Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, năm 2020, có
tới gần 60% số lao động du lịch phải nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng hoặc
tạm nghỉ việc. Năm 2021, chỉ có 25% số lao động làm đủ thời gian; 30%
phải nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động; 35% tạm nghỉ việc; 10%
làm việc cầm chừng. Ngành Du lịch Việt Nam thất thoát nhân lực lớn chưa
từng có trong lịch sử.
Phó Tổng cục trưởng Du lịch Phạm Văn Thủy nhận định:
Phần lớn lao động du lịch vì mưu sinh đã phải chuyển sang nghề khác, nay
du lịch mở cửa, có những người sẽ quay lại, nhưng cũng có nhiều người
đã ổn định công việc mới, nguồn thu nhập cao hơn cho nên không muốn quay
lại ngành. Vì thế, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch, nhất là
lao động chất lượng cao vô cùng căng thẳng. Nhiều doanh nghiệp du lịch
đang phải chịu sự cạnh tranh lớn trong khâu tuyển dụng. Ông Nguyễn Hồng
Hải, Tổng Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ Dân chủ Hà Nội, chủ đầu tư
khách sạn De L’Opera Hà Nội cho biết:
Cạnh tranh trong tuyển dụng gia tăng, không chỉ giữa
các khách sạn hay doanh nghiệp du lịch với nhau mà với cả các ngành nghề
khác. Nguyên nhân là bởi sau hai năm, nguồn nhân lực du lịch phân tán
mạnh, lượng học viên đăng ký vào các cơ sở đào tạo du lịch cũng sụt
giảm, dẫn đến thiếu hụt số lượng lao động bổ sung mới. Bên cạnh đó, thời
gian “đóng băng” du lịch quá dài cũng dẫn đến kỹ năng nghiệp vụ, khả
năng ngoại ngữ, tác phong phục vụ của người lao động không có điều kiện
được mài giũa thường xuyên, suy giảm về chất lượng.
Chia sẻ tại Hội thảo “Khôi phục và phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh bình thường mới” do Hiệp hội Du lịch Việt
Nam vừa tổ chức, bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng
cục Du lịch) cho rằng: Trước mắt, cần rà soát nguồn nhân lực du lịch,
nhận diện rõ những hạn chế, yếu kém, thiếu hụt về chuyên môn nghiệp vụ
của từng bộ phận; nghiên cứu nhu cầu thị trường, dự báo phát triển du
lịch để tính toán nhu cầu đào tạo tập trung, đào tạo tại chỗ, bồi dưỡng
nâng cao nghiệp vụ và xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo của từng địa
phương, cơ sở.
Bên cạnh đó, ngành cần bám sát yêu
cầu trong Tiêu chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia để định
hướng các đơn vị trong tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ, ngoại
ngữ đáp ứng yêu cầu của từng vị trí việc làm. Bà Bình cũng lưu ý cần có
chính sách thu hút, khuyến khích lao động có kinh nghiệm, kỹ năng nghề
đã chuyển việc quay lại với ngành du lịch thông qua việc bảo đảm về
lương, môi trường làm việc, xây dựng chính sách lương theo năng lực để
khuyến khích nhân viên tự học nâng cao kiến thức, kỹ năng…
Theo GS, TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng Khoa
học và Đào tạo du lịch (Hiệp hội Du lịch Việt Nam): Doanh nghiệp cần
phối hợp các cơ sở đào tạo du lịch như các trường đại học, cao đẳng, các
trung tâm đào tạo nghề du lịch để tuyển dụng lao động lâu dài hoặc tạm
thời phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Đối với các doanh nghiệp lữ hành, trong trường hợp
thiếu hướng dẫn viên du lịch quốc tế, giải pháp tình thế là có thể tuyển
chọn ký hợp đồng với sinh viên các trường ngoại ngữ hoặc sinh viên du
lịch có ngoại ngữ tốt, đào tạo cấp tốc chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức
kỹ năng theo từng tour, tuyến cụ thể để họ có thể đáp ứng nhu cầu của
doanh nghiệp và nhu cầu của khách...
Ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Đào tạo (Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch) cho biết, mới đây, Bộ đã ban hành quyết định phê duyệt
Đề án “Phát triển nguồn nhân lực du lịch thích ứng với tác động của đại
dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2030”.
Đề án xác định ba nhóm giải pháp lớn, bao gồm: Nhóm
giải pháp cấp bách hỗ trợ nhân lực ngành du lịch, phát triển nguồn nhân
lực của ngành thích ứng với đại dịch và chuẩn bị cho sự phục hồi; Nhóm
giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn phục hồi sau
đại dịch và Nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch trong giai
đoạn phát triển. Việc chính thức đi vào hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát
triển du lịch với nhiệm vụ trọng tâm là hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng phát
triển nguồn nhân lực du lịch sẽ góp phần tăng cường nguồn nhân lực du
lịch nước nhà.
TRANG ANH