Nhiều trường đại học xác định nghiên cứu khoa học là không thể thiếu trong quá trình đào tạo. Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã hình thành các nhóm nghiên cứu trọng điểm, sẵn sàng đầu tư và có cơ chế, chính sách đãi ngộ tốt nhằm thu hút nhân tài.
Là một nhóm nghiên cứu mạnh của Trường Đại học Phenikaa, nhóm nghiên cứu của Giáo sư- Tiến sỹ Lê Anh Tuấn được trang bị một phòng thí nghiệm đầy đủ trang thiết bị hiện đại theo đề xuất. Với vai trò là trưởng nhóm, Giáo sư Lê Anh Tuấn được trao quyền chủ động tập hợp các nhà khoa học đến từ nhiều đơn vị trong nước và quốc tế.
Mới đây nhất, sau 6 tháng nghiên cứu, nhóm đã phát triển thành công công nghệ điện hóa ứng dụng trong sản xuất các vật liệu Nano. Nhờ những cơ chế chính sách khuyến khích rất phù hợp của cơ quan quản lý nhà nước, của nhà trường đã góp phần tạo ra những đột phá trong nghiên cứu khoa học của nhóm.
Giáo sư Lê Anh Tuấn cho biết: “Yếu tố quan trọng nhất đó là sự đầu tư bởi vì nhóm nghiên cứu chuyên nghiệp thì chúng tôi cần những đầu tư trang thiết bị. Thứ 2 là đầu tư liên quan đến con người. Nhóm nghiên cứu mạnh của chúng tôi được quyền tự chủ liên quan đến tuyển dụng, tuyển những nhân sự phù hợp với định hướng nghiên cứu này. Từ việc có nhân sự phù hợp, có những trang thiết bị tốt và được sự quan tâm rất sát sao của lãnh đạo nhà trường thì chúng tôi tập trung vào giải quyết tốt bài toán công nghệ này”.
Còn tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhiều năm qua đã định hình cơ chế khuyến khích các nhóm nghiên cứu mạnh. Sự hỗ trợ về tài chính đã giúp các giảng viên yên tâm theo đuổi công tác nghiên cứu. Cùng với đó là chính sách cởi mở hỗ trợ nhà khoa học kết nối nguồn lực với các địa phương, doanh nghiệp.
Sinh viên Khoa Khoa học tự nhiên (Trường đại học Hùng Vương) nghiên cứu, thực hành hóa sinh học (Ảnh: KT)
Giáo sư Lê Minh Thắng, Viện Kỹ thuật hóa học khẳng định, nếu như không có sự tạo điều kiện của nhà trường thì những nhóm nghiên cứu mạnh không bao giờ có được cơ sở vật chất cũng như sự phát triển về mặt nghiên cứu như hiện nay.
“Đầu tiên, trường cũng tạo những cơ chế để các nhóm nghiên cứu có thể tiến hành nghiên cứu một cách tự chủ. Tạo điều kiện hỗ trợ thêm về cơ sở vật chất, phòng ốc, cũng như những hỗ trợ khác về mặt hành chính, thủ tục. Quan trọng nhất là với đề xuất của chúng tôi về những dự án mới thì nhà trường luôn luôn ủng hộ. Nhóm chúng tôi hợp tác với nhiều trường đại học bên ngoài ở Việt Nam cũng như là các trường đại học khác trên thế giới, để đảm bảo được nghiên cứu đầy đủ ngang tầm thế giới”, Giáo sư Lê Minh Thắng cho hay.
Thống kê trong năm 2020, số bài báo khoa học của các trường đại học đang chiếm 80% số bài báo khoa học của Việt Nam, chứng kiến sự vào cuộc của các trường đại học khi giải quyết các vấn đề bức thiết từ thực tiễn phòng chống dịch Covid-19, như sản xuất nước rửa tay khô, nghiên cứu chế tạo buồng khử khuẩn toàn thân di động, Kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2...
Hiện, nhiều trường đại học đang là khu vực tập trung trí tuệ cao của đất nước. Tuy vậy, lãnh đạo của nhiều trường cho rằng, để thúc đẩy kết quả nghiên cứu phát huy trong thực tế thì việc ngành Giáo dục - Đào tạo, các nhà trường tạo cơ chế thôi chưa đủ, mà cần có thêm các cơ chế chính sách mang tính đột phá trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Đảng, Nhà nước.
Phó Giáo sư Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội nêu ý kiến: “Nhà nước cần có những chính sách phù hợp hơn để định hướng các nhà khoa học trong việc upline đề tài nghiên cứu khoa học phù hợp và dài hơi từ khoảng 3-5 năm hoặc nhiều hơn. Thứ 2 là những cơ chế để nuôi dưỡng kết quả đó. Các kết quả nghiên cứu chúng ta có thể tập hợp thành một kho các kết quả tương ứng, từ đó Nhà nước theo các định hướng hoặc doanh nghiệp có thể trở thành một thị trường và từ đó nhìn nhận các kết quả nghiên cứu ấy phát triển tiếp như thế nào. Từ các phát triển tiếp ấy có thể hình thành các đầu tư tương ứng và Nhà nước có cơ chế đầu tư phù hợp”.
Còn theo giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhóm nghiên cứu mạnh là tế bào của hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học trong trường đại học. Các cơ quan quản lý nên có cơ chế, chính sách để đầu tư xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học như một giải pháp đột phá để thúc đẩy chất lượng, hiệu quả hoạt động công nghệ, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
“Đối với giáo dục đại học, đào tạo luôn luôn gắn chặt chẽ với nghiên cứu. Để đào tạo tốt, đào tạo có chất lượng thì phải tiến hành hoạt động nghiên cứu. Nghiên cứu tiếp cận với chuẩn mực quốc tế thì lại quay trở lại để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng và trình độ cao. Từ nguồn nhân lực chất độ cao, trình độ cao và từ nhóm nghiên cứu ấy tạo nên bước đột phá trong khoa học công nghệ và từ đó thúc đẩy khởi nghiệp quốc gia. Để có thể vươn lên, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao chính là “chiếc đũa thần kỳ” để đưa đất nước đi lên”, Giáo sư Nguyễn Đình Đức chia sẻ.
Việc hình thành các nhóm nghiên cứu trong các trường đại học không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu mà còn tác động tích cực đến hoạt động đào tạo, cả người dạy, người học. Nhóm nghiên cứu mạnh sẽ là hạt nhân, môi trường tốt cho các hoạt động nghiên cứu có định hướng, mục tiêu dài hạn, trong đó sự chia sẻ tri thức, tinh thần sáng tạo sẽ được đề cao.
Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Nghị định nhằm "cởi trói" cho hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học. Đây sẽ là điều kiện để các nhóm nghiên cứu mạnh sẵn sàng với những nhiệm vụ lớn từ đó hiện thực hoá ước mơ vươn cao về khoa học công nghệ của dân tộc, đất nước./.
Minh Hường