"Khát" nhân lực lành nghề
Năm
2019 cả nước có hơn 2,5 triệu lao động trong ngành du lịch; trong đó
750 nghìn lao động trực tiếp với 45% được đào tạo chuyên môn về du lịch,
35% được đào tạo chuyên ngành khác, 20% chưa qua đào tạo. Dưới tác động
nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều lao động đã rời bỏ khỏi ngành du
lịch gây ra tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động có
chuyên môn cao.
Theo thống kê của
Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong năm 2020, các
doanh nghiệp trong ngành du lịch phải cắt giảm nhân sự từ 70-80%. Sang
năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so năm
2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng
30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, lao động làm việc cầm chừng 10%.
Du lịch Việt Nam chính thức mở cửa từ giữa tháng 3/2022 trong niềm vui
vỡ òa của cộng đồng doanh nghiệp. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại,
không ít doanh nghiệp vẫn đối mặt tình trạng thiếu lao động, đặc biệt
lực lượng lao động tại các cơ sở lưu trú, lữ hành quốc tế và bán hàng
lưu niệm.
Mỗi năm, toàn ngành cần
thêm gần 40 nghìn lao động. Việc tuyển bổ sung nhân lực, đào tạo thêm
nguồn nhân lực cho ngành du lịch là một thách thức rất lớn đối với các
cơ quan chức năng, cũng như doanh nghiệp. Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp
hội Du lịch Việt Nam cho hay: Nhân lực là yếu tố sống còn của nền kinh
tế, trong đó có lĩnh vực du lịch; nhưng mấy năm bị ảnh hưởng vì dịch
Covid-19, nhân lực du lịch bị thất thoát rất nhiều. Khi bắt đầu phục hồi
du lịch, khó khăn lớn nhất là việc tập hợp được nhân lực du lịch quay
trở lại. "Ngay cả lúc thịnh vượng thì nhân lực du lịch cũng đã bộc lộ
rất nhiều bất cập như: phát triển ồ ạt, không có định hướng rõ ràng,
quản lý thiếu chặt chẽ, các tiêu chuẩn nghề nghiệp không được tuân thủ",
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh.
Cả
nước đang có gần 200 cơ sở đào tạo du lịch; trong đó 62 trường đại học
có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp, bốn trung tâm
về dạy nghề… Tuy nhiên nhìn vào thực tế, công tác đào tạo nhân lực du
lịch còn khoảng cách khá xa về chất lượng so yêu cầu của doanh nghiệp và
xã hội. Vậy nên, sau tuyển dụng, dù nhân sự đúng chuyên môn ngành học
hay không, các doanh nghiệp vẫn tốn khá nhiều thời gian, công sức đào
tạo lại hoặc đào tạo, bổ sung kỹ năng, nhất là về ngoại ngữ, ứng dụng
công nghệ, giao tiếp…
Cần sự chung sức của ba "nhà"
Hiện
mỗi năm, số sinh viên Việt Nam theo học các trường đào tạo hệ cao đẳng
và đại học chuyên ngành du lịch-khách sạn ở nước ngoài chiếm khoảng 5-7%
tổng lượng sinh viên vào học tại các cơ sở đào tạo về du lịch ở Việt
Nam. Con số này chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu trong thời
gian tới, bởi số lượng ngày một tăng của các doanh nghiệp du lịch liên
doanh hoặc 100% vốn nước ngoài cùng các doanh nghiệp trong nước có
thương hiệu cao.
PGS, TS Phạm Trung
Lương-chuyên gia về lĩnh vực du lịch cho rằng: Nguồn nhân lực của du
lịch hiện nay có ba điểm yếu: Kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giao tiếp. Hoạt
động đào tạo nhân lực du lịch Việt Nam đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc
tế còn rất hạn chế. Cho đến nay, việc xác định một cách đầy đủ và có hệ
thống tiêu chuẩn về trình độ đầu ra đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế đối
với các bậc đào tạo du lịch ở Việt Nam còn chưa thống nhất, để có thể
làm căn cứ cho việc đưa ra yêu cầu tối thiểu đối với các cơ sở đào tạo
du lịch. Đây có thể được xem là yếu tố cơ bản hạn chế năng lực đào tạo
du lịch Việt Nam đạt trình độ quốc tế, nhất là trong bối cảnh có sự khác
biệt khá lớn về các chương trình đào tạo du lịch ở các cấp, giữa các cơ
sở đào tạo du lịch hiện nay ở Việt Nam.
Theo
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, lao động ngành du
lịch cần hơn ba triệu lao động, trong đó khoảng hơn một triệu lao động
trực tiếp. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, để ngành du lịch Việt Nam
tăng sức cạnh tranh với các thị trường khác, điểm nghẽn lớn về nhân lực
cần sớm có giải pháp tháo gỡ. Không ít chuyên gia cho rằng: Việc phát
triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cần sự tham gia tích
cực và đóng góp hiệu quả giữa: Nhà nước-Nhà trường-Nhà tuyển dụng. Trước
mắt, cần ưu tiên xây dựng và thực hiện chuẩn hóa một bước nhân lực du
lịch từ quản lý du lịch, đến các vị trí nghiệp vụ du lịch phù hợp các hệ
thống tiêu chuẩn khu vực và quốc tế về lao động. Ngành du lịch khách
sạn cần có chính sách đãi ngộ tốt; đào tạo kỹ năng, kiến thức về chuyển
đổi số; chủ động kết nối với các cơ sở đào tạo nhân lực ngành du lịch;
nâng cao năng lực quản trị; chủ động kết nối tham gia vào đào tạo nguồn
nhân lực chất lượng cao với các hệ thống đào tạo quốc tế… Các bộ, ngành
liên quan xem xét, đánh giá toàn diện về hệ thống cơ sở đào tạo du lịch
phù hợp yêu cầu phát triển ngành; có tham khảo hệ thống đào tạo, đưa vào
chương trình đào tạo các kiến thức mới về các loại hình du lịch mới ở
các nước có du lịch phát triển để bảo đảm cơ cấu đào tạo du lịch ở các
cấp là hợp lý, phù hợp các chuẩn mực chung của khu vực và quốc tế.