NHẬT BẢN - Lê Thị Kiều Trang tham gia chuyến leo núi Phú Sĩ để thử thách bản thân, cũng là ước mơ cô nung nấu từ khi ở Việt Nam.
Vì Covid-19, sau hai năm ngừng hoạt động, núi Phú Sĩ mở cửa đón người đam mê leo núi trở lại vào ngày 1/7. Từ tháng 7 đến tháng 9, Nhật Bản có lịch nghỉ trùng với lễ hội Obon nên khu vực này khá đông người. Do đó, du khách được khuyên không nên đi vào những ngày này hoặc cuối tuần để tránh nguy cơ nhiễm bệnh.
Kiều Trang, nhân viên văn phòng cho một công ty ở Nhật, nghĩ đến ước mơ mà cô từng nói với các bạn của mình khi còn ở Việt Nam, đó là một ngày nào đó sẽ chinh phục đỉnh núi Phú Sĩ. Sau những giây phút phân vân lo sợ dịch bệnh, cô và một người bạn cuối cùng quyết định lên đường bằng tất cả tinh thần hứng khởi nhất cho chuyến đi.
Trang chụp ảnh kỷ niệm trong chuyến đi.
Núi Phú Sĩ, cách thủ đô Tokyo chừng 130 km, là một ngọn núi lửa nằm giữa tỉnh Yamanashi và Shizuoka, được công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2013. Có độ cao 3.776 m so với mặt nước biển, đây là ngọn núi được người Nhật yêu thích, ngọn núi linh thiêng và là niềm tự hào dân tộc của người Nhật.
Chọn chinh phục Phú Sĩ ngay thời điểm đại dịch là quyết định táo bạo của Trang. Cô cũng mới tốt nghiệp đại học và chuyển từ thành phố Kobe lên Tokyo để bắt đầu công việc. Cô có cảm giác bỡ ngỡ còn hơn lần đầu đến đất nước này để học tập. Tokyo đang là thành phố có số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất nước Nhật, lại có dân số đông đúc. Tokyo nằm trong những nơi ban bố tình trạng khẩn cấp, mỗi ngày có trên 1.000 ca nhiễm. Do ảnh hưởng của dịch, thời gian Trang đến công ty làm việc ít dần và sau đó làm việc tại nhà để hạn chế tiếp xúc những nơi đông người.
Ngày 25/7, Trang đặt xe tour đến núi Phú Sĩ từ Tokyo với vé khứ hồi từ 8.800 đến 9.800 Yên/người (khoảng 2 triệu đồng). Khi đến điểm tập trung, hai người được phát cơm bento, tủ đựng đồ và sử dụng nhà vệ sinh miễn phí, nhận được phiếu giảm giá khi mua kem và vé tắm onsen vừa ngâm mình vừa ngắm núi Phú Sĩ. Bên cạnh đó, có thể thuê dụng cụ leo núi và đồ bảo hộ nếu muốn và đăng ký lúc đặt vé. Tour của Trang đi theo tuyến Yoshida.
Chọn cách đi này, bạn sẽ có khá ít thời gian để tận hưởng cảnh đẹp từ đỉnh núi. Xuất phát lúc 22h tối và phải tập trung lúc 17h ngày hôm sau để về. Xe sẽ dừng tại trạm nghỉ khoảng 2 tiếng 45 phút. Những ai khó ngủ sẽ mất sức vì sáng hôm sau phải thức dậy sớm để leo núi. Trên xe không có ổ cắm điện tại ghế ngồi, nhưng nếu muốn sạc pin điện thoại, bạn có thể nhờ bác tài.
Khung cảnh trên đường leo núi.
Không chỉ là leo núi
Chuyến đi này cho Trang những trải nghiệm đáng giá, biết được sức chịu của bản thân đến đâu dưới sự khắc nghiệt của thời tiết và địa hình. Với Fansipan ở Việt Nam, địa hình hiểm trở hơn núi Phú Sĩ nhưng với độ cao 3.776 m so với mặt nước biển, cộng thêm độ ẩm cao ở Nhật thì việc chinh phục đỉnh núi này là thử thách rất lớn. Lần cuối núi Phú Sĩ phun trào là vào ngày 16/12/1707 và để lại dung nham tạo nên những viên đá lớn cũng khiến chuyến đi khó khăn hơn rất nhiều. Càng lên cao khí hậu càng loãng khiến việc hô hấp trở lên khó khăn hơn, cô và người bạn phải sử dụng bình oxy.
Từng có kinh nghiệm leo núi trước đây nhưng với một cô gái mảnh khảnh như Trang, quả thật để chinh phục thành công một ngọn núi cao đòi hỏi rất nhiều thứ về sức khỏe, thể lực, yếu tố thời tiết, dụng cụ hỗ trợ leo núi. Có lẽ quan trọng nhất là ý chí vượt lên chính mình, tỉnh táo khi lạc đường và phán đoán của bản thân. Có những trải nghiệm mà cả đời chỉ đến có một lần duy nhất nên phải nắm bắt ngay cơ hội, Trang cho biết.
Trên chặng đường leo núi, cô nhận được lời động viên của những người cùng hành trình dù chẳng quen, trong đó có những người lớn tuổi tầm 70-80 tuổi. Thậm chí có người vẫn leo núi với đôi chân sinh ra đã không được khỏe mạnh như người bình thường nhưng mong muốn thực hiện ước mơ lớn lao có lẽ là cuối cùng của cuộc đời. Những đứa trẻ chỉ khoảng 4-5 tuổi đi cùng bố mẹ, lê lết đôi chân trên những chặng đường cuối để đặt chân đến đỉnh núi. Trong hành trình đến đỉnh, Trang thấy có nhiều du khách đến từ các quốc gia khác nhau cùng thực hiện một ước mơ chung giống mình. Tất cả họ đều khiến cô khâm phục và là động lực để cô không chùn bước.
Leo đến độ cao 3.300 m, Trang cảm thấy cơ thể run lên bần bật. Cô phát hiện mình bị sốt lạnh, sốc nhiệt, bụng quặn thắt. May mắn, bên cạnh cô còn có người bạn đồng hành luôn hỗ trợ và khích lệ tiến về phía trước. Nghĩ đến mơ ước một lần chinh phục ngọn núi nổi tiếng này, cô nắm chặt tay và cố lê từng bước, mắt hướng về phía trước.
Từ trên đỉnh núi với độ cao hơn 3.775 m.
Cảnh quan khu vực núi
Ở mỗi trạm nghỉ sẽ có những cửa hàng nhỏ, lên cao sẽ có những khu trọ cho thuê để khách dừng chân.
Fujisan Hongu Sengen Taisha Okumiya, ngôi đền nằm trên đỉnh Phú Sĩ, ngoài việc viếng thăm còn bán nhiều đồ lưu niệm, những lá bùa may mắn. Điều đặc biệt, du khách có thể đăng ký tổ chức lễ cưới ở đây. Đền Kusushi là ngôi đền phụ trên tuyến đường Yoshida và Subashiri. Tại ngôi đền có 2 bạn rất trẻ ở đây để trông nom đền và xuống núi cứ 2 tuần một lần.
Tại Bưu điện núi Phú Sĩ thông thường bạn có thể gửi những tấm bưu thiếp đặc biệt có tem in hình núi Phú Sĩ. Hiện tại, bưu điện tạm đóng cửa do dịch bệnh. Trang và bạn không quên ghé qua mua thiệp với hình khắc tinh xảo về làm quà.
Cung đường leo
Có 4 cung đường để leo núi Phú Sĩ: Yoshida, Subashiri, Fujinomiya và Gotemba. Trong đó, tuyến Yoshida mở cửa ngày 1/7, ba tuyến còn lại đón khách từ ngày 10/7. Có nhiều cách di chuyển cho bạn như ôtô riêng, đi tàu điện, tàu shinkansen, xe tour. Từ Tokyo di chuyển đến điểm xuất phát khoảng 2,5 đến 3 tiếng.
Tuyến Yoshida xuất phát từ trạm số 5 Fuji Subaru. Ga gần nhất là Fujisan tuyến Fujikyuko và Ga Kawaguchiko. Đây là lộ trình dành cho người mới bắt đầu vì cung đường dễ leo và có nhiều nhà nghỉ ở tầng 7 và tầng 8 với độ cao 2.700 - 3.000 m so với mặt nước biển. Thời gian leo lên mất khoảng 7,5 tiếng và thời gian xuống khoảng 3,5 tiếng.
Tuyến Subashiri xuất phát từ trạm số 5 Subashiri, ga gần nhất Gotemba tuyến JR Gotemba và ga Shin-Matsuda tuyến Odakyu. Đây là lộ trình có lượng khách leo núi ít, có hệ động thực vật phong phú. Lộ trình này đi xuống dốc và nhiều sỏi đá, nếu không cẩn thận rất dễ bị trượt. Thời gian leo khoảng 7 tiếng và thời gian xuống khoảng 3,5 tiếng.
Tuyến Gotemba xuất phát từ trạm số 5 Gotemba ga Gotemba. Đây là lộ trình đỡ dốc hơn so với các lộ trình khác, tuy nhiên đường xuống có nhiều đá sỏi. Thời gian leo khoảng 8 tiếng và thời gian xuống khoảng 4,5 tiếng.
Tuyến Fujinomiya xuất phát từ trạm số 5 Fujinomiya ga gần nhất Shin-fuji tuyến JR Tokaido Shinkansen, ga Fujinomiya tuyến JR Tokaido Minobu. Đây là lộ trình ngắn nhất so với những lộ trình khác nhưng nhiều đoạn đường dốc và khó đi. Thời gian leo khoảng 6 tiếng và thời gian xuống khoảng 4 tiếng.
Những vật dụng cần chuẩn bị
Những vật dụng cần thiết: giày leo núi, balo, gậy để hỗ trợ lực giúp bạn đỡ mất sức, spats là miếng quấn quanh cổ chân để tránh sỏi và cát vào trong giày, thuốc và dụng cụ sơ cứu, nước uống pocari, trà... bình oxy có bán trên đường đi, tùy từng thời điểm leo vì càng lên cao không khí càng loãng khiến hệ hô hấp khó thở, quần áo mưa, miếng dán nhiệt, găng tay, mũ, khăn, kem chống nắng, đồng hồ, bản đồ leo núi, đèn pin, sạc dự phòng, thuốc xịt côn trùng, kính mắt, đồ ăn, giấy ướt, tiền xu 100 Yên Nhật. Mỗi lần đi vệ sinh sẽ mất phí 200 Yên (tầm 40.000 đồng). Với những bạn thể lực không tốt, không phải dân chuyên leo núi nên chọn ở lại một đêm để nghỉ ngơi thay vì đi về trong ngày.
Thanh Thu
Ảnh: NVCC