Trước khi có Covid-19, Phan Quốc thực hiện hàng chục chuyến đi khắp châu Á, Âu, Phi và trở về Việt Nam làm việc khi hết kinh phí.
Lớn lên trong gia đình không quá khá giả ở Quảng Ngãi nhưng từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, Phan Thanh Quốc (sinh năm 1992) đã ấp ủ được đi vòng quanh thế giới, mà nhiều người lớn và bạn cùng trang lứa đều coi là viển vông. Sau khi tốt nghiệp đại học ở TP HCM, Quốc trở thành lập trình viên cho những công ty trong và ngoài nước, bắt đầu kiếm tiền để thực hiện giấc mơ.
Chuyến đi đầu tiên của anh năm 2016 là đi tour Campuchia trong 3 ngày. Sau đó là các quốc gia như Myanmar, Malaysia, Thái Lan, Singapore... Anh cho biết muốn bắt đầu từ Đông Nam Á vì gần và chi phí không quá cao, giúp anh có thêm kinh nghiệm du lịch. Các chuyến đi dần dài hơn, từ 9 ngày đến gần 2 tháng, được anh thực hiện mỗi khi hoàn thành dự án và có ý định chuyển việc. Khi tròn 27 tuổi, Quốc đã đặt chân tới 30 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, châu Âu, châu Phi như Nepal, Ấn Độ, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Luxembourg, Bỉ, Ai Cập... Chuyến đi có chi phí cao nhất là hơn một tháng qua các quốc gia châu Âu với hơn 100 triệu đồng. Anh đặt vé máy bay trở về Việt Nam khi chi phí cho chuyến đi sắp hết.
Với Quốc, ngôi làng nhỏ bên dãy núi Alps ở Thụy Sỹ là khung cảnh choáng ngợp nhất anh từng được chiêm ngưỡng.
Anh cho biết, khi mới bắt đầu các chuyến đi, bố mẹ rất lo lắng về việc an toàn khi anh ở "đất khách quê người". Ngoài ra, bạn bè và họ hàng cũng thường nói với anh về việc an cư lạc nghiệp, ở Việt Nam dành tiền mua nhà, cưới vợ như nhiều người khác. "Mỗi người có một mục đích sống khác nhau và mình hạnh phúc khi theo đuổi con đường mình chọn, sống những năm tháng ý nghĩa. Về sau này, bố mẹ cũng ủng hộ mình", Quốc chia sẻ.
Tất cả các chuyến đi của anh đều không lên kế hoạch hay đặt vé máy bay trước, mà theo hình thức "cuốn chiếu", là trong quá trình khám phá một quốc gia sẽ xin visa để tới quốc gia khác. Anh cho biết, kiểu du lịch như vậy giúp anh không bị gò bó trong kế hoạch và hoàn toàn bị choáng ngợp bởi cảnh quan, văn hóa ở mỗi địa phương.
Mỗi quốc gia Quốc không ở lại quá 2 tuần trong một chuyến đi, vì vậy hầu hết anh sẽ quay trở lại nhiều lần để khám phá vùng, thành phố khác. Thay vì nghỉ dưỡng, anh ưu tiên cho các hoạt động trải nghiệm và tham quan các kỳ quan thế giới hơn, như thăm Kim tự tháp Ai Cập, núi lửa ở Indonesia, lang thang ở ngôi làng bên dãy núi Alps ở Thụy Sĩ...
Tuy vậy, không phải ở đâu Quốc cũng có thể thuận lợi xin visa. Như khi ở Ai Cập, anh tới Đại sứ quán để xin visa tới Ethiopia, tuy nhiên bị từ chối vì chỉ đại sức quán ở Bắc Kinh (Trung Quốc) mới có thẩm quyền cấp. Sau đó, anh nghĩ tới Jordan nhưng phải chờ visa trong 2 tuần, vì vậy chuyến đi đã rẽ hướng tới Nepal, khi anh mua được vé rẻ và xin visa thuận lợi.
"Mình đã nhiều lần buộc phải thay đổi điểm đến như vậy nhưng thay vì thất vọng, chán nản, mình cảm thấy đang đi 'bụi' đúng nghĩa, càng vui hơn vì có thêm khả năng xoay sở và không biết ngày mai mình sẽ ở vùng đất nào", Quốc nói.
Nhiều lần, anh cũng thử sức mình với những chuyến khám phá các vùng nông thôn, nơi có rất ít hoạt động du lịch, người dân cũng không biết nói tiếng Anh. Đến Mathura (Ấn Độ) vào 3h sáng một ngày tháng 4/2018, anh giật mình vì xung quanh là quân đội cầm súng đi dày đặc, không có sóng wifi, không bán sim cho người nước ngoài.
Ba ngày di chuyển ở đây, anh thấy như có một mình là người nước ngoài, càng không thể giao tiếp vì không ai biết nói tiếng Anh, anh cũng gặp những kẻ lừa tiền, móc túi, chặt chém. May mắn thay anh được gặp một tài xế lái xe tuk tuk tên Rami, sẵn sàng đưa anh đi khám phá khắp Mathura và Vrindavan, trên chiếc xe "thần thánh" đi mãi không hết xăng. Vừa đi, Rami vừa nhiệt tình thuyết trình, kể chuyện bằng tiếng Ấn Độ. "Dù mình không hiểu gì cả nhưng mình nghĩ chuyện anh ấy kể rất hay ho. Anh ấy là người bạn thật hiền lành, chất phác, mà khi nào trở lại Mathura tôi sẽ tặng quà Việt Nam cho anh", Quốc kể.
Ấn Độ cũng là quốc gia mà Quốc thấy khó làm quen với ẩm thực nhất. Phần lớn các món anh thưởng thức đều có dạng sệt, ăn bằng tay và có nhiều mùi cari, cũng như các loại gia vị địa phương khác. Anh nhớ có những chuyến đi anh giảm tới 5-6 kg.
Trong hành trình, Quốc cũng gặp muôn vàn sự cố, khó khăn mà qua đó lại có thêm những người bạn thân. Trong một lần ở Ai Cập, anh cùng cô gái người Đài Loan mới quen cùng đi taxi tới Kim tự tháp. Do hôm trước phải thức đêm để chuẩn bị giấy tờ, thư gửi đại sứ quán xin visa, nên lên xe Quốc đã ngủ quên. Thay vì quãng đường 20 km đến với Kim tự tháp, người tài xế lại đi ngược đường hoàn toàn tới hơn 80 km. Khi tỉnh dậy nhận ra quãng đường đã đi sai qua bản đồ trực tuyến, anh yêu cầu người tài xế quay trở lại trung tâm thành phố thì mới thanh toán tiền. Tuy nhiên, cách thành phố khoảng 20 km, người tài xế dừng xe ở khu vực ngoại ô vắng người để đòi tiền Quốc và người bạn. Lúc này biết mình gặp phải người xấu, Quốc phản ứng gay gắt và 2 bên xảy ra ẩu đả. Khi 2 người nhạc công Ai Cập đi qua, nhận ra anh là người ngoại quốc, họ dừng lại giảng hòa và thanh toán cho tài xế 100 pound (150.000 đồng), sau đó đưa họ về thành phố.
Anh cho biết kỷ niệm này đáng nhớ nhất với anh không phải vì đáng sợ mà qua đó anh có thêm những người bạn rất thân như cô gái Đài Loan. Ngoài ra là 2 chàng trai, một người Ai Cập và một người Hàn Quốc, khi biết anh gặp sự cố cũng bắt xe tới ngay. Sau này, anh đã có những chuyến đi tới thăm quê hương họ.
Năm 2020, vì dịch Covid-19, Quốc đang tạm ngừng du lịch quốc tế, anh dành thời gian du lịch trong nước và đang ở Cao Bằng để săn mùa lúa chín. Đã tới hơn 50 tỉnh, thành đất nước từ khi còn là sinh viên và tới nay được đặt chân tới nhiều quốc gia trên thế giới, với riêng anh, Việt Nam có vẻ đẹp thiên nhiên mà nhiều nước trong khu vực không có được. Tuy nhiên, việc truyền thông du lịch ở Thái Lan, Singapore rất tốt, khiến nơi đây hút khách quốc tế. Vì vậy trong thời gian tới, anh sẽ dành thời gian thực hiện những video cảnh đẹp của Việt Nam, đặc biệt các tỉnh thành phía Bắc như Ninh Bình, Cao Bằng, Lào Cai... đăng tải trên kênh Tiktok hơn 100.000 follow và blog cá nhân, để bạn bè quốc tế có thể biết nhiều hơn về Việt Nam.
Lan Hương
Ảnh, video: NVCC