Trần Đặng Đăng Khoa chia sẻ những khoảnh khắc đẹp, đáng nhớ nhất trong hành trình 3 năm vòng quanh thế giới đã kết thúc sớm hơn dự định tại Mozambique.
Cảnh thiên nhiên ở vùng núi Stepantsminda, phía bắc Georgia, sát cạnh biên giới với Nga. Ngày 77 trong hành trình, anh được chiêm ngưỡng thị trấn ẩn hiện trong khung cảnh sương mù giăng, tựa lưng vào dãy Kavkaz hùng vĩ đẹp tựa một bức tranh. "Chắc không có họa sĩ nào vẽ đẹp như mẹ trái đất", anh nói.
Một trong những tấm ảnh anh yêu thích là nhà sư nhẩm đọc kinh Phật dưới gốc cây ở Lumbini, vùng đồng bằng Terai ở miền nam Nepal. "Cảnh vật và không gian lúc ấy thật thư thái và yên bình biết bao", anh nói.
Đăng Khoa bắt đầu hành trình của mình từ 1/6/2017 với điểm dừng chân đầu tiên là Campuchia. Sau 3 năm, anh đã đặt chân tới tất cả châu lục trên thế giới và hiện mắc kẹt ở Mozambique, do ảnh hưởng của Covid-19.
Lumbini, nơi sinh của Đức Phật (Siddhartha Gautama) là một trong 4 thánh địa Phật giáo quan trọng nhất. Khu vực bảo tồn khảo cổ ở đây gồm bể Shakya, một phần của đền Maya Devi, cột Ashoka bằng sa thạch. Ngoài ra là các di tích của tu viện Phật học Vihara từ thế kỷ 3 TCN đến thế kỷ 5 SCN và di tích bảo tháp Phật giáo. Năm 1997, UNESCO công nhận Lumbini là Di sản thế giới.
Bức ảnh cực quang ở Greenland. Anh chia sẻ, lần đầu được tận mắt ngắm nhìn aurora (cực quang) ở vùng đất băng cùng vẻ đẹp ma mị, không ngôn từ nào có thể diễn tả được. Để được nhìn ngắm chúng, bạn phải đi một đường thật dài, đến xứ sở cận cực Bắc xa xôi lạnh lẽo vào những ngày mùa đông. Điều còn lại là yếu tố may mắn, nếu đêm ấy cực quang rực rỡ và trời quang đãng không mây mù để bạn có thể nhìn thấy chúng.
Phiên chợ Giáng sinh, bên dưới nhà thờ, trong trời sương mù lạnh lẽo ở Krakow, Ba Lan. "Cảnh vật lúc ấy đơn giản nhưng đậm chất châu Âu, tôi cảm thấy như mình vừa ở hiện tại, vừa ở quá khứ với những cỗ xe ngựa, nhà thờ", anh nhớ lại.
Những cánh rừng nhuộm vàng khi thu sang ở gần Montreal, Canada. "Canada, xứ sở lá phong thân thiện, hiền lành chính là thiên đường để nhìn ngắm mùa thu lá vàng. Đây chắc hẳn là cảnh sắc nhiều người ao ước được thấy dù chỉ một lần trong đời", anh nói.
Vườn quốc gia Yosemite, vùng núi Sierra Nevada, California, Mỹ. Khoa chia sẻ, dù đứng tại đây, anh ngỡ cảnh vật này không có thật mà chỉ tồn tại trong chuyện cổ tích.
Rộng hơn 3.100 km2, công viên đặc trưng bởi những thác nước cao chót vót, rừng cây sequoia hàng nghìn năm tuổi và những vách đá hùng vĩ bậc nhất tại Mỹ. Mỗi năm, nơi đây thu hút khoảng 4 triệu du khách tham quan, dã ngoại và học leo núi.
Vẻ đẹp hiu quạnh, lạnh lẽo ở Nam cực, nơi tận cùng thế giới. Những khối băng khổng lồ lững lờ trôi là minh chứng của thay đổi khí hậu trên thế giới.
Tới đây, Đăng Khoa được gặp nhiều loài chim cánh cụt, hải cẩu và trải nghiệm ngắm băng trôi, tìm hiểu lịch sử về lục địa băng giá này. Trải nghiệm anh nhớ nhất là nhảy xuống biển, bơi trong làn nước lạnh giá ở nơi đây.
Những chú chim cánh cụt Gentoo trong mùa ấp trứng, khi thời tiết đang độ vào hè. Đây là loài động vật đặc trưng và "dễ mến" nhất ở Nam cực, châu lục thứ 7 của thế giới.
Khung cảnh hùng vĩ ở công viên quốc gia Torres Del Paine, Chile, quốc gia cách Việt Nam nói riêng và cả thế giới rất xa về địa lý. "Với tôi, một lữ khách may mắn được đặt chân tới đây, ngắm nhìn bức tranh này là phần thưởng xứng đáng", anh chia sẻ.
Theo anh, "Ai chưa băng ngang nước Úc mênh mông rộng lớn, nhất là con đường Eyre Highway từ thành phố Port Augusta đến thị trấn Norseman, thì khó cảm nhận được sự mênh mông và khô hạn khủng khiếp của xứ sở chuột túi này".
Bức ảnh được chụp bằng flycam, trong ánh hoàng hôn, với dụng ý tô đậm vẻ đẹp của sự cô đơn, trống trải của nơi đây. Khoa chia sẻ, trong suốt hành trình 3 năm, anh đã sử dụng nhiều công cụ để chụp ảnh từ điện thoại, máy ảnh chuyên nghiệp, camera hành trình, flycam.
Những chú tê giác quý hiếm trong vườn quốc gia Nairobi, Kenya. Đây là công viên quốc gia duy nhất trên thế giới nằm tiếp giáp thủ đô, được ngăn cách một bờ rào.
Công viên có biệt danh là Kifaru Ark, một minh chứng cho sự thành công trong việc bảo tồn tê giác. Đây là nơi tập trung tê giác đen với mật độ dày nhất thế giới, khoảng 50 con.
Khoa chia sẻ, khi nghe điện đàm báo có tê giác ở khu vực A, B, C, bất kỳ ai cũng háo hức muốn được tận mắt chứng kiến một chú tê giác ngoài đời thực.
Những cây bao báp với tuổi đời tính hàng nghìn năm ở thành phố Morondava, Madagascar. Anh đã đi xe bus hơn 14 tiếng và xe lam hơn 2 tiếng từ thủ đô tới đây, để một lần được đứng dưới hàng cây bao báp sừng sững như những người khổng lồ.
Theo anh, đây là cảnh sắc đặc trưng của châu Phi nói chung và Madagascar nói riêng, không một nơi nào có. Trong chuyến đi, ngoài rừng cây sequoia ở Redwood của Mỹ thì bao báp là ấn tượng nhất với anh.
Châu Phi là lục địa cuối cùng Đăng Khoa đặt chân tới và là nơi in dấu những km cuối cùng trong hành trình. Hiện anh đang ở Chimoio, thủ phủ tỉnh Manica, Mozambique. Quốc gia này thực hiện lệnh đóng cửa biên giới và cách ly xã hội từ cuối tháng 3. Anh gửi xe máy về Việt Nam và chờ đợi khi dịch bệnh được kiểm soát để về nước. Khoa chia sẻ, những ngày ở đây, anh cảm thấy buồn vì không còn ai bên cạnh nữa, khi chiếc xe phải gửi về trước. Tuy nhiên, anh đã đạt được mong ước lăn bánh trên khắp các lục địa, nên không quá hối tiếc.
Lan Hương
Ảnh: Trần Đặng Đăng Khoa