LÀO CAI - Nhiều du khách đến Sa Pa thuê đồ và chụp ảnh theo phong cách người Mông Cổ, Tây Tạng...
Yêu thích khung cảnh và thời tiết Sa Pa, dịp Tết Nhâm Dần, chị Vũ Trà My (Hà Nội) chọn nơi đây là điểm du xuân cho cả gia đình. Qua tìm hiểu về khu vui chơi, lưu trú trong hội nhóm du lịch, chị thấy nhiều du khách săn mây, chụp ảnh với trang phục Tây Tạng, nên đặt dịch vụ chụp cho gia đình 3 người. Vì biết đông người chụp ảnh nên chị đặt trước một tuần, kết hợp trang phục và trang điểm.
Gia đình chị Trà My trong trang phục mang phong cách Tây Tạng. Ảnh: Dương Quốc Hiếu
Vì lý do thời tiết, gia đình chụp ảnh tại bản Cát Cát chứ không đi săn mây ở đèo Ô Quý Hồ. Chị chia sẻ rất ưng ý với bộ ảnh vì thành viên nào cũng đẹp, phong cách mới lạ. Những lần trước đến với thị xã, chị từng có bộ ảnh với trang phục truyền thống của người H'Mong. "Sa Pa có núi rừng hùng vĩ, trời lạnh có sương mù, nên khá hợp khi mặc trang phục như vậy. Năm vừa qua không thể du lịch nước ngoài, những điểm đến có sản phẩm như vậy rất hấp dẫn du khách trong nước", chị nói.
Chị Nguyễn Hồng Thu Trang (Hà Nội) đặt dịch vụ chụp ảnh với trang phục Tây Tạng ở Sa Pa. Đã tới đây du lịch nhiều, nên mỗi lần chị đều muốn tìm kiếm, chia sẻ sự mới lạ. Chị đánh giá cao sự sáng tạo, đầu tư kỹ lưỡng của các bên cung cấp trang phục.
Trang chia sẻ trào lưu chụp ảnh này có thể vấp phải nhiều ý kiến trái chiều vì không phù hợp hay đúng với bản sắc các dân tộc Việt Nam. "Tuy nhiên, với mình nếu không phải những hình ảnh phản cảm thì đây cũng là một sự giao lưu văn hoá thôi. Cảnh sắc hoang sơ, hùng vĩ của Sa Pa cũng rất phù hợp với màu sắc rực rỡ của trang phục", chị nói.
Không chỉ Thu Trang hay Trà My, trào lưu chụp ảnh ở Sa Pa hiện hút khách, sau khi những bộ ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội. Nguyễn Lan Phương, quản lý tại Bảo Art SaPa, cũng được coi là nơi bắt nguồn của trào lưu này cho biết khách đang có nhu cầu chụp ảnh phong cách Tây Tạng lớn. Hiện cơ sở có 12 bộ trang phục ngày nào cũng được đặt hết, nhiều khách phải đặt cọc sớm để giữ.
Phương chia sẻ ý tưởng được bắt nguồn từ niềm yêu thích với cuộc sống du mục, những thảo nguyên xanh bạt ngàn, thảm cỏ như bất tận ở Mông Cổ và Tây Tạng. Trong nhiều lần đi chụp ảnh, cô cũng nhận thấy Sa Pa có nhiều điểm phù hợp để chụp với trang phục sắc màu như vậy. Cô cho biết lấy ý tưởng về trang phục người Tây Tạng, được đặt mua trên mạng hoặc tự phối hợp các chi tiết sao cho giống.
Anh Hoàng Trung Hiếu, kinh doanh tại cơ sở cho thuê đồ Greenfarm, cho biết có 10 bộ trang phục Tây Tạng. Vài tháng gần đây, mỗi ngày các bộ đồ đều được thuê hết, nhiều khách đặt nhưng không đủ cung cấp. Mỗi bộ trang phục như vậy được đặt mua từ Trung Quốc hoặc các cửa hàng Việt Nam, ngoài ra cần đầu tư thêm mũ lông, giày vải, cung tên, trượng may mắn, vòng xương... Mỗi bộ có chi phí hơn 3 triệu đồng.
Dương Quốc Hiếu, thợ ảnh tại Sa Pa, cho biết trung bình mỗi tuần thực hiện 15 bộ ảnh cho khách. Trang phục hiện nay thường xuyên hết nên phải đặt ở các cơ sở từ rất sớm. Các địa điểm chụp ảnh phù hợp là có khung cảnh núi rừng, trang trí bằng nhiều gỗ lều trại như bản Cát Cát, điểm check-in săn mây trên đèo Ô Quý Hồ, Rock Garden Homestay, Best View...
Hiếu cho biết việc có thêm nhiều trào lưu chụp ảnh mà không phản cảm sẽ góp thêm phần thu hút khách, tạo điểm mới lạ cho điểm đến. Anh cho biết dự tính sắp tới sẽ đặt thêm mô hình bò yak để tạo cảnh cho du khách chụp ảnh.
Chi phí cho một bộ ảnh là khoảng 1,5-2 triệu đồng. Ngoài ra du khách có thể tự đặt trang phục với giá khoảng 400.000 đồng/người. Ảnh: Dương Quốc Hiếu
Hiện nay, những bộ ảnh du khách đăng tải lên mạng xã hội nhận được hàng trăm, hàng nghìn lượt yêu thích. Nhiều ý kiến cho rằng những bộ ảnh đẹp, có hứng thú trải nghiệm khi tới với Sa Pa, song một số cho rằng du khách không nên lai tạo, chỉ nên mặc những trang phục truyền thống, để tôn vinh văn hóa, khung cảnh Việt Nam.
Theo Vnexpress
Sưu tầm: Ngô Diệp