Cùng với chiếc xe môtô 150-155cc, Trần Linh (24 tuổi) đã có nhiều chuyến đi tới các tỉnh thành miền Trung, Nam và Campuchia.
Sinh ra ở Bến Tre và hiện sinh sống, làm việc tại TP HCM, Linh có mong ước được lái xe thăm tất cả các tỉnh, thành trên đất nước. Để đảm bảo hoàn thành tốt công việc, cô tranh thủ những ngày nghỉ để đi theo từng khu vực.
Năm 2019, từ khi gắn bó với xe Exciter 150 RC và nay là Yamaha MT-15 155cc, Linh đã thực hiện những chuyến đi tới Phú Yên, Bình Thuận, Buôn Ma Thuột, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Dương. Trong đó cô chủ yếu thăm các điểm đến gần tự nhiên, đi cắm trại và trekking.
Linh trên một đoạn đường ở huyện Cần Giờ.
Trước đó vào năm 2017, với xe máy số, Linh cùng nhóm bạn thân thực hiện chuyến đi dọc đường ven biển tới Nha Trang vào dịp sinh nhật. Chuyến đi bao gồm cắm trại ở Hồ Tràm, vui chơi tại công viên Vinpearl Land Nha Trang. Ngoài ra cả nhóm còn đến Bãi Xép (Phú Yên), nơi quay bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh". Đường về, họ theo hướng Tây Nguyên để tham quan TP Buôn Ma Thuột.
Năm 2018, cô tới thăm 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ qua hai chuyến đi. Chuyến đầu tiên là đi dọc các tỉnh ranh giới Việt Nam và Campuchia và chuyến thứ hai là dọc các tỉnh giáp với biển. Linh chia sẻ do quê ở miền Tây nên tới đâu cô cũng không cảm thấy thân thuộc với con người và giọng nói, đặc biệt có cơ hội thưởng thức nhiều đặc sản chỉ được nghe tên từ nhỏ.
Ở mỗi tỉnh, thành Linh thường lưu trú 1-2 ngày, ưu tiên ghé thăm các địa điểm nổi tiếng về lịch sử, kiến trúc như nhà hát Cao Văn Lầu, nhà Công tử Bạc Liêu (Bạc Liêu); Nhà lớn Long Sơn, Linh Sơn Bửu Thiền Tự (Bà Rịa - Vũng Tàu); nhà cổ Huỳnh Kỳ (Trà Vinh)... Sau đó, cô tới những nơi có bãi cắm trại gần thiên nhiên và trekking ở các ngọn núi như Bà Đen (Bà Rịa - Vũng Tàu), cực Đông (Mũi Điện - Phú Yên) và cực Nam (mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau). Về ẩm thực, cô yêu thích ăn uống tại những khu chợ thay cho những nhà hàng quá nổi tiếng vì mong muốn trải nghiệm nhịp sống của người địa phương.
Tới nay, cô đã chinh phục các tỉnh, thành từ Phú Yên trở vào trong. Thời gian tới khi dịch bệnh được kiểm soát, Linh cho biết sẽ tiếp tục lái xe tới miền Bắc, Trung và không thể bỏ lỡ Tây Bắc.
Con gái học lái xe côn
Trên hành trình, Linh cũng thường xuyên nhận được những lời trêu ghẹo nhưng đa số đều không có ý xấu. Đôi khi Linh gặp bác bảo vệ, cô bán nước, họ hỏi sao không đi cùng bạn trai hay hỏi thông tin về xe. Nhiều lần cô cũng nhận được lời động viên rằng "con gái đi xe này cừ đấy".
Nhưng với Linh, chạy xe máy đi du lịch từ lâu đã là điều cô ấp ủ. Ngày còn là học sinh, Linh đã dành tiền tiết kiệm mua mũ bảo hiểm fullface (phủ kín đầu), đồ bảo hộ chân tay, găng tay, dù lúc ấy cô chỉ có xe đạp để đi học. Khi là sinh viên năm 2, cô được thực hiện chuyến đi xe máy đầu tiên tới Đà Lạt cùng một người bạn bằng xe Wave.
Lần đầu Linh được học lái xe côn là qua chiếc xe của một người bạn trong nhóm. Do không có thời gian để dạy Linh học lái, người bạn đã đổi xe côn cho cô để tự thực hành. Linh chia sẻ, thời gian ấy vì hứng thú, cô luôn tìm những đoạn đường vắng để tập, học từ lý thuyết đến thực hành trên mạng. Những ngày đầu tiên rất khó khăn vì chưa quen thao tác tay và chân, xe thường xuyên tắt máy. Sau khoảng 2 ngày, Linh dần quen với việc chuyển số và dần tập với độ vọt của xe ở từng mức số.
Linh chia sẻ, với cô loại xe nào không quá quan trọng. Cô "tậu" chiếc môtô phân khối nhỏ vì xe đủ khỏe để cô tự tin và thoải mái hơn trên những cung đường. Trong nhóm bạn, mỗi người đi một loại xe máy từ xe số, số tự động, côn nhưng vẫn thuận lợi đồng hành cùng nhau. "Với mình, xe chỉ là phương tiện hỗ trợ, chỉ có đam mê thực sự thì mới giúp người ta có thể song hành cùng nhau trên các nẻo đường và có thật nhiều kỷ niệm đẹp", cô nói.
Song hành với xe máy không phải khi nào cũng thuận lợi. Từng có lần trên đường từ TP HCM tới cầu Mỹ Thuận (Tiền Giang) xe bị chết máy vào khoảng 4h sáng. Linh dắt bộ và đợi đến rạng sáng mới có một tiệm sửa xe mở cửa, nhưng thợ báo phải cần hơn 4 tiếng mới sửa xong. Do lịch trình cần quay lại TP HCM trước buổi chiều, Linh được người bán bánh mì chỉ cách quá giang xe đò. Linh và anh trai đã "vẫy" rất nhiều chuyến xe lớn có tuyến đi ngang TP HCM và may mắn gặp một chuyến vẫn còn chỗ, đồng ý vận chuyển luôn chiếc xe máy của cô.
Từ đó cô rút kinh nghiệm luôn đảm bảo chiếc xe đã được bảo dưỡng và chức năng đều ổn định trước chuyến đi. Ngoài ra để du lịch xe máy an toàn, Linh mang theo các giấy tờ tùy thân và những vật dụng sơ cứu cần thiết. Xem trước dự báo thời thiết của quãng đường sắp tới và cân nhắc mang theo áo mưa, hoặc áo ấm cũng là điều cần thiết. Một điều quan trọng nữa là luôn cần tính toán lộ trình với thời gian đến đích, trên đường đi nên quan sát mọi thứ nhiều nhất có thể như tần suất xuất hiện các cây xăng trong khu vực, các cửa hàng điện, các hiệu thuốc tây, các tiệm tạp hóa... Điều cuối cùng Linh luôn ghi nhớ là không vượt ẩu, đảm bảo đi đúng luật và đúng tốc độ cho phép.
Phong cách ngọt ngào hơn khi tới Đà Lạt.
Với Linh, địa hình của Việt Nam, để tận hưởng tốt nhất những nơi có thiên nhiên trong lành thì xe máy sẽ là phương tiện thích hợp nhất. Phượt bằng xe máy không xấu nếu mỗi cá nhân đều có ý thức không xả rác, không làm ồn, tôn trọng nơi mình đang đến và tuân thủ luật giao thông. Với cô "Tuổi trẻ thật đáng sống nếu có đam mê và dám thực hiện nó".
Lan Hương
Ảnh: NVCC