Bài viết tập trung vào việc phân tích làm rõ những vấn đề lý luận về phát triển du lịch bền vững đặc biệt là khai thác phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia tại Cần Thơ và một số giải pháp phát triển Du lịch Văn hóa bền vững.
PHÁT HUY GIÁ TRỊ CÁC
DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP QUỐC GIA Ở CẦN THƠ ĐỂ PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH
BỀN VỮNG
Nguyễn Minh Tuấn
Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch TP. Cần Thơ
Tóm tắt
Di tích lịch sử - văn hóa luôn là thế mạnh lâu dài của ngành
du lịch. Bên cạnh những loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch khám
chữa bệnh, du lịch mạo hiểm, du lịch nông thôn, du lịch nghỉ ngơi, giải trí, du
lịch MICE, du lịch mua sắm... gần đây du lịch văn hóa (DLVH) được xem là loại sản
phẩm đặc thù đang trở thành xu hướng của các nước đang phát triển, thu hút nhiều
khách du lịch quốc tế. Nhưng để phát triển loại hình DLVH một cách bền vững đang
đặt ra nhiều vấn đề cần phải bàn luận. Cho đến nay chưa có nhiều bài viết về
phát triển bền vững DLVH tại Việt Nam. Do đó, bài viết này sẽ tập trung vào việc
phân tích làm rõ những vấn đề lý luận về phát triển du lịch bền vững đặc biệt
là khai thác phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia tại Cần
Thơ và một số giải pháp phát triển DLVH bền vững.
1. Đặt vấn đề
Lịch sử hình thành và phát triển đã để lại trong lòng thành
phố Cần Thơ nguồn tài nguyên du lịch nhân văn khá đa dạng, với hạt nhân là hệ
thống di tích lịch sử - văn hóa. Đây là bộ phận quan trọng trong hệ thống di sản
văn hóa; đồng thời cũng là nguồn tài nguyên quý giá để đẩy mạnh phát triển du lịch.
Việc khai thác các di tích lịch sử - văn hóa để phát triển du lịch không những đem
lại các lợi ích kinh tế - xã hội, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của
các di tích. Du lịch văn hóa - lịch sử gắn với các di tích cấp quốc gia trên địa
bàn TP.Cần Thơ, được xem là thế mạnh để phát triển loại hình du lịch văn hóa.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, bên cạnh những thành quả đạt được việc
khai thác giá trị văn hóa của các di tích vẫn còn tồn tại những bất cập. Chính
vì thế cần phân tích xác thực, xây dựng hướng khai thác hợp lý để phát triển
ngành du lịch Cần Thơ là điều cần thiết và cấp bách.
2. Nội dung
2.1 Khái niệm
2.1.1 Du lịch văn hóa
Du lịch văn hóa là loại hình du lịch được phát triển trên cơ
sở khai thác giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền
thống, tôn vinh giá trị văn hóa mới của nhân loại. Là loại hình du lịch mà du
khách muốn tìm hiểu và cảm nhận về văn hóa, lịch sử dân tộc của một địa phương,
một nước sở tại thậm chí một vùng hay một châu lục thông qua di sản văn hóa, di
tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống, những phong tục tập quán, cách tổ chức
cộng đồng, lối sống của một dân tộc, một quốc gia v.v…
2.1.2 Di sản văn hóa
Theo Luật Di sản văn hóa năm 2001 – “Di tích lịch sử văn hóa
là những công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia
thuộc các công trình, địa điểm có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học” [Khoản 3,
Điều 4]. Như vậy, có thể hiểu di tích lịch sử - văn hóa là những công trình, địa
điểm có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học và kiến trúc nghệ thuật.
2.2 Du lịch văn hóa - “sản phẩm đặc thù” của du lịch
Văn hóa tự bản thân nó đã là một sự trường tồn, do đó dựa
vào văn hóa để phát triển là mục tiêu chiến lược nhằm hướng tới sự bền vững.
Khi đưa văn hóa vào kinh doanh du lịch sẽ tạo ra các sản phẩm DLVH, bởi du lịch
là một ngành kinh tế có định hướng tài nguyên một cách rõ rệt nhất, hay nói một
cách khác du lịch chỉ có thể phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị tài
nguyên du lịch. Đứng từ góc độ này, các giá trị văn hóa được xem là dạng tài
nguyên du lịch để khai thác tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, khác biệt và
có khả năng cạnh tranh
không chỉ giữa các vùng miền, các địa phương trong nước mà
còn giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế.
Đối với khách du lịch có sở thích nghiên cứu lịch sử, khám
phá văn hóa và phong tục, tập quán bản địa thì DLVH là cơ hội để thỏa mãn nhu cầu
của họ. Khi nói đến DLVH có nghĩa tiếp cận văn hóa từ du lịch, thông qua du lịch,
thực chất là việc khai thác và biến sản phẩm văn hóa thành sản phẩm du lịch,
thuộc sản phẩm du lịch. DLVH là một sản phẩm kinh doanh nên đó là sản phẩm hàng
hóa hay nói đúng hơn là sản phẩm hàng hóa văn hóa, một loại sản phẩm hàng hóa đặc
biệt, qua tiêu thụ không hề mất đi như những sản phẩm hàng hóa vật chất khác mà
còn được nhân lên về mặt giá trị tinh thần và hiệu quả xã hội.
Hiện nay, Cần Thơ có 36 di tích đã được công nhận và xếp hạng,
trong đó có 13 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, đa số các di tịch tập trung
chủ yếu ở 02 quận Ninh Kiều và Bình
Thủy gần trung tâm thành phố, thuận tiện cho việc sắp xếp
tour tuyến tham quan. Trong 13 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đa dạng
loại hình như: Nhà Thờ của gia tộc họ Dương, Đình, Chùa của người Việt, người
Hoa… ngoài ra còn những địa điểm tổ chức cách mạng, danh nhân…Số lượng tuy
không nhiều nhưng Cần Thơ đa dạng loại hình, là những di tích có giá trị cao
trong hoạt động du lịch.
Nhà văn hóa Nguyên Ngọc đã từng viết: “Du lịch bao giờ cũng
là văn hóa, là trao đổi văn hóa, là hành động của những con người tìm đến với
nhau bằng văn hóa, qua văn hóa”.
Có nhiều phương thức tiếp cận để phát huy các giá trị văn
hóa, tuy nhiên du lịch được xem là phương thức phát huy có hiệu quả nhất, đặc
biệt đối với bạn bè quốc tế. Không phải ngẫu nhiên du lịch được xem là “cầu nối”
giữa các dân tộc, giữa các nền văn hóa trên thế giới. Qua hoạt động hướng dẫn
du lịch, du khách có cơ hội không chỉ được tận mắt nhìn thấy trong thực tế, mà
còn được hiểu về giá trị các di sản văn hóa nơi mình đến tham quan du lịch. Nhiều
giá trị văn hóa chỉ có thể cảm nhận được trong những khung cảnh thực của tự
nhiên, của nếp sống truyền thống cộng đồng mà không thể có phim ảnh, diễn xuất
nào có thể chuyển tải được.
Và chỉ có du lịch mới có thể đem lại cho du khách những trải
nghiệm đặc biệt, sống động và hấp dẫn. Do đó, muốn phát triển loại hình DLVH
này cần phải phát huy và bảo tồn các di sản văn hóa, cụ thể là các giá trị của
di tích lịch sử - văn hóa.
Theo kết quả thống kê tại Cần Thơ (năm 2017) về ý kiến của
khách du lịch trong và ngoài nước, có 4 loại hình du lịch nên ưu tiên phát triển
là du lịch sinh thái miệt vườn (23,66%), du lịch văn hóa (22%), du lịch đường
sông (21,74%) và du lịch MICE (18,47%). Du khách đến với TP. Cần Thơ có sự yêu
thích đặc biệt đối với các điểm du lịch văn hóa, các lễ hội, vườn trái cây và
các hoạt động mua sắm, giải trí ở khu vực trung tâm.
2.3 Khai thác, phát huy và bảo tồn giá trị di tích lịch sử -
văn hóa tại thành phố Cần Thơ định hướng du lịch bền vững
Di tích lịch sử - văn hóa với tư cách là di sản văn hoá, là
kho tàng văn hoá dân tộc đã có giá trị to lớn trong đời sống xã hội hiện đại. Mặc
dù trong thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá và quá trình hội nhập kinh tế
quốc tế, quá trình toàn cầu hoá là một xu thế tất yếu nhưng với giá trị văn
hoá, giá trị nhân văn to lớn vẫn là một hoạt động không thể thiếu trong đời sống
văn hoá tinh thần của nhân dân. Di tích và du lịch có mối quan hệ biện chứng với
nhau, tác động qua lại thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Những tác động giữa
di tích và du lịch và sự tác động ngược trở lại của du lịch với di tích thông
qua nó là lễ hội thì đòi hỏi cần vận dụng và phát huy tính tích cực và hạn chế
các tác động tiêu cực. Cần có quan điểm biện chứng trong đánh giá và phát triển
mối quan hệ này.
Phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa là hai mặt của một
thể thống nhất, có tác động tương hỗ lẫn nhau trong quá trình phát triển của mỗi
xã hội mà văn hóa được xem là nền tảng tinh thần. Việc phát huy các giá trị văn
hóa sẽ có tác dụng làm tăng ý thức, trước hết là của mỗi thành viên trong cộng
đồng dân tộc và của bè bạn quốc tế đối với trách nhiệm bảo tồn các giá trị văn
hóa. Ngược lại, việc bảo tồn sẽ là cơ sở và tạo ra cơ hội có được các giá trị
văn hóa để tự hào, để giới thiệu với du khách đến từ các dân tộc khác, các quốc
gia khác trên thế giới. Chính các di tích lịch sử - văn hóa là công cụ để khôi
phục, duy trì và phát huy những giá trị văn hóa của cộng đồng địa phương một
cách hữu hiệu nhất. Di tích lịch sử - văn hóa nếu khai thác tốt sẽ là một hình
thức du lịch bền vững có lợi cho môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn của
cộng đồng.
Bởi vì khách thường thích du lịch văn hóa tức là tìm hiểu về
lịch sử, về văn hóa vùng đất đó mà không gì bằng đến các di tích cụ thể để
nhìn, thấy, nghe từ thực tế sẽ ấn tượng hơn qua sách báo phim ảnh. Và thường
nguồn khách du lịch văn hóa sẽ có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích hơn
là khách nghỉ dưỡng, khách du lịch đại chúng.
Như vậy, có thể thấy mối quan hệ tương hỗ mật thiết giữa bảo
tồn với phát huy di sản văn hóa và giữa bảo tồn, phát huy di sản với hoạt động
phát triển du lịch. Đây là những mối quan hệ biện chứng cần được nhìn nhận một cách
khách quan và đầy đủ để xây dựng định hướng khai thác có hiệu quả các giá trị
di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch và xâydựng các chính sách phù hợp để
du lịch có thể có những đóng góp tích cực và trách nhiệm nhất cho hoạt động bảo
tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Thông qua du lịch, các giá trị văn hóa phát lộ và đem lại lợi
ích thiết thực cho quốc gia, cho địa phương. Việc phát triển DLVH ở địa phương
góp phần phục hồi và bảo tồn di sản, mang lại lợi ích kinh tế không chỉ cho
doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng sống tại các khu di sản hoặc xung quanh
khu di sản; đồng thời tăng cường đối thoại trao đổi giữa các nền văn hóa, tạo
điều kiện cho cộng đồng địa phương có những hiểu biết về di sản đó.
2.4. Những thách thức trong quá trình khai thác các giá trị
di tích lịch sử - văn hóa nhằm thúc đẩy phát triển du lịch Cần Thơ bền vững
Sự tác động của du lịch đến văn hóa cũng mang cả những yếu tố
tích cực và tiêu cực. Du lịch không những giúp mở rộng giá trị sản phẩm văn hóa
mà còn giúp bảo tồn, duy trì lâu bền những giá trị văn hóa đang ngày càng bị
mai một hoặc bị phá hủy bởi thời gian hay bởi sự lãng quên của người dân bản địa
hoặc sự lai tạp do quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Nếu không có du
lịch, sản phẩm văn hóa chỉ đơn thuần có giá trị lịch sử, nghệ thuật hay khoa học
không thể trở thành hàng hóa mang giá trị kinh tế nhất định cho địa phương.
Tuy nhiên, du lịch khi thâm nhập vào cộng đồng lại dễ làm
thương mại hóa và tổn thương đến những giá trị văn hóa bản địa thuần túy. Và
trong khi bản sắc chưa được sử dụng sao cho thật hiệu quả để quảng bá, giao lưu
văn hóa trong du lịch thì các hình thức pha tạp văn hóa lại có chiều hướng gia
tăng. Đây là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam nói chung và
Cần Thơ nói riêng khi tham gia vào quá trình hội nhập ngày
càng sâu rộng với khu vực và với thế giới.Vấn đề ở chỗ là phải biết bảo tồn cái
gì và tiếp thu cái gì trong quá trình giao lưu hợp tác để “hòa đồng” mà không
“hòa tan”, theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tây phươnghay Đông phương
có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh
nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi văn hóa Việt Nam có tinh thần
thuần Việt Nam để kết hợp với tinh thần dân chủ”.
Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà thờ họ Dương.
*Những hạn chế:
Bên cạnh những hiệu quả kinh tế đạt được, việc phát triển du
lịch gắn với di tích lịch sử - văn hóa còn nhiều tiềm ẩn và có dấu hiệu thiếu ổn
định. Khách du lịch tham quan di tích dù thời gian qua có sự gia tăng, trung
bình năm sau cao hơn năm trước nhưng sự gia tăng đó không đều và không ổn định.
Do vậy, sự phát triển này chưa tạo được những đột phá về tốc độ tăng trưởng
kinh tế trong khai thác các di tích lịch sử văn hóa.
Các di tích lịch sử - văn hóa chưa được đầu tư khai thác hợp
lý khi số lượng di tích đưa vào khai thác phục vụ du lịch còn quá ít so với tiềm
năng. Các sản phẩm du lịch dựa trên việc khai thác các di tích lịch sử - văn
hóa chưa đa dạng chủ yếu là cụm di tích “Chùa Ông, Khám lớn, Đình Bình Thủy,
Nhà thờ họ Dương, Khu tưởng niệm thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa”, các tiềm năng di tích
lịch sử - văn hóa khác chưa được quan tâm nhiều để phát triển.
Nhiều di tích trên 100 năm nên đến nay cũng hạn chế phần nào
do xuống cấp, hay mật độ dân số dày đặc thì lễ hội hoặc lễ tại các di tích cũng
hạn chế về không gian. Bên cạnh đó, mức độ hợp tác của cộng đồng trong việc
khoanh cùng bảo vệ di tích chưa cao. Vai trò của địa phương trong quản lý, phối
hợp giữa các cơ quan ban ngành chưa được duy trì thường xuyên.
Di tích kiến trúc nghệ thuật Hiệp Thiên Cung
*Những nguyên nhân:
Việc phát triển ngành du lịch Cần Thơ vẫn còn những hạn chế
chủ yếu do các nguyên nhân sau:
- Sự biến động của tình hình an ninh, chính trị, kinh tế và
dịch bệnh trên thế giới ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển du lịch Cần Thơ.
- Việc quản lý, khai thác các di tích lịch sử - văn hóa còn
hạn chế, thiếu vốn và thiếu chiến lược đầu tư đồng bộ, hiệu quả.
- Sự cạnh tranh du lịch ngày càng nhiều và thiếu sự liên kết
liên vùng trong khai thác các di tích lịch sử - văn hóa ở các địa phương lân cận
như: Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu…đã phần nào làm giảm đi hiệu quả
khai thác.
- Hệ thống di tích phân rải không đồng đều, nhiều di tích bị
hư hại do chiến tranh, yếu tố thời gian, thiên tai. Vì vậy, cần nguồn vốn rất lớn
để trùng tu, tạo cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng du lịch. Tuy nhiên, việc huy động
nguồn vốn đầu tư còn nhiều khó khăn, không đủ kinh phí thực hiện.
2.5 Định hướng khai thác các giá trị di tích lịch sử - văn
hóa ở Cần Thơ phục vụ phát triển du lịch Để khắc phục những hạn chế nêu trên đồng
thời phát huy hơn nữa hiệu quả khai thác các di tích lịch sử - văn hóa đảm bảo
sự phát triển bền vững và lâu dài của ngành du lịch Cần Thơ, việc định hướng cần
quan tâm đến các khía cạnh sau:
2.5.1 Định hướng kinh doanh
Cần Thơ cần mở rộng thị trường khách du lịch, trong đó tập
trung khai thác thị trường quốc tế, vì đây là nguồn thị trường có nhu cầu lớn đối
với loại hình du lịch văn hóa; đồng thời khai thác thị trường nội địa như miền
Bắc, miền Trung.
Bên cạnh đó, việc khai thác di tích lịch sử - văn hóa phục vụ
du lịch phải gắn liền với công tác bảo tồn để giữ gìn giá trị của di tích. Xây
dựng các tuyến điểm du lịch trên cơ sở các di tích lịch sử - văn hóa với các loại
hình du lịch như: Tâm linh, du lịch văn hóa, tham quan di tích lịch sử - văn
hóa nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, làm tăng sự hấp dẫn đối với khách du
lịch. Ngoài ra, cần tăng cường công tác tiếp thị, quảng bá bằng nhiều hình thức
đến các thị trường du lịch; tham quan các hội chợ, hội thảo, các triển lãm
trong và ngoài nước để giới thiệu quảng bá hình ảnh du lịch Cần Thơ với hệ thống
giá trị di tích lịch sử - văn hóa đặc sắc và nổi bật. Đặc biệt chú trọng quan
tâm việc đào tạo con người làm du lịch.
2.5.2 Định hướng đầu tư
Cần Thơ định hướng đầu tư, trùng tu tôn tạo có trọng điểm, tập
trung vào từng điểm và cụm di tích lịch sử - văn hóa, những điểm di tích có lợi
thế nổi bật về tiềm năng nhằm phát triển du lịch trước mắt cũng như lâu dài.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du
lịch.
2.5.3 Định hướng đối với cộng đồng
Đối với cộng đồng, Cần Thơ xây dựng ban hành các quy chế
khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, cư dân vào hoạt động du lịch, góp phần
tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống từ đó nâng cao ý thức
trách nhiệm bảo vệ di tích, bảo vệ cảnh quan môi trường và trật tự xã hội. Đồng
thời, Cần Thơ cũng chủ trương tăng cường phối hợp với cộng đồng địa phương
trong công tác khoanh vùng bảo vệ di tích. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thông
tin tuyên truyền về những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của các di
tích, nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc quản lý, sử dụng và khai
thác di tích.
3. Kết luận
Trong những năm qua, việc khai thác và phát huy các giá trị
của di tích lịch sử văn hóa ở Cần Thơ đã thu được nhiều kết quả nhất định, giúp
cho ngành du lịch của thành phố ngày càng phát triển. Tuy nhiên, hiệu quả mang
lại chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của hệ thống di tích lịch
sử - văn hóa đa dạng và đặc sắc của Cần Thơ. Vấn đề khai thác và đưa các giá trị
di tích lịch sử - văn hóa vào phát triển du lịch của Cần Thơ cần phải được chú
trọng và đẩy mạnh hơn nữa, đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài, bền vững của
ngành du lịch Cần Thơ, đồng thời phải hướng đến sự phát triển bền vững trong hoạt
động khai thác tài nguyên để ngành du lịch là thế mạnh của thành phố Cần Thơ./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Hồ Chí Minh: Về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh xuất bản,
Hà Nội, 1997, tr.20.
2. Dương Văn Sáu (2013), “Phát triển sản phẩm du lịch trên nền
tảng các di sản văn hóa: Công cụ hữu hiệu để quảng bá Văn hóa Việt Nam”, in
trong Vấn đề phát triển văn hóa (qua văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 11), NXB Văn
hóa Thông tin 2013.
3. Luật Du lịch năm 2017 và văn bản hướng dẫn thi hành.
4. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm
nhìn đến năm 2030.
5. Đề án xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù
thành phố Cần Thơ giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2030.
6. http://cinet.gov.vn www.dulichhe.com/tindulich.
SaigonTourist: Phát triển du lịch văn hóa theo hướng bền vững