Làm
thế nào để giữ chân lực lượng hiện tại, thu hút trở lại những người đã
nghỉ việc và đào tạo bổ sung nguồn lao động mới bảo đảm chất lượng đang
là bài toán cấp bách đặt ra cho du lịch nước ta.
Thiếu về số lượng, yếu về chất lượng
Dịch
Covid-19 kéo dài hơn ba năm qua với những diễn biến phức tạp đã làm đứt
gãy nghiêm trọng chuỗi liên kết du lịch, tác động tiêu cực tới nhân lực
ngành du lịch. Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, tính riêng trong năm
2021, chỉ có 25% số lao động trong ngành còn làm việc đủ thời gian, 30%
phải nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, 35% tạm nghỉ việc và
10% làm việc cầm chừng.
Tình trạng dịch chuyển lao động, "chảy
máu" nhân lực du lịch sang các ngành khác diễn ra mạnh mẽ không chỉ
trong đại dịch mà còn sau đại dịch, do nhiều người vẫn e ngại về tính
bấp bênh, phụ thuộc của ngành vào những cú sốc tác động lớn từ bên ngoài
kiểu như dịch Covid-19. Trong khi đó, nhiều lao động chuyển ngành đã
tìm được công việc mới ổn định, cho nên cũng không muốn quay trở lại.
Ðiều này khiến ngành du lịch phải đối mặt với thách thức rất lớn trong
việc phục hồi, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của
thị trường đang nóng lên từng ngày.
Báo cáo của 46/63 địa phương
trên cả nước về thực trạng nguồn nhân lực du lịch cho thấy, hầu hết các
tỉnh, thành phố là trọng điểm du lịch như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí
Minh, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Ninh Bình… đều rơi vào cảnh thiếu lao động.
Chỉ một số ít địa phương như Ðà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Cà Mau... đánh
giá nguồn nhân lực tạm thời đáp ứng được yêu cầu phục vụ khách du lịch
do lượng khách phục hồi chậm, công suất buồng phòng còn thấp.
Theo tính toán của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng
như hiện nay, mỗi năm ngành du lịch cần 40.000 nhân viên mới và 25.000
nhân viên cần đào tạo lại. Song, hằng năm, các trường chỉ đào tạo được
20.000 sinh viên, trong đó tỷ lệ lao động du lịch được đào tạo chuyên
nghiệp còn thấp, chỉ chiếm 43% trong tổng số lao động du lịch, và gần
một nửa không biết ngoại ngữ.
Như vậy, nguồn nhân lực du lịch
Việt Nam không chỉ thiếu trầm trọng về số lượng mà còn yếu về chất
lượng. Tiến sĩ Ðỗ Thị Thanh Hoa, Phó Viện trưởng Nghiên cứu phát triển
du lịch nhận định: Nhân lực ngành du lịch nước ta còn nhiều mặt chưa đáp
ứng được nhiệm vụ phát triển du lịch trong bối cảnh phát triển nền kinh
tế tri thức và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Số lượng nhân lực
còn ít, cơ cấu chưa đồng bộ và năng lực thực tiễn chưa tương xứng với
bằng cấp. Nhân lực có trình độ, tay nghề cao chưa nhiều và ngày càng
thiếu những cán bộ đầu đàn làm nòng cốt đào tạo nhân lực trẻ. Kiến thức
hội nhập, ngoại ngữ, tin học, năng lực sáng tạo, lãnh đạo, quản lý, quản
trị và kinh nghiệm thực tế còn hạn chế, chưa tương ứng với yêu cầu phát
triển của ngành.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng
Trao
đổi tại Hội thảo "Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới -
Thách thức và triển vọng" do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch vừa tổ
chức, Tiến sĩ Phạm Lê Thảo, Phòng Quản lý Lữ hành, Cục Du lịch quốc gia
Việt Nam cho rằng, muốn phục hồi nguồn nhân lực du lịch, cần tiếp tục
triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh và duy trì hoạt
động như hỗ trợ tín dụng, giảm thuế, phí… để doanh nghiệp thu hút lao
động trở lại. Bên cạnh đó, cần tổ chức điều tra, nghiên cứu thực trạng
nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp, từ đó xác định rõ số lượng, cơ
cấu, yêu cầu về chất lượng để xây dựng kế hoạch cụ thể cho hoạt động đào
tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Muốn có đủ
lực lượng lao động mới bảo đảm chất lượng, các chuyên gia cho rằng nhất
thiết phải quan tâm đầu tư cho hệ thống cơ sở đào tạo nhân lực du lịch.
Theo PGS, TS Bùi Thanh Thủy, Trưởng khoa Du lịch, Trường đại học Văn hóa
Hà Nội, các bộ, ngành, địa phương liên quan cần điều chỉnh quy hoạch
mạng lưới các cơ sở đào tạo du lịch bảo đảm phù hợp sự phát triển của
từng vùng, miền; đầu tư cho những trường trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch làm hạt nhân đào tạo nhân lực ngành du lịch ở tất cả các cấp
đào tạo tại nhiều trung tâm du lịch trọng điểm. Ðồng thời, hình thành
bộ phận đào tạo du lịch ở các trường nghề của địa phương; khuyến khích
mở những cơ sở đào tạo du lịch ở các doanh nghiệp, ngoài công lập và có
vốn đầu tư của nước ngoài theo quy định của pháp luật. Cần lưu ý, vì đặc
tính lao động của ngành du lịch ở nhiều trình độ khác nhau từ đơn giản
(lao động nghiệp vụ) đến phức tạp (giám sát, quản lý), cho nên hệ thống
đào tạo du lịch nhất thiết phải bảo đảm thực hiện đào tạo liên thông từ
thấp đến cao và cần đa dạng hóa phương thức đào tạo: tại chỗ, từ xa,
phối hợp các doanh nghiệp xây dựng trường học thực hành, học, thi tại cơ
sở; đào tạo theo chương trình liên kết hay chương trình nhượng quyền,
đào tạo qua mạng… tạo môi trường thuận lợi cho người học. Chú trọng đào
tạo kỹ năng nghề gắn với nhu cầu hội nhập, ưu tiên phát triển các kỹ
năng mới trong lao động du lịch nhằm đáp ứng đòi hỏi của phát triển bao
gồm kỹ năng lao động xanh, làm việc bền vững, có trách nhiệm… để bắt
nhịp được sự phát triển trong khu vực, gắn với nâng cao năng lực ngoại
ngữ và các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm… trong môi trường đa
văn hóa.
Ðối với các doanh nghiệp du lịch, muốn giữ chân lao
động hiện tại, thu hút lao động mới, khuyến khích nguồn nhân lực du lịch
có kinh nghiệm, kỹ năng nghề đã chuyển việc quay lại làm việc, việc xây
dựng mức lương phù hợp và môi trường làm việc thân thiện, văn minh là
yếu tố vô cùng quan trọng.
TS Hà Thanh Hải, Giám đốc Công ty
TNHH Du lịch Lăng Cô nhấn mạnh: Việc đưa ra thu nhập tương xứng với năng
lực của nhân viên và có chính sách lương thưởng gắn với mức độ hoàn
thành nhiệm vụ của mỗi cá nhân dựa trên kết quả kinh doanh là bí quyết
giúp giảm thiểu tình trạng nhân sự nghỉ việc liên tục. Bên cạnh đó, cần
xây dựng chế độ phúc lợi với các điều khoản rõ ràng: giờ làm, giờ nghỉ,
làm tăng ca, làm ngày nghỉ, nhân sự có thành tích xuất sắc…; đóng bảo
hiểm xã hội, tặng quà vào ngày lễ, Tết, sinh nhật, chế độ nghỉ mát… để
giữ nhân sự gắn bó và cống hiến lâu dài.
Việc liên kết giữa
doanh nghiệp và các trường trong đào tạo, tuyển dụng nhân lực chất lượng
cao có ý nghĩa quan trọng. Các doanh nghiệp có thể xây dựng, duy trì
mối quan hệ hợp tác đào tạo với các cơ sở đào tạo nghề, các trường trung
cấp, cao đẳng nghề du lịch, các trường đại học có đào tạo ngành du
lịch, quản trị khách sạn bậc đại học dưới nhiều hình thức như: Hỗ trợ cơ
sở vật chất (địa điểm) cho sinh viên được học và thực hành kỹ năng;
tham gia vào quá trình đào tạo; tiếp nhận sinh viên thực tập làm việc có
trả thù lao… Việc hợp tác không những giúp giải quyết được vấn đề thiếu
lao động vào mùa cao điểm mà còn tạo nguồn tuyển dụng tốt nhất cho
doanh nghiệp do các em đã được đào tạo nghề, đào tạo kiến thức và làm
quen với công việc, thực tiễn.