Chi phí cơ bản ban đầu khoảng 30 triệu đồng. Tuy nhiên, sau 2 năm, tôi không dám tính đã bỏ ra bao nhiêu tiền để mua sắm đồ đi cắm trại.
Đầu tư thay vì đi thuê
Thường xuyên có những chuyến dã ngoại 2-3 lần/tháng, thay vì thuê với giá cao lại không đúng như ý muốn, vợ chồng tôi quyết định đầu tư mua sắm đồ dùng cắm trại nhằm đáp ứng sở thích lâu dài.
Ban đầu tôi tính thử chi phí mua đầy đủ các đồ dùng cơ bản khoảng 30 triệu đồng. Tuy nhiên khi đã đủ đồ vợ chồng tôi lại có nhu cầu muốn sưu tập những loại đẹp và tốt hơn. Vì thế, số tiền chúng tôi bỏ ra cho sở thích này đã tăng lên nhiều lần so với lúc đầu, chi phí chủ yếu nằm ở lều trại.
Tôi thấy nhiều người mới đi cắm trại thường đầu tư số tiền lớn để mua một loạt đồ dùng. Ngược lại, vợ chồng tôi mua và sưu tập từng món đồ trong suốt 2 năm qua. Đi cắm trại về thấy thiếu đồ dùng nào trong quá trình sinh hoạt tại lều, tôi mới quyết định mua thêm để không bị thừa.
Đôi khi, vợ chồng tôi lấy những dịp lễ trong năm là cái cớ để mua đồ đi cắm trại làm quà tặng. Như ngày 8/3, chồng tôi tặng một chiếc đệm tự phồng hay 1/6 lại là thùng giữ lạnh...
Nhiều loại đồ dùng dễ dàng tìm mua tại Nhật Bản. Song với chiếc lều được tặng dịp sinh nhật mới đây, chúng tôi phải tìm nửa năm mới có thể sở hữu do hàng đã bị dừng sản xuất. Vì thế tôi phải bỏ ra số tiền cao hơn so với giá gốc khoảng 18 triệu đồng. Đây là lều dạng lodge có không gian sinh hoạt như ở nhà với cửa sổ trong suốt nên ngồi trong vẫn có thể ngắm cảnh bên ngoài.
Có khi một vài vật dụng có giá thành cao, để tiết kiệm vợ chồng tôi tự mua nguyên vật liệu về làm. Chúng tôi chuẩn bị gỗ, đo kích thước và khoan đục trong đêm trước ngày đi dã ngoại để có được chiếc hộp đựng gia vị phù hợp nhất.
Hiện, đồ dùng cắm trại của nhà tôi có thể đủ cho những chuyến đi 4-5 người mà không cần thuê thêm. Đi dã ngoại ở nhiều địa hình và thời tiết, tôi có 5 chiếc lều khác nhau, loại lớn nhất có thể ở được 7-8 người.
Đam mê cắm trại từ sở thích đi xe đạp đường dài
Với sở thích đạp xe đường dài, vợ chồng tôi thường lên kế hoạch những cung đường sẽ đi kết hợp tìm địa điểm cắm trại để nghỉ qua đêm. Với những chuyến đi dưới 200 km, chúng tôi chủ động mang theo đồ cắm trại và dựng lều nghỉ dọc đường khi mệt.
Tại Nhật, xu hướng cắm trại đã có từ lâu song phát triển mạnh khi dịch Covid-19 xuất hiện. Không thể đi du lịch đường dài, mọi người thường tổ chức những chuyến dã ngoại để gần hơn với thiên nhiên sau những ngày giãn cách.
Hệ thống bãi cắm trại của Nhật được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất và nằm ở những vị trí đẹp. Do vậy dù tháng nào cũng lên đường, vợ chồng tôi vẫn chưa trải nghiệm hết.
Chúng tôi thích hạ trại tại những địa điểm có thể ngắm núi Phú Sĩ. Hồi tháng 5, chúng tôi tổ chức chuyến cắm trại tại bãi Koan. Khởi hành từ 20h, đến nơi vợ chống tôi xếp hàng lúc 0h và ngủ trong xe đến 8h sáng hôm sau mới có thể vào được bãi cắm trại. Dù vất vả để chờ đợi song cảnh đẹp khi mở lều ra là núi Phú Sĩ hùng vĩ in bóng hồ trên mặt hồ nước vẫn khiến tôi muốn quay lại đây lần nữa.
Trong kỳ nghỉ cuối năm này, vợ chồng tôi đã đặt chỗ trước 3 tháng để có thể cắm trại 3 ngày tại bãi Fumotoppara. Tại đây, tôi muốn có thể nhìn thấy mặt trời trên đỉnh núi Phú Sĩ trong ngày đầu tiên của năm mới.
Đã có đồ dùng trước mỗi chuyến đi, vợ chồng tôi không phải chuẩn bị nhiều. Sạc pin cho đèn, quạt, máy chiếu, làm mát đá giữ lạnh và sắp xếp quần áo từ tối hôm trước là một số việc cần làm. Sáng hôm sau, chúng tôi xếp đồ vào ôtô và lên đường. Về đồ ăn, tôi không cầu kỳ mà thường mang theo thứ có sẵn trong tủ lạnh hoặc mua đặc sản tại những địa phương sẽ đến.
Cứ như vậy, những ngày cuối tuần, vợ chồng tôi gác lại mọi công việc và lên đường. Những chuyến cắm trại của chúng tôi thường kết hợp đạp xe, leo núi, câu cá, chèo SUP hay rafting…