Một
cây gạo cổ thụ vào mùa hoa tháng 3, một căn nhà cổ treo tranh của các
danh họa hay không gian chưa nhiều người biết đến là Bảo tàng Văn học
Việt Nam… đã tạo nên nét mới lạ, hấp dẫn du khách từ những điều tưởng
chừng quen thuộc.
Đánh thức tiềm năng sẵn có
Hằng
năm, cứ dịp tháng 3 là bao người lại bồi hồi ký ức trước mùa hoa gạo
đỏ. Năm nay, không gian quanh gốc cây gạo cổ thụ trong khuôn viên Bảo
tàng Lịch sử Quốc gia được tô điểm bằng một diện mạo khác nhờ sự xuất
hiện của tour du lịch “Bác Cổ - mùa hoa gạo”.
Vừa đắm mình trong
không gian ký ức làng quê Việt Nam với sự tái hiện mô hình cổng làng,
quán nước, quang gánh, xích đu tre, các trò chơi dân gian… du khách còn
có cơ hội tìm hiểu tòa nhà Bác Cổ, một công trình mang dấu ấn kiến trúc
Đông Dương hòa quyện với nét văn hóa bản địa, xen lẫn sắc hoa đỏ thắm
rực rỡ một góc trời của cây gạo cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Nội
dung chương trình tham quan còn tạo điểm nhấn giới thiệu tinh hoa làng
Việt thông qua những hiện vật trưng bày thuộc kho tàng bảo vật quốc gia,
như: Cây hương đá chùa Tứ Kỳ (thế kỷ 17); cây cầu đá có niên đại Thời
Lê Trung Hưng (thế kỷ 18); trống đồng Ngọc Lũ và chuông Vân Bản (linh
khí, nhạc khí không thể thiếu trong nghi lễ, tôn giáo của người Việt)...
Bên cạnh đó còn là phần gặp gỡ, giao lưu giữa du khách với các
chuyên gia để cùng khám phá lịch sử, kỹ thuật đúc trống đồng của ông cha
ta và trải nghiệm đánh trống, lắng nghe thanh âm linh thiêng trong một
không gian nhuốm màu cổ kính.
Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc
gia Nguyễn Thị Thu Hoan chia sẻ, chương trình tham quan giúp gợi nhớ
cho mỗi người về ký ức quê hương, đồng thời cũng mang đến giá trị khám
phá với thế hệ trẻ, du khách nước ngoài lần đầu tiên trải nghiệm, từ đó
họ có thêm tình yêu, cảm hứng để khám phá các giá trị văn hóa một cách
sâu sắc hơn.
Việc tổ chức tour đêm với điểm nhấn về giá trị của
trống đồng đã tạo hiệu ứng tốt về thẩm mỹ và cảm xúc, đây cũng chính là
nét riêng tạo sức hút cho du khách.
Cùng là tour đêm, một điểm
nhấn du lịch văn hóa khác bước đầu tạo được ấn tượng cho du khách đó là
tour “Chữ Tâm chữ Tài” diễn ra tại Bảo tàng Văn học Việt Nam.
Hoạt
động này góp phần “đánh thức” một bảo tàng hoạt động từ tháng 6/2015
nhưng gần như không mấy ai biết đến. Bảo tàng có diện tích khoảng
3.000m2, trưng bày hơn 3.454 hiện vật tiêu biểu được chọn từ 55.000 hiện
vật, là những di sản quý giá chứa đựng nhiều câu chuyện về các nhà văn,
nhà thơ, tinh hoa của văn chương Việt Nam.
Tour du lịch mang
đến cho du khách nhiều trải nghiệm, như: Tham quan vườn tượng 20 danh
nhân văn học; Gánh chữ Tâm chữ Tài vào cửa “Ngôi đền văn chương Việt
Nam”; Không gian văn học Việt Nam thời kỳ cổ - trung đại; chữ viết lưu
truyền thơ văn như thế nào; Bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên “Nam quốc
sơn hà”; Bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai “Bình Ngô đại cáo”; Không gian
đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều; Bác Hồ và tác giả thơ hay nhất về
Bác; nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và những
câu chuyện lay động lòng người...
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ,
Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam cho biết, đội ngũ vận hành luôn trăn
trở về một con đường mới giúp lan tỏa giá trị văn hóa, văn học đến với
công chúng thay vì chỉ để công chúng ngắm nhìn hàng nghìn hiện vật và
nghe thuyết minh.
Từ nền tảng ban đầu đã kết hợp thành công với
một đơn vị du lịch, bảo tàng sẽ nỗ lực hơn nữa để có thêm nhiều phiên
bản cho tour du lịch văn học với các chủ đề khác nhau, đồng thời phối
hợp các đơn vị kiến tạo nhiều chương trình du lịch chuyên đề, kết nối
với các địa phương là quê hương tác giả nổi tiếng để giá trị văn học
thân thuộc hơn với mọi người, mọi nhà và du khách quốc tế.
Cũng
trong những ngày tháng 3, một mô hình du lịch văn hóa thú vị được thử
nghiệm tại không gian nhà cổ 45 Hàng Bạc, đó là triển lãm dài ngày các
bộ sưu tập tranh chủ yếu thuộc hai giai đoạn: Mỹ thuật Đông Dương và Mỹ
thuật kháng chiến gắn với tên tuổi các họa sĩ nổi tiếng: Tô Ngọc Vân,
Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Tiến Chung, Phan
Kế An, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Huyến, Phan Thông, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn
Văn Thiện…
Bên cạnh đó còn có những tác phẩm đặc sắc của các bậc
thầy hội họa người Pháp từng tham gia sáng lập, giảng dạy tại Trường
cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, như: Victor Tardieu, Joseph Inguimberty…;
hoặc tác phẩm thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng là bức tranh
sơn dầu chủ đề phong cảnh của Vua Hàm Nghi.
Không gian mở cửa
hoàn toàn miễn phí giúp du khách vừa có thể ngắm kiến trúc nhà cổ,
thưởng thức tranh, vừa giao lưu trò chuyện với các nhà sưu tập, nhà
nghiên cứu mỹ thuật, hay thong dong uống cà-phê ngắm phố phường… Ý tưởng
và nội dung chương trình được thực hiện bởi Chi hội Câu lạc bộ Ngọc Hà
thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam với sự vào cuộc của nhiều nhà giám
tuyển, họa sĩ người Việt từ nước ngoài trở về.
Đại
diện chi hội cho biết, sẽ phối hợp các đơn vị du lịch, lữ hành để đưa
địa điểm, sự kiện trở thành điểm đến trong bản đồ du lịch Hà Nội, vừa
góp phần quảng bá tinh hoa văn hóa phố cổ, vừa nối gần khoảng cách giữa
tác phẩm hội họa kinh điển với công chúng. Đơn vị đầu tiên kết nối dự án
này cũng chính là nơi đã tổ chức thành công các tour đêm ở Bảo tàng
Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Văn học Việt Nam.
Sáng tạo, kiên trì là yếu tố cốt lõi
Công
ty Du lịch Bền vững Việt Nam (S.T.I.D) là một trong số những đơn vị
tích cực phối hợp các bảo tàng, không gian văn hóa, di sản tổ chức nhiều
tour du lịch ý nghĩa. Không chỉ giữ vai trò quản lý, Giám đốc Công ty
Phùng Quang Thắng đã tự khảo sát, viết kịch bản cho từng chương trình và
nhấn mạnh vào nét đặc thù để khai thác.
Chia sẻ về du lịch văn
hóa, ông Phùng Quang Thắng nhận định, để thiết kế một sản phẩm du lịch,
về phía các công ty, khó khăn nhất là cần hiểu rõ về nội dung địa điểm,
có kiến thức sâu rộng và phải tìm được nguồn nhân lực đủ đam mê, sẵn
sàng đầu tư thời gian, công sức.
Còn đối với các đơn vị phối hợp
như bảo tàng, không gian văn hóa… cần có thời gian, điều kiện để làm
quen, thích ứng về dịch vụ, về “vòng đời” của sản phẩm du lịch và phải
chịu được áp lực của các đòi hỏi như: sự kiên trì, có gì mới, có gì hấp
dẫn…
Về thuận lợi, theo khảo sát bước đầu, các đơn vị đang triển
khai du lịch văn hóa cho rằng, sự hợp tác thiện chí giữa các bên đã tạo
ra nguồn cảm hứng sáng tạo, đồng hành.
Từ đó, họ có thêm cơ hội
nghiên cứu, trao đổi, học hỏi lẫn nhau, thuận lợi hơn trong việc nâng
cao chất lượng dịch vụ cho du khách. Du khách càng có nhu cầu cao với du
lịch văn hóa càng tạo điều kiện thuận lợi để khai thác các giá trị của
di sản.
Điểm nhấn đặc biệt nhất là đối với thế hệ trẻ và đối
tượng các gia đình, du lịch văn hóa đang trở thành hình thức kết nối,
khám phá học hỏi một cách nhẹ nhàng, thú vị. Sáng tạo, kiên trì là yếu
tố cốt lõi để tạo nên một sản phẩm du lịch văn hóa khác biệt và thành
công.
Trung tuần tháng 4 vừa qua, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ
chức Diễn đàn Du lịch năm 2023 với chủ đề “Phát triển Du lịch văn hóa
Việt Nam”. Tại diễn đàn, Tổng Cục trưởng Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhận
định, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhu cầu du lịch, tạo ra các xu
hướng du lịch mới.
Trong bối cảnh các nước trên thế giới, nhất
là trong khu vực ASEAN đều tập trung những giải pháp ưu tiên phục hồi,
thúc đẩy tăng trưởng trở lại của ngành thì du lịch Việt Nam phải đối mặt
với sự cạnh tranh gay gắt về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch trong
việc thu hút thị trường khách nước ngoài cũng như phát triển du lịch nội
địa...
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), thời
điểm trước dịch Covid-19, du lịch văn hóa đã đóng góp 37% trong du lịch
toàn cầu và dự báo có thể tăng 15% mỗi năm. Việc phát triển du lịch bền
vững gắn liền với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và giá trị văn hóa
là nhiệm vụ vô cùng cấp thiết.
Ngành du lịch đã đưa sản phẩm du
lịch văn hóa trở thành một trong những dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu
được thúc đẩy phát triển trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam
đến năm 2030 cũng như Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam
đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo thông tin từ Tổ chức
Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong số khách du lịch văn hóa
nói chung, khách đến tham quan các viện bảo tàng chiếm khoảng 59%; thăm
các di tích lịch sử, di sản văn hóa chiếm khoảng 56% - cao hơn nhiều đi
dự các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống.
Các chuyên gia
nghiên cứu cho rằng, có thể áp dụng các mô hình đã thành công ở một số
quốc gia để thu hút khách du lịch văn hóa, như: biểu diễn thực cảnh; kể
chuyện về lịch sử, văn hóa của dân tộc, địa phương một cách thú vị; nhìn
nhận và khai thác một cách mới lạ những yếu tố tưởng chừng quen thuộc…
Ở
nước ta, đã có những sản phẩm du lịch kết hợp với phát huy giá trị văn
hóa, như: tour kết nối di sản thế giới các nước ASEAN; hành trình di sản
miền trung; các lễ hội của Việt Nam như Festival nghệ thuật Huế,
Festival biển Nha Trang, Carnavan biển Hạ Long, Festival cồng chiêng Tây
Nguyên, Festival hoa Đà Lạt... và gần đây nét đặc thù trong văn hóa đã
được các doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng thành các sản phẩm
du lịch đặc sắc như chương trình thực cảnh “Ký ức Hội An”, “Tinh hoa
Bắc Bộ”, “Múa rối nước”; các tour du lịch làng nghề cũng là sự lựa chọn
hàng đầu đối với khách quốc tế khi đến với Việt Nam.