thông báo của vợ chồng Tuyết Anh, Hải Luân khiến gia đình 2 bên nội ngoại hơi hụt hẫng nhưng cũng không bất ngờ. Bởi ông bà đã quen với việc cứ cách 1-2 tháng, anh chị lại đưa con gái An Di (4,5 tuổi) đi khám phá xa gần. Bố mẹ làm du lịch, Di có chuyến đi đầu tiên khi 4 tháng tuổi và du lịch bụi Singapore - Malaysia khi 6 tháng tuổi. Chuyến đi phượt bằng xe máy đầu tiên của Di là ở Hà Giang, khi được 2 tuổi.
Chị Tuyết Anh cho biết, đây là thời điểm thích hợp duy nhất để thực hiện "chuyến đi để đời" vì Di chưa vào lớp 1, có thể nghỉ học dài ngày và bố mẹ có nhiều thời gian rảnh. Một nguyên nhân khác là dịp cận Tết sẽ ít người đi du lịch, các dịch vụ ở điểm đến cũng không đắt đỏ.
Gia đình chị Tuyết Anh luôn được bạn bè tại mỗi địa phương đưa đi khám phá những điểm đến ít người biết. Trên ảnh là cầu gỗ Ông Cọp, Phú Yên. Ảnh: NVCC
Lên kế hoạch chi tiết về chuyến đi, ngày cuối tháng 1, chị Tuyết Anh cùng chồng con lên xe máy đi Vĩnh Long, bắt đầu hành trình xuyên Việt. Sau khi thăm các tỉnh thành miền Nam, gia đình chị dự định chạy xe ngược tới miền Trung, miền Bắc và đón giao thừa tại Hà Nội. Xuất phát được 5 ngày, thông tin dịch bệnh bùng phát tại Quảng Ninh, Hải Dương lan tràn trên các mặt báo, khiến chị phải loại bỏ cung đường ra miền bắc, rút ngắn chuyến đi từ 40 xuống 30 ngày và đón Tết ở Quảng Nam.
Trong 30 ngày, gia đình chị đi qua khoảng 28 tỉnh thành, vượt qua mọi địa hình, lên rừng, xuống biển và ghé thăm các thành phố. Thay vì các điểm du lịch đã quá quen thuộc, gia đình chị chọn những hoạt động ít tiếp xúc với người khác như cắm trại di động ở đảo Đầm Môn (Khánh Hòa), suối Đá (Bình Định), vùng quê Quảng Nam...
Đây là lần đầu tiên gia đình Di đón tết ở miền Trung, được trải nghiệm chúc Tết bà con, họ hàng và thưởng thức những món ăn Tết khác biệt như thịt ngâm nước mắm. Ảnh: NVCC
Với gia đình, chuyến đi không chỉ để thỏa mãn đam mê xê dịch mà còn là dịp để thăm bạn bè, người thân ở khắp các tỉnh thành. Vì vậy, 70% hành trình gia đình lưu trú tại nhà người quen và còn lại thuê phòng khách sạn, nhà nghỉ, homestay. "Đây cũng là mong ước của Di, trước chuyến đi bé đã rất háo hức vì sẽ được gặp các bạn và dặn bố mẹ nhiều lần rằng mình không thích ở khách sạn", chị Tuyết Anh nói.
Rất nhiều người hỏi chị Tuyết Anh rằng Di có quá nhỏ để xuyên Việt hay không, nhưng với bà mẹ này, điều quan trọng nhất là tôn trọng sở thích và tin tưởng rằng con sẽ làm được. Từ bé Di đã được đi nhiều nơi và xuyên Việt thực chất chỉ là các chuyến đi nhỏ lặp đi lặp lại. Điều chị Tuyết Anh lo lắng nhất là ra miền Trung, miền Bắc thời tiết sẽ lạnh nên đã chuẩn bị thật nhiều quần áo ấm. Khi di chuyển Di sẽ ngủ vì vậy lúc đến nơi có nhiều năng lượng để khám phá, trải nghiệm.
Với bà mẹ này, các chuyến đi không để lấy thành tích, vì vậy không nhất thiết phải đi lâu, đi xa mà quan trọng con biết thêm về cảnh đẹp đất nước, thế giới tự nhiên, các mối quan hệ xã hội. Chuyến đi cũng là dịp để chính vợ chồng chị học hỏi, ôn lại kiến thức khi phải liên tục trả lời những câu hỏi vì sao của Di.
Năm nay gia đình không mua quần áo mới hay trang hoàng nhà cửa dịp Tết và dự định dùng số tiền này để giúp đỡ các bé có hoàn cảnh khó khăn trên đường, để Di biết ý nghĩa của việc sẻ chia. Tuy nhiên kế hoạch đã phải hủy bỏ vì Covid-19, đây cũng là điều chị Tuyết Anh nuối tiếc nhất trong chuyến đi.
Kết thúc hành trình vào 23/2, cả nhà đều khỏe mạnh, an toàn. Di đã quay trở lại lớp chồi và hào hứng kể với các bạn về con bò, con trâu hay bánh xe được làm từ mủ cây cao su mình thấy trên đường.
Lan Hương