Du lịch văn hóa là hình thức du lịch phát triển dựa trên các giá trị văn hóa, đó là việc khai thác các giá trị của di sản văn hóa tạo các thành sản phẩm du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu của du khách, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội và góp phần bảo tồn văn hóa.
Du lịch văn hóa là một trong những hình thức căn bản của du
lịch, là loại hình du lịch khai thác các giá trị văn hóa tạo thành sản phẩm du
lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu của du khách, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho
quốc gia, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa
Việt Nam trong thời hội nhập.
Hơn thế, các giá trị của di sản văn hóa Việt Nam không chỉ tạo
nên sự hấp dẫn, sự khác biệt trong sản phẩm du lịch, mà còn là nguồn lực, là sức
mạnh mềm cho phát triển bền vững và quảng bá thương hiệu quốc gia.
Việc phát triển du lịch văn hóa thành một ngành công nghiệp
văn hóa là phù hợp với tiềm năng, thế mạnh, chiến lược và kiến tạo cho sự phát
triển của các ngành công nghiệp văn hóa khác ở nước ta hiện nay. Bài viết nhằm
diễn giải và bàn luận về phát triển du lịch văn hóa ở Việt Nam thành ngành công
nghiệp văn hóa.
1. Du lịch văn hóa
Du lịch văn hóa là một trong hai hình thức quan trọng nhất của
ngành du lịch, đó là du lịch tự nhiên và du lịch văn hóa. Từ lâu, du lịch văn
hóa đã được nhiều tác giả và tổ chức quan tâm kiến giải.
Du lịch văn hóa là hình thức du lịch phát triển dựa trên các
giá trị văn hóa, đó là việc khai thác các giá trị của di sản văn hóa tạo các
thành sản phẩm du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu của du khách, đồng thời mang lại lợi
ích kinh tế, chính trị, xã hội và góp phần bảo tồn văn hóa.
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) định nghĩa: “Du lịch văn hóa bao gồm hoạt động
của những người với động cơ chủ yếu là nghiên cứu, khám phá về văn hóa như các
chương trình nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật biểu diễn, về các lễ hội và các
sự kiện văn hóa khác nhau, thăm các di tích và đền đài, du lịch nghiên cứu
thiên nhiên, văn hóa hoặc nghệ thuật dân gian và hành hương”[1].
Theo Trần Quốc Vượng: “Du lịch văn hóa là một loại hình chủ
yếu hướng vào việc quy hoạch, lập trình, thiết kế các tour lữ hành tham quan
các công trình văn hóa cổ kim”[3]. Luật Du lịch giải thích: “Du lịch văn hóa là
loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa, góp
phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh những giá trị
văn hóa mới của nhân loại”[4].
Từ góc độ tiếp cận của mình, Dương Văn Sáu cho rằng: “Du lịch
văn hóa ở Việt Nam là loại hình du lịch khai thác có chọn lọc những giá trị các
thành tố của văn hóa Việt Nam thông qua các chương trình du lịch.
Hoạt động này nhằm mục đích bảo tồn và phát huy tốt nhất giá
trị văn hóa của dân tộc thông qua hoạt động du lịch; đem lại lợi ích nhiều mặt
cho cả người kinh doanh, cộng đồng cư dân bản địa và các đối tượng du khách; tạo
sự phát triển bền vững cho du lịch Việt Nam”[5].
Theo Nguyễn Phạm Hùng: “Du lịch văn hóa là hoạt động đa dạng
của du khách rời khỏi nơi cư trú của mình trong một không gian và thời gian nhất
định, nhằm thưởng thức, trải nghiệm, khám phá những điều mới lạ và khác biệt về
văn hóa. Du lịch văn hóa là toàn bộ các dịch vụ du lịch do con người tạo ra,
các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên văn hóa nhằm tạo ra sản phẩm du lịch
mới lạ và khác biệt phục vụ nhu cầu thưởng, trải nghiệm, khám phá của du khách
trong một không gian và thời gian nhất định”[6].
Chùa Phổ Minh ở Nam Định
Như vậy, du lịch văn hóa là loại hình du lịch nhằm thỏa mãn
nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của
du khách như tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội, phong tục tập
quán, tín ngưỡng, tôn giáo, ẩm thực… Nói cách khác, du lịch văn hóa lấy văn hóa
làm đối tượng nghiên cứu để khai thác và biến các giá trị của văn hóa thành sản
phẩm du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu của du khách.
Du khách không chỉ tham quan, tìm hiểu những di sản văn hóa
vật thể và phi vật thể mà họ còn quan tâm đến thái độ ứng xử, cách tổ chức thực
hiện các chương trình du lịch cũng như được học hỏi và trải nghiệm những sinh
hoạt văn hóa cộng đồng của cư dân bản địa. Do đó, việc nhận thức đúng vai trò của
di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong hoạt động kinh doanh du lịch cũng
như quan tâm đến thái độ ứng xử và giao tiếp của chủ thể tham gia hoạt động
kinh doanh du lịch là vô cùng quan trọng.
Thực tiễn cho chúng ta biết rằng, các di sản văn hóa Việt
Nam luôn có sức hấp dẫn với mọi du khách. Những di sản văn hóa vật thể và phi vật
thể được khai thác thành các sản phẩm du lịch văn hóa thường thu hút khách du lịch
trải nghiệm, thưởng thức, khám phá.
Đó là những chương trình du lịch, những dịch vụ du lịch khác
trong kinh doanh khách sạn - nhà hàng... Do đó, chủ thể kinh doanh phải biết ứng
dựng những dụng kiến thức văn hóa và các kỹ năng - nghiệp vụ du lịch vào các hoạt
động kinh doanh du lịch như kinh doanh lữ hành, kinh doanh khách sạn - nhà
hàng, kinh doanh vận chuyển khách du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch khác.
Vì vậy, ngành du lịch ở từng địa phương, từng vùng và quốc
gia phải nghiên cứu, quy hoạch, lập trình, thiết kế những tour lữ hành tham
quan các di sản văn hóa là mục tiêu hướng đến của du lịch văn hóa.
Việc làm này còn góp phần xây dựng thương quốc gia từ du lịch
văn hóa. Du lịch văn hóa được ngành du lịch xác định là loại hình du lịch quan
trọng, có sức hấp dẫn, góp phần phát triển bền vững, là một trong những dòng sản
phẩm thu hút du khách quốc tế tham quan, tìm hiểu đất nước, con người, lịch sử
và văn hóa Việt Nam.
Lễ hội Katê của người Chăm ở Ninh Thuận
Du lịch văn hóa là hình thức du lịch mà các mục đích hướng tới
góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của văn hóa dân tộc. Nó là một trong
những phương thức phát huy tốt nhất những giá trị văn hóa Việt Nam trong quá
trình hội nhập và toàn cầu hóa.
Đây là phương thức bảo tồn di sản văn hóa gắn với sự phát
triển kinh tế - xã hội. Phương pháp bảo tồn này là hình thức, là biện pháp hữu
hiệu đặt văn hóa trong môi trường mà nó được sáng tạo và trao truyền. Hoạt động
này nhằm phát huy tốt nhất các giá trị của di sản văn hóa gắn với mục tiêu phát
triển kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần bảo tồn văn hóa Việt Nam trong hội
nhập và toàn cầu hóa.
Tuy nhiên trong những yếu tố cấu thành di sản văn hóa, có những
giá trị chưa nên khai thác trong phát triển du lịch văn hóa, hoặc nếu khai thác
thì phải thận trọng và có các biện pháp đảm bảo an ninh quốc gia. Chẳng hạn như
những di tích liên quan đến bí mật quân sự và an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó, phát triển du lịch văn hóa ở Việt Nam cần
nghiên cứu, đánh giá tổng thể các giá trị của di sản văn hóa, đồng thời căn cứ
vào nhu cầu của du khách để tạo ra những sản phẩm phù hợp. Phát triển du lịch
văn hóa phải đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp kinh doanh du lịch, cộng đồng địa
phương và quốc gia. Trong đó phải đặc biệt đề cao lợi ích kinh tế của người
dân.
Từ thực tế hoạt động kinh doanh du lịch văn hóa hiện nay, những
chủ thể kinh doanh du lịch văn hóa phải nhận thức rằng, nguồn lực văn hóa là hữu
hạn, cho nên chúng ta vừa khai thác vừa phải bảo vệ và làm giàu để khai thác một
cách bền vững.
Ngoài ra, cần tính sức tải của những điểm tham quan du lịch
văn hóa và đề xuất các giải pháp hạn chế sự mai một vốn văn hóa trong kinh
doanh du lịch văn hóa, tránh những tác động tiêu cực như phá hủy thuần phong mĩ
tục, văn hóa truyền thống, xâm hại di sản và ô nhiễm môi trường.
Nhà hát múa rối Thăng Long, Hà Nội
2. Phát triển du lịch văn hóa thành một ngành công nghiệp
văn hóa
Tổ chức UNESCO định nghĩa: “Các ngành công nghiệp kết hợp sự
sáng tạo, sản xuất và khai thác các nội dung có bản chất phi vật thể và văn
hóa. Các ngành công nghiệp văn hóa bao gồm ngành in ấn, xuất bản, đa phương tiện,
nghe nhìn, ghi âm, điện ảnh, thủ công và thiết kế. Một số nước khác, các ngành
công nghiệp văn hóa bao gồm kiến trúc, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật thị
giác, thể thao, sản xuất nhạc cụ, quảng cáo và du lịch văn hóa”[7].
Dân tộc Việt Nam có nguồn lực văn hóa phong phú, đa dạng, độc
đáo và hấp dẫn du khách. Nó được thể hiện qua di sản văn hóa vật chất và di sản
văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Do đó, Đàng và Nhà nước
ta đã ban hành những chủ trương, chính sách, nghị quyết về phát triển du lịch
nói chung và du lịch văn hóa nói riêng.
Điều này được thể hiện trong Pháp lệnh Du lịch, Luật Du lịch
và Luật Di sản văn hóa. Gần đây, phát triển du lịch văn hóa được Chính phủ xác
định là một trong những ngành công nghiệp văn hóa từ nay đến năm 2030. Phát triển
du lịch thành ngành công nghiệp văn hóa sẽ biến các thành quả sáng tạo văn hóa
Việt Nam thành hàng hóa thỏa mãn nhu cầu văn hóa đa dạng của khách du lịch.
Đó là quá trình sản xuất, phổ biến, tiêu dùng các sản phẩm
du lịch văn hóa và các dịch vụ du lịch văn hóa theo phương thức công nghiệp
hóa. Việc định hướng, phát triển du lịch văn hóa thành một ngành công nghiệp
văn hóa ở nước ta từ nay đến năm 2030 có các ý nghĩa sau:
Một là, phát triển du lịch văn hóa là một ngành công nghiệp
văn hóa không chỉ đóng góp doanh thu lớn cho nền kinh tế, mà nó còn thúc đẩy
phát triển các ngành công nghiệp văn hóa khác như quảng cáo, kiến trúc, phần mềm
và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời
trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và
phát thanh.
Chúng ta không thể phủ nhận, du lịch Việt Nam nói chung, du
lịch văn hóa nói riêng đã có những đóng góp nhất định cho nền kinh tế nước nhà.
Chẳng hạn năm 2018, du lịch Việt Nam đã đón 15,6 triệu khách quốc tế, phục vụ
trên 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt 620 nghìn tỷ đồng [8].
Trên thực tế, du lịch văn hóa phát triển thì các giá trị văn
hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy mang lại giá trị kinh tế cho địa phương
và quốc gia. Điển hình là sự phát triển du lịch văn hóa ở thủ đô Hà Nội, thành
phố Huế, thành phố Hội An, thành phố Hồ Chí Minh. Ví dụ, ở Hà Nội, nhà hát múa
rối Thăng Long là đơn vị nghệ thuật truyền thống duy nhất có thể đứng độc lập
trên thương trường và tự hạch toán kinh doanh. Doanh thu năm 2016, nhà hát đã
thu hút được 410.090 lượt người xem, đem lại doanh thu gần 42 tỷ đồng [9].
Nhà hát có nhiều chương trình, tiết mục múa rối nước đặc sắc,
mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam gốc nông nghiệp lúa nước. Hơn thế, nó là điểm
đến không thể thiếu của bất cứ du khách nước ngoài nào khi tham quan thủ đô Hà
Nội. Đến đây du khách được thưởng thức chương trình múa rối nước đặc sắc và độc
đáo do các nghệ nhân trình diễn.
Qua đây du khách thêm hiểu về đất nước, con người và văn hóa
Việt Nam. Ngoài ra, du lịch văn hóa Hà Nội có nguồn doanh thu lớn từ những điểm
tham quan du lịch văn hóa như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng
Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Mĩ thuật, Bảo tàng dân tộc học Việt Nam…
Một ví dụ điển hình khác là Quần thể Di tích cố đô Huế. Đây
là di sản văn hóa Việt Nam đầu tiên được công nhận là di sản văn hóa vật thể của
thế giới. Vì thế mà điểm tham quan này luôn hấp dẫn với mọi du khách, đồng thời
doanh thu bán vé tham quan đã tăng theo từng năm.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: “Năm 2018 hơn
3,5 triệu lượt khách đến tham quan tại các điểm di tích thuộc Quần
thể Di tích Cố đô Huế. Thu về hơn 381 tỷ từ tiền bán vé, vượt chỉ
tiêu UBND tỉnh đặt ra từ đầu năm hơn 19%.
Trong đó, khách quốc tế đạt 2,272 triệu lượt, tăng 25,61% so với năm
2017, khách trong nước đạt 1,148 triệu lượt, tăng 1,37% so với năm 2017. Năm
2018, kế hoạch vốn được bố trí cho công tác bảo tồn, tu bổ di tích Cố đô Huế là
278,808 tỷ, ngân sách là 262,091 tỷ, tài trợ và xã hội hóa là 16,717 tỷ” [10].
Trên thực tế, những di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO
công nhận, các di tích lịch sử - văn hóa luôn được du khách trong nước và nước
ngoài lựa chọn trong các chương trình du lịch khi đến Việt Nam. Tiêu biểu là Quần
thể di tích Cố đô Huế, Đô thị cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn, Khu di tích Địa đạo
Củ Chi, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, quần thể di tích Lăng và bảo tàng Hồ
Chí Minh, tháp Bà Ponagar, Khu di tích và danh thắng Yên Tử, Khu di tích và
danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc, bảo tàng Chứng tích Chiến tranh… Việt Nam là quốc
gia có nhiều di sản văn hóa được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa của thế giới,
nhiều di tích lịch sử - văn hóa và gần 8.000 lễ hội.
Đây là những tiềm năng lớn tạo thành các sản phẩm cho du lịch
văn hóa của Việt Nam, góp phần xây dựng thương hiệu và định vị trên thị trường
du lịch quốc tế. Từ những ví dụ trên cho chúng ta biết, việc phát triển du lịch
văn hóa tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến các ngành công nghiệp văn hóa
khác do hiệu ứng từ phát triển du lịch văn hóa.
Do tâm lý thích tìm tòi, ngưỡng mộ, mến yêu đất nước, con
người, văn hóa Việt Nam mà du khách sẽ tìm đến các sản phẩm của các ngành công
nghiệp văn hóa khác để thỏa mãn nhu cầu của họ trong các chương trình du lịch
và các dịch vụ du lịch văn hóa. Không những thế, phát triển công nghiệp du lịch
văn hóa được xem như một ngành “xuất khẩu văn hóa Việt Nam” ra nước ngoài và trở
thành một trong những chiến lược phát triển đất nước bền vững như các Nghị quyết
của Đảng đã đề ra.
Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp du lịch văn hóa còn là động
lực cho phát triển kinh tế du lịch Việt Nam. Sản phẩm công nghiệp du lịch văn
hóa Việt Nam là thành quả của sự sáng tạo, kết tinh những giá trị truyền thống
cũng như đương đại về sự đa dạng và đặc sắc của văn hóa dân tộc.
Xây dựng và phát triển công nghiệp du lịch văn hóa cũng thể
hiện sự tìm tòi, sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới vào sản phẩm và các dịch vụ
du lịch. Đó là những kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin trong sáng tạo, quản
lý, điểu hành, thực hiện, quảng bá, tiếp thị các sản phẩm, dịch vụ du lịch văn
hóa đến với mọi du khách một cách sinh động, đa dạng và hấp dẫn.
Hai là, phát triển du lịch văn hóa là một ngành công nghiệp
góp phần phát huy, bảo tồn và làm giàu các giá trị văn hóa dân tộc. Như chúng
ta được biết, Việt Nam là một quốc gia
có lịch sử và văn hóa lâu đời. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, cộng
đồng các dân tộc Việt Nam đã sáng tạo nên các giá trị văn hóa đặc sắc và đa dạng.
Các giá trị văn hóa này được biểu hiện thông qua văn hóa vật
thể và văn hóa phi vật thể. Đặc biệt là nhiều di sản văn hóa Việt Nam đã được
UNESCO vinh danh là di sản văn hóa của thế giới như Kinh thành Huế, Đô thị cổ Hội
An, Thánh địa Mỹ Sơn, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, Nhã nhạc
cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Tín ngưỡng thờ cúng
Hùng Vương, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Dân
ca Bài Chòi, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ...
Điều này khẳng định Việt Nam là một quốc gia có bản sắc văn
hóa riêng góp phần sáng tạo và làm phong phú thêm các giá trị cho văn hóa nhân
loại. Các giá trị văn hóa Việt Nam không chỉ là nền tảng, là mục tiêu, là động
lực cho sự phát triển đất nước trong thời hội nhập, toàn cầu hóa, mà còn là nền
tảng cho du lịch Việt Nam nói chung và du lịch văn hóa nói riêng phát triển bền
vững, góp phần không nhỏ cho việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn
hóa Việt Nam trên toàn cầu.
Theo đó, các giá trị văn hóa Việt Nam vừa được bảo tồn vừa
được phát huy qua con đường du lịch là một quy luật tất yếu và phù hợp với xã hội
đương đại. Phát triển du lịch văn hóa còn là một trong những phương cách làm
giàu và phong phú thêm các giá trị văn hóa mới cho kho tàng di sản văn hóa dân
tộc. Bởi vì trong quá trình tiêu dùng các sản phẩm du lịch văn hóa đã diễn ra sự
trao đổi giữa du khách với nhân viên du lịch và với người dân bản địa.
Đây là quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa trong du lịch.
Sự tiếp biến văn hóa này được phản ánh thông qua các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ
du lịch như dịch vụ lữ hành, dịch vụ lưu trú, dịch vụ vận chuyển khách và các dịch
vụ khác. Sự tiếp biến văn hóa này không chỉ góp phần bảo tồn, quảng bá, lan tỏa
văn hóa Việt Nam qua thị trường du khách nội địa mà nó còn là sự tiếp nhận những
giá trị văn hóa mới của nhân loại qua các thị trường du khách quốc tế.
Đó là sự tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại qua việc học tập,
trao đổi kinh nghiệm trong nghiên cứu, bảo tồn, phát huy và đào tạo nguồn nhân
lực cho phát triển du lịch văn hóa từ những quốc gia có ngành công nghiệp du lịch
văn hóa nổi tiếng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh…
Ba là, phát triển du lịch văn hóa Việt Nam thành một ngành
công nghiệp văn hóa còn thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa phong phú, đa dạng của
người dân. Các sản phẩm của du lịch văn hóa mang tính phổ biến, được sản xuất
hàng loạt như các chương trình/dịch vụ du lịch văn hóa.
Sản phẩm của du lịch văn hóa không phải chỉ dành riêng cho một
đối tượng hay một tầng lớp trong xã hội, mà nó còn là cơ hội cho mọi người dân
được hưởng thụ các sản phẩm công nghiệp văn hóa này. Không những thế, phát triển
du lịch văn hóa Việt Nam thành một ngành công nghiệp văn hóa vừa đáp ứng nhu cầu
hưởng thụ văn hóa của người dân vừa có ý nghĩa phục hưng, nâng tầm cao mới cho
sự phát triển văn hóa dân tộc trong thời kỳ toàn cầu hóa.
Tuy nhiên, khi sản xuất các sản phẩm của công nghiệp du lịch
văn hóa Việt Nam cũng cần quan tâm, tìm hiểu sâu về nhu cầu của người dân thì mới
cung ứng những sản phẩm du lịch phù hợp. Điều này biểu hiện qua các hoạt động
kinh doanh lữ hành, kinh doanh lưu trú và ăn uống, kinh doanh vận chuyển khách
du lịch và các dịch vụ du lịch bổ sung khác của các chủ thể hoạt động kinh
doanh du lịch.
Bốn là, phát triển du lịch văn hóa còn góp phần quảng bá văn
hóa Việt Nam ra thế giới. Có thể nói, ngoài lợi ích kinh tế - xã hội - văn hóa,
thì các sản phẩm của công nghiệp du lịch văn hóa là một trong những hình thức hữu
hiệu để quảng bá văn hóa, con người và đất nước Việt Nam trên phạm vi toàn cầu.
Chẳng hạn văn hóa ẩm thực, tiêu biểu như phở Việt Nam. Đây
là một món ăn đã kết tinh các giá trị văn hóa, con người và đất nước Việt Nam.
Mặt khác, sự phát triển công nghiệp du lịch văn hóa Việt Nam còn ảnh hưởng, lan
tỏa sâu rộng đến đời sống văn hóa thế giới.
Ngành công nghiệp du lịch văn hóa Việt Nam càng phát triển
thì cần đẩy mạnh công tác giới thiệu, thâm nhập các thị trường quốc tế để quảng
bá các sản phẩm du lịch. Sự phát triển công nghiệp du lịch văn hóa, thông qua sự
phổ biến của internet và các phương tiện thông tin đại chúng là cơ hội tiếp xúc
văn hóa dễ dàng và bình đẳng cho mọi người dân.
Mọi người đều được hưởng thụ, nghe nhìn, cảm nhận, hiểu biết
về các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại của dân tộc qua các sản phẩm du
lịch văn hóa. Từ đó, người Việt Nam sẽ hiểu sâu về truyền thống dân tộc mình,
nâng cao ý thức và tự hào tự tôn dân tộc và có đời sống tinh thần phong phú
hơn.
Mặt khác, việc phát triển ngành công nghiệp du lịch văn hóa
thông qua việc sản xuất các chương trình du lịch, các dịch vụ du lịch còn kiến
tạo được làn sóng yêu thích văn hóa Việt Nam ở hải ngoại.
Hiện nay, việc tổ chức các hội chợ triển lãm về thời trang, ẩm
thực, nông sản, điện ảnh, kiến trúc, liên hoan du lịch, tuần lễ văn hóa Việt
Nam tại các nước… cùng với việc tham gia
các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch quốc tế không chỉ đẩy mạnh phát triển
công nghiệp du lịch văn hóa trong và ngoài nước mà còn là công cụ quảng bá hiệu
quả, nhanh chóng, sinh động về văn hóa, con người và đất nước Việt Nam ra thế
giới.
Năm là, phát triển du lịch thành một ngành công nghiệp văn
hóa còn có ý nghĩa về chính trị và ngoại giao văn hóa. Phát triển du lịch văn
hóa thành một ngành công nghiệp văn hóa còn thể hiện sự đa dạng trong chính
sách đối nội và đối ngoại của Nhà nước ta.
Đối với vai trò chính trị đối nội, ngành công nghiệp du lịch
văn hóa phát triển sẽ góp phần xây dựng nền tảng của xã hội tri thức nâng cao mối
quan hệ giữa Chính phủ với người dân, giữa Chính phủ với doanh nghiệp.
Về ý nghĩa đối ngoại, phát triển du lịch văn hóa Việt Nam là
một ngành công nghiệp văn hóa còn là một phương cách thực hiện chiến lược ngoại
giao văn hóa, xây dựng hình ảnh quốc gia, nâng cao vị thế và thương hiệu quốc tế
của Việt Nam. Việc phát triển du lịch văn hóa thành ngành công nghiệp văn hóa sẽ
tạo được sự quan tâm, sự hiểu biết, tạo cơ sở tin tưởng và hợp tác ngoại giao
quốc tế.
Đồng thời phát triển công nghiệp du lịch văn hóa còn thúc đẩy
sự yêu thích các sản văn hóa Việt Nam ở nước ngoài và góp phần nâng tầm hình ảnh
quốc gia. Bởi vì đặc thù của một sản phẩm công nghiệp văn hóa khác với sản phẩm
văn hóa thông thường, nó được sản xuất, lưu thông và tiêu dùng thông qua hệ thống
thông tin, truyền thông điện tử như máy tính, điện thoại thông minh… Nhờ các
phương thức và phương tiện mới như internet mà du khách quốc tế nhanh chóng
trong tìm kiếm, quyết định tiêu dùng các sản phẩm của công nghiệp du lịch văn
hóa Việt Nam.
Kết luận
Nhìn chung lại, du lịch
văn hóa là loại hình du lịch khai thác các giá trị của di sản văn hóa nhằm thỏa
mãn nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa của du khách, mang lại lợi ích kinh tế,
xã hội, chính trị cho địa phương, quốc gia và góp phần bảo tồn, phát huy các
giá trị văn hóa Việt Nam.
Phát triển du lịch văn hóa còn góp phần xây dựng và định vị
thương hiệu du lịch Việt Nam trên thị trường du lịch quốc tế. Việc phát triển
ngành công nghiệp du lịch văn hóa sẽ mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế, chính
trị và văn hóa cho đất nước ta hiện nay cũng như lâu dài thông qua việc kết nối
và thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa khác.
Tuy nhiên, để phát triển du lịch văn hóa thành một ngành
công nghiệp văn hóa từ nay đến năm 2030 theo chủ trương của Chính phủ và các cơ
quan ban ngành từ trung ương đến địa phương thì chúng ta còn nhiều việc cần
làm.
Trước hết, chúng ta cần nhận thức đúng vai trò của nó trong
hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay. Đặc biệt là ngành văn hóa, thể thao và du lịch
phải xây dựng chiến lược, ban hành những cơ chế, chính sách cụ thể, nguồn lực
tài chính, đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển
ngành công nghiệp du lịch văn hóa ở Việt Nam.
Đồng thời nghiên cứu lựa chọn, quy hoạch có trọng tâm, trọng
điểm, hình thành các trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo phát triển công
nghiệp du lịch văn hóa tiêu biểu như thành phố Hà Nội, thành phố Hạ Long, thành
phố Huế, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hội An, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố
Cần Thơ./.
Tài liệu tham khảo
[1]. Trần Thúy Anh (chủ biên), Du lịch văn hóa những vấn đề
lý luận và nghiệp vụ, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2014, tr. 7.
[2]. Nguyễn Văn Bốn, “Văn hóa du lịch Việt Nam”, Tạp chí Văn
hóa nghệ thuật, số 335, Hà Nội, 2012.
[3]. Lê Hồng Lý (chủ biên), Quản lý di sản văn hóa với phát
triển du lịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2010, tr. 24.
[4]. Luật Du lịch, Nxb Lao động, Hà Nội, 2017, tr. 7.
[5]. Dương Văn Sáu, Văn hóa du lịch, Nxb Lao động, Hà Nội,
2017, tr. 41.
[6]. Nguyễn Phạm Hùng, Văn hóa du lịch, Nxb Đại học Quốc gia
Hà Nội, Hà Nội, 2017, tr. 261.
[7]. Đặng Hoài Thu và Phạm Bích Huyền, Các ngành công nghiệp
văn hóa, Nxb Lao động, Hà Nội, 2012, tr. 9.
[8]. Hạ Vân, Năm 2018, Du lịch Việt Nam đạt nhiều thành tựu,
bvhttdl.gov.vn, ngày 15/7/2020.
[9]. Hà Giang, Nhà hát múa rối Thăng Long, sáng tạo là mệnh
lệnh sống còn, kinhtevadubao.vn, ngày 15/8/2020.
[10]. http://hueworldheritage.org.vn , ngày 15/8/2020.
[11]. Đinh Thị Vân Chi, Nhu cầu trong của du khách trong quá
trình du lịch, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004.
[12]. Đổng Ngọc Minh - Vương Đình Lôi (chủ biên), Kinh tế du
lịch và Du lịch học, Nxb Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, 2001.
[13]. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Phê duyệt Chiến lược
phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến
năm 2030, Hà Nội, 2016.
[14]. Phạm Hồng Thái (chủ biên), Sự phát triển của công nghiệp
văn hóa ở Nhật Bản và Hàn Quốc, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015.
Bài viết và hình ảnh: TS. Nguyễn Văn Bốn
Nguồn: Trường Đại học Khánh Hòa