Khi con trai hơn 2 tuổi, con gái gần 9 tuổi, ông bố Phạm Trung Tiến đưa chúng đi bụi Hà Giang, Phú Thọ hay các quốc gia Myanmar, Malaysia...
Giữa trưa Hà Nội nắng nóng, nhiệt độ phòng hơn 30 độ, con gái 14 tuổi của anh Tiến ung dung ngồi đọc truyện trinh thám tiếng Anh, không bật quạt, không điều hòa. Từ khi 7 tuổi, bé đã đạp xe 20 km, bơi lội, tự học bóng bàn, cầu lông... Theo anh Tiến, những kỹ năng, khả năng chịu đựng, tinh thần ham học của con là kết quả sau những chuyến đi bụi, tối giản về điều kiện vật chất và hòa mình cùng thiên nhiên.
Anh Tiến thường sử dụng xe máy cho các chuyến đi trong phạm vi vài trăm km, để thuận tiện khám phá thiên nhiên và cuộc sống người dân. Với các điểm đến xa hơn, phương tiện đi lại là xe bus, máy bay. Ảnh: NVCC.
Năm 2016 là lần đầu tiên anh đưa hai con đi tới Phnom Penh, Campuchia. Khi ấy, con trai 2,5 tuổi và con gái gần 9 tuổi của anh lần đầu được trải nghiệm ngồi xe bus hơn 7 tiếng và nghỉ tại một khách sạn bình dân ở một nơi xa lạ.
Tuy nhiên chuyến đi bụi đúng nghĩa là năm 2017, anh Tiến cùng con gái, khi ấy 9 tuổi đi xe máy đến vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ). Do xung quanh ít các dịch vụ du lịch, tất cả quần áo, đồ nấu ăn, giặt giũ... đều được gói gọn và chở trên xe. Lưu trú 5 ngày ở bản Dù, hai bố con ở trong nhà sàn và có những bữa ăn đơn giản với củ cải, su hào hấp trứng gà.
Hành trình của họ tiếp tục với các điểm đến trong nước như Hòa Bình, Hà Giang... và xa hơn là Malaysia, Thái Lan, Singapore, Myanamar, biên giới Trung Quốc. Trong mỗi chuyến đi, các con được thưởng thức các món ăn mới, trò chuyện với những người bạn mới, hay tập đạp xe, học bơi, câu cá... Với anh Tiến, việc lựa chọn các điểm đến không quan trọng bằng cách tiếp cận. Nơi nào cũng có nhiều điều mới mẻ để khám phá, tuy nhiên nếu chỉ đi để check-in thì sẽ không thể cảm nhận hết. Tiêu chí duy nhất cho mỗi chuyến đi của anh là vé máy bay rẻ, thời tiết điểm đến phù hợp hoặc vào thời điểm diễn ra lễ hội văn hóa.
Chuyến đi ấn tượng và nhiều kỷ niệm nhất với gia đình anh là ở Myanmar trong 12 ngày. Xuyên suốt 1.500 km đường bộ, gia đình được trải nghiệm một nền văn hóa hoàn toàn khác so với Việt Nam. Đặc biệt, thời tiết khi ấy nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời luôn ở mức gần 40 độ cũng không cản trở hành trình của 3 bố con. Vì vậy trong những ngày Hà Nội như đổ lửa, khiến ai cũng như không thể chịu nổi thì con gái anh Tiến trò chuyện với bố "Một năm trước mình đang ở một nơi nóng hơn thế này nhiều bố nhỉ, thế này ăn thua gì".
Anh Tiến cho biết, khi đồng hành cùng con trong mọi chuyến đi, anh không phân biệt giữa con gái và con trai. Đặc biệt, khi anh nhận thấy con gái cũng dũng cảm, độc lập, hiểu biết. Có lần, anh đưa con tới Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) tham quan và không ngần ngại cùng con tới khu vực "Sex Discovery" để tìm hiểu về tình dục và sinh sản, trong ánh nhìn tò mò của các bà mẹ xung quanh.
Chia sẻ về lý do đưa con "đi bụi", anh Tiến cho rằng các chuyến đi là cách để con tiếp cận được tới văn hóa bản địa, khám phá sự khác biệt ở các địa phương, cộng đồng dân cư khác với mình mà kiểu "du lịch check-in" không làm được. Điều đó giúp con ham học hỏi, cởi mở, dễ dàng chấp nhận những thay đổi, thách thức của cuộc sống và xây dựng ước mơ đi xa hơn, rộng hơn...
Anh cho biết, cùng con nhỏ đi khắp nơi với yêu cầu đầy đủ những điều kiện cần thiết, đảm bảo an toàn về sức khỏe, an toàn giao thông và an toàn cá nhân cũng đòi hỏi anh có khả năng tính toán chính xác và chu đáo hơn. Với anh, đây là điều tốt anh nhận được sau các chuyến đi.
"Kinh nghiệm của tôi rất đơn giản, là yêu con bằng bản năng giống như những con thú bố mẹ trong thiên nhiên. Vì với chúng, tình yêu và bảo vệ dạy dỗ con luôn ở mức độ ưu tiên cao hơn công danh sự nghiệp và những thỏa mãn bản thân khác", anh Tiến cười và nói.
Lan Hương