Theo số liệu khảo sát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
về số lượng tuyển sinh của 15 cơ sở giáo dục nghề nghiệp du lịch, đến
tháng 9/2021, số lượng tuyển sinh ngành du lịch bị sụt giảm 32%, đến hết
tháng 12/2021 chỉ còn bằng 50% so với năm 2019.
Điều này cho thấy tình trạng “chảy máu” nguồn nhân lực du lịch không
chỉ diễn ra ở những đơn vị kinh doanh, hoạt động du lịch mà còn ở cả
những cơ sở đào tạo du lịch. Sự e ngại không lựa chọn theo học ngành du
lịch của thế hệ kế cận đang đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển
bền vững của ngành công nghiệp không khói nước nhà.
Trong bối cảnh du lịch đang từng bước phục hồi và thiếu trầm trọng
nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, hướng đi hiệu quả là cần đẩy
mạnh liên kết, hợp tác trong giảng dạy, tuyển dụng giữa nhà trường và
doanh nghiệp du lịch. Đây không chỉ là giải pháp giúp nâng cao chất
lượng đào tạo nguồn nhân lực mà còn là kênh kết nối hữu hiệu giúp doanh
nghiệp tìm được các ứng viên có trình độ, kỹ năng đáp ứng nhu cầu công
việc. Ngay trước đại dịch, sự liên kết này vốn đã được thiết lập, song
theo các chuyên gia, việc “bắt tay” giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp
trong nước thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục ngay.
Chia sẻ tại Hội thảo “Liên kết vùng trong đào tạo phát triển nguồn
nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao sau đại dịch Covid-19”, được tổ
chức tại thành phố Hồ Chí Minh, PGS, TS Ngô Văn Hà, Trường đại học Kinh
tế-Đại học Đà Nẵng nhận định: Hầu hết các trường đào tạo không đủ thông
tin về nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, sự chuyển đổi công nghệ của
doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng “cung” không gặp “cầu”.
Nhà trường vẫn đào tạo những gì mình có, chưa đào tạo những gì doanh
nghiệp cần. Không ít sinh viên tới doanh nghiệp thực tập chỉ dừng ở việc
lấy số liệu từ doanh nghiệp về viết báo cáo thực tập tốt nghiệp, chứ
không phải là đi tìm hiểu thực tế để làm rõ hơn phần lý thuyết đã học ở
trường. Nhiều doanh nghiệp sau khi tuyển dụng phải đào tạo lại. Sự liên
kết giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp chưa tốt, cho nên khung
chương trình, cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực mất cân đối, chất lượng đào
tạo chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn…
Do đó, nếu muốn nhanh chóng bồi lấp lỗ hổng về nhân lực du lịch, theo
PGS, TS Ngô Văn Hà, cần hoàn thiện cơ chế phối hợp về liên kết đào tạo
giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực du
lịch; đồng thời nghiên cứu thị trường sau đại dịch Covid-19 để làm cơ sở
định hướng cho việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, bảo đảm
chất lượng; tăng cường phối hợp giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong
việc xây dựng khung chương trình đào tạo theo hướng giảm lý thuyết,
tăng thực hành, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng mềm đáp ứng thị
trường lao động thời hậu Covid-19…
Liên quan nội dung này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên
cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) đánh giá, cùng với đổi mới về
chương trình đào tạo nguồn nhân lực, cần đổi mới cả công tác tuyển dụng
nguồn nhân lực du lịch. Doanh nghiệp nên xây dựng kế hoạch nguồn nhân
lực trong mối liên hệ và gắn kết hợp tác với cơ sở đào tạo.
Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh hình thức phối hợp thường thấy là
gửi sinh viên tới doanh nghiệp để thực tập theo đợt, cần có nhiều hình
thức hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Tổng Giám đốc Khu du
lịch Bắc Mỹ An-Furama Đà Nẵng, Chủ tịch Chi hội Khách sạn thành phố Đà
Nẵng Nguyễn Đức Quỳnh nêu ý kiến: Tại thời điểm thiếu hụt và đứt gãy
nguồn nhân lực, có thể xem sinh viên như là một nguồn lực lao động bổ
sung, đồng thời là lực lượng lao động tiềm năng.
Doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với cơ sở đào tạo để tạo điều kiện
cho sinh viên tham gia học tập, làm việc thực tế tại doanh nghiệp, tăng
thời gian thực tập, học việc tại doanh nghiệp từ hai tháng lên bốn, năm
tháng; ngoài ra, cần phối hợp các trường nghề để thực hiện các chương
trình đào tạo ngắn hạn cho lực lượng lao động mới bổ sung của doanh
nghiệp. Ngành du lịch, doanh nghiệp du lịch cũng nên cử cán bộ, chuyên
gia tham gia các chuyên đề tại cơ sở đào tạo để nâng cao kiến thức thực
tiễn cho sinh viên sát với yêu cầu thực tế…