Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 26 cơ sở đào tạo, trong đó 13 trường
thuộc khối đại học, học viện; 11 trường khối cao đẳng; 2 trường thuộc
khối trung cấp và 2 viện trực thuộc là Viện Văn hóa-Nghệ thuật quốc gia
và Viện Khoa học thể dục thể thao Việt Nam. Hiện nay, lĩnh vực văn
hóa-nghệ thuật có 18.581 học sinh, sinh viên; lĩnh vực thể dục-thể thao
có 3.943 học sinh, sinh viên và du lịch có 10.210 học sinh, sinh viên.
Ở thời điểm hiện tại, Bộ đang có 8 cơ sở giáo dục đại học và 6 cơ sở
giáo dục nghề nghiệp được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng
giáo dục. Đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên trình độ cao, mở
những ngành nghề đào tạo mới, ký kết chương trình đào tạo đưa sinh viên
học tập, trao đổi ở nước ngoài và mời giảng viên từ nước ngoài về giảng
dạy, kết nối với các doanh nghiệp, tăng cường hợp tác quốc tế… góp phần
phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du
lịch.
Lấy thực hành làm chính
Bên cạnh
những ngành được quan tâm nhiều như báo chí-truyền thông, luật, ngôn
ngữ, kinh tế, AI, quản lý văn hóa nghệ thuật…, du lịch đang là ngành thu
hút sự quan tâm của học sinh, sinh viên. Trường đại học Văn hóa Hà Nội
là một trong những môi trường có thâm niên đào tạo về du lịch, cung cấp
nhân lực cho ngành văn hóa và các bộ, ngành nói chung. Từ bốn ngành
truyền thống, trường mở rộng lên 21 ngành và chuyên ngành đào tạo bậc
đại học, trong đó có du lịch và quản trị du lịch, đáp ứng nhu cầu của xã
hội. Những năm gần đây, đơn đăng ký xét tuyển vào hai nhóm ngành này
rất đông và điểm đầu vào khá cao.
Chia sẻ về ngành du lịch, PGS,
TS Đinh Công Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Văn hóa Hà Nội cho
biết: Du lịch đang là một trong những ngành thu hút đông học sinh, sinh
viên. Dẫn số liệu thống kê của Cục Du lịch quốc gia, trong 5 ngày nghỉ
lễ 30/4-1/5, cả nước đón 8 triệu lượt du khách, tăng 14,2% so với cùng
kỳ năm trước, trong đó 3,6 triệu lượt khách lưu trú, ông Tuấn cho biết:
Đối với ngành du lịch, nhà trường tập trung khai thác chất liệu về văn
hóa để đào tạo hướng dẫn viên du lịch. Còn ngành quản trị văn hóa, nhà
trường tập trung khai thác yếu tố kinh tế và quản trị đối với các cơ sở,
công ty du lịch.
Môi trường đào tạo, giảng dạy tại Trường đại
học Văn hóa Hà Nội được học sinh, sinh viên rất quan tâm. Nhà trường đầu
tư về trang thiết bị, cơ sở vật chất và đặc biệt đầu tư về đội ngũ
giảng viên. Phần lớn thầy, cô giảng dạy là các chuyên gia đã được đào
tạo bài bản, có kinh nghiệm thực tiễn, tham gia thực tế nghiệp vụ du
lịch từ các đơn vị lữ hành có uy tín. Trường hợp Trưởng khoa Quản trị du
lịch và ngôn ngữ quốc tế Lê Tuấn Anh là một thí dụ.
Thầy Lê
Tuấn Anh có thời gian học tại nước ngoài, làm công việc gắn liền thực
tiễn, là Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch), đồng
thời còn là Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch được nhà trường mời
về phụ trách khoa. Ở một số môn học, nhà trường mời giảng viên nước
ngoài, chuyên gia kinh tế, giám đốc các công ty, doanh nghiệp du lịch
đến trường trao đổi, nói chuyện với sinh viên.
Rút kinh nghiệm
từ những phương pháp đào tạo trước đây, cưỡi ngựa xem hoa, sinh viên tốt
nghiệp phải đào tạo lại, nhà trường đi trước nắm bắt nhu cầu của xã
hội, xác định đào tạo nghề và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên là
hướng đi quan trọng. Nhà trường xây dựng, điều chỉnh giáo trình đào tạo,
đưa những kiến thức thực tiễn vào giảng dạy giúp sinh viên tiếp cận
được thực tiễn.
Thực hiện chủ trương đưa nghề nghiệp vào chương
trình đào tạo ngay từ những năm đầu để sinh viên có cơ hội tiếp xúc nghề
càng sớm càng tốt, Trường đại học Văn hóa Hà Nội phối hợp Công ty TNHH
Dịch vụ du lịch Tam Chúc thực hiện dự án “Vườn ươm tài năng văn hóa du
lịch”.
Ông Đặng Xuân Thanh, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Công ty
TNHH Dịch vụ du lịch Tam Chúc cho biết, trong dự án này, công ty đã
phối hợp với nhà trường xây dựng chương trình đào tạo, nâng số lượng
chuyên đề đào tạo lên 20 chuyên đề; kết nối giữa doanh nghiệp với nhà
trường xây dựng hệ thống thông tin về ngân hàng cơ hội việc làm cho thí
sinh tham gia dự án; tổ chức hội thảo quốc tế trong chuỗi các hoạt động
dự án, thực hiện chương trình về đại sứ văn hóa du lịch tại Tràng An…
Trong
bối cảnh đời sống vật chất và tinh thần, kinh tế đã được nâng cao, du
lịch, tham quan trở nên phổ biến. Nhìn ở góc độ nhân lực du lịch, theo
Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Hà Nội Bùi Tất Hiếu, báo cáo của
Cục Du lịch quốc gia, dự kiến năm 2025 đón 18 triệu khách du lịch quốc
tế, chúng ta cần 5,5 triệu lao động. Năm 2009, Việt Nam cũng đã ký Thỏa
thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề du lịch (MRA-TP), làm cơ sở
cho việc phát triển nguồn nhân lực du lịch ASEAN và tạo thuận lợi cho
dịch chuyển lao động trong khu vực. Có thể hiểu, nhân lực du lịch Việt
Nam có thể sang Thái Lan, Singapore làm việc và ngược lại.
Đây
vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với sinh viên theo học ngành này.
Vì vậy, bên cạnh việc chuẩn bị về kiến thức, chuyên môn, kỹ năng nghiệp
vụ, sinh viên phải nắm vững cả lịch sử văn hóa, địa lý, kiến thức về
quản trị dịch vụ lữ hành, kỹ năng nghề nghiệp như thuyết trình, quản lý
đoàn, kỹ năng lãnh đạo, giải quyết những vấn đề phát sinh, kỹ năng đàm
phán. Trong thời đại chuyển đổi số, sinh viên ngành du lịch cần trang bị
cho mình kiến thức về công nghệ, chuyển đổi số, ngoại ngữ, lòng tự tôn
dân tộc và tình yêu đất nước.
Từ
công tác đào tạo, có thể thấy, các nhà trường đã và đang chú trọng nâng
cao kỹ năng và kiến thức từ thực tiễn cơ sở, giúp sinh viên và học viên
vừa có khả năng nắm bắt chuyên môn cũng như các yêu cầu công việc ngay
sau khi ra trường.
Cần cơ chế thu hút, đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật
Chia
sẻ về giải pháp và cơ chế thu hút, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh
vực nghệ thuật hiện nay, PGS, TS Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng Trường
đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội chia sẻ: Chương trình đào tạo của
Trường đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội không ngừng được đổi mới, cung
cấp cho sinh viên kiến thức, kinh nghiệm để làm nghề, tạo cơ hội cho các
em những kỹ năng sau tốt nghiệp có thể tiếp cận ngay với công việc.
Trường
thường xuyên kết nối, liên hệ chặt chẽ với các nhà tuyển dụng, các nhà
hát, đài truyền hình, công ty truyền thông để sinh viên được tiếp cận
với các nhà tuyển dụng, có cơ hội làm việc thử tại các nhà hát, trường
quay... ngay từ trên ghế nhà trường. Năm nay, trường tuyển sinh chuyên
ngành đạo diễn sản xuất nội dung số. Đây là chuyên ngành có nhu cầu nhân
lực lớn tại các đài truyền hình, công ty truyền thông.
Thúc đẩy
cơ hội việc làm cho sinh viên, nhiều trường và cơ sở đào tạo đã tăng
cường hợp tác đào tạo trong nước và quốc tế, đa dạng hóa lĩnh vực giảng
dạy. Với 70 năm hình thành và phát triển, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt
Nam là cái nôi đào tạo chuyên sâu các ngành nghề âm nhạc, bao gồm các
khoa: Piano, Dây, Thanh nhạc, Kèn, Gõ, Jazz, Lý luận, Sáng tác chỉ huy
và khoa Nhạc cụ truyền thống...
Trong xu thế hội nhập quốc tế,
toàn cầu hóa, sinh viên có nhiều lựa chọn đối với các thể loại sân khấu,
nhiều loại hình âm nhạc du nhập Việt Nam, nhìn nhận về cơ hội việc làm
đối với sinh viên theo học tại học viện, TS, NSND Đỗ Quốc Hưng, Phó Giám
đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cho biết, sinh viên tốt nghiệp
trung cấp và đại học của học viện gần như 100% có việc làm. Họ có thể mở
công ty hay các trường giảng dạy về âm nhạc.
Ngoài ra, Học viện
Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng đang tham gia Đề án theo Quyết định
1341/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cơ hội tốt cho
Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đào tạo tài năng âm nhạc chuyên sâu.
Ngoài học bổng, phí sinh hoạt, học viên được đào tạo chuyên sâu, nâng
cao, có 3 tiết mỗi tuần được làm việc trực tiếp với các nghệ sĩ nhân
dân, nghệ sĩ ưu tú…
Thu hút nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ
thuật, thể thao và du lịch, nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có
chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ, kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu thực
tiễn, Chính phủ đã ban hành nhiều đề án đào tạo nhằm đào tạo, xây dựng
đội ngũ trí thức ngành văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch.
Cụ
thể, Quyết định 1341/QĐ-TTg về đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn
hóa-nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án
1437/QĐ-TTg về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước
ngoài đến năm 2030; Quyết định 233/QĐ-TTg của Đề án Tuyển chọn, đào tạo,
bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm
2035; Quyết định 899/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng
dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Có thể nói,
với nhiều chính sách thu hút người tài, bên cạnh sự vận động tích cực từ
các trường thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong bối cảnh chuyển
đổi số, sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, tận dụng thời điểm vàng, hy
vọng nhân lực khối nghệ thuật, văn hóa, thể thao và du lịch sẽ gia tăng
cả về số lượng và chất lượng trong thời gian tới.