Tết 2021, khi người người sum vầy bên gia đình, Lê Quang Long (29 tuổi) một mình rong ruổi Nam - Bắc, gửi tặng những món quà đến trẻ em khắp nơi.
Lần thứ 4 xuyên Việt, nhưng cảm xúc của chàng trai người Quảng Nam trong chuyến đi này rất khác. Có những chạnh lòng vì xa nhà, nhớ người thân nhưng Long cũng hân hoan vì được trải nghiệm cái Tết khác biệt ở mọi miền đất nước, gặp gỡ những người bạn cũ và mang niềm vui nho nhỏ tới những số phận khó khăn.
Chuyến đi của Long bắt đầu ngày 1/2, từ TP HCM ra miền Trung, qua Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Kon Tum, Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế. Thay vì đường quốc lộ, Long chọn chạy xe trên những con đường nhỏ, khó đi để tận mắt thấy những ngôi nhà lụp xụp, những đứa trẻ chưa có quần áo mới dịp Tết. Sau đó anh quay trở lại thị trấn mua quà tặng, phần nhiều là sữa và các nhu yếu phẩm họ thực sự cần.
Quang Long cho biết, để có những bức ảnh đẹp, có những nơi anh phải dành cả tuần để làm quen, chơi đùa với trẻ em.
Tại Ninh Thuận, mọi món quà đều do Long dùng tiền cá nhân chuẩn bị. Tuy nhiên đến các tỉnh thành tiếp theo, bạn bè, người thân dõi theo hành trình trên Facebook đã ngỏ ý cùng đóng góp, để anh có thể mang được nhiều quà hơn đến mọi người. Long luôn tuân thủ các nguyên tắc phòng chống Covid-19 bằng cách đến từng khu xóm tặng quà để tránh tập trung đông người.
Khi dịch diễn biến phức tạp, hành trình "Mang Tết đến vùng cao" phải tạm dừng ở Thừa Thiên - Huế. Long đã trao tặng 300 thùng sữa, hàng trăm phong bao lì xì, một số nhu yếu phẩm khác cho người cần chúng. Sau đó, Long tiếp tục lái xe ra Bắc, chinh phục những chặng đường mới và gặp gỡ những trẻ em vùng cao.
Anh chia sẻ "Khi gặp những hoàn cảnh cơ cực ở Sơn Hà (Quảng Ngãi) hay ghé thăm Phước Sơn (Quảng Nam), địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt bão lũ lịch sử, được người thấy những niềm vui nhỏ, sự trân quý của người dân nên mình không còn mệt mỏi vì đường xa", anh tâm sự.
Những chuyến xe yêu thương
Đó không phải là chuyến đi đầu tiên xuyên Việt của Long vì mục đích từ thiện. Trước đó, vào năm 2020, Long thành lập nhóm thiện nguyện "Những bước chân xanh". Trong đó đối tượng nhóm hướng đến là trẻ em dân tộc thiểu số và người lao động vùng cao. Để biết trẻ em thực sự cần gì, nhóm đã thực hiện nhiều chuyến đi lớn nhỏ đến các điểm trường xa xôi ở Hà Giang, Đắk Nông gặp chính quyền địa phương, các thầy cô giáo sau đó tính toán chi tiết số tiền cần có và kêu gọi quyên góp thông qua triển lãm ảnh, bài đăng trên Facebook. Mọi khoản tiền chuyển đi đều được công khai chi tiết trên website nhóm và quỹ sẽ đóng khi đủ tiền cho dự án.
Cả nhóm đã hoàn thành nhiều chương trình thiện nguyện như "Bếp Hoàng Cầm", mang đến 60.000 bữa trưa đủ chất cho trẻ em vùng cao tại 7 điểm trường; cứu trợ vùng rốn lũ miền Trung vào tháng 11/2020; khai giảng điểm trường của 2 cô giáo ở Nam Trà My; "Mùa đông cho em" ở vùng cao phía Bắc. Sắp tới, nhóm sẽ tiếp tục với dự án "Thư viện yêu thương" để giúp trẻ em có đầy đủ đồ dùng học tập.
Long chia sẻ hành trình nào cũng gặp không ít khó khăn như di chuyển trên đường núi cheo leo, gập ghềnh trong điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường. Đặc biệt khi có dịch Covid-19, các tình nguyện viên không thể tham gia thì khối lượng công việc của anh càng nhiều. Có những ngày nắng như đổ lửa, mồ hôi ướt đẫm nhưng ai nấy đều rất vui khi được tận tay nấu những bữa cơm cộng đồng cho các em nhỏ.
"Cuộc sống vốn chưa khi nào dễ dàng, mọi thứ đều phải nỗ lực và trân trọng mà có. Đối với những em bé ở đây thì chúng còn phải đối diện với nhiều thứ hơn nữa, vì vậy nhìn lại bản thân, mình càng quý trọng và cố gắng để đủ sức vừa sống phần mình và san sẻ với mọi người", Long cười và nói.
Lời hứa với Hà Giang
Long cho biết, hành trình thiện nguyện của anh "bén duyên" từ các chuyến du lịch cách đây 9 năm khi đang là sinh viên năm 2 của trường Đại học Kinh tế TP HCM. Có lần do căng thẳng, bế tắc với việc học tập, anh một mình lên Đà Lạt với chiếc máy ảnh đi mượn, sáng tác những bức hình đầu tiên. Khi chỉ còn vài tháng là tốt nghiệp, anh quyết định bỏ học đi xuyên Việt, theo đuổi đam mê nhiếp ảnh trước sự phản đối của gia đình.
Khi ấy, anh phải bán chiếc máy tính và xe máy cũ để đầu tư cho chuyến đi. Tới đâu, anh cũng xin phép được trò chuyện, tham gia vào công việc của người dân địa phương, để lưu lại khoảnh khắc chân thật nhất. Từ đây, anh cũng làm quen bao người lao động khó khăn, những đứa trẻ áo quần không lành lặn, mặt lấm lem vì nắng gió.
Rong ruổi suốt 34 tỉnh thành, khi đặt chân tới thị trấn Đồng Văn (Hà Giang), anh chỉ còn 14.000 đồng trong túi, nên phải xin làm phụ hồ ở một ngôi nhà đang xây dở. Do thương cảm hoàn cảnh, chủ nhà nhận Long làm cùng 3 người thợ H'Mong. Sau một ngày rưỡi, anh xin phép dừng làm vì không đủ sức khỏe và nhận được 270.000 đồng tiền công. Với Long, số tiền tuy ít nhưng khiến anh cảm động và khắc ghi. Anh kết thúc hành trình xuyên Việt ở ngày thứ 37. "Chuyến đi ấy giúp mình cởi bỏ được lớp áo của một gã thư sinh học giỏi, bỏ lại niềm kiêu hãnh là sinh viên tại một trường đại học danh giá, để thực hiện đam mê", Long nói.
Đem lòng yêu mến vùng đất với đường đèo dốc thăm thẳm và đồi núi trùng điệp, mỗi năm Long tới Hà Giang một lần để trốn khỏi guồng công việc nơi thành thị. Năm 2018 khi đã tự chủ về kinh tế, anh tiếp tục với các hành trình xuyên Việt, quay trở lại những điểm mình từng đi qua, mang quà cho những em nhỏ kém may mắn, những người bạn đã giúp đỡ mình và bắt đầu những dự án thiện nguyện.
9 năm qua, Long luôn tự hào với con đường mình đã chọn, là được sống với đam mê và chia sẻ yêu thương tới người khác. Tài sản lớn nhất mà anh có được sau các chuyến đi là hàng nghìn bức ảnh dọc miền đất nước và những nụ cười, niềm vui của người lao động và trẻ nhỏ vùng cao.
Lan Hương