Du khách tham quan, tìm hiểu về quần thể di tích đình Hùng Lô, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì.
Những Nghị quyết tạo bước đột phá
Nghị
quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác
định mục tiêu phát triển du lịch là một trong bốn khâu đột phá phát
triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số
14-NQ/TU ngày 15/7/2016 về phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020. Tiếp
đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 cũng
đã đưa ra những nhiệm vụ cơ bản trong đó có đẩy mạnh phát triển du lịch
theo chiều sâu, chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững, từng bước trở thành
ngành kinh tế mũi nhọn. Đẩy mạnh các chương trình liên kết, hợp tác
phát triển du lịch để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Tập
trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực
phục vụ cho các ngành ưu tiên phát triển của tỉnh với “Đề án Đào tạo
Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2020-2025” trong đó có
ngành du lịch.
Tại buổi đón đoàn khách du lịch Quốc
tế đường sông sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đồng chí
Nguyễn Đắc Thủy - TUV, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chia
sẻ: “Cùng với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Sở Văn hóa- Thể thao
và Du lịch đã giao cho Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch kết nối với
các hãng lữ hành trong và ngoài nước để chủ động thúc đẩy, xúc tiến các
hoạt động du lịch, tiếp tục chỉ đạo các khu, điểm du lịch nâng cao chất
lượng sản phẩm du lịch, đặc biệt là chú trọng nâng cao kỹ năng giao
tiếp, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác phục vụ trực tiếp tại điểm, đáp
ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế”.
Là
một trong những điểm du lịch trọng điểm của tỉnh, để thực hiện tốt khâu
đột phá trong phát triển du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
đáp ứng nhu cầu của du khách, huyện Thanh Thủy đã ban hành Nghị quyết số
08-NQ/HU ngày 16/4/2021 về phát triển du lịch huyện giai đoạn
2021-2025, định hướng đến 2030.
Đồng chí Vũ Đức Kiên
- Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: “Ngay từ đầu nhiệm
kỳ, Thanh Thủy đã chú trọng việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực,
cử cán bộ tham gia lớp đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên
môn nghiệp vụ, phục vụ phát triển du lịch. Phối hợp với Sở Văn hóa - Thể
thao và Du lịch mở lớp tập huấn, đào tạo nghiệp vụ du lịch với các hình
thức đào tạo ngắn hạn, dài hạn. Đồng thời làm tốt công tác hướng
nghiệp, dạy nghề cho học sinh phổ thông. Chuyển dịch cơ cấu lao động
theo hướng tăng tỷ lệ lao động làm việc trong ngành du lịch, thương mại,
dịch vụ”.
Với những nỗ lực thực hiện khâu đột phá,
du lịch Phú Thọ đã định hình rõ nét và đang tiếp tục được đầu tư, nâng
cao chất lượng phục vụ với sản phẩm du lịch đặc thù như: Du lịch văn hoá
- tâm linh gắn với du lịch nghỉ dưỡng - vui chơi, giải trí; du lịch
sinh thái - cộng đồng. Nguồn nhân lực du lịch ngày càng nâng cao về chất
lượng, không chỉ là những người làm công tác chuyên môn, quản lý mà
ngay cả những người tham gia công tác phục vụ tại điểm như: Nghệ nhân
trình diễn Hát Xoan, chủ homestay, cán bộ văn hóa, thuyết minh viên...
tại các địa phương có điểm du lịch cũng đã được tập huấn và trở thành
những nguồn lực dồi dào.
Người dân tại điểm du lịch cộng đồng là nguồn lực dồi dào góp phần quảng bá du lịch Đất Tổ.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Để
nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, trong những năm
qua, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch đặc biệt quan tâm tới công tác đào
tạo và đào tạo lại. Mỗi năm, có hàng trăm lượt cán bộ, nhân viên, lãnh
đạo đơn vị du lịch tham gia các khoá bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch dành
cho cơ sở lưu trú, nhà hàng, lữ hành và vận chuyển khách du lịch; kỹ
năng lãnh đạo doanh nghiệp, báo cáo thống kê…
Trong
đó xác định trọng tâm là xây dựng nguồn nhân lực du lịch đảm bảo cả về
số lượng, chất lượng, có cơ cấu hợp lý, có trình độ, kỹ năng nghề cao,
phù hợp với từng loại hình, sản phẩm du lịch. Tỉnh cũng xác định ưu tiên
phát triển nhân lực tại chỗ, quan tâm đào tạo các kỹ năng cần thiết cho
người dân tham gia làm du lịch cộng đồng, làm du lịch trực tiếp, đặc
biệt là kỹ năng giao tiếp, trình độ ngoại ngữ.
Chín
tháng đầu năm, Phú Thọ đón trên 576.000 lượt khách lưu trú, gần 2 triệu
lượt khách tham quan. Khách quốc tế đến Phú Thọ đạt hơn 6.680 lượt.
Tổng thu từ du lịch đạt hơn 2.100 tỉ đồng.
Đặc
biệt, từ sau khi dịch COVID-19 được đẩy lùi, hoạt động du lịch trở lại
trạng thái bình thường mới, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức
các hội thi, các lớp tập huấn như: Hội thi Tay nghề Du lịch tỉnh, Hội
thi Thuyết minh viên du lịch tại điểm, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng
nghiệp vụ du lịch cho học viên là lực lượng lao động trong lĩnh vực du
lịch tham dự, mở lớp “Truyền dạy và hướng dẫn luyện tập biểu diễn văn
nghệ dân gian phục vụ khách du lịch” và lớp tập huấn “Nghiệp vụ hướng
dẫn viên du lịch tại điểm”. Khóa tập huấn giúp các học viên được nâng
cao nhận thức và cung cấp những kiến thức, kỹ năng về biểu diễn văn nghệ
phục vụ phát triển du lịch cộng đồng; từng bước hoàn thiện kỹ năng,
nghiệp vụ hướng dẫn du lịch hướng tới phát triển loại hình du lịch cộng
đồng đáp ứng các nhu cầu của khách du lịch phù hợp với tình hình thực tế
tại địa phương. Góp phần tăng tỷ lệ lao động trực tiếp trong ngành du
lịch đã qua đào tạo và tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch lên hơn 55%.
Tuy
nhiên, so với nhu cầu và tốc độ phát triển du lịch hiện nay, nguồn nhân
lực du lịch của tỉnh còn nhiều hạn chế như: Chưa bảo đảm về số lượng,
chất lượng, tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên ngành du lịch vẫn còn
thấp, số lượng lao động có chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề còn ít, đa số
chưa được đào tạo cơ bản, chủ yếu mới qua tập huấn và bồi dưỡng ngắn
hạn. Những thuyết minh viên tại điểm du lịch đa phần là người địa phương
rất am hiểu phong tục, văn hóa, tập quán nhưng còn hạn chế về ngoại
ngữ, là một trở ngại lớn trong giao tiếp, quảng bá và giới thiệu sản
phẩm du lịch địa phương, trong khi đây là những yếu tố giúp tăng khả
năng cạnh tranh, thu hút du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng.
Chị
Trần Thị Thanh - Chủ homestay Thanh Biên, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn
mong muốn: “Tỉnh cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ
hướng dẫn viên du lịch bản địa, chú trọng người dân tộc thiểu số và
người trẻ. Bởi người trẻ có khả năng ứng dụng công nghệ để quảng bá du
lịch rất tốt lại năng động, nhanh nhạy. Còn đồng bào dân tộc thiểu số
lại am hiểu phong tục tập quán và nét văn hóa của dân tộc”.
Du
lịch đã và đang là ngành kinh tế góp phần đáng kể vào sự phát triển của
tỉnh, để du lịch “cất cánh” cần có sự đóng góp không nhỏ từ bàn tay,
khối óc của những người trực tiếp làm du lịch. Bởi vậy, đầu tư nâng cao
chất lượng nguồn nhân lực là một hướng đi đúng. Cần nhiều hơn nữa những
đột phá về cơ chế, chính sách để trở thành “chất xúc tác” thu hút,
khuyến khích những người làm du lịch, đào tạo, bồi dưỡng tay nghề, kỹ
năng và trình độ làm du lịch, góp phần thúc đẩy sự gia tăng nguồn nhân
lực có chất lượng chuyên sâu phục vụ cho ngành du lịch tỉnh, để du lịch
Phú Thọ tiếp tục phấn đấu thực hiện mục tiêu từng bước trở thành địa bàn
trọng điểm vùng du lịch Trung du, miền núi phía Bắc và là ngành kinh tế
quan trọng của tỉnh.