Quảng Ninh là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là dịch vụ du lịch. Thời gian qua, Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu to lớn; mở rộng không gian phát triển, phát huy những tiềm năng thế mạnh; phát triển kết cấu hạ tầng, mở rộng liên kết giữa các địa phương vùng miền; kinh tế du lịch và kinh tế biển có sự phát triển mạnh mẽ. Những thành tựu đó đã khẳng định vị trí, vai trò của Quảng Ninh là một trong những cực tăng trưởng kinh tế năng động của c
Vịnh Hạ Long. Ảnh: TITC
Quảng Ninh và những con số
Tháng 10/2023, Quảng Ninh kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh (30/10/1963 - 30/10/2023). Trong thời gian qua, Quảng Ninh nổi lên như một điểm sáng về nhiều mặt. Quảng Ninh đã có 10 năm thực hiện đánh giá chỉ số cải cách hành chính và 6 năm đánh giá chỉ số đo lường sự hài lòng.
Với sự coi trọng, cách làm và sự đầu tư bài bản, xứng tầm, thực sự đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, các cấp ủy, chính quyền thường xuyên đối thoại với nhân dân..., Quảng Ninh có 6 năm liên tiếp (2017-2022) giữ vị trí Quán quân Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), 5 năm dẫn đầu Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), 4 năm dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) và 2 năm dẫn đầu vị trí xếp hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
Như vậy, tỉnh Quảng Ninh lần thứ 2 (năm 2020 và năm 2022) chinh phục vị trí dẫn đầu cả nước ở cả 4 chỉ số cải cách hành chính (PCI, PAPI, PAR Index và SIPAS)... Đây đều là những kết quả chưa từng có tiền lệ và quan trọng hơn cả là Quảng Ninh đang đi đúng hướng để xây dựng một nền hành chính đạt các chuẩn mực quốc gia, quốc tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả...
Những năm gần đây, Quảng Ninh phát triển ngoạn mục trên tất cả các lĩnh vực trọng yếu của cuộc sống, trong đó nổi bật là việc địa phương đề ra những chủ trương, chính sách phù hợp nhằm phát huy và khơi nguồn các giá trị văn hóa, con người.
Quảng Ninh là địa phương có nhiều đột phá sáng tạo trong phát triển kinh tế, đưa Quảng Ninh từ một tỉnh nghèo trở thành một trong những tỉnh phát triển đi đầu của cả nước. Tỉnh chủ động, sáng tạo, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách tích cực, bền vững, đúng hướng, vượt qua các khó khăn, thách thức chưa từng có; đưa kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, tạo được những thành tựu bứt phá ấn tượng.
Đặc biệt, kinh tế của Quảng Ninh giữ vững đà tăng trưởng (GRDP) cao, ổn định trên hai con số trong 7 năm liên tiếp (2016-2022), kể cả trong những giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lập nên kỳ tích trong giai đoạn đổi mới. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 đạt gần 270.000 tỷ đồng (chỉ đứng sau Hà Nội, Hải Phòng ở khu vực phía Bắc), ước cả năm 2023 đạt 312.420 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2020. Năm 2022, GRDP của Quảng Ninh tiếp tục đạt 10,28%, thu ngân sách nhà nước đạt hơn 55.000 tỷ đồng, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.
Trong 10 năm liền (2013-2022), Quảng Ninh nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước. Tạo bước đột phá mới về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông chiến lược, dựa chủ yếu vào nguồn lực xã hội, kết hợp với vai trò dẫn dắt bởi nguồn lực nhà nước được đầu tư tập trung, tạo ra lợi thế cạnh tranh mới và nguồn lực, động lực mới.
Liên kết vùng ngày càng chặt chẽ; gắn kết hài hòa giữa phát triển đô thị với nông thôn. Diện mạo, cảnh quan của các vùng miền trong tỉnh thay đổi từng ngày. Chín tháng đầu năm 2023, trong điều kiện khó khăn, thách thức chưa từng có, tuy nhiên tăng trưởng kinh tế GRDP của Quảng Ninh ước đạt 9,94%, là mức tăng trưởng rất cao so với mặt bằng chung cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 40.678 tỷ đồng, cao hơn so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra...
Vịnh Hạ Long. Ảnh: TITC
Con người và hệ giá trị Quảng Ninh
Điều gì đã làm nên một Quảng Ninh nổi bật trong con mắt của các nhà đầu tư, du khách, người dân, người lao động về một “điểm đến” khởi nguồn của “Hội tụ và lan tỏa” trong suốt hành trình thời gian qua?
Trong Hội thảo “Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững” do Tỉnh ủy Quảng Ninh và Tạp chí Cộng sản tổ chức ngày 26/9/2023 tại Khu Di tích đặc biệt quốc gia Yên Tử, nhiều chuyên gia, nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực đã tổng kết và đưa ra nhận định, có lẽ xuất phát từ bốn đặc trưng tiêu biểu của con người, truyền thống văn hóa rất riêng của Quảng Ninh.
Đó là: (1) Chất hào hiệp, hào sảng, chất biển sâu đậm trong máu thịt, tính cách người Quảng Ninh; (2) Chất khoan dung, năng động và sáng tạo trong văn hóa Quảng Ninh; (3) Chất kiên cường, bản lĩnh, cách mạng trong lối sống phẩm chất của các thế hệ công nhân vùng mỏ; (4) Chất trí tuệ, giàu năng lực, phân tích và tư duy thực tiễn, giàu khát vọng vươn lên trong văn hóa chính trị Quảng Ninh hiện đại.
Qua thời gian, có thể khái lược, địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa, địa ngoại giao và địa quân sự mà linh hồn là văn hóa biển - văn hóa rừng - văn hóa mỏ - văn hóa tâm linh - văn hóa đa sắc tộc - văn hóa giữ nước - văn hóa ngoại giao kết tinh và hội tụ đã làm nên một nền văn hóa Quảng Ninh mở, cầu thị, tiếp biến, thích ứng và thống nhất đa sắc thái và độc đáo trở thành cái nôi làm nên tư chất, tầm nhìn, vị thế và sức mạnh con người Quảng Ninh xưa nay luôn mềm dẻo, tinh tế, hài hòa, khảng khái, khoan dung và hòa mục.
Các yếu tố về điều kiện tự nhiên, địa lý, môi trường, hoàn cảnh đã tạo nên khí phách, con người Quảng Ninh. Đó có lẽ cũng là sức mạnh vô hình tạo được tạo nên từ ý thức “Kỷ luật và Đồng tâm” trong thời kỳ đấu tranh, giải phóng vùng mỏ cho đến các giá trị con người Quảng Ninh “Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện” trong thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước sau này.
Đó là những nhân tố làm nên vị thế, lợi thế, sức mạnh Quảng Ninh mà sâu hơn là tiền đề kiến tạo và phát triển văn hóa chính trị, văn hóa dân tộc, trực tiếp là văn hóa kinh tế, văn hóa ngoại giao, văn hóa trong chính văn hóa... xây dựng triết lý phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn Quảng Ninh. Chính những điều này đã tạo nên “hệ giá trị Quảng Ninh”.
Hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh là tổng thể những đặc trưng, thuộc tính, phẩm chất căn cốt nhất, có tính đại diện tiêu biểu của địa phương, tổng hòa trên tất cả các mặt, lĩnh vực, từ thiên nhiên, văn hóa, xã hội, con người đến đặc điểm kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... được hun đúc, định hình từ điều kiện tự nhiên, từ kết quả quá trình lao động, đấu tranh để sinh tồn và phát triển của cộng đồng địa phương trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của vùng đất, có tính bao trùm, được đa số cộng đồng công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ bằng ý thức tự giác.
Hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh là sợi dây nối quá khứ, hiện tại và tương lai, vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính đương đại, phản ánh hơi thở của thời đại, trở thành mục tiêu, động lực, phương châm hành động, để quy tụ lòng người, đoàn kết xã hội, xác định, gắn kết các định hướng lớn cho xây dựng, phát triển bền vững địa phương ở hiện tại và tương lai.
Hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh còn là tổng thể các giá trị, các mối quan hệ giữa các giá trị đó và giữa các mặt cụ thể của chúng. Đó không phải là phép cộng cơ học của từng giá trị, mà có sự gắn kết chặt chẽ, sâu sắc, tương hỗ giữa các giá trị đơn lẻ để cấu tạo nên giá trị mới mang tính hợp trội mà từng giá trị riêng lẻ không thể có được, cùng hướng đích tới mục tiêu phát triển bền vững vì hạnh phúc nhân dân.
Hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh hình thành trên nền tảng các giá trị phổ quát của quốc gia - dân tộc Việt Nam (hệ giá trị quốc gia), gồm: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc, với các giá trị đặc trưng không thể pha lẫn của các yếu tố vùng, miền, khẳng định bản sắc địa phương, là niềm tự hào, tự tôn của cộng đồng. Nó không tách biệt, địa phương chủ nghĩa, mà luôn phát triển trong sự giao hòa với các giá trị chung của quốc gia - dân tộc, góp phần thúc đẩy đa dạng hóa, làm giàu thêm các giá trị chung.
Trên cơ sở nhận thức sâu sắc những yếu tố đặc thù và nằm trong tương quan với các giá trị phổ quát của quốc gia - dân tộc Việt Nam, kế thừa và phát triển những tư tưởng, quan điểm đã nêu ra tại Nghị quyết 11/NQ-TU ngày 09/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đã được thực tiễn phát triển chứng minh; hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh được xác định bao gồm 6 giá trị cấu thành: (1) Thiên nhiên tươi đẹp; (2) Văn hóa đặc sắc; (3) Xã hội văn minh; (4) Hành chính minh bạch; (5) Kinh tế phát triển; (6) Nhân dân hạnh phúc. Cụ thể là:
(1) Thiên nhiên tươi đẹp: Tỉnh Quảng Ninh được ví như là một “Việt Nam thu nhỏ” do cócả biển, đảo, đồng bằng, trung du, đồi núi và biên giới; cảnh trí tươi đẹp, kỳ vĩ, hiền hòa, vô cùng sống động. Quảng Ninh được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh tươi đẹp, nhiều cảnh quan có giá trị toàn cầu, như vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, với hơn hai nghìn hòn đảo, chiếm hơn 2/3 số đảo cả nước, trải dài theo đường ven biển hơn 250km.
Đặc biệt, vịnh Hạ Long - kỳ quan thiên nhiên có một không hai trên thế giới - đã hai lần được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới; Quảng Ninh còn có danh thắng Yên Tử - một trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam... Có thể nói, tạo hóa đã ưu đãi ban tặng cho vùng đất Quảng Ninh nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có một không hai về địa mạo, địa chất, những di sản văn hóa - lịch sử - tâm linh mang trong mình hồn cốt nghìn năm của mảnh đất địa đầu Đông Bắc. Do đó, “thiên nhiên tươi đẹp” được định vị trở thành một giá trị của tỉnh Quảng Ninh. Đây chính là giá trị khác biệt, cơ hội nổi trội không nơi đâu có được, là một tài sản, nguồn lực, động lực phát triển đặc biệt của tỉnh.
(2) Văn hóa đặc sắc: Quảng Ninh là một vùng đất giàu trầm tích và bản sắc văn hóa, nơi có sự giao thoa, hội tụ, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng; văn hóa biển; văn hóa công nhân mỏ; văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc; văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Văn hóa Quảng Ninh là nơi hội tụ, giao thoa của nền văn minh sông Hồng với văn hóa vùng Đông Bắc. Trong suốt chiều dài lịch sử, các thế hệ người dân Quảng Ninh đã quần tụ trên dải đất địa đầu Tổ quốc.
Chủ nhân của vùng đất này, ngoài cư dân tại chỗ, còn có những người làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến từ Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Bắc Giang, Lạng Sơn... rồi định cư, lập nghiệp. Một số định cư, lập làng ở Quảng Yên, Đông Triều gắn với nghề nông, nghề thủ công; một số lại tụ cư ở các vùng ven biển và những hòn đảo ở Vân Đồn, Quan Lạn, Cô Tô... gắn với nghề chài lưới. Theo họ là những phong tục, tập quán, nếp sinh hoạt của cư dân vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Do đó, trong bản chất, văn hóa Quảng Ninh là sự hội tụ hữu cơ của nhiều nét văn hóa khác nhau, là sự giao thoa giữa nền văn minh sông Hồng và văn hóa vùng Đông Bắc, qua thời gian quyện chặt một cách tự nhiên tạo nên tính thống nhất trong đa dạng nền văn hóa đặc trưng của Quảng Ninh. Điều này đã làm nên giá trị đặc sắc văn hoá Quảng Ninh với tính mở, tính sáng tạo, tính kỷ luật, tính khoan hoà và nhân văn sâu sắc.
Trong điều kiện kinh tế thị trường, các giá trị văn hoá tốt đẹp đó tiếp tục được phát huy cao độ, chuyển hoá từ tài nguyên văn hoá thành nguồn lực và động lực cho phát triển không chỉ nâng cao đời sống tinh thần nhân dân, mà còn thúc đẩy hình thành các sản phẩm du lịch đặc sắc, trở thành sức mạnh nội sinh, khát vọng phát triển.
Vịnh Hạ Long nhìn từ khách sạn FLC. Ảnh: TITC
Văn hóa Quảng Ninh còn được kết tinh bản sắc văn hóa dân tộc của 23 dân tộc anh em quần cư trên vùng đất Quảng Ninh, trong đó có 22 dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống thành cộng đồng ở khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa phía đông của tỉnh, trong đó các dân tộc Tày, Dao, Sán Dìu, Sán Chay, Hoa chiếm số đông. Đồng bào thuộc nhiều tộc người, nhiều địa phương, chuyển cư đến sinh cơ lập nghiệp trên vùng đất địa đầu Đông Bắc, đã gắn bó máu thịt với vùng đất đang sinh sống, hun đúc nên lòng yêu nước, yêu quê hương sâu sắc.
Nhiều nhóm từng tộc người thiểu số sinh sống thành cộng đồng hoặc cư trú xen kẽ nhau, định hình nên bản sắc riêng, lưu giữ kho tàng di sản văn hoá được hun đúc, bồi đắp từ ngàn đời, trở thành những tài sản vô giá cần được nâng niu, trân trọng, bảo tồn. Hiện nay, trong các quyết sách phát triển, tỉnh Quảng Ninh luôn có ý thức chuyển hóa thế mạnh về tài nguyên địa hình, khí hậu, tài nguyên nhân văn, bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú riêng có của đồng bào thành nguồn lực phát triển - “biến di sản thành tài sản” - qua đó tạo dựng sinh kế tại chỗ vững chắc cho đồng bào; gắn kết và thu hẹp khoảng cách giữa miền xuôi và miền ngược, khơi thức tâm lý hướng tâm và ý thức về cội nguồn sâu sắc để quy tụ, đoàn kết đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Giá trị dân tộc còn là ý thức tự giác dân tộc, tình yêu quê hương, lòng tự hào, tự tôn, tự tin văn hóa của con người Quảng Ninh, được chuyển hóa thành khát vọng phát triển.
(3) Xã hội văn minh: Văn minh là một trong những thành tố quan trọng của xã hội, biểu thị giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo trên nền tảng trình độ văn hóa đã phát triển ở mức độ nhất định. “Xã hội văn minh” là một trong những mục tiêu được Đảng xác định đầu tiên trong hệ mục tiêu của thời kỳ đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội, là đặc trưng tổng quát của chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Nằm trong mục tiêu và giá trị chung của văn minh ở tầm quốc gia, “xã hội văn minh” của tỉnh Quảng Ninh mang những giá trị phổ quát, đồng thời có những giá trị đặc trưng.
Quảng Ninh là cái nôi của giai cấp công nhân và nền sản xuất công nghiệp hiện đại; là vùng đất phát triển giao thương, thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ biển và dịch vụ, du lịch từ rất sớm, nên sớm hình thành môi trường, nếp sống, tác phong của xã hội văn minh, với việc coi trọng những chuẩn mực ứng xử trong cộng đồng, văn minh công cộng, nếp sống văn hóa, xây dựng đô thị văn minh, kỷ luật và ý thức thượng tôn pháp luật... Do đó, từ trong truyền thống và cuộc sống hiện đại, xã hội văn minh trở thành một giá trị của tỉnh Quảng Ninh, tiếp tục được xây dựng, không chỉ là văn minh xã hội, mà mở rộng ra trên nhiều lĩnh vực: Văn minh chính trị, văn minh kinh tế...
Xây dựng xã hội văn minh ở đây đối lập với những gì lạc hậu, tiếp cận với những tiến bộ của dân tộc về nhân loại trên mọi mặt tổ chức sản xuất, tổ chức xã hội, tiêu dùng, lối sống. Biểu hiện cụ thể của Quảng Ninh chính là nền sản xuất dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, dịch vụ hóa, hiện đại hóa gắn với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; xây dựng xã hội kỷ cương, trọng pháp, kết hợp với giáo dục giá trị đạo đức tốt đẹp cả trong văn minh đô thị, văn minh nông thôn; tiêu dùng thông thái gắn với các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn cho con người và bảo vệ môi trường tự nhiên; lối sống lành mạnh, tình nghĩa, nhân ái, trách nhiệm, thống nhất giữa quyền và nghĩa vụ. Tính văn minh nêu trên đối lập với tính lạc hậu, kém phát triển, phi văn hóa trong đời sống vật chất và tinh thần, tổ chức xã hội và nhân cách cá nhân con người.
(4) Hành chính minh bạch: Xây dựng một nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch là định hướng lớn và tầm nhìn văn hóa sâu sắc của Đảng.
Các giá trị địa phương như văn hóa đặc sắc, xã hội văn minh, kinh tế phát triển, nhân dân hạnh phúc chỉ có thể được thực hiện trong môi trường “hành chính minh bạch”. Nói cách khác, hành chính minh bạch là làm cho chính quyền thật sự của dân, do dân, vì dân, tường minh trước nhân dân để dân giám sát, tạo động lực cho giải phóng các nguồn lực, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế và khi được thực hiện có nền nếp, khi được lặp đi lặp lại lâu dài sẽ trở thành thói quen, định hình ý thức tự giác, mang gia trị thương hiệu địa phương, phong cách văn hóa.
Đây là mục tiêu xuyên suốt của tỉnh Quảng Ninh qua nhiều nhiệm kỳ, là yếu tố mang tính then chốt để Quảng Ninh xây dựng chính quyền địa phương kiến tạo và nâng cao năng lực quản trị địa phương; tạo điều kiện thuận lợi phục vụ người dân và doanh nghiệp; tạo môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư trong và ngoài nước...
Quảng Ninh có 6 năm liên tiếp (2017-2022) giữ vị trí Quán quân Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), 5 năm dẫn đầu Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), 4 năm dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) và 2 năm dẫn đầu vị trí xếp hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
Đây đều là những kết quả chưa từng có tiền lệ và quan trọng hơn cả là Quảng Ninh đang đi đúng hướng để xây dựng một nền hành chính đạt các chuẩn mực quốc gia, quốc tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả... Với quyết tâm chính trị cao và những kết quả xây dựng nền hành chính, cải cách hành chính đạt được, “hành chính minh bạch” thực sự trở thành một giá trị đặc trưng trong hệ giá trị của tỉnh. Đây là một giá trị đương đại, song sự ra đời và hình thành của nó sâu xa vẫn có sự kế thừa, phát triển những nét giá trị, phẩm chất truyền thống của văn hóa, con người Quảng Ninh.
(5) Kinh tế phát triển: Kinh tế phát triển thể hiện ở tốc độ tăng trưởng, quy mô nền kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với các mô hình đổi mới và đột phá, đưa Quảng Ninh từ một tỉnh nghèo trở thành một trong những tỉnh phát triển đi đầu của cả nước. Kinh tế của Quảng Ninh giữ vững đà tăng trưởng (GRDP) cao, ổn định trên hai con số trong 7 năm liên tiếp (2016-2022).
Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 đạt gần 270.000 tỷ đồng (chỉ đứng sau Hà Nội, Hải Phòng ở khu vực phía Bắc), gấp 4,89 lần so với năm 2010. Chín tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế GRDP ước đạt 9,94%, phấn đấu cả năm trên 10%; thu ngân sách nhà nước thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Trong 10 năm liền (2013-2022), Quảng Ninh nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước.
Tạo bước đột phá mới về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông chiến lược, dựa chủ yếu vào nguồn lực xã hội, kết hợp với vai trò dẫn dắt bởi nguồn lực nhà nước. Diện mạo, cảnh quan của các vùng miền trong tỉnh thay đổi từng ngày. Dựa vào kinh tế phát triển toàn diện, Quảng Ninh vươn lên, đã và đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
“Kinh tế phát triển” là một giá trị của tỉnh Quảng Ninh, là yếu tố quan trọng hàng đầu và phải tập trung mọi nguồn lực để thực hiện, bởi chỉ có phát triển lâu dài mới giúp tích lũy và chuẩn bị kịp những tiền đề, điều kiện, nền tảng để duy trì tốc độ tăng trưởng trên 2 con số đến năm 2030, đạt được mục tiêu xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; GRDP bình quân đầu người trên 15.000 USD.
Chỉ có phát triển lâu dài và bền vững mới giúp tích lũy và chuẩn bị kịp những tiền đề, điều kiện, nền tảng để đạt được mục tiêu xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, mới có điều kiện chăm lo hạnh phúc cho nhân dân.
Toàn cảnh thành phố Bãi Cháy. Ảnh: TITC
(6) Nhân dân hạnh phúc: Quảng Ninh lấy con người là trung tâm của phát triển bền vững và mọi sự phát triển đích cuối đều vì hạnh phúc của nhân dân; phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững. Đặt trong quan niệm chung đó, Quảng Ninh định hình “nhân dân hạnh phúc” là một giá trị của tỉnh, mọi sự phấn đấu của tỉnh đều hướng tới hạnh phúc của nhân dân, với mục tiêu phấn đấu nhân dân tỉnh Quảng Ninh ngày càng ấm no, tự do, và hạnh phúc, thể hiện ở cả chỉ số phúc lợi thu nhập và phúc lợi phi thu nhập gắm với các thành tựu phát triển kinh tế và phân bổ thành quả tăng trưởng đầu tư cho phát triển xã hội, phát triển con người, chăm lo cho người yếu thế, phát triển các dịch vụ công cộng, phấn đấu trở tanh là một “vùng đất lành” và hạnh phúc để con người sống, làm việc, nghỉ ngơi, thụ hưởng và phát triển.
Lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, uy tín và kết quả công tác, ở mỗi cương vị bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; xây dựng phong cách làm việc khoa học, dân chủ, nhân văn, chuyên nghiệp, gần Dân, trọng Dân, vì Dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm và đo lường kết quả, hiệu quả.
Như vậy, với các giá trị “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc” là hệ giá trị được định hình dựa trên cơ sở địa phương hóa các giá trị tốt đẹp của quốc gia - dân tộc và nhân loại, tổng hợp hóa và nâng tầm các giá trị riêng lẻ của văn hóa, con người Quảng Ninh, làm thành bản sắc, cốt cách riêng có, trở thành tầm nhìn phát triển địa phương.
Đồng thời, giữa các thành tố của hệ giá trị Quảng Ninh có quan hệ khăng khít, chặt chẽ, tương hỗ, bao quát khá toàn diện trên các lĩnh vực: điều kiện tự nhiên - văn hóa - xã hội - chính trị - kinh tế - con người, trong đó “thiên nhiên tươi đẹp” là điều kiện; “văn hóa đặc sắc” là nền tảng; “xã hội văn minh” là chuẩn mực; “hành chính minh bạch” là môi trường; “kinh tế phát triển” là phương tiện và “nhân dân hạnh phúc” là mục tiêu cuối cùng hướng đến. Đây cũng là nội hàm cốt lõi trong mục tiêu quản trị phát triển bền vững địa phương với mô hình phát triển bền vững dựa trên việc tìm kiếm sự cân bằng giữa ba yếu tố: kinh tế, xã hội và môi trường, gắn với nâng cao năng lực chống chịu, ứng phó trước các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng cực đoan hơn. Với đường lối và chủ trương đúng đắn, cách làm và bước đi phù hợp, Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Những kết quả này khẳng định bản lĩnh chính trị, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần năng động, sáng tạo của Quảng Ninh, đưa Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới đất nước, khẳng định vị trí, vai trò của một cực tăng trưởng năng động của cả nước.
Xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch Quảng Ninh
Điểm đến du lịch đóng vai trò quan trọng và quyết định đến sự phát triển du lịch của một địa phương, một đất nước. Điểm đến du lịch có tính hấp dẫn và có sức thu hút khách du lịch càng cao thì lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến càng lớn. Với lợi thế của mình, Quảng Ninh được xem là các cửa ngõ kết nối liên quốc gia, liên vùng, liên tỉnh.
Cửa ngõ thứ nhất, Quảng Ninh là địa phương duy nhất ở Việt Nam có đường biên giới cả trên bộ lẫn trên biển với Trung Quốc, thị trường đông dân nhất trên thế giới.
Cửa ngõ thứ hai, Quảng Ninh là một cửa ngõ kết nối vùng đồng bằng sông Hồng với vùng trung du miền núi phía Bắc. Cửa ngõ thứ ba, cùng với Hải Phòng, Quảng Ninh là cửa ngõ ra biển cho toàn miền Bắc, đặc biệt đi qua Quảng Ninh là đường ra biển nhanh nhất của hai tỉnh năng động nhất vùng trung du và miền núi phía Bắc hiện nay là Bắc Giang và Lạng Sơn. Cùng với Hà Nội và Hải Phòng, Quảng Ninh được xác định là một cực trong tam giác phát triển vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; trong đó Quảng Ninh tiếp giáp với Hải Phòng, tạo ra một cặp địa phương bổ trợ phát triển lẫn nhau, hình thành một trung tâm biển mạnh của Việt Nam. Như vậy, với vị trí địa chiến lược “có một không hai”, Quảng Ninh là cửa ngõ hội nhập thế giới của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, điểm nút trong Khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt - Trung, là điểm kết nối khu vực qua hợp tác Hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore, hợp tác kinh tế liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, là cầu nối giữa Việt Nam với các nước ASEAN và khu vực Đông Bắc Á.
Từ quá trình xây dựng và phát triển, Quảng Ninh phấn đấu trở thành thành một điểm đến đẳng cấp quốc tế trong chuỗi du lịch của khu vực và thế giới.
Nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế khác biệt của tài nguyên du lịch trong xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm du lịch quốc tế phát triển theo chiều sâu có trọng tâm, trọng điểm; trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ giao thương quốc tế, điểm đến du lịch hàng đầu quốc gia, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, có chất lượng cao, thương hiệu mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc trong tỉnh, có năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế; thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và bảo đảm quốc phòng an ninh việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch.
Hoạt động đón khách tàu biển ở Hạ Long. Ảnh: TITC
Một số khuyến nghị
Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch từ những giá trị văn hóa con người địa phương, Quảng Ninh cần tập trung triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển du lịch Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án xây dựng và phát triển văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo và chênh lệch vùng, miền trong tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Phát triển dịch vụ, du lịch, thương mại đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch - thương mại hiện đại lớn nhất cả nước, thu hút các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế đến để đầu tư kinh doanh. Chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ đẳng cấp cao, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng các trung tâm du lịch, đa dạng các loại hình du lịch, kết nối với các trung tâm du lịch lớn của quốc gia và quốc tế. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ, động lực phát triển kinh tế của cả nước. Phấn đấu để Quảng Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu của khách du lịch quốc tế có khả năng chi tiêu cao khi đến Việt Nam thăm quan, nghỉ dưỡng.
Thứ hai, kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, giá trị văn hóa các dân tộc; vận dụng cơ chế thị trường để chuyển hóa các tài nguyên văn hóa thành nguồn lực văn hóa, “vốn hóa” các giá trị văn hóa địa phương để hình thành nên các sản phẩm văn hóa đa dạng, độc đáo phục vụ du lịch - dịch vụ. Tập trung bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa của tỉnh, trong đó ưu tiên nguồn lực cho các di sản được UNESCO ghi danh, các di tích quốc gia đặc biệt, bảo vật quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể thuộc Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thường xuyên tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia chống xuống cấp, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm văn hóa nghệ thuật cấp vùng; điểm đến hấp dẫn hàng đầu về du lịch di sản văn hóa khu vực châu Á và thế giới được bình chọn hằng năm; thành phố Hạ Long trở thành thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo trên thế giới của UNESCO.
Thứ ba, xây dựng chiến lược phát triển cụ thể về phát triển công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa trở thành một thị trường tiềm năng, hướng tới “xuất khẩu văn hóa” góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Trước mắt, tỉnh tiếp tục khai thác thế mạnh, tiềm năng văn hóa về cảnh quan, giá trị truyền thống, ẩm thực vùng, miền, thúc đẩy ngành du lịch phát triển hơn nữa để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới. Lựa chọn, hoàn thiện các món ăn địa phương, đặc biệt là các sản phẩm OCOP, nâng tầm thành nghệ thuật từ khâu sản xuất đến thưởng thức, kết nối thành điểm đến của khách du lịch và hướng tới xuất khẩu ẩm thực truyền thống vùng, miền. Tỉnh khuyến khích các hoạt động sản xuất, quảng bá các loại hình văn hóa phi vật thể, các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ có giá trị cao, đồ lưu niệm mang thông điệp văn hóa thể hiện đặc trưng riêng có, phục vụ phát triển ngành kinh tế dịch vụ, du lịch của tỉnh.
Thứ tư, Quảng Ninh tập trung đẩy mạnh truyền thông để quảng bá cho văn hóa bằng chiến lược cụ thể. Truyền thông để tuyên truyền mục tiêu xây dựng phát triển văn hóa của Quảng Ninh, thuyết phục nhân dân toàn tỉnh thay đổi nhận thức cùng chung sức, đồng lòng thực hiện các giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa. Dùng truyền thông để quảng bá vùng đất, con người, các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật của Quảng Ninh vươn ra thế giới. Thông qua truyền thông để kêu gọi đầu tư vào bảo tồn, khai thác các dự án văn hóa, giới thiệu các sản phẩm văn hóa của Quảng Ninh ra nước ngoài, thu hút các sự kiện văn hóa, triển lãm của các thương hiệu nổi tiếng thế giới đến tổ chức tại Quảng Ninh. Cùng với đó, đẩy mạnh các loại hình, phương tiện truyền thông để quảng bá cho văn hóa bằng chiến lược cụ thể, dùng truyền thông để quảng bá về vùng đất, con người, các sản phẩm văn hóa của Quảng Ninh vươn ra thế giới đồng thời kêu gọi đầu tư vào bảo tồn và khai thác các dự án văn hóa.
Thứ năm, chú trọng phát triển giáo dục, đào tạo phù hợp với những định hướng, chiến lược phát triển của Quảng Ninh, đáp ứng nhu cầu phát triển thực tiễn xã hội. Có cơ chế ưu đãi, chính sách đặc thù thu hút và trọng dụng nhân tài. Phát triển kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh; khơi thông các điểm nghẽn tăng trưởng, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng cơ sở, tiếp tục đột phá tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá”.
Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ngày càng hiện đại. Ảnh: TITC
Thay cho lời kết
Quảng Ninh là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là dịch vụ du lịch. Thời gian qua, Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu to lớn; mở rộng không gian phát triển, phát huy những tiềm năng thế mạnh; phát triển kết cấu hạ tầng, mở rộng liên kết giữa các địa phương vùng miền; kinh tế du lịch và kinh tế biển có sự phát triển mạnh mẽ. Những thành tựu đó đã khẳng định vị trí, vai trò của Quảng Ninh là một trong những cực tăng trưởng kinh tế năng động của cả nước. Để giữ vững và phát triển hơn nữa, đòi hỏi Quảng Ninh cần tiếp tục phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra đưa địa phương ngày càng phát triển theo xu hướng kinh tế xanh và bền vững trong những năm tiếp theo.
Việc nghiên cứu, xây dựng và phát triển “Hệ giá trị Quảng Ninh” cần giữ vị trí trung tâm trong chỉnh thể xây dựng và phát triển môi trường văn hóa kinh tế, văn hóa chính trị, văn hóa và con người văn hóa, ở mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, gia đình và cộng đồng tại địa phương. Chính điều này sẽ tạo nên sức mạnh nội sinh của con người Quảng Ninh và lan tỏa tới những người đến và yêu mến Quảng Ninh trong hiện tại và tương lai. Quảng Ninh sẽ trở thành “nơi mong đến” của các nhà đầu tư, du khách, người lao động cũng như là “chốn mong về” của những người con đã sinh ra trên mảnh đất này./.
TS. Đoàn Mạnh Cương - Văn phòng Quốc hội
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Tổng cục Du lịch