Hiện nay, khái niệm “du lịch cộng sinh” (symbiotic tourism) còn khá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng đã là một thuật ngữ quen thuộc trong giới học thuật quốc tế, và trên thực tế, sự phát triển cộng sinh giữa du lịch và các thành tố liên quan đã diễn ra từ lâu.
Du lịch Vườn quốc gia Tràm Chim
Hài hòa và bổ trợ
Du lịch cộng sinh là hình thức du lịch trong đó sự phát triển và lợi ích của các bên liên quan (du khách, cộng đồng địa phương, môi trường tự nhiên và các doanh nghiệp du lịch) có sự cân bằng, hài hòa và bổ trợ cho nhau. Tính cộng sinh thể hiện qua việc du khách, các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương cùng hưởng lợi từ các hoạt động khai thác du lịch, từ đó khuyến khích họ chung tay bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc thù.
Các nguyên lý cốt lõi của du lịch cộng sinh là, thứ nhất, tôn trọng bản sắc văn hóa cộng đồng, bảo tồn tài nguyên văn hóa của địa phương; việc phát huy, phát triển du lịch không làm biến dạng hay thương mại hóa quá mức các giá trị văn hóa truyền thống. Thứ hai, cộng đồng địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động du lịch thông qua việc cung cấp dịch vụ hoặc tham gia vào chuỗi giá trị du lịch. Thứ ba, các hoạt động du lịch không những không ảnh hưởng đến môi trường mà còn góp phần vào việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực đến tài nguyên thiên nhiên. Thứ tư, du khách không chỉ tham quan, trải nghiệm văn hóa, mà còn tích cực tham gia vào các hoạt động văn hóa của cộng đồng, qua đó thấu hiểu sâu sắc hơn về văn hóa địa phương.
Với nội hàm và nguyên lý như vậy, có thể thấy, du lịch cộng sinh hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc cũng như của Việt Nam hiện nay. Đồng thời, đây cũng là lời giải cho bài toán bấy lâu nay vẫn diễn ra trong thực tiễn Việt Nam, khi ở đâu đó bên văn hóa “than vãn” về việc ngành Du lịch được hưởng lợi rất nhiều từ di sản văn hóa, nhưng không có trách nhiệm, nghĩa vụ trong công tác bảo tồn, tôn tạo di sản, thậm chí là “cưỡi lên lưng” di sản, “bóc lột” di sản. Còn các cộng đồng sở hữu di sản thì phàn nàn về việc không được chia sẻ quyền lợi từ các hoạt động khai thác, phát triển du lịch ngay trên quê hương của họ.
Du lịch cộng sinh có khá nhiều hình thức đa dạng, nhưng về cơ bản có thể quy về một số mô hình chính như sau: Du lịch sinh thái thiên về trải nghiệm và khám phá thiên nhiên, hướng tới nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, như các hoạt động du lịch đang diễn ra tại Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình); Khu du lịch sinh thái Tràm Chim (Đồng Tháp); Khu du lịch sinh thái Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh); Khu du lịch sinh thái Pù Luông (Thanh Hóa)... Du lịch cộng đồng là hình thức sinh hoạt và trải nghiệm cuộc sống cùng người dân địa phương, lưu trú tại các homestay, trải nghiệm các phong tục, tập quán, tham gia vào các hoạt động văn hóa cộng đồng, như tại bản Cát Cát, bản Hồ (Sa Pa, Lào Cai), bản Lác, bản Pom Coọng (Mai Châu, Hòa Bình), làng Thái Hải (Thái Nguyên), làng Kon K’tu (Kon Tum)... Du lịch văn hóa thiên về khám phá các di tích lịch sử - văn hóa, thưởng thức các di sản văn hóa phi vật thể, trải nghiệm các hoạt động, sự kiện văn hóa như tại Quần thể di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Hoàng thành Thăng Long, tham gia các lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ), Chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), Kate (Ninh Thuận)...
Du lịch nông nghiệp là hình thức trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi và sản xuất thực phẩm tại các trang trại ở Đà Lạt, Vườn trái cây Cái Mơn (Chợ Lách, Bến Tre), Làng rau Trà Quế (Hội An, Quảng Nam), Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), Trang trại bò sữa Long Thành (Đồng Nai)... Du lịch làng nghề truyền thống là mô hình khám phá các làng nghề thủ công mỹ nghệ, tham gia vào quy trình sản xuất sản phẩm, như ở làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội), làng gốm Thanh Hà (Quảng Nam), làng đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng), làng dệt thổ cẩm Châu Giang (An Giang), v.v...
Có thể thấy, trong tất cả các hình thức du lịch nêu trên đều có mối quan hệ cộng sinh gắn bó giữa các yếu tố văn hóa, con người và tự nhiên. Nền tảng văn hóa khiến con người ứng xử có văn hóa với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, chia sẻ lợi ích kinh tế và các giá trị, chuẩn mực văn hóa. Đặc biệt, bản sắc văn hóa là yếu tố cốt lõi tạo nên sức hút, sự hấp dẫn cho từng điểm đến. Việt Nam là đất nước đa tộc người, đa văn hóa, đa tôn giáo, tín ngưỡng với 54 dân tộc anh em, nên sở hữu một nguồn tài nguyên nhân văn to lớn có thể khai thác, phục vụ phát triển du lịch.
Đại nội Huế. Ảnh: S.Thùy
Hình mẫu của du lịch cộng sinh
Việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và phát triển du lịch có mối quan hệ cộng sinh mật thiết, thể hiện ở chỗ hai yếu tố này luôn hỗ trợ cho nhau và có thể cùng nhau phát triển. Chẳng hạn, du lịch cộng đồng ở bản Cát Cát (Sa Pa, Lào Cai) giúp du khách không chỉ được tham quan các cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn được tham gia vào các hoạt động như làm nông, thử nghiệm nghề thủ công (dệt vải, thêu thùa, làm đồ trang sức...), tìm hiểu văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật trình diễn của dân tộc Mông. Còn người dân địa phương thì được tham gia trực tiếp vào việc đón tiếp, hướng dẫn khách, bán các sản phẩm thủ công, các sản vật của địa phương, tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập bền vững.
Hay mô hình du lịch cộng đồng tại Mù Cang Chải (Yên Bái) giúp du khách thưởng thức cảnh đẹp của các thửa ruộng bậc thang và nét văn hóa đặc sắc của các tộc người Mông, Dao, Tày, lễ hội truyền thống, sản phẩm nông sản, trải nghiệm làng nghề (dệt vải thổ cẩm, làm nông, chế biến thực phẩm…). Hoạt động du lịch mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng, giúp họ có thu nhập ổn định và khuyến khích họ giữ gìn, trao truyền các tri thức gắn với canh tác ruộng bậc thang và các giá trị bản sắc văn hóa tộc người.
Thông qua du lịch làng nghề, du khách có thể tham quan các làng nghề truyền thống ở Hội An như làng gốm Thanh Hà, làng dệt chiếu Nam Diêu, làng đúc đồng Phước Kiều, tìm hiểu quy trình sản xuất thủ công và tham gia trực tiếp vào các hoạt động làm nghề, từ đó tạo ra trải nghiệm thú vị và gắn kết với cộng đồng. Các cư dân địa phương vừa là người hướng dẫn, vừa tham gia vào các hoạt động dịch vụ du lịch. Sự phát triển cộng sinh này không chỉ bảo tồn được nghề truyền thống mà còn giúp nâng cao giá trị văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của Hội An.
Ở làng nghề gốm Bát Tràng, du khách có thể không chỉ tham quan các xưởng gốm, tìm hiểu quy trình sản xuất gốm, mà còn có thể tự tay làm ra những sản phẩm gốm đơn giản như cốc, chén, đĩa với sự hướng dẫn của nghệ nhân địa phương. Họ cũng có thể mua các sản phẩm gốm sứ để làm quà lưu niệm. Sự cộng sinh như vậy vừa giúp bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, đồng thời tạo nguồn thu nhập cho người dân, thúc đẩy các nghệ nhân tiếp tục sản xuất, sáng tạo và truyền nghề cho thế hệ trẻ.
Một ví dụ thành công về du lịch nông nghiệp là làng bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh). Du khách không chỉ được tham quan vườn bưởi, mà còn được tham gia vào các hoạt động như thu hoạch bưởi, học cách chăm sóc cây, tìm hiểu quy trình trồng trọt và chế biến các sản phẩm sạch từ bưởi. Du khách cũng có thể thưởng thức các món ăn chế biến từ bưởi và các sản phẩm đặc sản của địa phương. Sự cộng sinh này giúp nâng cao giá trị sản phẩm bưởi, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân, đồng thời giáo dục về bảo vệ môi trường thông qua việc tìm hiểu về nông nghiệp sạch và các sản phẩm nông sản đặc trưng của vùng.
Thông qua tour du lịch nông nghiệp tại Cù Lao Lợi (Tiền Giang), du khách có thể tham quan các vườn trái cây sầu riêng, xoài, nhãn, vú sữa…, tham gia vào hoạt động thu hoạch, trải nghiệm cuộc sống nông dân, đi thuyền dọc các con kênh và thưởng thức đặc sản tại chỗ. Họ cũng có thể tham gia vào các lớp học nấu ăn, chế biến món ăn từ trái cây, hoặc tìm hiểu về các kỹ thuật canh tác đặc trưng của nông dân miền Tây. Mô hình du lịch nông nghiệp này đã giúp nông dân Cù Lao Lợi tăng thu nhập từ việc đón khách tham quan và bán sản phẩm nông sản trực tiếp. Trong khi đó, du khách cũng có thêm những trải nghiệm thú vị, gần gũi với thiên nhiên.
Du lịch tại phố cổ Đồng Văn (Hà Giang) cũng là một hình mẫu cho du lịch cộng sinh. Du khách không chỉ được tham quan các kiến trúc nhà cổ bằng đá, tìm hiểu văn hóa các tộc người Mông, Tày, Dao, mà còn được đến thăm các chợ phiên vùng cao, khám phá ẩm thực và các hoạt động văn hóa như múa khèn, nấu rượu ngô… Nhờ có du lịch mà người dân có ý thức giữ gìn các ngôi nhà cổ, bảo tồn và tu bổ để trở thành những điểm thu hút du khách. Du lịch cũng giúp nâng cao ý thức của họ trong việc bảo vệ môi trường, cảnh quan.
Hiện thực hóa “kỷ nguyên vươn mình” của Việt Nam
Các mô hình trên đây cho thấy khi du lịch phát triển thì văn hóa địa phương được duy trì và quảng bá rộng rãi hơn. Ngược lại, bản sắc văn hóa là yếu tố quan trọng giúp du lịch Việt Nam tạo dấu ấn và phát triển bền vững. Sự phát triển của du lịch cộng sinh hiện nay là rất phù hợp với định hướng hiện thực hóa “kỷ nguyên vươn mình” của Việt Nam.
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình là nhằm đạt được một sự bứt phá tăng tốc trong phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế, đưa đất nước và con người Việt Nam phát triển lên một tầm vóc, chất lượng, trình độ mới. Trong quá trình đó, sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên sẽ là yếu tố quan trọng để Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu vươn mình trong tương lai.
Trên phương diện kinh tế, du lịch cộng sinh sẽ góp phần thúc đẩy du lịch xanh, du lịch thông minh, đảm bảo một sự phát triển kinh tế bền vững, đổi mới, sáng tạo. Trên phương diện văn hóa - xã hội, du lịch cộng sinh góp phần thúc đẩy xây dựng thương hiệu quốc gia, biến bản sắc văn hóa thành yếu tố cốt lõi để quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới. Du lịch cộng sinh cũng góp phần khai thác các giá trị kinh tế của văn hóa, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa; giúp phát triển cộng đồng, giảm bớt sự bất bình đẳng, khuyến khích sự tham gia của phụ nữ và các nhóm yếu thế vào hoạt động du lịch, đảm bảo an sinh xã hội, từ đó hướng tới một xã hội công bằng và thịnh vượng. Du lịch cộng sinh cũng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển tư duy và năng lực khai thác du lịch của người dân, cải thiện trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ thuật số, dịch vụ số, tạo môi trường thuận lợi cho thế hệ trẻ phát triển và thúc đẩy khởi nghiệp. Du lịch cộng sinh cũng luôn chú trọng đến bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của du lịch đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần vào sự phát triển của nông nghiệp sạch, công nghiệp xanh và phát triển bền vững.
Du lịch Việt Nam hiện nay đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ với mục tiêu trở thành điểm đến hàng đầu khu vực và thế giới, trong đó du lịch cộng sinh chứng tỏ là một chiến lược phù hợp với xu hướng phát triển bền vững toàn cầu, lấy cộng đồng làm trung tâm và xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia.
Với tất cả những tiềm năng, thế mạnh của nguồn vốn văn hóa dân tộc và sự thành công của những mô hình đã có, du lịch cộng sinh rất cần được khuyến khích và tạo điều kiện để ngày càng lan tỏa và phát triển rộng rãi. Để làm được điều đó, cần có sự chung tay góp sức của tất cả các bên liên quan: Nhà nước, các doanh nghiệp khai thác du lịch, du khách và quan trọng hơn cả là các cộng đồng địa phương.
GS.TS Từ Thị Loan, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam
Báo Văn hóa - baovanhoa.vn - Đăng ngày 30/01/2025