Du khách trải nghiệm tại đồi chè Trái tim - Mộc Châu. Ảnh:
PYS Travel
Kinh nghiệm phát triển du lịch nông nghiệp ở Mộc Châu - Sơn
La
Mộc Châu là huyện miền núi, cao nguyên và biên giới, nằm ở
hướng Đông Nam của tỉnh Sơn La, cách Hà Nội 180 km về hướng Tây Bắc. Sau khi điều
chỉnh địa giới hành chính huyện Mộc Châu chia tách thành 2 huyện gồm Mộc Châu
và Vân Hồ. Huyện Mộc Châu có diện tích tự nhiên là 1.081,66 km2, chiếm 7,49% diện
tích của tỉnh Sơn La. Cao nguyên Mộc Châu với địa hình tương đối bằng phẳng,
độ cao trung bình khoảng 1.050 m so với mặt nước biển, diện tích rộng, đất đai
màu mỡ, khí hậu cao nguyên ôn hòa, mát mẻ quanh năm.
Hệ sinh thái đa dạng, vùng thảo nguyên cảnh quan đẹp (đồng
cỏ, vườn hoa), với nhiều điểm danh thắng, như: Ngũ Động bản Ôn, thác Dải Yếm,
đỉnh Pha Luông, khu hồ sinh thái rừng thông bản Áng, đồi chè, vườn đào, vườn mận,
trang trại chăn nuôi bò sữa... Phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa các dân tộc
đa dạng và đặc sắc.
Hàng năm địa phương đều tổ chức các lễ hội truyền thống của
người Mông, nét văn hóa người Mường và nếp sống của đồng bào Thái rất hấp dẫn
du khách. Đặc biệt là ngày Hội văn hóa các dân tộc được tổ chức từ ngày
30/8 đến ngày 02/9, lễ hội Hết Chá, Cầu Mưa được tổ chức vào tháng 3; ngày hội
hái quả tổ chức vào tháng 5...
Với cảnh quan thiên nhiên phong phú, môi trường trong lành,
khí hậu mát mẻ cùng những món ăn dân tộc đặc sắc, Mộc Châu nói riêng và Sơn La
nói chung là một trong những điểm du lịch được yêu thích nhất khu vực Tây Bắc.
Tận dụng lợi thế này, những năm gần đây, du lịch Sơn La đã
phát triển du lịch cộng đồng, qua đó góp phần bảo vệ môi trường cảnh quan, đa dạng
loại hình dịch vụ, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Tận dụng lợi thế này, huyện Mộc Châu đã đẩy mạnh phát
triển du lịch cộng đồng, qua đó góp phần bảo vệ môi trường cảnh quan, đa dạng
loại hình dịch vụ, đồng thời nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc trong
vùng.
Phát huy lợi thế từ các sườn đồi và thung lũng bằng phẳng, đồng
bào đã lập nên nhiều trang trại bò sữa, nhà vườn, cánh đồng hoa tam giác mạch,
hoa cải, vườn chè… Ngoài ra, nhiều hộ còn xây mới, sửa chữa, tận dụng những
ngôi nhà truyền thống để làm nhà nghỉ cộng đồng hoặc mở nhà hàng, làm các món
ăn địa phương phục vụ khách tham quan. Đến nay, Mộc Châu đã có 144 cơ sở lưu
trú, chủ yếu là khách sạn, nhà nghỉ, nhà nghỉ cộng đồng gồm 1.342 phòng, 2.739
giường.
Du khách đến với Mộc Châu được trải nghiệm cùng đồng bào hái
quả, trồng rau sạch, quan sát quy trình chế biến các sản phẩm từ sữa bò,
hòa mình vào những điệu xòe Thái, những điệu dân ca cổ, ngủ nhà sàn truyền thống,
nằm đệm bông gạo, thưởng thức đặc sản núi rừng như: thịt trâu gác bếp, cá suối
nướng, bê chao, xôi ngũ sắc, rau rừng… và không thể quên hương nồng của rượu
ngô men lá.
Đặc biệt, các hộ làm du lịch cộng đồng được tạo điều kiện
tham gia các khóa tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng du lịch. Để tăng thêm thu nhập,
đồng bào còn duy trì và phát triển nghề dệt truyền thống với nhiều sản phẩm hấp
dẫn như: khăn piêu, áo thổ cẩm, túi xách, rèm cửa, khăn tay…
Trong thời gian tới, Mộc Châu sẽ được quy hoạch trở thành khu vực động lực
phát triển du lịch của tỉnh Sơn La và của vùng du lịch Trung du miền núi Bắc Bộ
với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có thương hiệu và sức cạnh
tranh cao gắn với cảnh quan tự nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc
Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2020, Khu Du lịch quốc gia Mộc Châu sẽ hình thành 3
trung tâm du lịch trọng điểm gồm: Trung tâm nghỉ dưỡng Mộc Châu, trung tâm du lịch
sinh thái Mộc Châu và trung tâm vui chơi giải trí Mộc Châu; hình thành các bản
du lịch cộng đồng bao gồm: Bản Áng (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu), bản Vặt (xã
Mường Sang, huyện Mộc Châu), bản Tà Phình (xã Tân Lập, huyện Mộc Châu), bản Mường
Khoa (xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ)…
Cùng với đó là thu hút đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch
quan trọng như: khu du lịch rừng thông Bản Áng; khu du lịch thác
Dải Yếm; trung tâm thương mại cửa khẩu Lóng Sập; khu du lịch Ngũ động Bản
Ôn; khu du lịch sinh thái rừng Pó Cốp; khu du lịch sinh thái rừng đặc dụng Xuân
Nha… Hình thành tuyến du lịch liên quốc gia Mộc Châu - Lào qua cửa khẩu Lóng Sập
và kết nối mở rộng sang các nước ASEAN như: Thái Lan, Myanma…; Phát triển các
tuyến du lịch nội vùng từ Thị trấn Mộc Châu tới các điểm tham quan, điểm di
tích văn hóa - lịch sử trong Khu Du lịch quốc gia Mộc Châu...
Về định hướng, Khu Du lịch quốc gia Mộc Châu sẽ ưu tiên phát
triển thị trường khách du lịch mục tiêu từ các tỉnh vùng đồng bằng Sông Hồng và
vùng Trung du miền núi Bắc Bộ; tập trung phát triển và củng cố thị phần khách từ
các thị trường mục tiêu truyền thống: Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á, Đông Nam Á...
Đồng thời, phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao; chú
trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ lữ hành, lưu trú, ăn uống, vui
chơi giải trí; tập trung phát triển các sản phẩm chính: Du lịch nghỉ dưỡng và
điều dưỡng chữa bệnh; du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp; du lịch tham quan
di tích lịch sử văn hóa, danh thắng; đặc biệt chú trọng hình thức du lịch nghỉ
tại nhà dân (Homestay)...
Để du lịch Mộc Châu phát triển tương xứng với tiềm năng và
trở thành điểm nhấn của du lịch vùng Tây Bắc, ngày 03/5/2017, Thủ tướng Chính
phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg về phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch
chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm
2030.
Theo đó, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu có tổng diện tích tự
nhiên 206.150 ha, nằm trên địa bàn 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ, với định hướng
phát triển thành trung tâm du lịch trọng điểm gồm 3 khu: Trung tâm nghỉ
dưỡng Mộc Châu; Trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu; Trung tâm vui chơi
giải trí Mộc Châu. Mục tiêu đến năm 2020, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đón
trên 1,2 triệu lượt khách, đến năm 2030 đón khoảng 3 triệu lượt khách, trong đó
khách quốc tế đạt khoảng 50.000 lượt; phấn đấu tổng thu từ khách du lịch đạt
khoảng 1.500 tỷ đồng vào năm 2020 và khoảng 6.000 tỷ đồng vào năm 2030.
Thay cho lời kết
Du lịch nông nghiệp là lĩnh vực khá mới ở nước ta, do đó Việt
Nam phải xây dựng tầm nhìn, chiến lược để có lộ trình thực hiện; trên cơ sở biến
động các mặt của thế giới, của Việt Nam để có điều chỉnh phù hợp. Vì nhu cầu của
người dân tham gia du lịch cũng thay đổi nhanh. Từ đó, xây dựng những chính
sách, động lực để tạo ra sự năng động của các mô hình du lịch. Với xu thế ngày
nay, dứt khoát phải là du lịch xanh, du lịch sạch, du lịch có trách nhiệm bảo vệ
môi trường sinh thái.
Hiện cả nước có khá nhiều mô hình phát triển du lịch nông
nghiệp. Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp vẫn còn một số hạn chế, bất cập, như
chưa có tầm nhìn dài hạn, hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều nơi phát triển
mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún; sản phẩm trùng lắp, phần lớn sản phẩm nông
nghiệp mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức
đơn giản, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách, cũng như tăng khả
năng chi tiêu từ khách qua khai thác các dịch vụ bổ trợ; vấn đề tiếp thị, quảng
cáo sản phẩm nông nghiệp chưa được chú trọng; nhiều nông hộ chủ yếu chú ý việc
tạo ra sản phẩm, ít quan tâm đến vấn đề tiếp cận thị trường, cũng như kỹ năng
phục vụ du lịch nông nghiệp; nguồn nhân lực còn thiếu và yếu… Đặc biệt, việc
liên kết phát triển du lịch nông nghiệp giữa các địa phương trong tỉnh và giữa
các tỉnh còn hạn chế.
Từ những kết quả bước đầu và những khó khăn, bất cập, nhiều
chuyên gia cho rằng, để du lịch nông nghiệp phát triển cần phải đánh giá đúng tầm
quan trọng của việc phát triển du lịch nông nghiệp, từ đó có các chính sách
phát triển hợp lý, dài hạn đối với loại hình du lịch này.
Có quy hoạch để phát triển các cơ sở du lịch nông nghiệp bảo
đảm sự đa dạng về loại hình, đồng thời cũng sẽ giúp cho công tác quản lý tốt
hơn. Cùng với đó, xây dựng được mô hình và sản phẩm du lịch đặc thù, gắn với những
tiềm năng, lợi thế tự nhiên, cũng như nét đặc sắc, riêng có về văn hóa, con người
của từng địa phương, từng vùng miền, không để trùng lắp gây nhàm chán; phát huy
vai trò chủ thể của các chủ trang trại, doanh nghiệp, hộ nông dân trong tổ chức
thực hiện mô hình du lịch nông nghiệp; có chính sách xúc tiến, quảng bá du lịch
nông nghiệp hiệu quả; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ
phục vụ du lịch…
Có thể khẳng định, du lịch nông nghiệp là lĩnh vực có tiềm
năng phát triển rất lớn, phù hợp với điều kiện, định hướng phát triển kinh tế của
nhiều địa phương, vùng miền và định hướng phát triển kinh tế của đất nước.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả du lịch gắn với nông nghiệp
bền vững, các cấp, các ngành và địa phương cần sớm xây dựng chiến lược phát triển
du lịch nông nghiệp phù hợp với mô hình “tăng trưởng xanh”, gắn với đặc thù, khả
năng của từng địa phương.
Vấn đề là cần có cơ chế chính sách cụ thể từ phía nhà nước để
khơi dậy sức dân, để phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững
của du lịch Việt Nam. Theo các chuyên gia, việc phát triển du lịch nông nghiệp
là phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá của đông đảo du khách.
Tuy nhiên, muốn du lịch nông nghiệp phát triển cần giữ
nguyên gốc, nguyên sơ, chất phác chân thực của văn hoá bản địa, đó là giá trị cốt
lõi của cộng đồng, không để đánh mất nó.
Phát triển du lịch nông thôn thì phải có trách nhiệm với
chính cộng đồng đó để phát triển kinh tế địa phương, tôn trọng những giá trị bản
địa. Chỉ khi nào người nông dân thực sự được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch
của địa phương, lúc đó du lịch nông nghiệp mới phát triển bền vững, góp phần
tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo./.
TS. Đoàn Mạnh Cương
Văn phòng Quốc hội