MALAYSIAThời tiết trên biển, thủy triều và gió dẫn đường cho các chuyến đi của hai du khách.
Cặp vợ chồng người Australia Jarrad Laver và Bonita Herewane đã sống 3 năm trên chiếc thuyền dài 12 m, có tên gọi Nandji để đi khắp thế giới. Nandji trong tiếng Hindu có nghĩa là "niềm vui". Họ mua chiếc thuyền vào năm 2016, khi đó kinh nghiệm chèo hay lái thuyền của họ gần bằng 0. Hai vợ chồng cho biết thời tiết, gió và thủy triều dẫn đường cho các chuyến đi của mình.
Trước đây, họ từng phượt dọc Australia trên một chiếc xe tải nhưng rồi cảm thấy đi du lịch bằng thuyền sẽ đem lại cảm giác tự do nhiều hơn. Hiện họ sở hữu một tài khoản Instagram với hơn 67.000 người theo dõi, thường xuyên cập nhật tình hình chuyến đi của mình. Ảnh: Instagram.
Cả hai đã ghé quần đảo Koh Phi Phi ở Thái Lan, đến khu vực núi lửa ở Papua New Guinea. Họ đã chuẩn bị cho hành trình lớn nhất cuộc đời: đi du lịch xuyên Ấn Độ Dương. Kế hoạch của cả hai là tới Thái Lan, Indonesia và một số quốc gia khác ở Nam Thái Bình Dương. Tại đây, họ sẽ bảo dưỡng chiếc thuyền để chuẩn bị cho hành trình tới Sri Lanka, Madagascar và kết thúc ở Nam Phi.
Khi rời Australia hồi đầu năm, cả hai không quá quan tâm đến Covid-19. Nhưng lúc tới Thái Lan, họ nhận ra sự nghiêm trọng của đại dịch. Khi họ vào trong thành phố, mọi người đều đã đeo khẩu trang để phòng ngừa sự lây lan của căn bệnh. Thái Lan quyết định đóng cửa biên giới vào tháng 3, đó cũng là lúc hai vợ chồng phải đưa ra quyết định nhanh chóng về nơi mình sẽ tới tiếp theo. Họ tham gia vào cộng đồng những người có chung sở thích phượt biển bằng thuyền. Tại đây, họ nhận được các lời khuyên cũng như thông tin cần thiết trên các diễn đàn du lịch. Cả hai quyết định sẽ tới Malaysia. Khi đó, Malaysia vẫn chào đón khách du lịch và có thể nhận được visa du lịch ba tháng. Hai vợ cập cảng trên đảo Langkawi hai ngày trước khi chính quyền đóng cửa biên giới và ở đó cho tới giờ.
Nếu việc phong tỏa vẫn kéo dài ở Malaysia, cặp đôi có thể sẽ bỏ lỡ chuyến tới Sri Lanka. Hiện tại, hai vợ chồng vẫn còn thời hạn visa hơn một tháng tại Malaysia và băn khoăn liệu có được gia hạn thêm không. Họ nghĩ tới phương án trở về Australia nhưng hành trình sẽ bị ngược gió, và thời gian về nhà mất ít nhất nửa tháng.
Nói về việc đang phải thực hiện giãn cách xã hội ở Malaysia, họ cho biết tự cách ly cũng không khác với các chuyến đi trước đây là mấy. "Chúng tôi đã quen sống trong không gian nhỏ, luôn ở cạnh nhau và quen với tự cung tự cấp". Ở trên xe tải đi dọc Australia hay trên thuyền buồm giữa biển, họ đều du lịch hàng tuần liền mà không cần dừng lại ở các cửa hàng tạp hóa. Cặp đôi đã chuẩn bị từ trước đó nhiều thực phẩm khô, đồ hộp. Trên thuyền của hai vợ chồng hiện có đủ thực phẩm để ăn tới 6 tháng. Họ cũng có một bộ lọc nước, nên vẫn có nước ngọt thường xuyên để sử dụng. "Chúng tôi đã quen với việc tự túc rồi".
Điều cả hai cảm thấy may mắn là vẫn được phép tới một bãi biển gần nơi neo thuyền để đi bộ, bơi và chơi với chó cưng Marley. Ảnh: Sailing Nandji/Insider.
Mỗi ngày, Herewane thức dậy, tập thể dục trên mũi thuyền trong khi Laver trả lời mail. Hai vợ chồng đang làm biên tập viên video. Họ dành cả ngày để chỉnh sửa video và bảo dưỡng con thuyền.
"Đó là thời gian để chúng tôi sống chậm lại. Chúng tôi đã không ngừng di chuyển trong nhiều năm". Trước đại dịch, nếu không đi thuyền tới các điểm đến tiếp theo, họ sẽ neo đậu để lặn biển, lướt sóng. Thời tiết là thứ quyết định kế hoạch mỗi ngày của cặp đôi, và họ học cách thích nghi với những thay đổi liên tục đó. "Thật buồn là chúng tôi chưa thể tiếp tục. Nhưng có nhiều người còn trong tình huống tồi tệ hơn nhiều".
Với hai vợ chồng, việc di chuyển từ thành phố bị phong tỏa này đến thành phố phong tỏa khác không phải là trải nghiệm họ muốn hướng tới. Họ muốn đi du lịch để khám phá.
Anh Minh (Theo Insider)