Hai Bà Trưng – Hai nữ vương, danh tướng đầu tiên gương cao cờ nghĩa chống chủ nghĩa bành trướng đại Hán, đặt nền móng đầu tiên cho cuộc đấu tranh không mệt mỏi của dân tộc Việt Nam dành độc lập.
Chị em nặng một lời nguyền;
Phất cờ nương tử
thay quyền tướng quân;
Ngàn Tây nối áng phong trần;
Ầm ầm binh mã xuống gần
Long Biên:
Hồng quần nhẹ bước chinh yên;
Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành
(Đại Nam quốc sử diễn ca)
GỐC TÍCH HAI BÀ TRƯNG TRONG GHI CHÉP CỦA THƯ
TỊCH CỔ
Thư tịch cổ nhất của nước ta có chép chuyện
Hai Bà Trưng là bộ ĐẠI VIỆT SỬ LƯỢC (40). Sách này cho hay : "Trưng Trắc người
huyện Mê Linh, con gái của quan Lạc Tướng vùng này. Trưng Trắc lấy chồng người huyện
Chu Diên, tên là Thi Sách. Người vợ tính rất hùng dũng, (Thi sách) làm việc gì
đó có sai phạm nên bị Thái Thú Tô Định mượn pháp luật để trừng trị (sát hại). Bà
Trưng Trắc giận quá, bèn cùng với em gái là Trưng Nhị khởi binh ở Phong Châu, đánh
phá các quận huyện. Dân ở hai quận Cửu Chân và Nhật Nam đều hưởng ứng cả. Bà
chiêm được 65 thành ở ngoài phía Nam của nhà Hán rồi tự lập làm Vua, đóng đô ở huyện
Mê Linh" (41).
Thư tịch cổ thứ hai của nước ta có chép
chuyện Hai Bà Trưng là bộ ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TOÀN THƯ do Tiến sĩ Ngô Sĩ Liên và các
sử thần thời Lê biên soạn. Sách này có mấy đoạn rất đáng chú ý :
- "Năm Kỉ Hợi, đời Hán Quang Vũ Lưu
Tú, niên hiệu Kiến Vũ năm thứ 15,Thái Thú quận Giao Chỉ là Tô Định, chính sự tàn
tạo và tham lam, Trưng Nữ Vương liền dấy binh để đánh”.
"(Vua) tên quý là Trắc, họ Trưng,
nguyên họ Lạc, con gái của Lạc Tướng huyện Mê Linh (Phong Châu), vợ của Thi Sách
ở huyện Chu Diên. Thi Sách cũng là con Lạc Tướng. Con hai nhà Lạc Tướng kết hôn
với nhau".
"Mùa xuân, tháng 2 (năm Canh Tí
40-NKT), Vua khổ vì Thái Thú Tô Định dùng pháp luật trói buộc, lại thù Tô Định
giết chồng mình, mới cùng với em gái là Nhị nổi binh đánh hãm trị sở các châu.
(Tô) Định chạy về nước. Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố đều hưởng
ứng. (Trưng Trắc) lấy được 65 thành rồi tự lập làm Vua, xưng là họ Trưng".
Từ hai thư tịch cổ nói trên, chúng ta có thể
rút ra được mấy vấn đề chung nhất và nổi bật nhất vế lí lịch cuộc đời của Hai Bà
Trưng như sau :
Hai Bà người họ Trưng mà nguyên lại là họ Lạc.
Quê quán : huyện Mê Linh.
Thành phần gia đình : cha là Lạc Tướng của huyện
Mê Linh.
Trưng Trắc là vợ của Thi Sách mà Thi Sách là
con trai của Lạc Tướng huyện Chu
Diên.
Thái Thú Tô Định tham lam và tàn bạo, giết
chết Thi Sách nên bà Trưng Trắc cùng với em là Trưng Nhị khởi binh đánh cho đại
bại. Hai Bà giành được thắng lợi, chiếm 65 thành rồi xưng Vương.
Sau ĐẠI VIỆT SỬ lược và ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TOÀN
THƯ, các thư tịch cổ của ta như KHÂM ĐỊNH VIỆT SỬ THÔNG GIÁM CƯƠNG MỤC và một
số bộ dã sử khác cũng chép chuyện Hai Bà Trưng nhưng nói chung là không có gì mới mẻ. Thư tịch cổ của Trung Quốc (ví dụ
như HẬU HẢN THƯ chẳng hạn) tuy có vài
dòng về Hai Bà Trưng nhưng không bàn đến gốc tích của Hai Bà.
Đọc các thư tịch cổ viết về Hai Bà Trưng, cảm
giác đầu tiên thường có ở hầu hết mọi người là : chừng như tất cả chỉ mới dừng lại
ở mức độ sơ bộ nhắc nhở về những sự kiện gắn liền với Hai Bà Trưng chứ chưa đủ để
làm thoả mãn ý nguyện hiểu biết của hậu thế về hai nhân vật lịch sử kiệt xuất này.
Sự bất nhất và sự giản lược của thư tịch cổ
khiến cho người đọc lấy làm tiếc. Không còn cách nào khác, phương pháp phổ biến
của giới sử học hiện đại vẫn là kết hợp chặt chẽ giữa việc phân tích và xử lí
thư tịch cổ với việc tổ chức khảo sát trên một bình diện ngày càng rộng để tìm kiếm
thêm các tài liệu có liên quan đến Hai Bà Trưng. Hai nguồn tài liệu mới hơn được
các nhà sử học đặc biệt chú ý, đó là các tờ thần tích và truyền thuyết dân gian.
Nguồn Danh tướng Việt Nam - tác giả Nguyễn Khắc Thuần